Chế Lan Viên: Đêm mơ nước, ngày thấy hình của nước/ Cây cỏ trong chiêm bao xanh sắc biếc quê nhà/ Ăn một miếng ngon cũng đắng lòng vì Tổ quốc/ Chẳng yên lòng khi ngắm một nhành hoa (…) Ngày mai dân ta sẽ sống sao đây/ Sông Hồng chảy về đâu? Và lịch sử?/ Bao giờ dải Trường Sơn bừng giấc ngủ/ Cánh tay thần Phù Đổng sẽ vươn mây?

   

Phan Bội Châu và ý nghĩa những cái tên
Cập nhật: 10:23:00 13/2/2011

VanVn.Net - Phan Bội Châu là nhà ái quốc vĩ đại đồng thời là một nhà văn, nhà thơ lớn. Con người ấy từng là linh hồn của dân tộc trong những năm tháng đau thương đầu thế kỉ, là biểu tượng của một thời khổ nhục nhưng vĩ đại…

Sự nghiệp cách mạng của ông tuy thất bại  nhưng con người đã dám từ bỏ tất cả, đem chí anh hùng và lòng quả cảm ra đền nợ nước ấy đáng được lưu danh muôn đời. Bài viết này không có ý định tìm hiểu về cuộc đời Phan Bội Châu, cũng không nghiên cứu về thơ văn của ông. Chỉ xin đề cập đến một vấn đề nhỏ: Phan Bội Châu và ý nghĩa những cái tên.

Phan Bội Châu có khá nhiều tên và hiệu. Mỗi cái tên đều mang một ý nghĩa riêng, thể hiện hoài bão, khí phách và tâm hồn ông. Thuở nhỏ ông có tên là Văn San, “ San” là san hô, một sinh vật quý và cứng cỏi giữa lòng biển khơi. Cái tên thuở ấu thơ ấy chứa đựng khát vọng về một kẻ sĩ chân chính, một nhà Nho “ Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất”. Và trong cuộc đời mình, dù lúc tung hoành Bắc Nam, lúc “ vượt bể Đông theo cánh gió” hay khi bị giam lỏng ở Huế, sống cuộc đời của con chim bằng gãy cánh, con hổ sa cơ với biệt danh Ông Già Bến Ngự,  Phan Bội Châu luôn giữ vững khí tiết và nhân cách sáng trong như loài san hô cao quý. Về sau ông lấy tên là  Bội Châu,  xuất phát từ câu thơ cổ “ Thành trung nga mỹ nữ. Châu bội hà san san” ( Người con gái mày ngài. Đeo ngọc châu lẻng xẻng). Cái tên Bội Châu ( Ngọc châu) thể hiện sự tự hào, sự  ý thức sâu sắc của ông về tài năng, nhân cách, về sự cao quý của mình. Trên bước đường cách mạng, Phan Bội Châu lại lấy hiệu là Thị Hán ( Tức một hảo hán chân chính) với mơ ước trở thành một người anh hùng dọc ngang trời đất, đạp bằng mọi bất công. Song, đặc sắc nhất và gợi nhiều trìu mến nhất vẫn là cái hiệu Sào Nam, lấy ý từ đôi câu thơ cổ “ Hồ mã tê Bắc phong. Việt điểu sào Nam chi” ( Ngựa Hồ kêu gió Bắc. Chim Việt đậu cành Nam). Lấy hiệu Sào Nam, Phan Bội Châu thể hiện tấm lòng yêu nước thiết tha. Như con chim Việt dù bay lượn trên đất Bắc vẫn không quên chọn cành Nam để đậu, dù bôn ba nơi đâu, dù chạy vạy chốn nào, Phan Bội Châu vẫn hướng về cố quốc, vẫn thường trực trong lòng tâm sự hoài hương. Tâm sự hoài hương, tấm lòng yêu nước ấy thể hiện rõ trong những vần thơ của nhà chí sĩ:

        Nay ta hát một thiên ái quốc

           Yêu gì hơn yêu nước nhà ta
          
Trang nghiêm bốn mặt sơn hà,
          
Ông cha để lại cho ta lọ vàng.

                        ( “ Ái quốc” – Phan Bội Châu )

Ý nghĩa của bấy nhiêu cái tên đủ để thấy con người này quyết không chịu làm thân nô lệ, không cam tâm thu mình trong vòng khoa cử để cầu cái lợi vinh thân. Từ trong tâm khảm, Phan Bội Châu muốn làm ngọc quý giữa tăm tối bùn lầy, muốn làm con chim Việt đậu cành Nam luôn vọng về tổ quốc, muốn làm một hán tử đạp bằng mọi bất công. Hoài vọng ấy thể hiện một nhân cách vĩ đại, thể hiện tầm vóc của một người anh hùng xoay chuyển càn khôn.

Hồ Tấn Nguyên Minh

Tin bài mới

Pre
2
3
4
5
6
7
8
Tin mới