Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

   

Biết và hiểu trong phê bình và sáng tác
Cập nhật: 15:54:00 30/12/2010

VanVn.net - Nhà văn Tô Hoài cứ cặm cụi viết, viết không mệt mỏi suốt hơn 70 năm qua; nay bỗng ngoặt sang...lý luận. Dẫu không có cái mới, nhưng sự từng trải là rất đáng trân trọng..

Bấy giờ quãng 1947 - cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp vừa được một năm. Sau trận tấn công Thu - Đông 1947 lên Việt Bắc của giặc Pháp, báo Cứu quốc Trung ương chuyển từ Bắc Cạn về khu căn cứ mới trong vùng rừng núi Yên Thế, tỉnh Bắc giang, Nam Cao và tôi, hai người được phân công ở lại Bắc Cạn. Lúc này Tổng bộ Việt Minh quyết định ra một tờ báo hàng ngày mới cho ba tỉnh Cao - Bắc - Lạng, tờ Cứu quốc Việt Bắc, Nam Cao phụ trách biên tập (có một mình anh), còn tôi làm chủ nhiệm lo chung công việc tòa soạn, phát hành, nhà in và việc an toàn của cơ quan.

Ở Bắc Cạn, Pháp đóng tỉnh lỵ và suốt đường số 3 lên Cao Bằng. Cơ quan chúng tôi ẩn vào núi, phía huyện Chợ Rã, chỉ cách đồn Phủ Thông một quãng đường. Nhiều việc phải dựa vào đồng bào ở xung quanh đồn địch mới hoạt động được. Trong thời gian này tôi có dịp tiếp xúc với đồng bào các dân tộc anh em, cùng làm việc với các đảng ủy, chi bộ và các ủy ban xã, huyện. Quen biết, hiểu biết, tôi thật lòng yêu mến và kính phục các dân tộc anh em, những người đã xây dựng nên khu giải phóng đầu tiên ở Việt Bắc, tiến tới cách mạng thành công trên cả nước. Sự hiểu biết, tấm lòng và tình yêu tha thiết ấy đã mở cho tôi những sáng tác về một vùng quê mới.

Kháng chiến biết bao gian khổ, nhất là những năm đầu, nhưng thật là cảm động, dư luận đối với những truyện ngắn ấy thật phong phú. Nhiều bạn đọc và các bạn tôi đã viết thư, đã viết bài phê bình.Ở Việt Bắc, các bài phê bình ấy đã in trên các Tạp chí Văn nghệ, Tạp chí Độc lập, Tạp chí Cứu quốc. Dù khen hay chê, một ý kiến phê bình, khi đã đi sâu vào tâm tình tác giả, được tác giả nghiền ngẫm suy nghĩ, cân nhắc thì sẽ trở nên một sức mạnh hỗ trợ hết sức màu nhiệm cho sáng tạo của người viết. Cũng như tôi, bạn đọc tác phẩm của tôi bây giờ đã rời bỏ thành phố và làng quê, ba lô lên đường kháng chiến cứu nước. Các bạn vẫn đọc tôi, đọc những cái tôi mới viết, tức là chúng tôi cùng có con mắt và tấm lòng của những người tin tưởng kháng chiến nhất định thắng lợi. Tuy nhiên giữa người viết và người đọc nhất định trong tâm lý thưởng thức và trong tư duy sáng tạo cũng có những điểm khác nhau và sự biết và hiểu, hai việc khác nhau. Ở những sáng tác ngày ấy, cái hiểu của tôi còn so le với cái tôi biết. Do đấy, đôi khi còn bộc lộ ra vẻ “đứng ngoài”, vẻ “ngắm nghía”, vẻ “cười cợt không đúng chỗ” - bệnh tật của chủ nghĩa tự nhiên.

… Tôi cho rằng yêu cầu được nhận xét và phê bình đối với tác phẩm là điều cần thiết đối với một người sáng tác. Một bài phê bình hay ý kiến thẳng thừng nhiều vẻ của bạn đọc lắm khi có tác dụng thật quyết định. Tất nhiên người viết không thể là cái thùng chứa tất cả những gì được khen chê. Mọi ý kiến cần được chọn lọc. Nhận hay không nhận, người viết đều cần suy nghĩ kỹ lưỡng. Đối với tôi, kỷ niệm về những truyện ngắn viết vào thời kỳ sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đã cho tôi vô số kinh nghiệm trong nghề viết - cái nghề lúc nào cũng phải rèn luyện như lúc nào.

Lý luận, phê bình và sáng tác đều là công việc của sáng tạo. Sự tu dưỡng và tư duy của hai người cầm bút này thật giống nhau. Chỉ khác nhau khi chuẩn bị và biểu hiện, cũng như tác dụng mỗi thể loại với người đọc. Người sáng tác và nhà lý luận làm công tác phê bình không hề phụ thuộc vào nhau, cả hai người cùng làm công việc sáng tạo văn học. Những ý kiến nói phê bình là việc cầm roi ne nẹt chỉ trỏ, cũng như những ý kiến nói phê bình theo đuôi sáng tác, có sáng tác mới có phê bình, tất cả đều là những phát biểu cực đoan, không thực tế.

Nhà phê bình, trước nhất, có một cuộc sống dồi dào, có kiến thức phong phú. Nếu như sáng tác đòi hỏi người viết phải cố gắng suốt đời, phải tắm mình trong những biến chuyển mạnh mẽ nhất của cuộc sống thì yêu cầu ấy cũng như hệt đối với một nhà phê bình. Bởi lẽ giản đơn, mọi vấn đề anh đề cập, anh phát hiện, anh nêu lên, đều là từ thực tế được tập hợp lại qua sự sáng tạo của nhà văn. Nhà phê bình không thể nào không từng trải, tuy không hẳn nhất nhất là những vấn đề của nhà văn - những vấn đề của xã hội đương sôi động diễn ra quanh mình.

Cuối cùng, sức mạnh sáng tạo có kết quả hay không của nhà phê bình, chính là ngòi bút anh có đem lại cái gì mới cho vấn đề sáng tác, cho một tác phẩm. Có phát hiện và phân tích được cái đúng, cái sai của tác phẩm và làm thế nào để người sáng tác phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, đó mới là điều cần thiết.

Với ý thức trách nhiệm cao nhất và sáng tạo nhất, nhà phê bình có thể vạch được những nét chính xác của mỗi giai đoạn văn học, từng thời kỳ văn học với những đỉnh cao của phong trào và những vấn đề đã xảy ra trong đó. Những cây bút phê bình còn có thể xem xét, đánh giá được các giai đoạn, các thời kỳ phát triển của văn học. Các nhà phê bình cần tham gia một cách tích cực với tinh thần khách quan, khoa học vào các cuộc thảo luận, tranh luận để từ đó có thể khẳng định những tác phẩm có giá trị và tìm ra những nét riêng biệt, đúng hay không đúng của một tác phẩm.

Tôi muốn đi vào khía cạnh một vấn đề nghiệp vụ của phê bình và sáng tác, một vấn đề bếp núc của văn học - vấn đề phê bình nội dung và hình thức một tác phẩm. Công việc giảng văn ở nhà trường và vấn đề phê bình văn học thường liên quan trực tiếp với nhau. Nhà giáo giảng dạy văn học có hai khâu cẩm nang: giáo trình sư phạm và các công trình phê bình, nghiên cứu văn học.

Trong một sáng tác, hình thức và nội dung, cũng ví như da thịt (hình thức) và máu xương (nội dung). Hình thức và nội dung không phải như cái áo cái mũ có thể cởi ra mặc vào thân thể lúc nào cũng được. Sự liên quan của nội dung và hình thức một bài văn là sự liên quan của máu thịt với thân thể con người. Không phân tích được như thế, riêng về giảng dạy, không gây được những hiểu biết vô cùng cần thiết về nội dung câu văn, lời văn. Thiếu sót đó cũng một phần nào làm cho đối tượng học sinh ta hiện nay có tình trạng kém hứng thú học văn.

Giảng văn rõ ràng ảnh hưởng mạnh mẽ tới phê bình văn học, hoặc ngược lại, nếu không muốn nói đây cũng là một vấn đề của lý luận và phê bình văn học. Hiện tượng và tình hình giảng văn như trên, ta cũng thấy tương tự trong phê bình văn học. Thường người ta nói đến hình thức một sáng tác cũng chỉ qua loa, sơ sài, khập khiễng. Khi phân tích cái hay, cái chưa hay của nội dung nhất thiết nên chú ý xem xét đến những vật liệu kiến trúc nội dung ấy như thế nào mà làm cho người đọc cảm nhận được cái hay, cái chưa hay của sáng tác. Đó là nghệ thuật kể chuyện, là hình thức truyện, sự cấu tạo nhân vật và cuối cùng là câu chữ, lối đặt câu phản ánh được nội tâm và biết dùng chữ đắt - mà tất cả, ta gọi là những cái dựng nên phong cách nhà văn. Thường nhà phê bình chỉ dừng lại ở hai chữ phong cách với mấy từ khen chê chung chung, tuy nói đến hình thức mà chưa mấy ai đi sâu vào mổ xẻ cốt cách văn phong, tìm xem văn phong ấy đã minh họa nội dung thế nào và liên quan ra sao với nội dung.

Gắn mình với thực tế đời sống, lý luận và phê bình không bao giờ đứng yên trong định nghĩa thụ động. Với trách nhiệm và đặc điểm chức năng của lý luận, phê bình bất cứ khi nào (còn cần có phê bình) cũng lĩnh nhiệm vụ đi trước. Thật như vậy, khi một cây bút phê bình kiểm điểm tình hình hay nhận xét một tác phẩm, thì mục đích của nhà phê bình đó không phải chỉ là việc khoanh tròn hai chữ khen chê nội dung nghệ thuật sáng tác ấy, vấn đề sáng tạo ấy, mà nhà phê bình chân chính luôn luôn ôm ấp kỳ vọng từ tình hình cụ thể, trước mắt đó của phong trào và của sáng tác, có thể rút ra được một cái gì, có thể tiến tới cái gì. Sức mạnh của ngòi bút lý luận tung hoành trong vấn đề “rút ra cái gì, tiến tới mục đích nào” mới là cốt lõi, là tinh túy trong một câu khen chê của phê bình.

Ở đây tôi muốn khơi sâu đặc điểm chức năng cao quý của lý luận và phê bình. Mỗi giai đoạn phát triển của văn học cách mạng Việt Nam đều có ghi dấu trên bước đường đi, những thành tựu đạt tới của công tác lý luận, phê bình văn học.

Từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tới nay, mỗi cuộc tranh luận văn học đều là những cái mốc đánh dấu những giai đoạn phát triển của văn học nước ta. Sự nhịp nhàng lớn lên của sáng tác và phê bình đã trở thành nền nếp, thói quen của mỗi giai đoạn, của từng thời kỳ.

Ngay khi cách mạng vừa thành công, đã có hai cuộc bút chiến khá hấp dẫn phản ánh tình hình thực tế quang cảnh và trình độ phong trào văn học lúc ấy. Một cuộc nhằm đánh đổ kẻ thù của cách mạng và một cuộc thảo luận nội bộ. Có một bọn cầm bút mang khuynh hướng tơ-rốt-xkit nho nhoe lộn sòng dựng cớ và bài bác cách mạng. Lập tức, những cây bút lý luận của Đảng và của giới văn học và vạch trần thủ đoạn “tả” đầu lưỡi của bọn tơ-rốt-xkit, đồng thời đã vạch rõ con đường tiến hóa và tương lai thực sự của nền văn hóa, của phong trào Việt Nam với phương châm khoa học, dân tộc và đại chúng. Thế rồi ngay trong những ngày đầu kháng chiến bộn bề như thế, một cuộc trao đổi sôi nổi về nội dung văn học cách mạng đã được tổ chức và được đề cập tới trong vấn đề thế nào là tuyên truyền, thế nào là nghệ thuật. Đối với đội ngũ những người làm văn học mới mẻ tập hợp dưới ngọn cờ của Đảng, mà hầu hết đến với cách mạng trước nhất là do có lòng yêu nước nồng nàn và sôi nổi, thì đó là cuộc trao đổi bổ ích vô cùng cần thiết. Do đấy và chỉ có sau đấy chúng ta mới có được sự đoàn kết nhất trí, mới thấu hiểu được ý nghĩa của luận điểm: khi nghệ thuật đạt tới đỉnh cao, thì bản thân nghệ thuật mang tính chất tuyên truyền. Từ đó chúng ta cũng thấy rằng một tác phẩm thành công thì giá trị tuyên truyền của nó rất lớn, rất mạnh mẽ.

Nhận xét về công tác phê bình, tôi nghĩ cái mà bạn đọc quý mến và kỳ vọng ở nhà phê bình là sự nhạy bén của phê bình. Phê bình là sự thấy trước và sự khẳng định. Những ngòi bút như thế trong giới phê bình ở ta chưa nhiều. Tuy nhiên, tôi không có kỳ vọng gì hơn. Cũng như tôi không nghĩ trong tình hình sáng tác hiện nay, cứ nhiều những cái thường thường bậc trung thì rồi một ngày kia, số lượng sẽ đổi thành chất. Trong sáng tác và cả trong phê bình không như thế. Sự xuất hiện những sáng tác trội, những tinh hoa của một thời kỳ, một giai đoạn, bao giờ cũng hiếm. Nhưng tôi cho trong tình hình phê bình và sáng tác đương phát triển, nhất là trong giai đoạn mới hiện nay, tình hình ấy chưa đáp ứng với giai đoạn cách mạng mới, với cuộc đấu tranh giữa hai con đường gay go phức tạp trong cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa nhằm mục đích xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa thì nó còn đòi hỏi cao hơn.

Những cuộc thảo luận gần đây trong văn học cũng đúng là như vậy. Mấy năm qua, đã có những cuộc tranh luận xem văn học ta đương ở thời kỳ nào, trình độ nào; xem nó có đề xuất được những vấn đề gì mới, có xây dựng được những nhân vật mẫu nào của con người mới, cuộc sống mới hay là vẫn còn ở trình độ minh họa đơn giản, một chiều những ý muốn chủ quan của người viết chứ chưa phải xuất phát từ tình hình và những nhân tố khách quan. Qua thảo luận cũng như qua xem xét tình hình thực tế, chúng ta thấy mặc dù có nhiều mặt non yếu, nhưng rõ ràng nền văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã có những thành tựu xứng đáng, đã đề xuất được nhiều vấn đề lớn và toàn diện. Rõ ràng, những cuộc thảo luận như trên là rất cần thiết và thật sự quan trọng. Kết quả thảo luận được khẳng định càng làm cho nhận thức của chúng ta về ý nghĩa của những giai đoạn văn học đã qua được sâu sắc hơn.

Văn học cách mạng Việt Nam còn rất trẻ. Trải qua các giai đoạn cách mạng cho tới ngày nay, nền văn học ấy không phải không có khó khăn, không có vấp váp. Song đội ngũ những người sáng tác và phê bình đã ngày càng lớn mạnh, sự kết hợp giữa lý luận, phê bình và sáng tác đã ngày càng khăng khít và nhạy bén nhất định chúng ta sẽ đạt được những thành tích cao hơn nữa, nhiều hơn nữa, xứng đáng hơn nữa vào sự chăm sóc và dìu dắt của Đảng, sự cổ vũ và mong mỏi của quần chúng.

Tô Hoài

1
2
3
4
5
6
7
8
9
Tin mới