Kao Sơn
Đi dự đại hội NVVN lần 8 về, do bị công việc cuốn vào ngay nên mãi đến hôm nay nhân ngày Quốc Khánh, được nghỉ dài tới 4 ngày nên mới rảnh rang tý chút, lướt qua mấy trang báo mạng. Thì ra việc Hội NVVN tổ chức ĐH lần 8 đã nhận được sự quan tâm rộng rãi của rất nhiều cá nhân, nhiều giới và các tổ chức xã hội. Nhiều báo mạng của cả tập thể, tổ chức hay trên các trang Blogs cá nhân đã đưa tin, dành cho ĐH nhiều trang bài với những tin tức, sự kiện được cập nhật khá đầy đủ, phong phú về tất cả những gì kể từ khi sắp, đang trong quá trình chuẩn bị, tiến hành và cả những dư âm sau khi ĐH kết thúc. Chưa nói đến những khen, chê, đúng, sai được hình thành từ những ý thức hệ, những góc nhìn khác nhau, chỉ riêng điều đó thôi cũng đã nói lên sự kì vọng và quan tâm của dư luận đối với ĐH nói riêng và đối với nền văn học nước nhà nói chung. Một tín hiệu đáng mừng. Tôi đã đọc một số bài, trong đó có bài của PV các báo được mời đến dự và đưa tin tại ĐH. Một số bài của người ngoài Hội và trong đó đặc biệt chú ý tới một số bài viết, ý kiến của các nhà văn là Hội viên Hội NVVN, tức là những người trong cuộc. Đến dự đại hội NVVN trên tư cách đại biểu chính thức, nhiều nhà văn có rất nhiều ý kiến muốn đóng góp xây dựng Hội, nhưng vì lí do nào đấy chưa có dịp được trình bày tại Đại Hội, vậy thì trong điều kiện các cổng thông tin đang rộng mở hiện nay, họ có thể tiếp tục trình bày ý kiến của mình với Hội, với đồng nghiệp và với bạn đọc cả nước, những người yêu văn học, quan tâm đến văn học bằng những kì vọng, đòi hỏi sự vươn lên để đáp ứng….
Trong đại hội có một số nhà văn đến ĐH chỉ với mục đích được gặp bạn bè văn chương. Đó là một nhu cầu có thật và cũng đáng yêu. Văn chương là sáng tác tự thân và theo cảm nhận chủ quan của mỗi người, đâu phải cứ cần có đại hội để đưa mục đích yêu cầu rồi về căm cổ viết theo là được! Cũng lại có nhiều nhà văn đến ĐH mang theo những băn khoăn, bức xúc cần phát biểu nhưng khi được lên diễn đàn, có lẽ do quen viết theo cảm hứng nhiều hơn viết các tham luận mang tính lí luận cao nên có cảm giác cứ hay sợ người nghe không hiểu ý mình hoặc viện dẫn những lí luận làm cơ sở cho ý kiến nên đã sa vào việc trình bày dài dòng, nói những điều mà nhiều người đã biết nhất là những định nghĩa, những tiêu chí văn chương để làm luận cứ cho những ý kiến…, thành thử do thời gian quy định nên cái ý chính, những đề xuất, giải pháp nằm ở phần dưỡi bản tham luận thì lại không kịp đọc, hoặc đọc đến đó thời gian cho phép đã hết nên chủ tịch đoàn yêu cầu buộc phải dừng lại. Cái chính chưa nói được, thế là bực, bực với chủ tịch đoàn, với thính giả, với quỹ thời gian và với cả chính mình. Và những bức xúc kiểu đó có thể thông cảm được. Phần đông các nhà văn nhà thơ, những thính giả ngồi bên dưới khi gặp những trường hợp như vậy đều có sự thông cảm, bao dung, vỗ tay mời xuống dành thời gian cho người khác nhưng cười và không có ý gì ác với người đồng nghiệp đang cau có của mình. Một kiểu ứng sử văn hóa và thân mật. Điều này trong tường thuật của một số PV các báo đã nêu khá chân thực. Nguồn Báo Người Hà Nội nêu: “ Một nhà văn lần đầu tham dự Đại hội Hội Nhà văn, cho biết: Các nhà văn ta nhìn chung lúc nào cũng nhiệt tình, sôi nổi và thẳng thắn. Nhưng có nhiều khi vì quá say sưa, tâm huyết với lời phát biểu của mình mà quên cả thời gian, quên cả ý kiến của các nhà văn khác và quên cả…Đại hội”.
Nhưng cũng thật buồn. Bên cạnh những cái nhìn và tiếng nói xây dựng cũng có một số bài viết, ý kiến được tung ra với những giọng điệu rất khó chấp nhận mà ở đây tôi tạm gọi là lối nói thiếu văn hóa và càng khó chịu hơn khi những bài viết, ý kiến ấy lại là của chính những người trong cuộc. Xin lấy một ví dụ:
Nhà văn Phạm Viết Đào, trong bài đăng trên Việt Báo ( và cùng đó thấy xuất hiện ở nhiều báo mạng khác ) với tiêu đề:
Đại hội Nhà văn Việt nam lần thứ 8: Y như một xới vật làng
Thú thật, đọc bài viết này của PVĐ tôi rất khó chịu. Khó chịu không phải vì ông Đào đã đem “Những việc không hay trong nhà” phô ra cho “người ngoài ngõ” hay. Quả thực trong quá trình diễn ra đại hội đã có một số động thái, hành động chưa hay của một số đại biểu là nhà văn nhà thơ được chính thức mời dự mà bề nổi của một số sự việc đó được ông Đào phản ánh khá trung thực bởi về bề ngoài, nó đã diễn ra đúng như thế. Cái khó chịu mà bài viết tạo ra nằm ở thái độ của người viết: một thái độ thiếu tôn trọng Hội, thiếu tôn trọng đồng nghiệp, vơ đũa cả nắm, chưa hiểu nhau, chưa hiểu nguyên nhân sâu xa của động cơ những hành động đó và nhất là các ý kiến, nhận định của ông Đào được nói ra trên cái thế của kẻ bề trên cùng những răn dạy rất kẻ cả, đầy vẻ ta đây.
Hãy xem ông Đào viết:
Theo dõi không khí đại hội và những chuyện xảy ra tại không gian đại hội thấy Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam diễn ra gần giống như một “xới vật” làng; một cái làng có nhiều đám trẻ choai choai, ít công ăn việc làm, cứ đụng đến chuyện gì, trái ý nhau một tí, chưa hiểu nhau, thế là chẳng ai chịu ai, chẳng ai nhường nhịn ai lao vào vào vật nhau…
Tôi không hiểu sao ông Đào lại dám ví Đại hội NVVN là một cái làng có nhiều đám trẻ choai choai. Đám trẻ choai choai đó là những ai? Có phải là tuốt tuột những người mà ngay ở câu dẫn đầu bài viết ông đã nêu câu hỏi rất ngông ngạo và cũng đã tự chỉ ra: Hội 8-900 hội viên ai người lớn; 6-7 chục tuổi đầu rồi mà vẫn cứ trẻ con ?!
Rồi để chứng minh cho cái việc “đám trẻ con” ấy đã và đang hành xử mà ông gọi đích danh là “Vật nhau kiểu trẻ con” ông Đào nêu các tít:
; 1/Vật nhau giữa Đoàn chủ tịch với các Hội viên về việc bầu Đoàn chủ tịch điều hành Đại hội: 2/ Vật nhau huỳnh huỵch, tứ tung khi bàn thủ tục, thể thức tổ chức bầu cử Ban chấp hành tại đại hội, Chương trình tham luận đại hội: những cuộc vật nhau chí tử..vv …
Để tỏ cái thế của người ngoại cuộc, ông gọi tuốt tuột Chủ tịch đoàn là cái đám, cái đám ngồi chịu trận trên Chủ tịch Đoàn, gọi các đại biểu dự hội nghị là đám đông, việc giơ tay biểu quyết trong hội nghị là dùng đến sức mạnh của số đông, tức là kéo cả làng ra để giải quyết một việc nhỏ… Người này cướp micro của người kia, người kia mắng người nọ sao lại dám tranh phát biểu trước mình; có đại biểu phát biểu giống như sắp lăn ra chực vạ…
Xin thưa ông Đào, 736 Hội viên hoàn toàn không phải là một đám đông, đó là một tập thể các nhà văn Việt nam. Các thành viên trên Chủ tịch đoàn cũng không phải là một đám người ngồi chịu trận mà là những người có tâm thế và tư cách nhà văn, được Đại hội nhất trí bầu lên để lãnh đạo ĐH. Việc một vài nhà văn có hành động nóng nảy, thiếu kiềm chế cũng hoàn toàn không phải là hành động của đám chọi con, dùng quyền lực theo kiểu trẻ ranh. Đó là sự thực và đề nghị ông phải tôn trọng họ những người mà như tôi biết, so với ông họ hơn tuổi đời và tuổi Hội rất nhiều. Đây là phép lịch sự tối thiểu.
Ông Đào cũng theo chủ quan của mình phân hội nghị ra làm hai PHÁI: hội trường lại nhao lên xông vào vật nhau giữa hai luồng ý kiến… phái “đổi mới” do nhà thơ Hữu Thỉnh cầm chịch đã cho đo ván phái “phàm là” do nhà văn-Trung tướng Hữu Ước phất cờ ?! cái gọi là tinh thần yêu dân chủ của đám đông này cũng lại rất chi là “ trẻ người non dạ “…
Bình về việc có những ý kiến trái chiều nhau được tranh luận tại đại hội, ví như ý của Trần Mạnh Hảo, Bùi Minh Quốc với ý của Hữu ƯỚc, ông Đào viết:“Ông trẻ” Hữu Ước cũng hăng lao vào xới vật ….Ông nói hàm ý “ông Đảng” không bao giờ sợ các “ông trẻ “ dân chủ cả, nhắc các ông này đừng có mà quá trớn. Không hiểu khi đọc những dòng chữ này, gọi Đảng là ông Đảng, gọi những nhà văn nhà thơ đồng nghiệp có những yêu cầu về Dân chủ, tự do là Các ông trẻ dân chủ và rồi lớn tiếng đe dọa, vậy nhà văn Hữu Ước nghĩ gì!?
Rồi ông Đào nói: Cũng may đây là đại hội bàn những chuyện chung chung, báo cáo những chuyện chung chunng, từ báo cáo đến tham luận chỉ nêu những chuyện rông dài chứ nếu đây là một cuộc đại hội trong đó có thủ tục ví như phê và tự phê nhau trong sáng tác chẳng hạn. Nếu đại hội họp có nội dung đó thì đánh nhau to, không khéo tan cả hội trường ? Bởi những ông trẻ có cái mạnh của sự nhố, cái ông già thì có cái già rơ của ẩm ương, gàn dở của kiểu già .
Đến đây thì thật quá đáng. Xổ toẹt tất cả mục đích của ĐH, xúc phạm, khinh thường tất cả từ già tới trẻ, dùng lời nói như vậy về Hội của mình, các đồng nghiệp của mình thật ông Đào đã đạt tới đỉnh cao của sự ngạo mạn và thiếu văn hóa rồi. Chưa dừng lại ở đó, để minh chứng cho sự cao đạo, không thèm dây vào “chuyện trẻ con” của các đồng nghiệp mình trong hội trường ông Đào còn trương lên bức ảnh ông cùng Thái Sơn, Thạch Quỳ, Thanh Tùng, ra vỉa hè hội thảo… lấy đó làm oai. Ông gọi thái độ của các đại biểu phát biểu là sự hung hãn trong khẩu khí của các văn nhân…rồi lại tự ra vẻ băn khoăn: Không biết cứ bắt người ta nghe điều mình nói để được cái gì không biết ? Xin thưa, các đại biểu đến dự Hội nghị không phải chỉ để ngồi im nghe đọc những điều đã nêu trong các bản báo cáo đã có trong tay mà đến để nói lên tiếng nói tâm huyết của mình, trao đổi với đồng nghiệp về những điều tâm đắc và nói lên nguyện vọng của họ đối với Đảng, với nhà nước, một điều mà nếu không có Đại hội rất khó có cơ hội để trình bày. Và đó là một yêu cầu, nguyện vọng chính đáng, một tiêu chí, mục đích mà đại hội cần có. Minh chứng cho điều này là có hàng chục nhà văn tuổi cao, sức yếu phải vượt hàng ngàn cây số từ những vùng xa xôi của đất nước về dự, có nhà văn phải chống nạng lên diễn đàn. Họ đến không phải để vật nhau, không phải dể ngồi nghe và bàn về những cái chung chung, những chuyện rông dài. Vậy thì hà cớ gì ông lại chỉ căn vào mấy vụ việc đã xảy ra của một số đồng nghiệp ông mà bảo: Hội thảo diễn ra trong cái khung cảnh cả hai đều có thế mạnh thế là vật nhau nhừ tử Ban chấp hành và Chủ tịch đoàn vị chủ tịch Đoàn… Ngồi im như thóc chứng kiến cảnh vật nhau. rồi: Nghe nhiều ông nhà văn lên bục phát biểu cử tọa có cảm giác những ông này do cao tuổi, quanh năm ở nhà bị vợ quản thúc, không cho ra khỏi nhà, lại không cho nói nên được dịp ra trước đám đông thì như hổ sổ chuồng. Sao lại có thái độ miệt thị, vơ đũa cả nắm vậy. Và ông PVĐ là ai mà dám tự mình thay mặt cho mấy trăm hội viên về dự ĐH và gán ghép cho họ cái cảm ý của riêng ông? Việc làm ấy của ông, những thông tin mang đầy tính chủ quan của ông đã đem đến một hậu quả rất đáng buồn: Làm cho công chúng hiểu sai lêch và méo mó về tổ chức Hội và ĐH: Rất nhiều các Comemt bên dưới bài của ông Đào là những câu thế này: Thật là xấu hổ cho lực lượng nhà văn hiện nay… Đại Hội giống như hội trọi trâu ở Đồ Sơn Hải phòng… không còn cái từ nào để mô tả cái thối nát tột cùng của hội nhà văn việt nam…
Tất nhiên cũng có người nghi ngờ những thông tin của ông Đào và mỉa mai: Bác Đào này chắc phải hội viên hội nhà văn "xịn".? ( con gà con )
Không biết ông Đào có biết những hậu quả đáng buồn đó, ông tiếp tục: văn nhân nước mình sao mạ tụt hậu với thời thế, ngây ngô trước thời cuộc như vậy thì viết văn làm sao hay được. Nói thế nghĩa là riêng ông thì không. Ông không tụt hậu với thời đại, không ngây ngô trước thời cuộc. Rằng thì là văn ông hẳn phải hay lắm lắm ? Rồi nữa, để tỏ ra cái sự giác ngộ của mình về việc sáng tác, ông cao giọng: Hơn lúc nào hết, trách nhiệm của tổ chức Hội Nhà văn, của từng nhà văn phải tìm cách nhanh chóng vượt được lên chính mình, nhanh chóng thoát ra khỏi sự khủng hoảng, bế tắc do sự tụt hậu toàn diện và về mọi mặt của giới văn học so với các tầng lớp khác trong xã hội. Đó thật sự là một thực tế đau lòng và đáng hổ thẹn. Điều này đã bộc lộ ít nhiều trong Đại hội VIII vừa qua, trong cuộc hội thảo mới tổ chức có nửa ngày mà đã xuất hiện không ít những ý kiến nhảm,nếu không muốn nói là giống như ngủ mê giữa ban ngày…Nếu từng mỗi nhà văn không nhận thức ra được những biến đổi như vũ bão của thời đại, các quan hệ xã hội xung quanh mình, xung quanh đất nước mình; vẫn cứ bình thản “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” thì đồng hành làm sao được cùng dân tộc. Không những tự đẩy mình ra ở vị trí chầu rìa: tức nhà văn đã tự đánh mất mình mà thủ tiêu cái nghề của mình, một cái nghề cao quý cổ xưa như trái đất
Một kiểu răn đời, dạy người. Đọc đến đây tôi phải vội giở kỷ yếu nhà văn hiện đại ra tìm xem ông PVĐ là ai, và đinh ninh ông phải là nhà văn viết hay lắm và sẽ là một sai sót lớn nếu mình chưa có dịp được đọc và chiêm ngưỡng những áng văn hay của ông chăng. Nhưng thất vọng. Té ra ông PVĐ là Trưởng phòng Thanh tra Báo chí – Xuất bản Bộ Văn hóa Thông tin. Ông được kết nạp vào Hội năm 2006. Ngoài việc dịch, ông cũng đã có một tập thơ riêng được xuất bản. Tiếc rằng tất cả các tác phẩm của PVĐ quả thực tôi chưa hề nghe tiếng. Đó có thể là thiếu sót của tôi. Tôi chưa có điều kiện để đọc ông nên chưa biết thơ ông hay hay dở. Nhưng dù là hay chăng nữa thì cùng với việc viết tốt, cho ra đời những tác phẩm hay- Một nhiệm vụ của nhà văn- Thì cái điều mà tôi và cả người đọc nói chung vẫn cần trước hết mỗi nhà văn, nhà thơ đó là phải có một thái độ sống nghiêm túc, một cái nhìn sự vật sự việc công bằng, nhân ái, một tấm lòng bao dung, có trách nhiệm và một lối ứng xử văn hóa. Tôi cũng rất kì vọng muốn xem ông Đào đã lĩnh hội được vậy thì tới đây ông sẽ viết và sống ra sao. Nhưng muốn viết gì thì viết, mong ông Đào trước hết hãy sống và viết cho có trách nhiệm, có văn hóa, có nhân cách trước người đọc, trước đồng nghiệp mình, trước tổ chức mà ông đã viết đơn tha thiết mong được vào : Hội Nhà Văn Việt Nam.
Thành phố HCM ngày 3/9 năm 2010
KS