Văn học với đời sống

14/9
10:15 AM 2020

KHAI THÁC DU LỊCH KHU TẢN VIÊN SƠN TRÊN CƠ SỞ BẢO TỒN ĐỂ PHÁT TRIỂN

Tại Hội thảo khóa học “Phát huy giá trị phế tích Pháp tại núi Ba Vì”, các nhà khoa học, nhà văn, nhà báo đã đưa ra các giải pháp đề xuất khai thác để làm sống dậy các nền phế tích biệt thự Pháp với thảm thực vật trong Vườn Quốc gia Ba Vì để phục vụ du lịch và giáo dục trực quan. Chúng tôi giới thiệu 2 ý kiến của nhà báo Nguyễn Quốc Phong và nhà văn Nguyễn Như Phong.

 

KHAI THÁC DU LỊCH KHU TẢN VIÊN SƠN TRÊN CƠ SỞ BẢO TỒN ĐỂ PHÁT TRIỂN

 

Nhà báo Nguyễn Quốc Phong 

 

Tôi được biết, vào dịp giỗ Chủ tịch Hồ Chí Minh (21/7 âm lịch) những năm gần đây, các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội đã lên Đền thờ Bác Hồ trên đỉnh Tản Viên sơn để thắp hương cho Người rất đông. Với dân tộc ta, đây cũng là mảnh đất rất linh thiêng của trời đất Việt Nam bởi cũng là nơi có Đền thờ Đức Thánh Tản gắn với truyền thuyết Sơn Tinh, Thuỷ Tinh của dân tộc ta. Nhờ có nơi linh thiêng và vô cùng huyền ảo này mà Vườn quốc gia Ba Vì hôm nay đã trở thành địa chỉ du lịch tâm linh kết hợp về nguồn và nghỉ dưỡng vô cùng hấp dẫn du khách. 

 

Kiến trúc sư Nguyễn Tấn Vạn, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng từng kể rằng: Sinh thời, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mấy lần lên thăm Vườn quốc gia Ba Vì. Ông Tấn Vạn được may mắn có lần đã chứng kiến sự ngỡ ngàng của Thủ tướng khi đứng trước vẻ đẹp thiên nhiên đầy hoang sơ và rất huyền bí của nơi này. Ông thầm khen tầm nhìn của người Pháp từ đầu những năm 30 của thế kỷ 20 mà sao đã sớm phát hiện ra khu rừng đặc biệt này và họ đã biến nơi này thành khu du lịch cho các sĩ quan thực dân hưởng thụ với sự đầu tư xây dựng ngót 300 biệt thự lớn bé (theo địa chính thời thuộc Pháp ghi lại). Nó biến nơi đây trở thành một thị trấn nhỏ trên núi cao. Ở đây có khá đầy đủ, nào là nhà thờ, nhà văn hoá, khu giải trí cho sỹ quan thực dân, khu biệt thự cho giới nhà giàu người Việt mua đất tự xây, có nhà thiếu nhi, bệnh xá ... Thật là tiếc sau chín chục nay với bao biến động của lịch sử, nó đã trở nên hoang phế rất phí phạm trong khi chính các khu vực hành chính nói trên, Chính phủ cũng đã xác định cho phép được làm du lịch trên cơ sở bảo tồn và bảo vệ rừng quốc gia. 

Thực tế, con số xác định do phát lộ trên đất hiện có khoảng 130 biệt thự, kể cả những biệt thự chỉ còn nền hoặc đã bị phủ lấp nhưng dù sao cũng đã xác định.

 

Những phế tích trên bình độ 400m, 600m và 800m của núi Ba Vì đầy huyền ảo lại càng làm ông Võ Văn Kiệt thêm ước mong xen lẫn nuối tiếc trước một phế tích để hoang. Ông Võ Văn Kiệt đồng tình với cách nhìn nhận của KTS Tấn Vạn rồi nói với ông Vạn, đại ý rằng: Không phải cứ bảo tồn là không được làm gì. Bảo tồn là để phục vụ con người, miễn là sự khai thác đó đảm bảo bền vững và không can thiệp vào tài nguyên...

 

Sau này, Thủ tướng kế nhiệm là ông Phan Văn Khải. Ông Khải cũng đã từng đi cùng Bộ trưởng Tài Chính Nguyễn Sinh Hùng lên Vườn quốc gia Ba Vì rồi thả bộ trong rừng. Thủ tướng Phan Văn Khải khi đó từng nói là cảnh quan nơi này quá đẹp và nên phục hồi lại du lịch nghỉ dưỡng của Pháp xây dựa trên cơ sở bảo tồn môi trường rừng. Lúc đấy, Thủ tướng đã có ý chọn chỗ cạnh nhà biệt thự cũ của vua Bảo Đại ở bình độ 400m để làm nhà công vụ của Chính phủ, nhưng rồi sau đó Chính phủ cũng chưa có điều kiện triển khai. Song ông vẫn nhắc với nhiều người là nơi đây rất nên phục hồi làm du lịch thì rất tốt.

 

Và, rất lạ, lại có một ý tưởng khá thú vị như Tổng Bí thư Đỗ Mười. Có hồi ông đi công cán nước ngoài về đã nói lại một ý là cần học bạn bè quốc tế. Ông Khải rất tâm đắc khi nghe Tổng Bí Thư Đỗ Mười nói: Ở Trung Quốc, họ xây dựng cả một khu gọi là Trung Nam Hải, ở Nga thì họ có Shochi, còn ở Mỹ thì họ có Trại David ... Những khu này, họ chuyên để đón tiếp các nguyên thủ sang thăm và làm việc theo lối kết hợp nghỉ dưỡng để đàm đạo thêm những việc quốc gia đại sự sau khi rời khỏi các cuộc đàm phán chính thức. Cách làm việc dạng này thường rất hiệu quả.Nhiều khi chỉ là chuyến thăm không chính thức, không muốn cho truyền thông can dự thì họ cũng sẽ đến đó. Còn ở Hà Nội mà khách ở lâu quá đâu có gì lạ và sao tránh được nhiều người biết. Nhưng ở một vị trí đắc địa, lại gần Hà Nội thì quá hiếm nơi nghỉ dưỡng tuyệt đẹp và chan hoà cùng thiên nhiên như Khu Tản Viên sơn, Ba Vì.

 

Nhiều năm qua, nơi đây đã trở thành địa chỉ tâm linh kết hợp du lịch của du khách cả nước. Vào những ngày giỗ và ngày sinh của Bác Hồ, du khách lại càng đến cực kỳ đông, nhiều khi tắc nghẽn cả đường đi. Đó là một điều đáng mừng. Song để tạo sự hấp dẫn hơn cho cả vùng du lịch tâm linh có lẽ cần cho xây dựng thêm nhiều các biệt thự nghỉ dưỡng trên nền biệt thự cũ và có kiến trúc cổ xưa tuy nhiêu với một tỷ lệ nào đó là hài hoà. Nếu không để lại nhưng phế tích cũ chút nào cũng là không nên vì chính nó sẽ phá đi vẻ đẹp huyền bí của nó đâu dễ có được.

 

Đã tới lúc chúng ta nên suy nghĩ thêm vấn đề nói trên  từ những ý tưởng rất mới của các nhà lãnh đạo tiền bối như tôi vừa đề cập, đặc biệt là tư duy rất mới, đậm tính thời sự của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt khi ông bảo : Không phải cứ bảo tồn là không được làm gì. Bảo tồn là để phục vụ con người, miễn là sự khai thác đó đảm bảo bền vững và không can thiệp vào tài nguyên. Đối với vườn Quốc gia Ba Vì, đây sẽ là khu du lịch tâm linh tuyệt vời mà chúng ta nên đến./

 

 

LÀM THẾ NÀO ĐỂ YÊU VÀ HIỂU HƠN MELIA BA VI

Nhà văn Nguyễn Như Phong

Trong khoảng 15 năm trở lại đây, ngành du lịch đã có những bước phát triển cực kỳ mạnh mẽ và đã trở thành một “ngành công nghiệp không khói” quan trọng bậc nhất của Việt Nam.

Những khu du lịch danh tiếng nhất hiện nay như khu Fansipan ở Sapa; khu Bà Nà ở Đà Nẵng; khu Vinpearl Nha Trang hay Phú Quốc và dĩ nhiên không thể không nói đến khu Melia Ba Vì... đều do những tập đoàn kinh tế tư nhân xây dựng.

Sự phát triển của những khu du lịch này đã làm thay đổi diện mạo của du lịch Việt Nam, tạo sức hút lớn đối với quốc tế; tạo công ăn việc làm cho người bản địa và đóng góp to lớn cho ngân sách.

Tại khu Melia Ba Vì này, tôi xin đơn cử con số nhỏ là trước khi có Melia Ba Vì, nguồn thu bán vé ở vườn Quốc gia Ba Vì khoảng 180 triệu/năm; nhưng hiện nay, tiền bán vé vào vườn Quốc gia Ba Vì đã lên tới 24 tỷ mà trong đó, du khách đến Melia Ba Vì chiếm đến 1/3.

Một thực tế mà ai cũng thấy, đó là : những nơi nào được các tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư làm du lịch thì nơi đó môi trường được đảm bảo, cảnh quan được giữ gìn, rừng được bảo vệ nghiêm ngặt. Và các tập đoàn kinh tế tư nhân đã gìn giữ môi trường, cảnh quan và gìn giữ các giá trị văn hóa, kiến trúc, du lịch tốt hơn bất cứ một doanh nghiệp Nhà nước nào

Tuy nhiên, có một điều không phải ai cũng thấu hiểu của những người làm du lịch tư nhân; là họ phải bỏ tiền tấn ra làm để thu về bạc lẻ.

Họ phải chịu đựng, phải kiên nhẫn để vượt qua vô vàn các thứ thủ tục, quy định mà chúng ta đều biết nó đang cản trở sự phát triển của doanh nghiệp thế nào. Họ phải đối mặt với một thách thức cực kỳ lớn, đó là “trên rải thảm, dưới rải đinh”.

Trong những năm qua, tôi đã đi rất nhiều khu du lịch của những tập đoàn kinh tế tư nhân và cũng biết nhiều chuyện “thâm cung bí sử” trong quá trình xây dựng và phát triển các khu du lịch.

Tôi thấy một điều rằng, các ông chủ của các tập đoàn này là những người nặng lòng với đất nước. Họ đã bỏ tiền bỏ của vào đầu tư các khu du lịch bằng tình yêu đất nước và trên nữa là trách nhiệm cao cả của họ đối với sự phát triển văn hóa, kinh tế.

Nói như vậy, sẽ có người cho rằng đó là sự sáo rỗng, nhưng nếu đi sâu vào đánh giá kết quả sản xuất kinh doanh trên những đồng vốn bỏ ra thì mới thấy họ đã phải hi sinh thế nào. Hay nói một cách nôm na, ông chủ của những khu du lịch này phải dùng tiền từ những khoản thu khác để “đập” vào du lịch.

Nhưng điều đáng buồn là vẫn có nhiều người không hiểu, không thông cảm và thậm chí là đố kỵ nặng nề với những khu du lịch và những ông chủ làm du lịch. Báo chí cũng vậy,nhiều p.v thường chỉ nghe thông tin một chiều rồi phóng bút viết mà ít khi chịu tìm hiểu ngọn nguồn... Chỉ một đoạn đường mới mở, chỉ một cái cây bị chặt, một mái nhà mới xây là đã có thể tạo ra sự khủng hoảng truyền thông lớn đối với doanh nghiệp.

Sở dĩ có tình trạng như vậy là do công tác truyền thông của doanh nghiệp làm du lịch thường rất hạn chế. Các doanh nghiệp  nặng về quảng cáo dịch vụ bề nổi mà không chịu làm truyền thông cho văn hóa, cho thương hiệu. Công tác truyền thông không làm cho người dân và quan chức thấu hiểu tấm lòng của người làm du lịch cũng như không làm cho mọi người hiểu được, để làm được khu du lịch như vậy, doanh nghiệp đã phải lao tâm khổ tứ như thế nào, đã phải vượt qua khó khăn thách thức tầng tầng lớp lớp như thế nào.

Công tác truyền thông cũng rất ít khi đề cập đến các giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh của khu du lịch đó.

Công tác truyền thông thường đi sau và chủ yếu chỉ khi “có chuyện” thì công tác truyền thông mới được chú ý, còn hầu như không doanh nghiệp nào hiểu được một điều tưởng như chân lý, đó là : “Truyền thông đi trước một bước là yếu tố dẫn đến thành công của doanh nghiệp”.

Công tác truyền thông không chỉ là quảng bá thương hiệu, giới thiệu dịch vụ mà quan trọng hơn nữa là phải làm cho người dân hiểu được chiều sâu văn hóa của các khu du lịch. Để làm được điều này, cần phải huy động được các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu lịch sử, các học giả và cả những nhà báo, nhà văn vào cuộc.

Nếu như công tác truyền thông không được chú ý đúng mức thì tất cả mọi hoạt động của doanh nghiệp làm du lịch đều chỉ là bề nổi mà thiếu chiều sâu. Và khi không có chiều sâu về các địa tầng văn hóa thì không bao giờ tạo được một tình cảm sâu lắng của du khách đối với khu du lịch. Người ta đến khu du lịch không chỉ để ăn nghỉ, để hưởng thụ vật chất mà họ còn mong muốn được có thêm những kiến thức văn hóa, lịch sử về nơi đó.

Tại khu Melia Ba Vì,  là vùng đất địa linh, gắn liền với lịch sử dân tộc hàng ngàn năm. Có dày đặc những di tích lịch sử quan trọng bậc nhất quốc gia. Ở khu Melia Ba Vì còn chứa đựng một kho tàng lịch sử đau thương có, hào hùng có, cực kỳ văn hóa có và cũng có những ứng xử chưa văn hóa. Và cũng ở đây, đang là nơi thể hiện khát vọng của doanh nhân Việt đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, du lịch Việt Nam

Chính vì vậy, công tác truyền thông cần đặc biệt chú ý. Và quan trọng nhất, là phải làm thế nào để cho mỗi người khi đặt chân lên khu Melia Ba Vì, họ được bổ sung thêm kiến thức để làm tăng sự hiểu biết và góp phần quan trọng bồi dưỡng lòng tự hào dân tộc,  ý thức dân tộc và lòng cảm thông, biết ơn với những người đã làm sống lại một khu hoang phế nay của mỗi người.

N.N.P

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *