Văn học với đời sống

14/8
6:27 AM 2016

TÀI NĂNG, TÂM HUYẾT VÀ TRÁCH NHIỆM NHÀ VĂN

Tuyên Hóa lược thuật

Tại Nhà sáng tác Đại Lải (Vĩnh Phúc), NXB Quân đội nhân dân phối hợp với Trung tâm hỗ trợ sáng tác VHNT (Bộ VH-TT-DL) vừa tổ chức cuộc Tọa đàm văn học về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng. Đại biểu Cục Tuyên huấn (TCCT), Hội VHNT Vĩnh Phúc cùng hơn 20 nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn học đã tham dự tọa đàm với nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc về những vấn đề xung quanh mảng văn học đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng hiện nay

         Đa chiều nhưng phải định hướng

Đó là ý kiến chung của đa số đại biểu, nhất là những nhà văn đã trải qua chiến tranh và đã có những thành tựu văn học về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng, như: Nhà văn Nguyễn Bảo, nhà văn Dương Duy Ngữ, nhà văn Đỗ Viết Nghiệm, nhà văn Nguyễn Duy Liễn, nhà phê bình Nguyễn Thanh Tú… khi bàn về thực trạng và những yêu cầu của văn học về đề tài trên đây.

Chiến tranh đã lùi xa mấy chục năm, người viết những năm gần đây đã có độ lùi cần thiết để nhìn về cuộc chiến một cách toàn diện, đa chiều hơn. Nhưng điều đó cũng có bất lợi là càng lùi xa thì tình cảm có thể lắng đọng nhưng sẽ phai nhạt đi, ký ức mờ đi. Người viết lại bị áp lực của cách nhìn, của tư duy thời bình, của thời đại bùng nổ thông tin và “thế giới phẳng”, của những vấn đề hậu quả chiến tranh đặt ra như: Tinh thần hòa hợp dân tộc; sự công bằng, chính sách với người đã trải qua chiến tranh v.v… Tất cả những điều đó nó dội vào người viết. Nhìn chung, văn học viết về chiến tranh sau năm 1975 ngẫm ngợi nhiều. Tuy nhiên, có cái càng nghĩ càng sâu sắc, nhưng cũng có cái càng nghĩ càng xa cái mục đích ban đầu cuộc chiến của chúng ta. Điều này, trong lời đề dẫn cuộc tọa đàm, Đại tá Kiều Bách Tuấn-Giám đốc, Tổng biên tập NXB Quân đội nhân dân-cũng cho biết: Nhiều bản thảo gửi đến NXB Quân đội nhân dân gần đây cũng cho thấy thực trạng trên.Thậm chí, nhiều tác phẩm còn lẫn lộn cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc thành nội chiến (đánh đồng lý tưởng, coi cả ta và ngụy là cùng thiệt thòi vì chiến tranh, đều hy sinh cho độc lập dân tộc, bị lôi kéo vào cuộc chiến, đề cao lực lượng thứ ba…). Có tác phẩm đào sâu vào những sự kiện, những nhân vật “nhạy cảm” trong lịch sử như: cải cách ruộng đất, nhân văn giai phẩm, cải tạo tư sản tư doanh… nhưng không đủ tầm để lý giải, thiếu logic, sai lầm về chính trị, đan xen những tư tưởng phản tuyên truyền. Đặc biệt, có những tác phẩm viết về các nhân vật lịch sử, nhất là lịch sử đương đại, đã có những nhận định đánh giá chủ quan, gây hoài nghi (kể cả ca ngợi bằng những điều không có thật), nhất là đánh giá về công lao… Lại có tác phẩm quá đề cao vấn đề tâm linh, ngoại cảm; hoặc lạm dụng sex, nhục cảm, bản năng…

Nhà văn Nguyễn Bảo lấy ví dụ về chuyện “bếp núc” khi ông viết tiểu thuyết “Thượng Đức” (tặng thưởng năm 2003 của NXB Quân đội nhân dân, Giải thưởng VHNT năm 2004 của Bộ Quốc phòng và một số giải thưởng văn học khác) để rút ra kết luận: Chiến tranh là hiện thực đã xảy ra không thay đổi. Chỉ có cách viết là thay đổi, nhưng đổi mới như thế nào? Viết về kẻ thù thì kẻ thù cũng có cái tốt, cái hay, nhưng viết để người đọc yêu kẻ thù hơn anh giải phóng là thất bại, phản tuyên truyền. Nói rộng hơn, ngày nay văn học viết về chiến tranh đa chiều hơn, đa dạng hơn, nhưng phải có nguyên tắc, có định hướng chính trị rõ ràng và nhân văn cao cả.

Nữ nhà văn Thanh Vĩnh, Phó Chủ tịch Hội VHNT Vĩnh Phúc phát biểu khẳng định: Đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng vẫn là dòng mạch chính, có vai trò to lớn trong đời sống xã hội, là “vỉa mạch” còn rất dồi dào tài nguyên, cần được tiếp tục khai thác, viết nên những câu chuyện hấp dẫn, có hồn, để người đọc hôm nay thấy được thắng lợi vĩ đại của dân tộc là sự kết tinh sức mạnh toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, là sức mạnh của ý chí - lòng yêu quê hương của con người Việt Nam, là trí tuệ bản lĩnh con người Việt Nam tiêu biểu là hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ gắn kết với tình cảm quân dân. Nhà văn, Tiến sĩ Lê Thị Bích Hồng và nhà thơ Nguyễn Trọng Văn bày tỏ mối quan tâm, gắn bó của mình đối với mảng đề tài này, bởi chính những người thân yêu ruột thịt của mình đã là những nguyên mẫu nhân vật và nguồn tư liệu vô tận cho sáng tác văn học về chiến tranh và người lính… Bởi vậy dẫu cách tân, đổi mới thế nào cũng không thể trái ngược với sự thật lịch sử, trái với đạo đức nhân văn, xúc phạm tình cảm người thân và tổn hại lợi ích của cộng đồng, của dân tộc.

     “Tự do” nhưng có tổ chức

“Làm thế nào để có tác phẩm hay về đề tài chiến tranh và người lính?” là vấn đề được “đàm luận” khá sôi nổi. Tất nhiên, cần có tài năng để viết tác phẩm hay, tác phẩm lớn thì rõ rồi. Nhưng, chăm sóc tài năng và tạo điều kiện cho tài năng sáng tạo thì lại là câu chuyện khác. Bất luận thế nào thì tương lại văn học nước nhà, trong đó có mảng đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng, là thuộc về thế hệ nhà văn trẻ. Vậy thì thế hệ nhà văn trẻ hôm nay cần những phẩm chất gì của người sáng tạo? Có phải chăng là cần cái nhìn, tầm nhìn về cuộc chiến tranh đã qua. Có nhiều người viết văn kêu ca rằng tự do sáng tác bị bó buộc, nhưng thực tế cái trần tự do sáng tạo không phải là quá hẹp, mà đã đủ cao và rộng để nhà văn sáng tạo ra tác phẩm lớn. Nhà văn hôm nay có thể viết thoải mái và có rất nhiều kênh xuất bản, phổ biến tác phẩm của mình; nhưng đấy có phải là một tác phẩm văn học đích thực hay không? Chất lương nghệ thuật và giá trị tư tưởng đến đâu? Đó lại là một thách đố đối với tài năng và tâm huyết của người viết.

Cây bút trẻ Lưu Tử Anh, một cô giáo tiểu học đến từ Lào Cai, nói rằng thế hệ trẻ hôm nay được chuẩn bị kỹ càng về văn hóa, điều kiện sống và điều kiện học tập tốt hơn. Nguồn tài liệu về chiến tranh quá phong phú, đầy đủ và tiếp cận tài liệu rất dễ dàng. Nhà văn trẻ muốn viết về trận Pleime thì họ không phải nghe thượng tướng Nguyễn Hữu An kể chuyện chiến đấu nữa, mà lấy tư liệu ở Google hoặc nghe các vị tướng tá của Mỹ, thậm chí đếm được bao nhiêu xác lính Mỹ do phía biên kia thống kê. Nhưng, khả năng phân tích các tài liệu ấy như thế nào để hiểu ra bản chất cuộc chiến lại là một thách đố. Và nữa, với các nhà văn trẻ chưa qua quân ngũ hoặc chỉ trải qua 18-24 tháng nghĩa vụ quân sự, thì vốn hiểu biết về người chiến sĩ hôm nay quá mơ hồ, ít ỏi. Làm thế nào để giúp họ tiếp cận với người chiến sĩ hôm nay, hiểu biết thấu đáo về người chiến sĩ hôm nay? Để có những trang viết chân thực về họ?

Nhà thơ Mai Nam Thắng-tác giả từng có tác phẩm ra đời từ trại viết do NXB Quân đội nhân dân tổ chức và được Giải thưởng VHNT của Bộ Quốc phòng-cho rằng: Dẫu sáng tạo văn học là một lĩnh vực đặc thù, cần một khoảng tự do cho tư duy, tìm tòi và thể hiện… nhưng quyết không phải là một thứ tự do vô hạn độ như không ít người ngộ nhận. Đổi mới, cách tân, thể nghiệm kiểu gì cũng không thể trái ngược, xa lạ với văn hóa Việt Nam, cũng phải trên tinh thần lí tưởng Chân - Thiện - Mỹ. Vì vậy, để có một đội ngũ nhà văn trẻ tiếp tục gặt hái những thành tựu mới về đề tài chiến tranh và người lính, cần phải có một sự tổ chức chu đáo và bài bản. Trước đây trong kháng chiến chống Pháp, nhờ tổ chức tốt phương châm “văn hóa hóa kháng chiến, kháng chiến hóa văn hóa” mà chúng ta đã tập hợp, rèn luyện, phát huy được một đội ngũ nhà văn-chiến sĩ đông đảo và chất lượng. Hoặc  như sau năm 1975, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẩn trương tập hợp hàng chục nhà văn ở các chiến trường về các trại viết Vân Hồ, Tô Lịch, Đại Lải, Đà Lạt, Vũng Tàu… Rồi sau đó lại sớm phát hiện và cử đi học tại các trường đào tạo chính qui trong nước và nước ngoài. Nhờ đó mà có được một “Thế hệ Vàng” các nhà văn của những tác phẩm xuất sắc về chiến tranh và người lính. Như vậy, có thể nói tính chất căn bản của nền văn học cách mạng Việt Nam là nền văn học có tổ chức. Ngày nay, để phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao; trong đó có nhiều tác phẩm về đề tài chiến tranh và người lính xuất sắc, xứng tầm với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, thì công tác tổ chức càng cần được coi trọng.

    Những “con mắt xanh” và “bàn tay mát”

Tán thành với quan điểm “văn học có tổ chức”, rất nhiều nhà văn, nhà thơ cũng đã bày tỏ tình cảm đối với NXB Quân đội nhân dân, nơi có những “con mắt xanh” và những “bàn tay mát” đã phát hiện, nâng đỡ, tạo điều kiện cho những tác phẩm của họ được hình thành, ra đời và đến với bạn đọc.

Nhà văn, nhà biên kịch Lê Ngọc Minh cho biết: Tác phẩm đầu tay của ông, cuốn “Đám cưới tháng 7”, được ra đời ở NXB Quân đội nhan dân. Đây là “cú hích” rất lớn để ông đeo bám nghiệp văn chương. Và gần đây nhất, cuốn sách thứ 11 của ông, cũng được ông tin cậy gửi gắm cho NXB này. Nhà văn CCB chống Mỹ Nguyễn Duy Liễn nói rằng ông ở tận Quảng Ninh, không có điều kiện giao lưu học hỏi nghề nghiệp nhiều, nên mỗi lần được NXB Quân đội nhân dân mời đi Trại sáng tác là một dịp rất quý, rất thiết thực để “hâm nóng” tình tình yêu và năng khiếu văn chương. Nhà văn Dương Duy Ngữ, cựu Trưởng phòng Văn nghệ của NXB Quân đội nhân dân gần 20 năm trước, bày tỏ sự cảm phục của ông đối với trình độ tay nghề của thế hệ biên tập viên ở NXB hôm nay. Ông cũng đề nghị cấp trên nên duy trì khoản kinh phí hằng năm cho NXB mở trại sáng tác thường niên, như thời ông đng công tác. Bởi không làm được như thế, thì rất kho thu hút được những tác giả và tác phẩm có uy tín, chất lượng cao về đề tài LLVT và chiến tranh cách mạng.

Nhiều ý kiến đã nhắc lại từ trong khói lửa những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp, NXB Quân đội nhân dân đã có nhiều tác phẩm hấp dẫn, được bạn đọc ngưỡng mộ. Sau 1975, nhiều tác phẩm về đề tài này tiếp tục ra mắt bạn đọc được hoan nghênh, góp phần tạo nên tên tuổi của nhiều tác giả được Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, như: Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương, Nguyễn Trọng Oánh, Dũng Hà, Khuất Quang Thuỵ, Nguyễn Trí Huân, Hữu Mai, Nam Hà v.v… Đặc biệt, thể loại Kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội, Sáng mãi phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ do Cục Tuyên huấn trực tiếp tổ chức được coi là một loại thành tựu văn học, một nguồn tư liệu lịch sử phong phú được dư luận hoan nghênh.

Những năm gần đây,  những tác phẩm “Vùng lõm” của Nguyễn Quang Hà, “Tiếng khóc của nàng Út” của Nguyễn Chí Trung, “Bức tường lửa” của Khuất Quang Thuỵ, “Thượng Đức” của Nguyễn Bảo… cũng góp phần không nhỏ vào đề tài này. Kể không thể hết, song những tác phẩm tiêu biểu đó ghi dấu trong lòng bạn đọc là kết quả lao động sáng tạo không mệt mỏi của các thế hệ người cầm bút hùng hậu, các nhà văn, nhà thơ trong và ngoài quân đội đã gắn bó chặt chẽ với NXB Quân đội nhân dân. Đồng thời, NXB với chức năng là “bà đỡ” đã tổ chức nhiều trại viết – cả trong chiến tranh cũng như trong hoà bình – để giúp các tác giả ươm mầm ý tưởng, cùng hướng tới những mùa văn học đơm hoa kết quả. Nhiều năm nay, Nhà xuất bản QĐND là cơ quan thường trực của cuộc vận động sáng tác tiểu thuyết, trường ca, thu hút những cây bút hàng đầu, với kết quả nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng cao.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *