Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

   

Từ “Những điều trông thấy”...( Thơ Đỗ Toàn Diện-NXB Hội Nhà văn 2010)
Cập nhật: 16:16:00 21/12/2010

VanVn.Net - Đỗ Toàn Diện đã xuất bản 8 tập thơ, trong đó có 3 tập thơ trào phúng. Là nhà giáo của vùng đất bazan nắng lửa, chất thơ của Đỗ Toàn Diện hình như cũng cháy lên và dễ dàng truyền “lửa” cho độc giả qua những tập thơ ở thể loại này. Đọc thơ anh, ta nhận ra có một sự độc đáo của 2 phần trong tư duy và tâm thức của một con người. Một là cảm thức trữ tình mượt mà sâu lắng, mênh mang với đầy hoài niệm qua ký ức về người thân, quê hương, xứ sở. Chính cảm thức này đã cho ra đời 5 tập thơ trữ tình chục năm qua. Hai là đằng sau sự sâu lắng trữ tình mượt mà ấy là cả một tâm hồn giông bão, trải nghiệm, sâu sắc với cái nhìn hài hước, trong lối viết châm biếm sâu cay. Điều ấy thể hiện qua 3 tập thơ trào phúng.

1.Đi qua miền cổ tích:

Là nhà giáo, anh luôn nhìn góc khuất trong ánh nhìn đạo đức-mà xã hội thời hiện đại đã có lúc để quên phạm trù triết học này ở đâu đó, anh tìm sấp ngửa.Trước đây, anh đã cho ra mắt độc giả 2 tập châm biếm : Ngụ ngôn trào phúng và Những điều trông thấy ( phần 1). Nếu theo dõi quá trình sáng tác và nội dung trong các tập thơ của Đỗ Toàn Diện, ta nhận ra anh sinh ra là để viết thơ châm biếm. Thể loại này hợp với “tạng” của anh hơn. Điều này thể hiện rất rõ ở các tập thơ châm biếm, đặc biệt là phần 2 tập thơ  “ Những điều trông thấy” vừa được NXB Hội Nhà văn ấn hành thời gian qua.

 Châm biếm thế sự-có lẽ là “thể tạng” và sở trường  của nhà giáo-nhà thơ Đỗ Toàn Diện. Qua câu chuyện dân gian “ Đẽo cày giữa đường” được anh khái quát ở nghĩa cao hơn, mang tính khái quát hơn:

“...Nhiệt tình cộng dốt : nước nghèo

khác nào quan rởm nghe theo thầy dùi”...

Thực trạng mang tính xã hội này đã được nhà thơ mượn điển tích, điển cố và vận dụng so sánh rất thuyết phục. Nếu bài thơ chỉ dừng lại mức mô tả, phóng tác lại câu chuyện cổ thì chỉ là thơ hóa văn xuôi mà thôi.

Còn đây là quy luật hoán đổi của một nghịch cảnh không được lường trước:

Anh đưa tay kéo kẻ dưới bùn

“vô tình” đổi chỗ cho nhau

kẻ được vớt, ngẩng đầu cao ngạo nghễ

còn anh, bùn lấm gót tới đầu...

( Đổi chỗ)

Có lẽ cảnh tượng mà nhà thơ phác thảo trong bức tranh hý họa sau không xa lạ gì với mọi người:

Tỉa ria mép, khoác com lê

chuyên đọc báo cáo...hăm he mọi người

trông y trâng tráo nực cười

ai ngờ con rối...phải người giật dây

( Con rối)

Đây là bức tranh khái quát, điển hình nhất của một ông sếp bất tài, nhưng thích thị uy. Lẽ đời, dốt nát nên mới hù dọa bằng những trò nghịch cảnh trớ trêu như thế. Sự tài giỏi, tự tin giúp con người bình tĩnh, biết tìm đến sự giản dị và  tìm cho mình những khoảng lặng sâu lắng trong cuộc sống.  Trích đoạn trên như một hoạt cảnh hề chèo mà chúng ta thường gặp trong đời. Sống và hành xử như một con rối, vì bất tài, vô dụng. Và, ai cũng biết, sự bất tài vô dụng đó chỉ cách sự bất chính, phi liêm chỉ trên gang tấc, qua sợi dây mong manh. Bài thơ có sự liên tưởng và chấm phá về một hạng người, cụ thể mà khái quát, phiếm chỉ nhưng sự châm biếm lại có sức thuyết phục, sâu cay. 

Bức tranh hành xử trong nghịch lý cuộc đời qua bài thơ “ Qua cầu rút ván” cũng được mô tả cụ thể qua thế giới động vật, và được tác giả khoác lên đó sắc màu  cổ tích ám ảnh người đọc thực sự bởi triết lý thiện ác. Đồng cỏ, thú con...là những thức ăn của muôn loài hang thú trong khu rừng rậm kia. Tuy nhiên, sự ích kỷ, nhẫn tâm-sau khi tìm được mồi đã khiến bầy sói  “qua cầu rút ván” nên  hậu quả là bị hổ dữ ăn thịt. Bầy sói không có đường tháo chạy, vì cây cầu về phia bên kia cánh rừng, về với sự an toàn và nương náu không còn nữa, nên đành làm mồi ngon cho lũ cọp. Đó là bài học cho sự gian tham, tàn nhẫn với đồng loại.

Câu chuyện “ Con cóc” khiến ta liên tưởng đến sự vênh vang của một loài nhân danh là ‘cậu ông trời”, do sự láu cá và vận may ngẫu nhiên. Tuy nhiên, qua ánh nhìn triết lý, nhân sinh của Đỗ Toàn Diện, sự láu cá này đã có kết cục của nó.  Đó là kết cụ giữa bi và hài, trong sự thương cảm và khinh khi của tác giả, khi liên tưởng đến hạng người này trong xã hội:

Coi mình là ‘cậu ông trời”

cóc ta giương mắt nhìn đời nửa con

gọi sấm dậy, bắt mưa tuôn

nghiến răng núi lở, dời non mặc lòng

 

đến khi bị nhốt vào lồng

vẫn còn vênh váo nghiến răng, dọa người...

( Con cóc)

Bạch tuộc qua cách nhìn của Đỗ Toàn Diện là loài vật kinh tởm, có sức mạnh vô hình làm chết kẻ khác bởi những vòi độc, trong những chiêu kế quỷ ma. Lời cảnh báo của nhà thơ là hãy nhìn những thân phận của tôm, cá, kể cả cá mập...để tìm ra nguyên lý sống: nguyên lý nhận diện, không chấp thuận và và tránh xa kẻ ác, gian ma.

Trong thế giới cỏ cây hoa lá với muôn loài động vật từ núi rừng đến thủy cung ấy, Đỗ Toàn Diện phác thảo một hoạt cảnh nực cười và cám cảnh của loài cỏ-khi chúng quên mình là phận cỏ, ngỡ mình nương náu và biến thành cây cao:

Dưới chân Đa cỏ dại bời bời.

nào là cỏ leo, cỏ lông, cỏ xước

là cỏ rác, chúng thường leo ngược

mơ sao che khuất Bách, Tùng

cỏ tên gọi chung

dù sống đến ngàn năm, cũng không thành Cổ Thụ

dù có trăm lần ước

cỏ vẫn muôn đời, lúp xúp dưới chân Đa...

( Cỏ dại)

Triết lý tự nhiên –trong đó có quy luật sinh tồn của vạn vật, cho chúng ta thấy rõ một điều, sự hóa thân mang tính tiêu cực, trái với lẽ thường mà không minh chứng cho một sự thật hiện hữu của cái tiến bộ hơn, thì sớm hay muộn, cũng tàn lụi.

Cau chuyện về Cò và Trai cũng ẩn chưa những minh triết của chân lý-thiện ác, đúng- sai qua sự nhận diện của nhà thơ. Trai phơi mình, hé miệng nơi bến sông trong chiều nắng, ngỡ nơi đây là chốn bình yên, bỗng nhiên, chú Cò đi qua mổ vào ruột Trai vì miếng ngon lồ lộ. Vừa hay lúc đó, khi Cò đang đau đớn bởi bị Trai kẹp, thì có chú cáo già đi qua, một công đôi ba việc, xơi luôn cả hai. Đôi khi, kẻ đi săn mồi ngỡ mình đnag bắt được con mồi, nhưng mấy ai nghĩ rằng, mình cũng là miếng mồi béo bở của kẻ khác.

Trong thế giới của loài vật, Đỗ Toàn Diện phát hiện ra loài kỳ nhông –chuyên thay đổi và ngụy trang cho phù hợp với hoàn cảnh. Đây là loài khó nhận biết màu sắc thật của chúng. Cái diện mạo giả-thật ấy khó lường cho kẻ khác:

 Một loài vật giỏi ngụy trang

trắng đen, xanh, đỏ, đa mang sắc màu

thay đổi rình rập biết đâu

chỉ chuyên rình rập biết đâu mà lường...

( Kỳ nhông)

Trên đời có nhiều kẻ khoác áo kỳ nhông, tù mù hù dọa nhiều người. Tuy nhiên, khi đã nắm bắt được quy luật của màu sắc, ánh sáng  và vòng quay của sự tiến hóa, sinh tồn-ta sẽ nhiện diện đúng những con “kỳ nhông”-ích kỳ và khôn ngoan quỷ kiệt ấy!

2- Bức tranh trực diện :

Bằng thủ pháp nhân hóa và trừu tượng –đi qua miền cổ tích, Đỗ Toàn Diện đã cho chúng ta thấy ý nghĩa xã hội qua lăng kính đa chiều. Cái nhìn châm biếm, đầy tính phê phán qua việc điểm xuyến, minh triết của một nhà giáo, qua tư duy tích cực, đầy tính phản biện-thế giới đa chiều, đa sắc của muôn mặt đời thường mà con người là trung tâm đã hiển hiện rất rõ. Mỗi người phải chịu một phần trách nhiệm của mình trong đó. 

Đây là hình ảnh nhãn tiền của một “đầy tớ” của dân:

“Đầy tớ” thời này sướng như vua

muốn làm “đầy tớ” cũng phải “mua”

ngông nghênh một ghế ông chễm chệ

ngất nghểu trên ngai hưởng lộc “chùa”...

( Chuyện lạ)

Bao chuyện tiêu cực trong xã hội, như hợp lý hóa bằng cấp để “ngoi” lên chức quyền, xu nịnh, bợ đỡ kẻ có chức quyền ưa phỉnh nịnh  để cầu danh, dùng quyền lực để thao túng lũ ô trọc...đến những mưu mẹo, hòng ăn bẩn và sống trên mồ hôi nước mắt của dân lành ( bài thơ Ông bốn chi; Mặc cả; Lên trời; Giặc-quan; Đầu gối kẻ nịnh...). Tất cả đã đi vào thơ Đỗ Toàn Diện cụ thể và khái quát nhất. Những hình ảnh ấy hàng ngày đập vào mắt chúng ta. Nhưng, những bài thơ cảnh báo, chua xót và phê phán nghiêm khắc của anh đã  ám ảnh người đọc.

Tôi tâm đắc  bài thơ “tự đánh bóng” của anh:

“Mình tự đánh bóng mình/ cho sáng choang “như ngọc”/ôi! cái đồ đồng nát/ sẽ han rỉ lại ngay/ có nhiều kẻ đánh bóng/ làm cho bao người say/ cho bao kẻ lóa mắt/sự thật sẽ phơi bày/sự thật như sắt thép/thời gian khó gặm mòn/ tượng đất mà vàng son/bóng thời gian giũ sạch/chỉ còn nguyên sự thật...” 

Có những sự thật hơn cả sự thật đã phơi bày, và mỗi nhà thơ-bằng tài năng và nhân cách của mình, đã chuyển tới thông điệp của nhân văn, với ý nghĩa tích cực nhất đối với con người và xã hội đã không vô ích. Thế giới nghệ thuật trong thơ anh đã đủ sức mở để chứa cho những luận đề, cổ tích-thế giới của thực hư và những điều đã sảy ra và sẽ sảy ra. Hiện thực, vì thế trong thơ anh cũng ngồn ngộn chảy và xuyên thấu trái tim và cảm xúc con người. Tuy nhiên, ở đề tài châm biếm, với cách nhìn hí họa, đa chiều, bức tranh hiện thực mà con người là điểm nhấn ấy đã chi phối và có sức chuyển tải những tư tưởng không chỉ của cá nhân nhà thơ-mà là của cả thời đại. Bức tranh phiếm chỉ-luận đề qua cách nhìn trào phúng ấy thể hiện ở đa chiều cuộc sống, giữa các mối quan hệ đan chen và diện mạo của những thành tố tạo nên sự sinh động ấy.

Ngân Hà

1
2
3
4
5
6
Tin mới