Văn học với đời sống

2/5
9:52 PM 2019

“TÔI NGOÁI LẠI VÀ DÒNG SÔNG NGOÁI LẠI”

CAO NGỌC THẮNG  -  “Tôi ngoái lại và dòng sông ngoái lại…”, là câu thơ chấm lửng ở cuối bài “Chiều rời xa thành phố” (2014), biểu cảm nỗi day dứt kéo dài, chưa biết khi nào lịm tắt trong lòng người thơ đa cảm. Tôi ấn tượng câu thơ này của Nhà thơ-Đại tá Trần Đình Việt. Lần đầu thoạt đọc, ngỡ là sự hoài niệm. Nhưng, đọc lần nữa, rồi lần nữa, sự ngoái lại đã vượt và đi xa khỏi nỗi hoài niệm đơn thuần. Bởi, không chỉ là tôi, mà tôi đi liền với dòng sông – dòng sông thực và dòng sông trữ tình, mở ra, khêu gợi, cấp cho ngoái lại có thêm vỉa tầng ngữ nghĩa ngoài/lớn hơn hoài niệm.

Nhà thơ Trần Đình Việt

     “Trăm sông đổ về biển Đông”. Và, mỗi dòng sông, dòng chính hay dòng nhánh, đều có đời sống riêng. Cái riêng ấy xuất phát từ nguồn xác định, để rồi trải dài suốt cuộc hành trình trở về biển khơi với những nhọc nhằn, lúc ầm ào thét vang kiêu hãnh nơi thung sâu hiểm trở, khi êm đềm lặng lẽ uốn khúc quanh co, trườn mình trên châu thổ mênh mang bờ bãi. Đó là con đường trở về. Đời sông cũng là đời người. Cõi về của dòng sông là biển cả - nơi tạo mây, tạo gió, tạo mưa, từ đó tạo nên vòng đời mới, tạo nên vòng tuần hoàn không bao giờ khép kín… Đời sông cũng luân hồi, tái tạo. Tôidòng sông cùng hướng về nguồn cội với niềm day dứt gấp bội phần hoài niệm.

     Để đi đến hạ câu thơ cuối bài “Chiều rời xa thành phố”, nhà thơ chiêm nghiệm từ thực tại:

          Vì một con đường, một góc phố vừa mới qua

          trong khoảnh khắc thoảng màu chiều lay động?

          dòng sông ấy đã chảy vào tôi thành một dòng sông khác

          mềm mại hơn và xanh sâu hơn?

Đặt hai dấu chấm hỏi (?) trong khổ thơ, thi sỹ dường như giăng “cái bẫy”, đẩy xa lời khẳng định của mình. Nhưng, khoảnh khắc đã “phản bội” ý định của nhà thơ, để lộ ra một cảm thức tinh tế, rằng: cái gọi là “thực tại” luôn luôn và chỉ là nhất thời, mọi hình ảnh vận động hiện hữu của hiện tượng và sự vật nhanh chóng lướt qua, để lại ánh xạ “rơi” vào tâm thức khi cảm xúc xuất hiện; hiện tại ngay chốc lát đã trở thành quá khứ, do vậy khi chảy vào trong tôi dòng sông ấy đã “thành một dòng sông khác” (nếu không phải là tôi thì sự biến dạng ấy không xảy ra). “mềm mại hơn và xanh sâu hơn” khiến cho “thoảng màu chiều lay động” khắc sâu cái “khoảnh khắc” nhìn thấy/cảm thấy có sự nôn nao hướng thiện.

     Ở 6 tập thơ đã xuất bản, cuộc đời và tôi (lẽ đương nhiên) luôn song hành với dòng sông, nắng trời, ngọn gió, với con đường hay lá cây ngọn cỏ ngay từ nhan đề: “Gió trên những con đường” (2003), “Lặng lẽ bên đời” (2006), “Cây bên đường và nắng và gió” (2011), “Con đường rợp bóng sa mu” (2014), “Năm tháng mãi còn xanh” (2017) và “Và ngọn gió cuộc đời còn thổi mãi” (2018). Âu là cái tạng của một tác giả thơ, thấm sâu trong tư duy và ngôn ngữ thơ, để rồi đọng lại trên trang viết: “đơn giản chúng ta chỉ là những hạt bụi/ của những vương triều thịnh suy, tàn lụi/ mà ngọn gió cuộc đời thổi bạt vào góc quán cà phê sáng nay” (“Đơn giản chỉ là những hạt bụi…”, 2017). Nhưng, những hạt bụi ấy luôn dấy lên xúc cảm trước biến thiên, dù nhỏ nhặt, dù khuất lấp: “Có một lần quỳnh nở/ vào một đêm không trăng – Thực ra là lần ấy/ quỳnh nở dưới một vầng trăng khác/ vầng trăng - khuôn mặt người mến thương” (“Viết thêm về hoa quỳnh”); có lẽ nhan đề này không “ăn” mấy với bài thơ (!), bởi tứ thơ hay thế kia mà, một phát hiện chiều sâu được viết bằng ngôn ngữ giản dị. Đến đây, tôi muốn trở lại với bài “Chiều rời xa thành phố”, vì khi đọc bài thơ này in trên một tạp chí thơ, hai chữ “khuôn mặt” (ở hai câu: “tôi mang theo khuôn mặt buồn của em” và “khi mang theo khuôn mặt em buồn”) bị đổi thành hai chữ “gương mặt”; có thể người biên tập có lý, song chắc chẳng thể hợp tình với toàn bài thơ, do gương mặt (phẳng) thiếu hẳn chiều sâu (đa nghĩa, đa hình) để nói lên cái buồn “3D” của khuôn mặt, đến nỗi “và bầu trời chuyển màu ảm đạm” và khiến “tôi ngoái lại và dòng sông ngoái lại”.

     Cái ở ngoài hoài niệm, như trên kia đã nói, có mầm mống trong thơ Trần Đình Việt từ thuở thanh niên: “Ta cảm ơn rừng cho ta khi đến/ Chùm quả ngon ăn khuây nỗi nhớ nhà – Rừng cảm ơn ta lúc mùa quả chín/ Về mang rừng đi xa…” (“Ăn quả rừng”, 1965). Năm tháng trôi qua, cái ở ngoài ấy vẫn cứ đeo bám nhà thơ: “Rồi chầm chậm hoàng hôn/ chuyến xe như không thể dừng lâu hơn lại đưa em/ xa về một nẻo đường khác” (“Trên con đường rợp bóng sa mu”, 2011), hay: “Đứng ở Thác Khôn giữa ngày mưa lũ/ lòng chợt dịu đi khi nhớ tới Nguyên Hồng/ đàn voi rừng như từ trong thơ ông trở lại/ cùng tôi đi…/ và ngẫm ngợi về một dòng sông” (“Đến Thác Khôn nhớ Nguyên Hồng”, 2014). Hoài niệm để vượt lên hoài niệm - trở thành tâm thức của nhà thơ trong sự chiêm nghiệm cuộc đời, Trần Đình Việt đáu đau tỉnh thức: “Ngày và đêm/ Trước mặt và sau lưng/ Năm tháng đời người-mênh mông vời vợi…” (“Tỉnh thức trong đêm”, 2009) và, nhận ra thêm nữa: “Những gợn sóng lại hằn lên gợn sóng/ Chẳng còn mảnh đời nào được sống bình yên” (Những gợn sóng đời”, 2001).

     Lớp vỏ ngôn ngữ giản dị, nhưng những câu thơ của Trần Đình Việt có sự trầm tích của tinh thần tích tụ thức nhận từ chuỗi dài dong duổi đó đây, từ duy cảm chuyển hóa thành duy mỹ. Tất nhiên, sự chuyển hóa ấy không trải đều trên tổng thể mặt bằng thơ ông. Nghề kiến trúc tác thành vào thơ Trần Đình Việt sự xắp đặt bối cảnh, thể hiện trên bản vẽ thiết kế công trình bằng những đường nét xa-gần, đậm-nhạt trong không gian nhiều chiều: “Thành phố nhỏ, những con đường hẹp./ Lối bộ hành, những căn nhà cũ/ Quảng trường với tượng Goethe và Schiller/ Bóng nhà thờ trùm lên thành phố”, để từ “ngoại thất” trở vào “nội thất”: “Một ngày đời tôi còn ở lại đó/ Tôi mang mùa thu Weimar theo/ Cho đến tận bây giờ” (“Một ngày thu ở Weimar”). Vẫn gam màu ấy mà sắc độ đã khác khi nhà thơ ngẫm từ một đặc khu kinh tế: “Sóng thị trường cũng như sóng bể/ Ngày trở trời/ Chỉ chực chồm lên” (“Từ Thâm Quyến đến Quảng Châu…”, 2010).

     Không gian thơ của Trần Đình Việt khá rộng. Dường như đặt chân tới đâu, suốt chiều dài đất nước hay ra nước ngoài, ông đều có thơ ghi lại. Những địa danh trong thơ ông cho ta thấy dấu ấn cảm xúc của người thơ như muốn khỏa đầy không gian và thời gian, đọng lại hầu như ở tất cả các tập thơ đã xuất bản. Chẳng hạn trong tập “Gió trên những con đường”, “tụ tập” rất nhiều dấu ấn như vậy. Ở đất nước mình là Quảng Trị (quê hương ông), Hà Nội (quê hương thứ hai của ông), Huế, với những sông Đuống, sông Hồng, với biển miền Trung, Bảo Ninh… Ra khỏi biên giới là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đức, với Seoul, Nam Ninh, Dresden… “Những nẻo đường và năm tháng đi qua/ Giờ vẫn nở đầy hoa trong ký ức” (“Dresden, ký ức mùa hè đầu tiên”, 2001). Đặc biệt, với nước Nga, quá khứ gần và xa cứ đan cài thổn thức: “Tôi, người lữ hành chiều nay trên cầu Dvortsovaya/ may mắn được in bóng nhỏ của mình/ xuống dòng Neva mênh mang, huyền thoại – Vẫn sông Neva, bóng chiều, sóng nước…” (“Vẫn sông Neva bóng chiều, sóng nước…”, 2016 – cùng 6 bài thơ viết về nước Nga trong tập “Và ngọn gió cuộc đời còn thổi mãi”). Và, chính hành trình ngang-dọc, ngược-xuôi ấy đã “phủ” lên ông hai trạng thái, vừa thống nhất vừa đối lập: thu nhận những hiểu biết cần thiết cho tư duy nhà kiến trúc, và sự rung động trái tim nhà thơ, cho nên khi ngoái nhìn chợt giật mình xa xót: “Bạn dông dài thì nhiều/ Tri âm giờ được mấy/ Chiều giật mình ngoái lại/ Mình ta với hoàng hôn” (“Ngoái lại”, 2002). Tâm trạng cô độc luôn đồng hành cùng quá trình lao động sáng tạo, trong khoa học và trong nghệ thuật, như là định mệnh khi người ta dấn thân vào nghiệp.      

     Phải chăng, hai trạng thái, vừa trải rộng tầm quan sát vừa trải rộng “độ” rung cảm đã làm chậm lại sự chuyển hóa từ duy cảm sang duy mỹ trong thơ Trần Đình Việt, khiến người đọc không dễ gì nắm bắt cái hay, cái đẹp mà người thơ dụng công gửi gắm (?). Cũng bởi vậy có ý kiến cho rằng: thơ Trần Đình Việt nhiều chữ. Tuy nhiên, khách quan mà nói, cái sự nhiều chữ ấy chứa “chật ních” xúc cảm rất chân thành của một ý thức không để vuột khỏi tầm nhìn của mình bất cứ tia sáng nào chiếu tới. Bản thân nhà thơ thấy rõ điều này. Ông đặt tên cho một bài thơ: “Nhật ký Tây Bắc, hè 2004”, và ghi ở Hoàng Liên Sơn: “Núi tiếp núi, đường lên cao vời vợi/ Thoắt quay nhìn đã thăm thẳm thung sâu/ Mây giăng trắng đỉnh đèo ngóng đợi/ Mai ta xuôi rồi mây núi có về theo?”. Hoài niệm trong ông không dừng lại ở cái điểm nuối tiếc, mà trở lật sang điểm thấu thị cho bước đường trước mặt. “Chiều nay/ Tôi chạy khắp làng/ Tôi đi tìm bóng mẹ./ Tìm chút gì ký ức ngây thơ/ Trong ngọn gió đồng thơm thảo,/ Tiếng bìm bịp kêu bên đồi” (“Về làng”, 2006). Âm hưởng của những câu thơ này không gieo vào lòng ta tình cảm ủy mị. Người mẹ đã khuất núi còn để lại “thơm thảo” trong ngọn gió đồng và tiếng chim bìm bịp, nâng bước người con trên mọi nẻo đường.

     Cách lập tứ trong thơ Trần Đình Việt không nệ vào tiết tấu, mà thoải mái kéo theo một loạt hình ảnh. Ngồi trong quán cà phê quen thuộc, những gì đập vào mắt, vào tai làm cho suy nghĩ miên man, vô định, để rồi bật lên cảm giác: “Rời quán cũ/ Không buồn không vui/ Tôi để lại cốc cà phê uống dở trên bàn/ Sau lưng gió lành lạnh” (“Quán cũ”, 2005). Gió lạnh sau lưng, nhưng trong lồng ngực nhà thơ trái tim nóng lên, day dứt. Tưởng niệm một cô gái mười bảy tuổi bị bom Mỹ giết hại, nhà thơ “vin” vào mùa xuân để nói điều bất tử: “Nhưng bây giờ là mùa xuân/ Mùa xuân đang tràn lên mọi nẻo./ Tôi kinh ngạc trước sự trong suốt của mùa xuân”… “Cũng như mùa xuân,/ Mười bảy tuổi cuộc đời em không bao giờ dừng lại…” (“Mùa xuân không bao giờ dừng lại”, 1974. Một bài thơ khá dài). Đặt một câu hỏi vẩn vơ, nhưng chẳng vơ vẩn chút nào: “Tôi lấy vợ muộn hơn bạn bè cùng ra trường ngày ấy/ gặp nhau, bạn nói vui: cậu trẻ hơn bọn mình nhiều quá! – Thơ tôi hình như cũng trẻ hơn thơ của bạn thơ cùng trang lứa – Nhờ trời?/ hay nhờ vợ tôi?”. Nhân nghe một ca khúc, nhà thơ cảm nhận có gì sai sai, bèn ghi lại: “Khi câu thơ bị chặt đôi, bẻ đôi/ Đâu còn là thơ nữa/ Đôi khi chỉ làm rơi một chữ/ Khuôn mặt hiền lành có thể trở nên hung dữ,/ Người quân tử thành kẻ tiểu nhân”, và “Xin đừng chặt đôi, bẻ đôi câu thơ/ Đừng làm câu thơ chảy máu/ Đừng làm trái tim thi sỹ đau” (“Xin hãy để vẹn nguyên câu thơ”, 2006).

     Thơ Trần Đình Việt là thế! Ông hay “ngoái lại”. Ông hay nhớ về. Nhưng, đó không phải là hoài niệm, mà là khát khao. Ông kết thúc bài thơ “Tôi hay nhớ về…” (2005):

          Sao tôi hay nhớ về những giờ có em bên tôi

          Một chút dịu dàng

          Một chút dịu dàng thôi…  

Ta hiểu Trần Đình Việt khao khát điều gì ở cuộc đời luôn rát bỏng…

                                                                                                                                              

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *