Văn học với đời sống

6/4
8:48 AM 2017

SOI VÀO NGUỒN CỘI…

Nhà thơ NGUYỄN HỮU QUÝ

      Khó diễn tả hết nỗi xúc động của tôi khi lần đầu tiên được đến Đền Hùng. Dẫu từ thời còn là cậu học trò cấp một tôi đã biết đến câu ca dao truyền lưu sâu rộng trong nhiều thế hệ mang ý nghĩa như một xác định cội nguồn dân tộc và gốc rễ cộng đồng: Dù ai đi ngược về xuôi / Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba. Cảm xúc mãnh liệt có từ Đất Tổ thiêng liêng đã cho tôi bài thơ Soi gương giếng Ngọc khởi đầu bằng những câu đậm chất huyền tích lịch sử:

Tôi soi vào Nước ngàn xưa

Thấy dân đi cấy với Vua đi cày

Núi Hùng chim Lạc rợp bay

Hoang sơ xóm mạc, tháng ngày hồn nhiên

Thậm thình vọng tiếng chày đêm

Lúa Giao Chỉ đã chín lên hai mùa…

Chim Lạc! Chẳng dễ dàng xác định được nguyên mẫu của chim Lạc khắc tạc trên mặt trống đồng, nhưng ta cũng cảm nhận được muôn vàn khát vọng của tổ tiên vỗ cánh dưới vầng dương chói sáng từ thuở châu thổ Hồng Hà còn là vùng đầm lầy dọc ngang sông lạch, um tùm lau sậy. Vùng đất trung du nằm giữa ba con sông vơi bớt hoang vu khi bông lúa Giao Chỉ chín vàng trên những thửa Lạc điền nằm dưới chân đồi bát úp nhấp nhô. Dấu chân lội ruộng của Vua Hùng trong buổi cày se se gió bấc còn lưu lại giữa truyền thuyết dân gian như một minh chứng tin cậy về sự hồn nhiên của thuở dựng nước sơ khai ấy. Hồn nhiên Việt còn  lấp láy trong những tư thế ái ân của các cặp trai gái trên nắp thạp đồng Đào Thịnh cũng đã cho tôi bao liên tưởng xa xăm: Mới hay cái nhịp tang tình / Cất lên là lửa, lặng chìm là than / Nghìn năm bão dập, mưa chan / Cõi yêu vẫn của thế gian thuở đầu... Sau thậm thình nhịp chày giã gạo là những xoan ghẹo ân nghĩa tình tứ của miền Đất Tổ và thật may mắn nó không bị chìm lấp dưới lớp bụi thời gian dày đặc, trái lại đã được nhân loại tôn vinh bởi giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo. Ông cha để lại cho con cháu những giá trị văn hóa đặc sắc, mang dấu ấn tính cách, tâm hồn Việt sâu đậm và đó cũng là minh chứng cho trí tuệ của một dân tộc biết đánh giặc bằng gươm và cả bằng đàn.

Không lộng lẫy, không hoành tráng, Đền Hùng vẫn đĩnh đạc cho ta những hướng vọng để tri ân và nhiều nhớ thương để quy tụ. Con đường dựng nước và giữ nước đã dài rộng về thời gian, không gian, dân tộc bật dậy từ mồ hôi và máu, lớp lớp ngã xuống, lớp lớp đứng lên, sinh tử nào cũng mang trong mình khí phách Lạc Việt. Tôi soi vào cội nguồn trong / thấy Tiên là Mẹ, thấy Rồng là Cha / thấy mình là nụ là hoa / hương thơm từ thuở xưa xa thơm về… Con Rồng cháu Tiên không phải là một cách tự nhận vu vơ mà đó là niềm tự hào, lòng tự trọng được hun đúc qua những éo le lịch sử với chồng chất cam go không kể xiết, những mất còn khi đối mặt với kẻ thù gần, kẻ thù xa. Tổ tiên ông cha ta thật tuyệt vời, thật vĩ đại. Lịch sử đã minh chứng rõ ràng điều đó. Nếu không vĩ đại, không tuyệt vời chúng ta làm sao tồn tại được trước nhiều cuộc xâm lăng của ngoại bang. Một nghìn năm Bắc thuộc, quá đủ để cho văn hóa của kẻ khổng lồ làm hòa tan văn hóa Lạc Việt. Nhưng, điều tồi tệ nhất đó đã không xảy ra khi dân tộc ta bằng máu, mồ hôi đã dựng nên nền độc lập cho Tổ quốc, núi sông bờ cõi đã chia, phong tục Bắc Nam cũng khác!

Cánh chim Lạc bay ra biển Đông, bay về trời Nam, âm thầm vượt sóng, vượt gió để hôm nay chúng ta có rộng dài đất nước. Văn hóa Việt vẫn bảo lưu, bảo tồn trong những vật thể, phi vật thể của dân tộc và của nhân loại. Ngoài cái ta có, dân tộc mình đã khéo léo khôn ngoan “Việt hóa” những tinh hoa nhân loại được nhập vào kể từ tư tưởng, khoa học, tôn giáo. Tư tưởng, tôn giáo vào ta chỉ giữ cái cốt lõi còn diện mạo hình thái của nó bị chi phối khá nhiều tính cách, tâm hồn Việt. Phô trương không phải là bản tính dân ta, thế nên chùa chiền, miếu mạo, nhà thờ ít đồ sộ. Nhỏ bé mà không lẫn. Những kích thước khiêm nhường nhưng rất hài hòa và nhiều gợi mở, gửi gắm. Chùa Một cột chỉ là bông sen mảnh dẻ nhưng sau nghìn năm vẫn không cũ. Chùa Đồng trên lồng lộng Yên Tử xưa kia cũng bé nhỏ vô cùng mà sao chưa bao giờ ngớt bước người hành hương. Kinh đô Huế, Phố cổ Hội An, Thành Thăng Long, Thánh địa Mỹ Sơn… rồi Nhã nhạc cung đình Huế, Quan họ Kinh Bắc, Hát xoan Đất Tổ, Ví dặm Nghệ Tĩnh, Cồng chiêng Tây Nguyên, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt… đã trở thành di sản văn hóa thế giới không phải là nhờ “ăn may”. Bao nhiêu điều hay, cái tốt như thế, bản lĩnh khí phách, trí tuệ, tài hoa như thế không đủ độ tin cậy cho ta tự hào dân tộc sao? Một dải non sông kéo dài từ chóp nón Lũng Cú đến ngón chân cái chưa khô bùn vạn dặm Mũi Cà Mau và mở rộng ra tận Hoàng Sa, Trường Sa, Phú Quốc… không đủ cho ta thấy được bản lĩnh can trường và trí lự sáng láng của ông cha sao? Thế mà vẫn có những dè bỉu chê bai dân Việt. Đôi ba kẻ ăn cơm châu thổ Hồng Hà, châu thổ Cửu Long, uống ca dao tục ngữ Việt lại sa sả mắng chửi dân tộc mình là dốt nát, hèn mọn. Trong mắt họ, chúng ta chỉ là thứ sản phẩm của tranh tre nứa lá. Ôi chao, cái kiểu miệt thị dân tộc ấy dù được che đậy dưới tấm áo choàng tân tiến thời thượng, cũng chỉ là biểu hiện của thói sùng ngoại vô lối mà thôi. Nên nhớ, ông cha ta không bài ngoại đâu nhé. Các tôn giáo vào nước ta đều tìm được chỗ đứng, kiến thức khoa học của nhân loại không mấy khó khăn khi thâm nhập vào đất Việt. Thậm chí, những kẻ từng dội bom nã đạn vào ta cũng vẫn được tặng hoa hồng khi họ đã hối cải trở lại làm bạn. Nhiều phen bị ngoại bang xâm lược, bị đô hộ, bị chèn ép nên như tre phải mọc thành bụi, dân phải kết thành làng mới bám trụ được bão giông. Cái liên kết làng xã đó rơi rớt lại trong kiểu thích tụ tập, hay nương tựa khi đến  nơi xa lạ của người Việt. Cha mẹ lo cho con chưa xong còn phải lo cho cháu, gánh nặng gia đình kẽo kẹt suốt một đời người. Lo mà vẫn ít khi oán trách bởi cái câu thành ngữ Nước mắt chảy xuôi đã ngấm vào máu thịt. Tôi nghĩ, có lẽ dân Việt mình thương con cái nhất trên thế gian này. Biết thương vậy, thương thế là mình tự đày mình, vất vả lắm nhưng không mấy ai cho thế là dại dột, tội nghiệp. Nhìn vào từng cá thể Việt thì tính độc lập tự chủ có vẻ không cao nhưng trong tổng thể dân tộc cộng đồng thì không có giá trị nào cao hơn cái đó.

Lịch sử mãi khắc sâu lời Bác Hồ căn dặn cán bộ, chiến sĩ sư đoàn Quân Tiên phong ở Đền Hùng: Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước. Công cuộc dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt lại đứng trước muôn vàn thử thách to lớn. Biên giới, biển đảo đã có lúc không bình yên. Biển Đông cũng đã lắm phen nổi sóng, không phải vì giông bão mà do âm mưu chiếm đoạt của nước khác. Biển đảo không chỉ là một phần lãnh thổ thiêng liêng của chúng ta mà nó còn là danh dự và ý chí tinh thần của một dân tộc. Giữ gìn nguyên vẹn những phần lãnh thổ đó là nhiệm vụ không thể thoái thác, lơ là của các thế hệ hôm nay và mai sau.

Trong lịch sử, dân tộc ta thường phải chiến đấu với những kẻ thù lớn mạnh hơn và điều kỳ diệu là Việt Nam đã chiến thắng. Những chiến thắng đổi bằng rất nhiều máu xương. Lòng yêu nước nồng nàn đã tạo nên sức mạnh dân tộc mà sự bắt đầu chính là đây, nơi khởi nghiệp của Vua Hùng với sự ra đời của Nhà nước Văn Lang đã được định danh trên Đất Tổ. Tinh thần Hùng Vương, đấy là điểm tựa lớn nhất và mãi mãi của dân tộc ta trong công cuộc dựng nước và giữ nước bây giờ và mai sau.

(Nguồn: qdnd.vn)

                                                         

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *