- Khi tôi về làm ở báo Văn nghệ, ban Phê bình lý luận chỉ có mình anh Phạm Đình Ân, thoạt đầu thấy ban anh ở tầng hai sau lại cùng tầng ba với ban tôi. Ở tầng nào thì căn phòng đó cũng buồn tẻ, chủ yếu mình anh lúi húi “vào” “ra”, thỉnh thoảng có khách, nhưng khách rồi cũng như chủ, cũng lúi húi tiếng to tiếng nhỏ, phẳng lặng thế nào. Chả khác gì phần việc anh vẫn làm, nó cứ im im bằng bằng, “muôn ngày như một”...
- Cùng báo từng có một cô gái. Gặp ấn tượng ngay vì vẻ xinh đẹp. Để ý, càng xinh đẹp hơn. Suốt thời gian dài cứ thế cứ thế. Bỗng một ngày nhan sắc hoá... bằng không. Cứ như có một nhầm lẫn dối gian nào đó đã xuất hiện cùng đôi mắt dài hẹp hay rướn lên, vành miệng trơ gầy và làn da sát xương lem nhem nâu sạm. Không ít lần tôi phát hoảng với chính mình. “Chặn” một đôi đồng nghiệp lại để chia sẻ. Họ nghe, họ nhìn, rồi bảo: “Vẫn thế thôi mà!” “Vẫn thế thôi mà” là sao? là vẫn long lanh nâu mịn ngọt ngào? hay là..., là như hiện tại tôi đang thấy? Chịu. Sau gọn lỏn họ đã bỏ đi hoặc sang luôn việc khác rồi. Câu hỏi còn nguyên với ngày ngày đối diện.
Thế rồi trên khoang con tàu nhập nhoạng tối đang ầm ầm lao về phía Lào Cai trong chuyến đi Sa Pa của báo đối diện mẹ con tôi là Phạm Đình Ân truyện trò thế nào bỗng... xuất hiện nhan sắc nọ. Và, đồng nghiệp có đúng một thắc mắc như tôi, khác chăng, anh tin luôn vào cái mình thấy chứ không loay hoay ngờ vực ấm ớ...
- Năm 2002 đọc một bài trong chùm thơ in tạp chí Nhà văn của Phạm Đình Ân bất đồ bắt gặp:
cuống cuồng chạy
tan vào đêm đen
lao sâu vào thất vọng.
Ngạc nhiên. Lẽ nào con chó trắng nhỏ thất thần tuyệt vọng đó là của Phạm Đình Ân, ông công chức bé nhỏ bình lặng áo bỏ quá gọn trong quần ngày ngày vẫn lụt cụt đi ngang cửa sổ phòng tôi? Hỏi mượn ít thơ để đọc thì nhận được một xấp mỏng. Đọc Đi dọc miền Trung, Lá trầu cay, Nàng tiên sau vách đất, Gai táo sắc, Xuân tuổi ba mươi. Bỏ luôn chỗ còn lại, dù chả nhiều nhặn gì. Thật khó xem những bài viết theo một lập ý kiểu này là thơ, nói của A cũng được mà của B cũng xong. Những suy nghĩ vốn có toan dãn ra vụt khép lại.- Cũng phải “mở ngoặc” ngay, 2002 mà đọc thơ viết ra từ thập niên 80 thì… cái khó bó cái khôn rồi!
Chả nhiều nhặn gì mấy “vạch đầu dòng” về một con người, lạ là không hiểu sao thỉnh thoảng anh vẫn lảng vảng trong ý nghĩ tôi chứ không trôi tuột đi như rất nhiều đồng nghiệp khác. Một ngày, ngẫu nhiên đối diện một nhà thơ khá nổi tiếng đang diện kiến một nhà văn, nghe họ chào hỏi vồn vã hẹn hò nhau thấy nổi gai khi hình dung một bữa cơm trưa giữa hai người, đãi đằng và những câu chuyện nghe rất quan trọng mà kỳ thực chả đâu vào đâu chả ai trong họ thực sự đặt mình vào, ăn khỏi nói khỏi ai đi đường nấy là... hết. Sắc sảo, thông minh hoạt náo mà sao nhàm chán quá vậy? Sự trơ mòn của một gương mặt được sử dụng quá nhiều quá triệt để không ngừng trôi nổi trong giao đãi kia bất chợt khiến tôi nhận ra vì sao người đồng nghiệp phẳng lặng ấy còn neo lại trong suy nghĩ tôi...
Tôi có một người bạn, Em từng viết những bài thơ rất hay, cô độc dịu dàng ngập tràn linh cảm. Gương mặt Phạm Đình Ân gợi nhớ gương mặt Em. Cũng đường nét thô thô chỗ này vơi hụt khoảng kia, khác chăng, ở người nữ chiều sâu của không gian mặt người nằm ở ánh sáng lúc tinh quái lúc dịu dàng luôn phát sáng, tuôn chảy qua đôi tròng kính cận thuỷ tinh khá dày; ở người nam nó là cái thật im vắng, xa khuất. Ở chiều sâu này cả hai đã gặp Thơ, dù rằng bạn tôi với thiên khiếu mong manh dễ dàng bao nhiêu khi cất lên những bài ca run rảy của Em thì Phạm Đình Ân khó khăn chậm chạp bấy nhiêu khi đập vỡ những “xi măng” “sắt thép” nửa phần mình nửa của giáo dưỡng quen thuộc trơ lì để... văng ra những từ những chữ, những mây trắng, vô hình liên kết chúng thành... “cái gọi là” Thơ.
Mặt người khiến ta ngao ngán rồi mặt người lại dấy lên tươi sáng dù mong manh.
*
* *
Vậy là trong những ngày mùa xuân gió mưa nóng ẩm thất thường mà ánh sáng mỗi ngày giống như là hy vọng, loé lên chỗ này lại vụt tắt chỗ kia, tôi bắt đầu gom nhặt những hiểu biết để viết về một con người đã đi ngang bên tôi qua nhiều tháng năm, làm một “điều tốt lành nho nhỏ” cho chính bản thân mình.
Thật ra số thơ Phạm Đình Ân làm trong hơn bốn chục năm qua gấp nhiều lần số anh đưa tôi 8 năm về trước. Từ Đi dọc miền Trung đến Gai táo sắc, Nàng tiên sau vách đất đã có một sự thay đổi rõ rệt. Cảm hứng “tráng ca”, sự “rưng rưng” được đẩy quá lên trong cảm xúc nhà thơ tới mức trượt khỏi câu viết ra mà không biết, tình trạng này, đã không còn. Lối phô bày “ăn non” cảm xúc, khái quát vội vàng khiên cưỡng kiểu, Chỉ một miếng dưa ăn ở miền Trung/ Đủ ràng buộc cả đời tôi mắc nợ, “Dải đất hẹp khô gầy mà lại đắp bồi chỗ thiếu hụt trong tôi”, đã được kiểm soát chặt chẽ hơn. Nhờ thế khi ghi lại những hiện thực mới trong một cuộc sống nhiều thay đổi nhà thơ có phần sắc nét hơn, “cụ thể” hơn, trình bày một diện mạo rõ ràng hơn chứ không còn mờ nhòa như Đi dọc miền Trung. Tôi nghĩ khi bạn anh, một nhà thơ nổi tiếng khó tính với nghề, khen Gai táo sắc, Nàng tiên sau vách đất của Phạm Đình Ân hẳn xuất phát từ đây hơn là thấy chúng “hay” trong mình một cách tự nhiên nhất. Sự “ghi nhận” là vô cùng quan trọng đối với nỗ lực của một con người, càng quan trọng hơn với nghệ sĩ, một con người nhạy cảm, dễ hưng phấn và tổn thương gấp vài lần bình thường; mặt khác, chính phẩm chất này lại đòi hỏi sự phủ nhận triệt để, liên tục do nhu cầu mỗi ngày một mới, một hay hơn. Ở lần đọc kỹ lưỡng này tôi thấy anh Ân sưu tầm, giữ lại rất đầy đủ các bài viết về thơ mình, tôi cũng thấy sự phủ nhận và “biết mình” của anh khi chọn Nắng xối đỉnh đầu làm tên cho tập thơ có những bài được nhiều đồng nghiệp bình, khen: Lá trầu cay, Gai táo sắc, Nàng tiên sau vách đất, Mùa đông nồng cay, Mưa chùa Trăm gian, Sợi tóc; và tập thơ chỉ gồm 26 bài, 60 trang in sau nhiều chục năm làm thơ. Vẫn cái cách chăm chăm quan sát hiện tượng tìm bằng được một ý nghĩa từ đó( thường là… tìm ra cái đã có sẵn), nâng nó lên một tầm nhận thức mới( kiểu nhận thức giản đơn chẳng giúp gì được ai chẳng ai muốn chia sẻ: Thế là may mắn cho tôi/ tôi sẽ đánh mất mình nếu tôi ngủ thiếp/ để một chuỗi ban trưa/ khốn khó, bi-hài, hy vọng/ tuồn tuột chạy vào quá khứ.), nhưng vì đã bắt đầu lấy hiện thực trong mình làm mục đích, buồn lo trăn trở sốt ruột những nỗi đúng là của mình, trong lộ trình đi đến cái kết hỏng của bài thơ nhiều phần chữ anh viết ra đã xúc động, níu giữ người đọc: Các ý nghĩ dào lên đẩy tôi trôi bập bềnh qua suốt các ban trưa/ Hiển hiện nhiều mặt người/ hiển hiện nhiều cảnh việc/ tôi muốn ngủ mà không ngủ được/ ý nghĩ vây quanh, ý nghĩ giày vò./,…/sống không dễ dàng./ Mặt trời đứng bóng/,…/ nằm không yên, ngồi dậy, lại nằm/ khao khát.
Nhưng dù gì cũng phải sau khi công bố 3 tập thơ Phấn hoa bay( nxb Lao động, 2000), Nắng xối đỉnh đầu( nxb Hội Nhà văn, 2001), Những hoàng hôn ngẫu nhiên( nxb Phụ nữ, 2001) những chăm chú, thành thật với nội tâm mình mới thực sự lộ diện, mới như là một cảm hứng chính của nhà thơ. Sau những trải nghiệm cá nhân nhất, “lắng” và “nghe” hết những gì đã diễn ra trong mình anh lại ngân lên được thành thật, sâu sắc và thuyết phục những buồn vui của cuộc đời chung rộng lớn, tìm được sự đồng vọng ở những cá nhân rất khác mình.- Chọn là một ví dụ: Đang thân bỗng lạnh mặt mày/ Lạ xa, thoắt cái bắt tay hẹn thề/,…/ Ta chọn người. Người chọn ta/ Ngọt vào khoẳng khắc, đắng ra một thời/. Một sự thật giản dị của nghề sáng tạo, vậy mà cũng phải mất nhiều chục năm Phạm Đình Ân mới tới! Cũng như, còn một sự thật: hơn một nhà thơ tài hoa, thành danh, đã bỏ cuộc thơ sau nhiều hăm hở lấy đóng góp công dân làm mục đích.
*
* *
Không thể thoát khỏi xác thân
đi tìm mình ngày xưa
chân vấp vào hiện tại.
Nhiều người thấy mình trong đó: Nỗi buồn của những giấc mơ gẫy cánh, giới hạn thân xác, giới hạn cuộc đời, quy định của số phận,…. Một khổ thơ hay, hiển nhiên. Quan trọng hơn, nó rất hiện đại, tới hàm chứa âm vang bằng ít chất liệu nhất; chất liệu giản đơn, thao tác gắn kết cũng giản đơn; chữ trong khổ thơ là các chữ có thể nhặt ra dễ dàng từ bất cứ một mẩu báo bỏ đi nào, điều muốn nói cũng được nói tuột ra tưởng không một chút bóng bảy cầu kỳ, nhưng sao nó lại là thơ? Không thể thoát khỏi xác thân, sự thật trăm phần trăm, nhưng là một sự thật thi ca. Khi có nhu cầu thoát khỏi xác thân là lúc con người từ thường tình đã hóa thi nhân, bộc lộ nhu cầu của một thi nhân chính là điều kiện “cần” để có thơ. Có sự thật thơ rồi lại phải có câu thơ mới nên thơ. Câu thơ của Phạm Đình Ân gồm 16 chữ tách ra 3 dòng. Tôi thấy mỗi dòng là một sự thật thơ, một đơn vị thơ. Mỗi đơn vị thơ này là một bức tranh siêu thực có hình, rõ ràng mà trừu tượng, tĩnh mà động. Nhịp điệu trong hình, âm vang trong trừu tượng, đã tạo ra nhạc của thơ thay cho thứ nhạc đã cũ mà nhà thơ và các bạn thơ khác của anh từng dùng:
+ Ngược bơi thăm quá khứ xa
thời gian loang chảy xanh nhòa không gian
( Phạm Đình Ân- Tắm suối ở Côn Sơn.)
+ Se sẽ chứ, không cánh buồm bay mất
Qua dịu dàng ẩm ướt của làn môi.
