Văn học với đời sống

21/10
10:51 AM 2017

KHI “Ở ĐÂU CŨNG CÓ NGƯỜI VIỆT”

Bùi Đức Thọ - 1.Ở đâu cũng có người Việt thuộc về thể văn du ký, nếu có thể gọi, lâu nay vắng bóng trên văn đàn. Vì sao? Vì phải đi nhiều và trải nghiệm các không gian sống khác nhau thì mới viết du ký được. Khổ nỗi nhà văn của ta bây giờ nói chung ít chịu khó đi vì 1001 lý do khách quan và chủ quan.

                                                   Ảnh minh họa: Lễ rước trong Giỗ tổ Hùng Vương

 Nói như ai đó thì, người Việt bây giờ sống trong không gian ảo là chủ yếu. Tôi nghĩ, không gian sinh tồn thực của người Việt ở ngoài biên giới quốc gia là mảnh đất phì nhiêu, màu mỡ nhiều hứa hẹn cho những cây bút chịu khó đi nhiều, ham tìm tòi và phảng phất tinh thần dấn thân, giang hồ, xê dịch, đôi khi phiêu lưu và mạo hiểm. Hơn bốn triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đó là một thực thể Việt rộng lớn, đó là cả một thế giới mở trong thế giới phẳng. Nếu nói có một “Tổ quốc nhìn từ biển” thì cũng có thể nói có một “Tổ quốc nhìn từ người xa xứ”. Tôi cũng có một thời gian sống và học tập ở nước ngoài nên cũng đã thấm nhuần cái tinh thần toát ra từ nhan đề sách “ở đâu cũng có người Việt”. Cũng đã có một số cuốn tiểu thuyết viết vềthân phận người Việt ở nước ngoài. Nhưng có lẽ đa số chưa tới. Vì sao? Vì mới thấy cây mà không thấy rừng. Tôi nghĩ, hình thức ký/du ký như cách Nguyễn Đắc Như đã, đang và sẽ viết có thể sẽ đem đến cho độc giả một cái nhìn đầy đủ và sâu sắc hơn về cộng đồng người Việt ở ngoài biên giới. Muốn thẩm thấu Ở đâu cũng có người Việtthì có lẽ, theo tôi, độc giả cần đọc ngược Nguyễn Đắc Như từ Tây Âu không biên giới, Nam Mỹ ký sự, Góc bể chân trời. Mỗi lần gặp Nguyễn Đắc Như tôi lại thấy cảm phục cái sức đi, sức nghĩ, sức viết của một nhà văn đã qua ngưỡng cổ lai hy. Lại nhớ đến chỉ giáo của nhà văn Nguyễn Tuân về công việc của một người làm “nghề chữ” chỉ gói gọn trong ba việc “đi - đọc - viết”. Có thể nói, Nguyễn Đắc Như đã đáp ứng được ba yêu cầu khắt khe đó mà không phải nhà văn nào cũng thực hành được. Ở đâu cũng có người Việt tập hợp các bài riêng lẻ được viết từ năm 1997 đến 2003. Tính đến nay đã qua vài thập niên, nhưng những gì được viết, dù đã lâu, nhưng sau khi đọc xong vẫn cảm thấy sức nóng hổi của tính thời sự và ý nghĩa nhân văn về cuộc mưu sinh và ý chí tồn tại “cay đắng và vinh quang” của hàng triệu con dân nước Việt ở những chân trời góc bể xa xôi. Ba mươi mốt bài viết là ba mươi mốt câu chuyện về những người Việt xa xứ dám quăng thân vào gió bụi vì đã tha hương thì phải chấp nhận hẩm hiu, may rủi, thậm chí bị hành hạ đâu đó. Nhưng có lẽ tinh thần hiện sinh đã vực họ dậy trong cuộc mưu sinh giữa cuộc bể dâu vô bờ bến.

 

2.

Ở đâu cũng có người Việt nổi bật âm hưởng chủ đạo - ở ngoài biên giới quốc gia không phải là miền đất hứa. Cuộc mưu sinh nhọc nhằn của nhiều thế hệ người Việt ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới được tác giả ghi lại trung thực bằng những điều mắt thấy, tai nghe theo lối “ba cùng”. Viết ngay sau dấu vết nóng hổi của sự kiện là ưu thế của thể văn du ký. Cuốn theo con chữ của Nguyễn Đắc Như độc giả sẽ cùng chu du đến nhiều đất nước khác như Cộng hòa Séc, Ucraina, Cộng hòa liên bang Nga, Cộng hòa liên bang Đức, Cộng hòa Pháp, Vương quốc Anh, Vương quốc Thụy Điển, Vương quốc Bỉ, Hà Lan. Dẫu cho ở mỗi quốc gia này chưa có cái gọi là “Phố Việt” theo kiểu “Phố Tầu” (Chinatown). Nhưng biết đâu đấy, đến một lúc rồi sẽ có. Độc giả không thể không ghi vào bộ nhớ cảnh lam lũ, thậm chí đôi khi nhếch nhác của bà con mình trên đất Séc khi thấy họ treo cái biển có chữ “non stop” (nghĩa là bán hàng, phục vụ các “thượng đế” 24/24 giờ/ngày!?). Hãy cùng tưởng tượng ngoài trời rét cắt thịt da, mà bà con ta vẫn cứ phải: “Ngày lại ngày phải trầy trầy phơi mặt ngoài trời âm hai, ba chục độ mà nhặt từng curon”. Nhìn thấy cảnh này mới cảm thán: “Giá biết thế này thì cứ ở nhà, rau cháo có nhau còn đỡ tủi phận hơn”. Đó là thảm cảnh ở Séc. Nhưng không chỉ ở mảnh đất này. Khổ thì cố mà chịu. Người Việt vốn quen chịu khổ từ lâu rồi. Nhưng nhục thì đôi khi như uất trào khi đọc những trang viết về người Việt ở Nga. Hơn hai giờ đồng hồ cho việc tra xét giấy tờ nhập cảnh ở sân bay quốc tế Se-re-me-che-vo (Mat-xcơ-va, Nga), mới thấy cái thân phận của người Việt ở xứ trời Tây. Có mặt trong cuộc tra vấn, câu giờ vô lối ấy nên đêm hôm đó trên xứ sở bạch dương và tuyết trắng tác giả cảm thấy khó ngủ vì: “Riêng tôi nằm mãi không ngủ được, phần vì quá giấc, phần vì cái cảm giác hụt hẫng về cách bị hành hạ ở cửa ngõ nước Nga. Có phải vì đất nước này vẫn còn bề bộn, ngổn ngang trăm mối, mà luật pháp trở thành những trò chơi ngẫu hứng trong bàn tay những kẻ vô lương? Hay vì cộng đồng lam lũ người Việt, lại một lần nữa tràn vào Nga, tràn vào Đông Âu như những đợt nước tràn bờ, và thế là lũ cò nhảy ra mò mẫm trong cơn đục nước?”. Năm 1990, người viết bài này đã phải chờ mấy tháng trời mới lấy được vé máy bay về nước (sau khi kết thúc khóa thực tập hai năm ở khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Mat-xcơ-va mang tên Lô-mô-nô-xôp), nên thấu hiểu cái thảm cảnh này. Đúng là người Việt bị hành hạ ở bất cứ nơi đâu, lúc nào. Ngày ấy ở cái sân bay khét tiếng này, một phụ nữ chừng bốn mươi tuổi đầu tóc rũ rượi, quần áo xộc xệch, đã vừa khóc vừa thét lên:“ ÔngTrời ơi, sao con Rồng cháu Tiên mà đi đâu cũng khốn nạn, khốn khổ thế này!?”. Không thể kể xiết  những cảnh lầm than của cộng đồng người Việt ở xứ người. Cuốn sách của  Nguyễn Đắc Như mở thêm ra một góc nhìn và cách nhìn về thực thể Việt ở ngoài biên giới quốc gia. Và gieo một câu hỏi vào tâm can mỗi người “Đến bao giờ người Việt mới ngẩng đầu trụ hạng ngay chính trên quê hương mình?!”.

3.

Ở đâu cũng có người Việt cho thấy cuộc đối diện với văn hóa thế giới, đó mới là cái phần chìm của tảng băng. Nếu chỉ kể khổ mãi liệu có ích gì và bao giờ mới hết, sẽ là liên tu bất tận, muốn thế phải vào kho sử liệu lưu trữ. Rất may mắn là tác giả đã từ góc nhìn văn hóa để tái hiện và suy xét mọi chuyện trên trời dưới bể, hay ngọt bùi đắng cay với người Việt ở nước ngoài. Để rồi liên tưởng: “Những cuộc di trú của những người đồng hương tại những quốc gia Đông Âu, đã gợi cho tôi nhớ về hình ảnh của những dân tộc người thiểu số trên Tây Bắc hoặc Tây Nguyên nước ta. Họ đến một vạt rừng mới, đốt cây, trồng tỉa, hái lượm. Đến khi đất bạc màu không cho thu hoạch, họ lại ra đi để tìm một cánh rừng phía trước, sau khi đã để lại một vùng trơ trọi sau lưng. Họ quay lưng lại với thiên nhiên.Thiên nhiên không kịp nổi giận với riêng họ, nhưng thiên nhiên sẽ nổi giận với cộng đồng và xứ sở của họ”. Không có gì là vui mừng nếu con số người Việt di dân ra nước ngoài ngày càng tăng. Phải làm gì để họ “định canh định cư” ngay trên quê hương mình(?!). Một câu hỏi lớn của thời đại không dễ tìm câu trả lời. Và, dường như chỉ có nước nào nghèo đói, lắm thiên tai, dịch bệnh, giặc giã thì mới có tình trạng không kiểm soát được nạn di dân, di cư tầm vĩ mô. Hãy xem cuộc “cọ xát văn hóa” của người Việt ở ngoài biên giới quốc gia diễn ra như thế nào? Căn tính Việt phơi bày như thế nào trước bàn dân thiên hạ? Đây, theo tôi, mới là chủ đích viết, hay nói khác đi, là thông điệp của tác phẩm mà tác giả muốn gửi đến độc giả. Câu chuyện về cộng đồng người Hoa làm ăn ở nước ngoài khiến không chỉ riêng tôi giật mình. Vì sao họ cố kết đến như thế? Vì sao về đến nhà, dù thế hệ nào, họ cũng đều nói tiếng mẹ đẻ. Còn người Việt, đến thế hệ thứ ba ở nước ngoài đã quên đứt tiếng Việt? Hay là căn tính Hoa mạnh hơn căn tính Việt? Rõ ràng đây là một cách tính điểm văn hóa cho người Việt ở nước ngoài. Đi rồi mới biết có bao nhiêu là nghịch lý, đôi khi là phi lý khiến người có lương tri không thể không ngẫm ngợi, lo âu. Nhỡn tiền thấy có những “tiến sĩ văn chương làm du lịch”, tưởng như là thành đạt với một cá thể. Nhưng nhìn rộng ra và dài hơn thì thấy: “Lại có vấn đề liên quan mà tôi và không ít người bạn luôn bị phân tâm ấy là, những nghiệp chủ Việt Nam giàu có, thành danh đang sản xuất kinh doanh ở Nga và Đông Âu, đa phần lại đều xuất thân từ con đường khoa cử học hành. Họ được Nhà nước cho sang đây du học, hy vọng một khi thành tài trở về sẽ là các nhà toán học, vật lý học,  kỹ sư, bác sĩ, nhà văn hóa… là nguyên khí của quốc gia, sẽ đem tài ba đức độ ra đóng góp ngày đêm cho công cuộc tái thiết, chấn hưng đất nước”. Tâm thế ấy của tác giả là của cả xã hội trước hiện trạng lãng phí “nguyên khí quốc gia”, là sự “chảy máu chất xám”. Lãng phí tác hại đến quốc kế dân sinh không kém gì đại họa tham nhũng. Đó là những dấu hiệu của suy vi văn hóa. Tuy nhiên phải nói lại là có một số không nhiều người Việt ở nước ngoài đã làm rạng danh văn hóa Việt như nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn, giáo sư toán học Ngô Bảo Châu, nhà vật lý học Trần Thanh Vân,… Cũng đã có một vài “sứ giả” văn hóa như quý bà Tuyết Nhung, nhà thiết kế áo dài Việt Nam tại Paris (Cộng hòa Pháp), người dã mang hồn cốt Việt Nam đi ra triển lãm thế giới.

4.

Ở đâu cũng có người Việt là một cách đi xa để nghĩ gần. Cổ nhân có câu “nói gần nói xa chẳng qua nói thực”. Ai là người sống sung sướng trên mảnh đất không phải nơi chôn nhau cắt rốn của mình? Tôi nghĩ, trong số hơn bốn triệu người Việt xa xứ, tỷ lệ này rất thấp. Cảm nhận của tôi, với tư cách một độc giả, trùng khớp với tâm sự của chính tác giả: “Khi viết đến những trang cuối của tập phóng sự này, tôi nhận được tin bác Chi là bố của Thúy Lan, người đã nghỉ hưu hơn mười năm, nhưng thương con gái sống cô đơn bên xứ người đã sang Pháp ở cùng, hồi tháng chín vừa qua, sau một cơn nhồi máu cơ tim, ông đã qua đời trong một căn phòng vắng lặng của mình trên tầng gác thứ 12 ở Quận 12, Paris, nơi tôi đã có dịp đến thăm trong thời gian ở Pháp. Ông cụ đã không còn đủ tuổi chờ đợi con gái xin được Visa, để cùng con trở về Hà Nội thăm lại cố hương”. Hóa ra, câu ngạn ngữ “cáo chết ba năm quay đầu về núi” là một sự tổng kết minh triết kinh nghiệm sống dân gian sắc bén trên thế gian này, ở đâu cũng thế. Nhưng vẫn có người lập luận “ở đâu sung sướng, ở đó là quê hương”. Thôi thì, đành lòng vậy cầm lòng vậy. Vì, lại như cổ nhân nói: “Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một kiểu”. Đọc Ở đâu cũng có người Việt, lại da diết nhớ tới ca từ của nhạc phẩm Quê hương (thơ - Đỗ Trung Quân, nhạc - Giáp Văn Thạch): “Quê hương mỗi người chỉ một/ Như là chỉ một mẹ thôi/ Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”.

 

Nguồn Văn nghệ số 42/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *