Hữu Thỉnh: Cơn lốc đen đánh úp lá bàng/ Tôi cảm thấy mùa thu đang mất máu/ Một chút lửa hoa dong riềng cuối dậu/ Sợ một ngày sương muối đến đem đi

   

Khoảnh khắc thăm thẳm
Cập nhật: 20:46:00 30/10/2010

Ðọc truyện ngắn của Ngô Phan Lưu, thường có cảm giác như bị đẩy vào những khoảnh đêm hay những buổi trưa thăm thẳm. Thăm thẳm trưa. Thăm thẳm đêm. Ðó là những khoảng thời gian, không gian "gay gắt" để lộ ra cái mấp mé tội ác, cái rùng rợn vừa hiển nhiên vừa phi lý ngay trong bản thân con người.

 

 

Cũng có thể nói nhiều truyện ngắn của Ngô Phan Lưu như những mảnh đạn như gài vu vơ. Buổi sáng biến mất, Nếu không nhìn ra cổng... và một trong những truyện "rùng mình" nhất là Giải thoát, trong tập mới nhất Con lươn chép miệng, là những truyện được gài đặt, có thể "nổ" bất cứ lúc nào.

Ở đây, có ít nhất hai tiến trình "giải thoát" quanh sự hoán đổi vị thế chuột và người: cuộc giải cứu "ngài chuột" của đồng đội trong thế giới ngầm và nỗ lực tự giải thoát của con người đã nhốt "con chuột" để trừng phạt tội làm vỡ chiếc bình hoa.

Thật oái oăm, con người bị đẩy đến chỗ phải trốn chạy khỏi chính ngôi nhà của mình, trong khi con chuột bị nhốt trong lồng sắt kia lại ngang nhiên sở hữu cái không phải của nó. Và, cuối cùng, khi đã ra được bên ngoài cái lồng - ngôi nhà, con người chắp tay vái lạy đàn chuột mới có cảm giác được "giải thoát" thật sự. Phi lý, hài hước, hoảng sợ, kinh ngạc.

Ngô Phan Lưu quả là người có biệt tài kể chuyện, nhà văn viết cứ như không, nhưng lại đẩy người đọc vào chốn hoang đường, ở giữa có và không.

Rõ ràng hiện diện một hiện thực đang xảy ra, cũng rõ ràng có một hiện thực vắng mặt đằng sau câu chữ. Ngôn từ của Ngô Phan Lưu không cố bắt giữ hiện thực, chính bởi thế lại làm hiện diện hiện thực.

Phải chăng bởi ông đã tìm ra được căn nguyên: hiện thực không phải cái ngoài ta, cái ta có thể kiểm soát được, nắm giữ được bằng ngôn ngữ mà là cái ở bên trong ta, và ngôn ngữ là một khả năng truy tầm.

Không làm người đọc ngao ngán vì bội thực suy tư triết lý, cũng không gây mệt mỏi vì cầu kỳ bố cục. Ðời sống bi lẫn hài mà nhà văn thấm thía nhưng không lệ thuộc được nén lại thành những chi tiết đắt giá, có tiềm năng làm nổ khối thuốc ủ kỹ trong câu chữ, cũng ủ trong thế giới ta sống vốn như chỉ toàn sự nhạt nhẽo.

Cái bẫy chuột, tiếng chép miệng của con lươn, một chút sương ngọt, khóm mai vàng, chú chim màu ngói... vốn dễ bị bỏ quên, nhưng từ đó cái tình huống nhân sinh - cụm từ nghe chừng cũ kỹ - lại lộ hiện sự khôn lường của con người, của kiếp người. Cái riêng biệt ngấm vào màu da thớ thịt của chữ nghĩa.

Luôn luôn những trang văn của Ngô Phan Lưu vừa phản tỉnh về con người, vừa bao dung con người. Ở làng quê mênh mông của ông, cái sâu sắc bao giờ cũng hồn nhiên hay ngược lại, sự hồn nhiên luôn sâu sắc, hồn nhiên trong cái tốt đẹp, trong cả cái ác.

Ông thể hiện bằng câu chữ sự bình đẳng trong đối xử con người lẫn loài vật, cả thiên nhiên cây cỏ tới đồ vật vô tri. Nói như trong một truyện ngắn của ông, những thứ vô danh khi được chú ý chúng trở nên phong phú vô cùng. Con người cũng có thể là một loài vô danh cần được chú ý theo cách đó...

NHÃ THUYÊN


Pre
1
2
3
4
5
Tin mới