( Lưu Quang Vũ- Vườn trong phố.)
Không thể thoát khỏi xác thân
đi tìm mình ngày xưa
chân vấp vào hiện tại.
Những câu thơ thật thích, cả “nhạc” lẫn “hình” đều thích. Vài chữ đặt ở dòng trên, vài chữ đặt ở dòng dưới, từ dòng này qua dòng khác đã là nhạc là hình là lay thức khơi gợi, là bằng mỹ cảm của thơ đột nhiên gắn kết, dựng các đơn vị thơ thành một thể thơ thống nhất trong cảm thức người đọc.
Không biết các nhà thơ nghĩ sao nhưng cái người cả đời không viết được một bài thơ này luôn bị vẻ đẹp “hình” của những khổ thơ hay, những bài thơ hay lôi cuốn, nghĩa và hình của chữ cùng khoảng trắng giữa chúng tự thân là một vẻ đẹp hội họa. Trong sự tự do tuyệt đối của nó bố cục hình này lại vô cùng chặt chẽ, sự đòi hỏi triệt để của vẻ đẹp hội họa này sẽ… loại ngay những câu thơ lạc bước. Xin anh Phạm Đình Ân thử đọc thêm lần nữa bằng mắt bài thơ Lạc nhà. Trong bài thơ câu “Trời ơi, nhà tôi đâu?” là một lạc bước, nó văng khỏi bài thơ.
Trở lại khổ thơ vừa trích dẫn. Phạm Đình Ân là người nhiều ám ảnh về sự vênh đi giữa cuộc đời đã diễn ra của một con người, cuộc đời có thể diễn ra, và cuộc đời mà anh ta mong muốn nó diễn ra. Không có gì mới, nhưng cái sự ám ảnh quá đỗi này, cái sự mang nó theo ngày ngày bên những công việc và bổn phận thường nhật, lại cho anh những cảm xúc mới, lạ những chữ tươi tắn để viết ra những bài thơ hay trọn vẹn: Đi trong nhà, Ngược chiều, Đếm đi.
Nhổm dậy
mò mẫm
đi
thâu đêm
lụi cụi về phía trước
lầm lũi về phía sau.
Trong nhà đi trong vườn
trong vườn đi trên đường
trên đường đi trong nhà.
Ướt từ mặt xuống chân
nhà
vườn
gió hoang rộng trống.
Bài thơ có tên Đi trong nhà. Đi trong nhà? Chốn thân quen mà sao lạ lẫm lầm lũi cô đơn tối tăm hoang lạnh. Ở khổ thơ đầu thấy một người nhổm dậy mò mẫm đi, cũng là sự bình thường, sang khổ sau “sự đi” đã chắc chắn không còn vì những nhu cầu thường tình nhưng hết khổ này trước dấu chấm thứ nhất ta vẫn thấy đó là hành trình của một người, còn sang khổ thơ sau trong sự “trùng điệp” mộng du của chữ và hành động phi lý “một” đã hóa thành vô số, vô số lầm lũi vô số cô đơn vô số đi một hành trình không rõ mục đích!?...
Tôi chợt nhớ Đi về nơi hoang dã của Nhật Tuấn, anh đã viết rất hay về điều này, nhưng đó là tiểu thuyết, phải cần đến một tiểu thuyết, ở đây chỉ bằng vài xăng ti mét vuông chữ đã hiện dạng một chung cuộc, nhiều chung cuộc đau xót.
Cái độc đáo, cũng là nét riêng đôn hậu, còn chờ đợi những tươi sáng, của người làm thơ nằm ở khổ thơ kết thúc, ừ thì đúng là “ướt từ mặt xuống chân” và trước con người đó đang là gió hoang đang là rộng trống nhưng đã không còn sự áp đảo đáng sợ của vô số xoay vòng mộng du lầm lũi nữa, và tài tình là toàn bộ sự thoát ra của con người ấy đã được thực hiện bởi 11 chữ khởi đầu bằng hình ảnh “ướt”, nhất là bằng, bố cục hình của chữ!
Tôi yêu cái dáng vẻ thanh tân hiện đại của bài thơ thật buồn này. Viết nó khi tuổi đã cao, sau một chặng dài tưởng như nghèo bản sắc tưởng như đã ổn định, là một sự lạ.
----------------------------
Chú thích: (*) Tôi mượn tên một truyện ngắn của Raymond Carver do dịch giả Lê Huy Bắc dịch.
Phạm Thị Minh Thư