Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

   

Bản thảo một tuyệt tác
Cập nhật: 10:22:00 10/1/2011

Nhà văn Bảo Ninh
VanVn.Net - Chủ nhân của bản thảo này đến nay tuổi đã ngoài bốn mươi, nghĩa là còn trẻ mà lại không còn là trẻ nữa. Tác phẩm đầu tay xuất bản cách đây đã hơn chục năm rất được dư luận văn học chú ý, nhiều lời khen nhiều lời chê, những cuốn sau cũng vậy, nên có thể coi anh là một tác giả có tên tuổi trong văn giới đương thời. Tuy nhiên, nổi mà lại không phải là nổi lắm. Những khi cần điểm các tác giả đồng trang lứa với anh, người ta đều ghi danh anh, tên anh ở sau vài nhà văn và sau anh thì luôn là ba chấm hoặc là vân vân. Tác phẩm của anh chưa hề dịch qua một ngoại ngữ nào, anh đi nhiều mà chưa hề đi đâu ra ngoài nước Việt…

Bản thân tôi đọc các tác phẩm của anh thì đều thấy là hay, chí ít cũng thú vị,  song lại  luôn cảm giác rằng viết thế này chắc chẳng có nhiều độc giả. Bởi thế những khi gặp nhau tôi luôn nhủ anh hãy hạ bớt tông xuống, viết sao cho thuận với phép đọc phổ thông một chút. Lời khuyên khôn ngoan đó cố nhiên là rất vớ vẩn đối với một nhà văn nên thường anh chỉ cười mà không nói sao, không buồn tranh  luận. Nhưng anh vẫn quí tôi và trọng tôi như là một bậc đàn anh về tuổi đời lẫn tuổi nghề văn. Mỗi tác phẩm của anh xuất bản, tôi thường là một trong những người đầu tiên được anh ký tặng. Đã đôi lần anh đưa tôi đọc cả bản thảo. Lần gần đây nhất là bản thảo cuốn này, vừa mới viết dứt bút hồi tháng trước. Có điều lần này hơi lạ so với mọi khi.

 “Chỉ ông đọc thôi đấy“, nhà văn dặn thế, cẩn thận nhắc đi nhắc lại. Tôi nêu tên vài người bạn mà tôi muốn  sẽ đưa họ xem cùng,  nhưng anh dứt khoát không. “Ông đọc xong rồi thì trả lại ngay tôi!”. Tôi hỏi : “Để đút ngăn kéo à?“. Anh ừ. Mê man cực khổ suốt mấy năm trời cặm cụi, viết xong nhẹ cả người, có thể nói là sung sướng chưa từng, lâng lâng, ngây ngất, nhưng chỉ thế thôi, cất đó đã.

Được anh tin cậy song cũng phải thú thực là tôi đã chẳng mấy  hào hứng. Xưa giờ những tác phẩm còn trên trang bản thảo tôi rất ngại đọc, dù là truyện ngắn. Mà đây lại là bản thảo của hẳn một cuốn tiểu thuyết, không dày lắm nhưng cũng là dày. Thêm nữa, cuốn này, khác các cuốn trước của anh,  có cái “tít“ quá là mộc, chẳng gợi trước lên cho người đọc một chút tò mò nào. Thành thử đưa về nhà đã cả tuần  mà tôi để đó.  Mãi tới đêm rồi mới giở trang đầu. Qua dòng đầu, đọc tiếp dòng nữa, rồi dòng nữa. Hết trang thứ nhất không thể dừng mắt. Trang thứ hai cũng vậy. Trang thứ ba. Mặc dù là một tiểu thuyết rất không dễ đọc, lại vì là bản thảo đóng thành xấp nên không trùm chăn nằm đọc được, phải ngồi bên bàn, vậy mà miên man tôi đọc suốt đêm.  Trang này tiếp trang khác, trường đoạn này qua trường đoạn khác.  Cuốn tiểu thuyết hoàn toàn chế ngự tôi, tôi chìm hết mình vào trong đó.

Thần hứng của tác giả cuốn tiểu thuyết đã truyền nhập vào tôi, hoá thân thành  “thần hứng của độc giả” - một trạng thái mà cả đời đọc sách may mắn lắm người ta cũng chỉ có thể vài ba lần đạt được tới. Như tôi, thì trước đây, duy  nhất một lần được biết tới trạng thái đặc biệt đó, ấy là khi đọc xong cuốn Trăm Năm Cô Đơn của G. Marquez.

Chiến tranh và Hoà bình, Tam quốc diễn nghĩa, Mặt trận phía tây không có gì lạ, Sông Đông êm đềm. Đấy là những cuốn tiểu thuyết mà với tôi là tuyệt trần đời. Có lẽ là còn hơn cả  sự say mê, tôi đọc đi đọc lại các cuốn đó, mỗi năm một lần, thậm chí vài tháng một lần, vẫn thấy hay, thấy mới, vẫn học hỏi được và dưỡng tâm với cả giải trí được từ các trang đã gần như nằm lòng ấy. Nhưng cuốn Trăm năm cô đơn thì đọc xong một lượt, đọc lần thứ hai, rồi thôi. Tôi không khi nào đọc lại nữa dù vẫn mua cuốn ấy  mỗi khi nó được tái bản. Không đọc lại bởi không muốn  để lạc đi mất nỗi ngất ngây, nửa choáng váng nửa như bừng tỉnh, không thể lời  diễn tả đã choán lấy con người tôi ngày ấy. Một cuốn tiểu thuyết đỉnh cao, mà thật may mắn là tiếng Việt ở bản dịch của nhà văn Nguyễn Trung Đức cũng hay vô cùng. Nhưng trên cả mức tài năng của tác giả và dịch giả, trên cả sự mê mẩn của độc giả, Trăm năm cô đơn bản tiếng Việt là một sự xuất thần gộp chung lại của cả ba con người đó.

Tác dụng làm bừng tỉnh, làm “đổi mới tư duy“, làm mình phải tự vấn về mình và về cách viết của mình, trong văn học Việt Nam hiện đại tôi chỉ từng được cảm thấy ở “Lời ai điếu...” của nhà văn Nguyễn Minh Châu và “Không có vua“ với “Sang sông” của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, “Thời xa vắng“ của nhà văn Lê Lựu. Nhưng, “Lời ai điếu“ là một bài báo, một tiểu luận,  “Không có vua“ và “Sang Sông“ là truyện ngắn.  “Thời xa vắng“ là tiểu thuyết, nhưng tôi thật sự chỉ “sướng” đọc nửa đầu. Còn đây, cuốn tiểu thuyết đang trên trang bản thảo này, là một tiểu thuyết tuyệt vời đối với tôi từ đầu tới dòng chót cùng.

Viết bài này gửi tới Văn nghệ Trẻ tôi hiểu là mình đã vi phạm lời hứa rằng sẽ chỉ đọc thôi chứ không nói năng gì. Nhưng tôi hy vọng nhà văn tác giả không trách cứ, bởi nỗi tôi không thể nén lòng. Với lại, tôi đâu có hé lộ chút gì đâu cả về tác giả lẫn tác phẩm. Thêm nữa, thú thực, tôi có một lý do riêng để không thể nén lòng.

Đầu năm 2009, trên Văn nghệ Trẻ, tôi có viết bài báo kể về một linh cảm mùa xuân của mình. Một lời mách bảo trong mơ, rằng, vào năm 2009 hoặc cùng lắm là vào năm sau nữa,  sẽ xuất hiện một tác phẩm, cụ thể là một tiểu thuyết, đạt được tới tầm cỡ -  mà như người ta vẫn thường nói -  là xứng đáng với  đất nước, với lịch sử và văn hoá dân tộc, với tiếng Việt. Thế nào là xứng đáng, cách hiểu khác nhau, song đại khái một cuốn cỡ như vậy thì ai cũng đều cảm giác áng chừng được và đều nhất trí là chưa  có sau gần một thế kỷ của  nền tiểu thuyết Việt Nam.

Nhưng, bài báo tôi viết đã khiến không ít người  bật cười. Người ta cho rằng tôi lạc quan lấy được. Và dường như họ đã phán chẳng sai. Ngày tháng trôi qua, mỗi lúc tôi một thêm bối rối. Không phải là trong thời gian qua không xuất hiện những tác phẩm đáng đọc, và hơn thế, những tác phẩm hay, thậm chí rất  hay.  Tuy nhiên, không phải là cỡ như tôi ước vọng.

Nay, với bản thảo vừa đọc xong, tôi thầm tự hào là mình đã đúng. Cố nhiên, là còn hơn thế rất nhiều, tôi  thấy vui sướng trong lòng. Cũng có buồn cho bản thân mình một chút, có cả ghen tỵ nữa, nhưng niềm vui sướng thổi bạt đi nhưng ưu tư ấy. Cho dù rằng đến lúc này mới có mình tôi được hưởng niềm vui ấy, bởi vì hình như đến lúc này mới chỉ có tôi là độc giả duy nhất của cuốn tiểu thuyết đó.

Bảo Ninh
(Báo Văn Nghệ)

1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
Tin mới