Văn học với đời sống

13/3
5:08 PM 2017

ĐẾN VỚI BÀI THƠ HAY: CĂN HỘ BIỂN CỦA NHÀ THƠ HỮU THỈNH

Mỗi người sinh ra trên trái đất đều có một nơi chốn ngụ cư gọi là căn hộ. Hình ảnh căn hộ đã quá quen thuộc: nơi che mưa che nắng, bảo vệ cuộc sống yên lành cho mỗi con người, căn hộ gắn liền với cộng đồng, một khu phố một làng thôn. Các chiến sĩ Trường Sa cũng có một “căn hộ”: Quây đại dương làm một căn hộ lính

                                          Ảnh: từ phải sang: Các nhà thơ HŨU THỈNH, LÊ ĐẠT, NG VŨ TIỀM, VÂN LONG

 

CĂN HỘ BIỂN

Tặng các chiến sĩ Trường Sa

 

Quây đại dương làm một căn hộ lính

lát biển làm sân

kê gió làm thềm

mây đến treo tranh lồng tứ hải

thủy triều đưa võng cõng trăng lên.

 

Quây vô tận làm một căn hộ biển

lính đảo canh gần cơn bão xa

nhận mặt ngày đang tới

ngắm lưng ngày đang qua

ngắm bất trắc vần vụ

ngẫm tình nghĩa nhạt nhòa

trao chân trên thế sự

vừa hay nhận tin nhà.

 

Quây thử thách thành một căn hộ thép

bốn bề chật chội tuổi thanh xuân

thở cùng nhịp biển, nghe trăng quẫy

xuân mới loi thoi, én liệng gần.

 

                                                HỮU THỈNH

 

Lời bình của NGUYỄN VŨ TIỀM

Mỗi người sinh ra trên trái đất đều có một nơi chốn ngụ cư gọi là căn hộ. Hình ảnh căn hộ đã quá quen thuộc: nơi che mưa che nắng, bảo vệ cuộc sống yên lành cho mỗi con người, căn hộ gắn liền với cộng đồng, một khu phố một làng thôn. Các chiến sĩ Trường Sa cũng có một “căn hộ”:

Quây đại dương làm một căn hộ lính

Câu mở đầu, nhà thơ đã tạo cho ta một tâm thế khác thường để bước vào căn hộ đặc biệt này. Căn hộ cũng mang những hình ảnh thân thuộc: có sân, có thềm… nhưng không như chúng ta vẫn hình dung:

lát biển làm sân

kê gió làm thềm

          Đọc hai câu này khiến ta giật mình, bất ngờ quá! Tiếp theo, căn hộ cũng có vách treo tranh, chỗ đưa võng nhưng rất lạ lùng:

mây đến treo tranh lồng tứ hải

thủy triều đưa võng cõng trăng lên.

          Căn hộ được quây lại không phải bằng tường, vách mà từ đại dương bao la, từ thiên nhiên hùng vĩ. Hình tượng thơ lồng lộng kỳ vĩ quá! Một căn hộ của biển trời đầy bão tố dành cho các anh!

Ở đây các anh sinh hoạt, làm việc ra sao?

lính đảo canh gần cơn bão xa

          Vậy là canh gần hay canh xa? Cơn bão gần hay cơn bão xa? Không lẽ tác giả muốn đánh đố hay sao? Hay công việc của các anh có đặc điểm gì khác lạ mà ta cần tìm hiểu cho thấu đáo? Quần đảo Trường Sa có trên một trăm đảo lớn nhỏ thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng do lịch sử để lại, hiện có 5 quốc gia khác chiếm giữ một số đảo xen kẽ nhau. Do vậy sự tranh chấp thường diễn ra dưới nhiều hình thức có lúc rất căng thẳng. Các anh trấn giữ ở đảo chắc chắn phải đối phó với những tình huống rất phức tạp kể cả có thể đổ máu bất cứ lúc nào, phong ba bão tố do con người gây ra bất cứ lúc nào. Ở đó đã có những nấm mồ đồng đội các anh ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo, đó là những nấm mồ tạo nên bằng sóng đại dương! Ta mới hiểu câu thơ “Lính đảo canh gần cơn bão xa” hàm chứa nhiều ẩn ý.

nhận mặt ngày đang tới

ngắm lưng ngày đang qua

          Hai câu thơ mang hình ảnh lạ, tác giả muốn chơi chữ một cách kỳ khu chăng? Nhiệm vụ của các chiến sĩ hải quân ở đây rất phức tạp, các anh phải hiểu cặn kẽ các đối tượng khác nhau trên các hòn đảo từ quá khứ cho đến hiện tại, tương lai. Cái “mặt của ngày đang tới”; cái “lưng của ngày đang qua” không hề chơi chữ đâu mà đó là thực tế hiển nhiên. Cái mặt người hàng xóm đã khác lắm rồi thì cái lưng cũng phải để ý theo dõi, không bỏ sót từng động tĩnh, động thái, những mưu tính trong đầu họ, hôm qua thế ấy, hôm nay thế nào đặng mà có phương án đề phòng, đối phó…

ngắm bất trắc vần vụ

ngẫm tình nghĩa nhạt nhòa.

Cái vần vụ của làn mây cũng có thể ẩn chứa nhiều bất trắc và nguy cơ, đến những người bạn có tình nghĩa truyền thống kia cũng đã “nhạt nhòa”. Chữ “nhạt nhòa” tương đối nhẹ, nhưng đặt trong hoàn cảnh này lại rất ấn tượng, người đọc liên hệ và liên tưởng đến những sự kiện mà cả thế giới đều biết trong mấy thập niên vừa qua khiến lương tâm nhân loại không thể bình yên. Ở đó luôn che giấu lắm mưu đồ đầy bí ẩn.

Một chi tiết khá thú vị:“trao chân trên thế sự”,thể hiện tư thế của người lính biển luôn làm chủ tình thế coi thường mọi gian nguy? Hay trước những người “thở cùng nhịp biển”, trước sứ mệnh lớn lao là giữ toàn vẹn biển đảo của Tổ quốc thì ba cái chuyện thế sự vụn đó đây chả khác gì chuyện rửa chân hàng ngày chăng? Nhưng chữ “trao” ở đây lại có nghĩa “trao gửi” nên có thể hiểu theo cách khác. Chỗ này có thể trao đổi, tranh luận. Để ý thấy thơ Hữu Thỉnh rất nhiều trường hợp anh nói lấp lửng, hàm súc tạo nên sự đa nghĩa rất lý thú.

Những hình ảnh to tát đặt vào bài thơ liệu có biến những người lính đảo thành “người khổng lồ ảo” không? Thực tế hàng ngày phải đối diện, buộc các chiến sĩ chúng ta luôn phải suy nghĩ lớn lao và sống lớn lao không thể nào khác được. Nhưng mặt khác họ cũng rất đời thường:

trao chân trên thế sự

vừa hay nhận tin nhà.

Đón “tin nhà” là niềm vui hồn nhiên và cảm động, không gian xa xôi ngăn cách nhưng sự gắn bó với đất liền lại rất gần. Những lá thư, những tin nhắn luôn mang đến cho các anh những tình cảm ấm áp yêu thương.

Trước thử thách khắc nghiệt, các anh vẫn sống yêu đời và mơ mộng:

bốn bề chật chội tuổi thanh xuân

thở cùng nhịp biển, nghe trăng quẫy

xuân mới loi thoi, én liệng gần.

          Diện tích đảo không nhiều, nhiệm vụ lại quá lớn, đọc câu “bốn bề chật chội tuổi thanh xuân” thấy đáng yêu, đáng tự hào và thương cảm làm sao. Tuổi thanh xuân thường được ví như sải cánh bay trên bầu trời lồng lộng vậy mà các anh phải sống bó hẹp trên những hòn đảo tiền tiêu trong “căn hộ biển” rất giới hạn. Nhưng quan trọng hơn đó là sự gắn bó đoàn kết quân và dân, biển đảo và đất liền. Thêm một chi tiết chứng tỏ Hữu Thỉnh dùng từ rất sáng tạo khiến câu thơ trở nên hấp dẫn mang ý nghĩa sâu sắc.   

Trở lại tên bài thơ “CĂN HỘ BIỂN”, bài thơ có 3 đoạn thì mỗi đoạn đều có câu mở đầu đồng dạng:

Quây đại dương làm một căn hộ lính

Quây vô tận làm một căn hộ biển

Quây thử thách thành một căn hộ thép

          Mức độ tăng dần: từ yên ả khúc đầu đến sôi động ở khúc hai để tạo thành chất thép ở khúc thứ ba. Thử thách ngoại vi ngày càng lớn, tinh thần, bản lĩnh nội sinh càng cao để đè bẹp mọi mưu đồ gian manh quỷ quyệt.

Những “vật liệu” xây dựng được huy động để “quây” lại kia đều không thể tạo cho các anh một căn hộ “yên ấm” như tất thẩy mọi người sống trên mặt đất mà ngược lại toàn là những “thử thách” ghê gớm. Viết đến đây, tôi ngước nhìn căn hộ nhà mình nghĩ đến “căn hộ” của các chiến sĩ Trường Sa, lòng nghẹn ngào bao nỗi.              

Lớn lao và bình dị, ý tưởng và suy tưởng, cụ thể và trừu tượng hòa quyện trong mỗi dòng thơ, nhưng trên hết, hình tượng “Căn hộ biển” là một sáng tạo hết sức độc đáo của nhà thơ Hữu Thỉnh. Ngôn ngữ hàm súc đặt trong tương quan khác lạ, ý nghĩa thâm diệu được hiển lộ khi tỏ khi mờ khiến cho nhiều chữ trở nên mới mẻ tinh khôi. Những “vật liệu thơ” và kiến trúc độc đáo được thi tài kiến tạo thành “Căn hộ biển”, một chỉnh thể thẩm mỹ rất lạ và ấn tượng. Bài thơ là một dấu ấn không phai mờ trong đề tài bảo vệ biển đảo quê hương rất bức thiết hiện nay.

 

-----------

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *