Văn học với đời sống

31/3
8:44 AM 2018

CHUYẾN BAY ĐÊM-TRUYỆN NGẮN CỦA MA VĂN KHÁNG

Tối nay 10 giờ 30 sẽ đi Thái Lan bằng chuyến bay đêm của hãng Hàng không giá rẻ Vietjet Air. Nhân viên khách sạn đem xuất ăn chiều lên, hẹn: Chín giờ bốn mươi lăm sẽ có điện thoại đánh thức quý khách. Yên tâm đi nằm. Mới có tám giờ kém. Định tranh thủ chợp mắt.

Nhưng như mọi chuyến đi xa, lòng dạ thấy thấp thỏm thế nào. Nên ngồi dậy bụng nghĩ, chốc nữa lên máy bay tha hồ ngủ và lấy sách ra đọc. Lần này là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn A.S. Éxupery, có nội dung tương hợp với chuyến đi.  

Đúng 10 giờ 15 qua các cửa kiểm tra lên máy bay. Vừa nghe  nhân viên hàng không hướng dẫn mọi điều cần biết mỗi khi có sự cố và thắt đai an toàn xong, đã thấy cơ trưởng thông báo, chuyến bay sẽ có hai lần đỗ để đón khách. Một là Đã Nẵng, hai là Sài Gòn. Cuối cùng là Băng - cốc đất Thái. Lại còn cho biết đang mùa mưa bão có thể có trục trặc nhưng mong quý khách cứ yên tâm tin tưởng. Không yên tâm tin tưởng cũng chẳng được. Số phận mình có do mình định đoạt đâu! Chi bằng cứ thây kệ. Nghĩ vậy nên máy bay vừa rời đường băng, hai mắt đã nhim nhíp. Rồi ngủ tít trong rung lắc nhè nhẹ, khi máy bay vừa đưa mình lên cao hơn mười cây số, giữa khoảng không vũ trụ lạnh âm ba mươi sáu độ.

http://admin.baovannghe.com.vn/cdn/uploadv2/web/1/1/news/2018/03/30/08/56/1522400166_3-3-2015-7-21-27-pm.png

Giấc ngủ say giữa trời mây mênh mông chỉ chấm dứt khi bánh xe máy bay chạm đất đánh bịch; cảm giác tiếp đất bừng lên ở mỗi đường gân thớ thịt, cùng lúc nhìn ra cửa máy bay rờ rỡ ánh đèn  thấy gió  thổi ràn rạt ngọn cỏ cạnh đường băng. Chà! Vừa nãy, ở Hà Nội người ních trong len dạ mà vẫn run cầm cập. Nay đã thấy ngốt ngát, bức bối, vội gỡ khăn quấn cổ, thì vừa lúc loa trên máy bay cho biết, máy bay đỗ lại ở Đà Nẵng mười phút, nhiệt độ lúc này là 34 độ C. Đà Nẵng, mới được một phần ba đường bay. Ngồi yên trong ghế, lòng dạ bỗng ngơ ngẩn: Thế là đã ngủ trên máy bay hay đã ở trong giấc mộng lãng du nơi tiên giới? Khoa học kỹ thuật hiện đại đưa con người tiếp cận đến lớp sâu tận cùng của cảm giác thần tiên! Nói vậy đâu có là ngoa ngôn! Thì điện thoại di động đó. Người ở giời Nam bể Bắc mà sao cứ như quanh quất đâu ta. Nói chi đến chiếc computeur. Nhoáy một cái, con bé Nhím đang nghỉ hè với bạn ở tít tận California nước Mỹ bên kia đại dương đã hiện lên màn hình và nói chuyện nheo nhéo với mẹ nó ở số nhà 15, ngách 1, ngõ 31, đường Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình Hà Nội. Không thần tiên thì là gì! 

Mờ mờ nghĩ vậy vì  thấy mình vẫn đang trong cơn mơ nàng chưa tan của giấc điệp trên không trung. Lạ nhỉ, hay đó là cảm giác là lạ của lần đầu đi máy bay đường trường trong đêm? Hay đây là lần đầu bay đêm từ Hà Nội đi xa nên thức giấc rồi mà nhìn mọi vật xung quanh đều thấy ao ảo như là đang trong cơn ngái ngủ còn có nhu cầu ngủ nướng. Tất cả xung quanh đều như phủ một lớp sương mờ nửa thật nửa không thật.

- Bác ơi, thắt đai an toàn này thế nào, hả bác?

Đang vậy thì bỗng nghe thấy một tiếng nói con gái rụt rè lo lo sờ sợ thế nào ấy ở ngay chiếc ghế bên cạnh. Và tất nhiên là đã quay mặt lại nhìn. Nhìn thấy gì? Một khuôn mặt con gái như chìm như nổi trong lớp sương mờ nửa thật nửa không thật.

- Ơ! Thế từ lúc lên máy bay, cháu không nghe hướng dẫn à? Đây, cháu cầm cái mỏ này đút vào cái khe hẹp ở cái ổ bên kia!

- Sao cháu đút nó không vào? Bác giúp cháu mới!

Một giọng nói quê quê của một cô thôn nữ mới lớn. Tóc kẹp đuôi gà. Gương mặt tròn phính. Làn da bánh mật. Khuôn ngực trinh nữ nén tròn. Thân mình chắc nịch trong cái áo phông tím. Hai mép trắng bợt và cặp mắt vời vợi hoang mang giữa xa lạ. Hẳn là xa lạ quá rồi! Chiếc Boeing 747 rộng thênh và thơm tho sang trọng toả ra từ hàng ghế cùng các khách bay ai nấy đều đẹp đẽ, giàu có, cách vời. Xa lạ quá cả cái suất ăn đóng hộp, bộ thìa dĩa xinh xắn, cái khăn giấy thơm, que tăm nhọn hai đầu bọc trong giấy bóng kính. 

- Ăn đi, cháu.

- Cháu không ăn được bác ạ. Cháu chưa đi tầu bay bao giờ. Cháu sợ bị nôn lắm!

- Thế thì cháu đậy nắp lại, đem về nhà cũng được.

- Bác ơi, bác cũng vào Sài Gòn à?            

- Tôi bay vào đó rồi đi tiếp. Còn cháu, cháu đi đâu?

- Cháu cũng vào đó. Thế thì may quá...

Câu nói của cô gái bị cắt ngang dở chừng vì máy bay vừa vào một vùng không khí loãng, sụt hẫng một nhịp bay. Người châng lâng trong cảm giác mất trọng lượng, cô gái co rúm người lại và sau đó run lên bần bật, tay víu vào thành ghế, tay đưa cái túi nôn lên miệng.  

- Bác ơi!

- Cháu định nói gì?

- Cháu sợ lắm bác ạ.

- Đấy là máy bay vấp những ổ gà trong không khí, còn bây giơ nó đã bay trở lại bình thường rồi. Đừng sợ cháu à.

- Bác ơi! Cháu tên là Nguyễn Thị Nụ, quê cháu ở tận Lào Cai cơ. Vào Sài Gòn cháu sợ lắm. Cháu muốn bác cho cháu đi theo cùng.

- Sao? Thế cháu vào trong đó với ai? Đây là lần đầu cháu vào Sài Gòn à?

- Vâng, đây là lần đầu.

- Thế người nhà không ra đón cháu à?

- Có ạ! Người ta mua vé ôtô cho cháu từ Lào Cai về, đưa cháu ra sân bay Nội Bài rồi bảo xuống sân bay Sài Gòn sẽ có người ra đón!

Sẽ có người ra đón! Một lời hứa hẹn thật dứt khoát mà cũng thật mơ hồ. Mơ hồ với một thân gái dặm trường. Với một người con gái vừa từ một làng quê ra đi. Một làng quê ở một địa bàn miền núi heo hút. Nơi gia đình cô từ miền xuôi lên khai hoang từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Cô sinh ra ở đó. Ông bà cô, bố mẹ cô lần lượt qua đời trong đói nghèo ở đó. Nghèo khó là cái kiếp sống truyền nối đến cả đời cô.  Giờ đây, cô cần phải vượt qua hoàn cảnh và người giơ tay cứu vớt cô đã đến. Ông ta  mua vé ôtô rồi  tiếp đó vé máy bay cho cô, để cô đi chuyến bay đêm này vào thành phố phương Nam xa xôi nọ; ở đó, theo ông ta nói, cô sẽ làm ở một nhà hàng, công việc nhẹ nhàng mà lương tháng những năm triệu đồng, chưa kể tiền thưởng. Chuyến bay này, chuyến bay đêm!

Bay đêm! Bay đêm! Ngồi trong máy bay, hình dung ra chiếc máy bay lọt thỏm giữa vũ trụ đen ngòm bao la vô định, như để mặc cho con tạo xoay vần, bỗng nhớ lại cảm giác khi nãy vừa đọc cuốn Bay đêm tiểu thuyết của A.S.Éxupery. Bay đêm, giữa kích thước bao la của thế giới được nới rộng, hình  dung ra cảnh tượng chiếc máy bay đơn độc giữa không gian mịt mùng tối đen, thấy mình nhỏ bé vô nghĩa, thì con người càng cảm nhận được trách nhiệm lớn lao của mình với mỗi con người..

Càng lo ngại và hãi hùng hơn mỗi khi máy bay nghiêng cánh, thân máy bay rung lên cành cành, cô gái ngồi ghế bên cạnh, một bóng hình mờ mờ như thực như hư, như lên cơn kinh động, cứ níu lấy mình như tìm chỗ dựa cậy. Cứ cái đà này thì chắc chắn cô sẽ cứ níu lấy, không muốn rời khỏi  mình trong suốt hành trình bay, kể cả lát nữa khi máy bay tiếp đất, đi ra cửa, khi cô nhìn thấy trong đám đông ra đón có một gã đàn ông cao lớn, râu quai nón, đeo kính mát, đưa cái nhìn sục xạo vào tất cả khách nữ đi qua trước mặt y; trong khi trên tay y giơ cao tấm biển nguệch ngoạc ba chữ Nguyễn Thị Nụ bằng mực tím. Cô Nguyễn Thị Nụ ở một làng quê nghèo đi chuyến bay đêm vào thành phố xa lạ này, dấn thân vào cuộc sống nào? Rất có thể là một cuộc đổi đời với nhiều may mắn đang đón đợi cô. Rất có thể là như thế lắm! Nhưng đã biết thế nào mà đoán trước. Chuyến bay còn dài! Thời đại này, thời đại của thành tựu khoa học lớn lao, thời đại của những suy đồi ê ẩm. Thời đại con người cao cả lên ngôi, thời đại đàn bà trở thành nữ nô của  đàn ông.

*

Lan man suy tưởng trong mơ mòng nửa thức nửa ngủ với cảm giác lênh đênh  bồng bềnh không thật, lúc này khi máy bay mới cất cánh rời khỏi sân bay Đà Nẵng chừng hai mươi lăm phút thôi, tôi bỗng thấy người vặn chéo về một bên. Tiếp đó nghe thấy tiếng loa nhắc nhở một cách thật ráo riết rằng hành khách hãy kiểm tra lại đai an toàn và nhớ lại những điều hướng dẫn viên đã chỉ bảo khi mới bước lên máy bay trong các trường hợp khẩn cấp. Nhìn qua cửa sổ thấy cánh máy bay đang nghiêng về bên trái và rung lên từng đợt giữa những dải mây đen vùn vụt bay ngược chiều, tôi liền tỉnh hẳn. Sao mà nhanh thế nhỉ? Đồng hồ chỉ mới có mười hai giờ kém. Chả lẽ máy bay đang hạ dần độ cao để đáp xuống sân bay Sài Gòn? Vô lý! Nhưng mà sự thật đã rành rành ra đấy rồi. Lịch khịch lịch khịch… mấy âm thanh nọ đã phát ra từ dưới bụng máy bay. Tức là chiếc máy bay đã thả chùm bánh xe của nó ra để chuẩn bị tiếp đất rồi còn gì!

Máy bay đã tiếp đất thật rồi. Trong lòng máy bay, lao xao nhiều tiếng người. Tôi nhổm dậy. Nhìn sang bên cạnh tôi bỗng giật thót mình. Sao lại có thể như thế được? Cảnh thường chuyển sang cảnh biến sao có thể kỳ cục như vậy được! Cô gái  ra đi từ một làng quê  vừa trò chuyện với tôi, cứ níu lấy tôi như tìm chỗ  dựa cậy mỗi khi máy bay vấp phải ổ gà vừa nãy đâu rồi? Đâu rồi cô gái có tên là Nụ với gương mặt với vợi âu lo trước cuộc đời bất định? Cô Nguyễn Thị Nụ, một thân gái bơ vơ nơi đất khách là một con người hữu hình hay chỉ là một ảo thể, một ám thị đã từng lưu giữ trong ký ức tôi, do những kinh nghiệm sống của tôi? Trên chiếc ghế cạnh tôi giờ đây đầy phè một cỗ thịt đàn ông. Một gã đàn ông râu quai nón lởm khởm to lớn như hình dung tưởng tượng của tôi về vóc dáng diện mạo người ra đón cô gái có tên Nguyễn Thị Nụ, đang ngáy ò ò vừa mở bừng mắt, đưa mu tay quệt rớt rãi, ngơ ngác nhìn tôi với câu hỏi vuột ra khỏi cặp môi lút trong bộ râu mép: Đã đến nơi rồi cơ à? Gã hỏi tôi với hàm ý thắc mắc thì tôi biết hỏi ai? May thay ngay lúc đó, loa trên máy bay đã ọ ẹ cất tiếng. Cơ trưởng máy bay sau khi rối rít xin lỗi hành khách đã cho biết, đúng như dự  đoán, thời tiết phương Nam không thuận lợi, một cơn bão lớn đang đổ bộ vào Sài Gòn, vì vậy máy bay đành phải hạ cánh xuống sân bay gần đây nhất, sân bay Nha Trang.

- A! đây là Nha Trang à! Hết nghi ngờ, cũng chẳng lấy thế làm phiền hà, gã râu quai nón vươn vai reo bâng quơ. Rồi quay ngang quay ngửa. Đậu lại ở Nha Trang thì càng hay. Nhưng không hiểu  đậu lại ở đây họ có cho mình vào thành phố biển này chơi không nhỉ? À mà đang đêm vào thành phố này với ma à!

Cười khì một tiếng, gã quay sang tôi:

- Ông bạn đi đâu? Vào Sài Gòn rồi đi tiếp Thái Lan à?

- Vâng.

- Lần đầu đi Thái chắc?

- Vâng.

- Tôi đi vài lần rồi. Thiên đường mua sắm và ẩm thực đấy ông ạ.

Đúng là lần đầu tôi được cái cơ may này. Đáp lại lời gã râu quai nón, tôi nói là tôi như kẻ được hưởng lộc trời. Một tấm vé xổ số tôi mua hú họa của một hãng thời trang đã rơi vào số độc đắc. Tôi được hưởng một tour du lịch  Băng -cốc-Pattaaya 5 ngày.

- Này, thế nào thì xuống phi trường Suvarnabhumi ông cũng được họ cho xe đón đi tham quan thủ đô Băng-cốc, Cung điện Ananta Samakhoom, Vườn hồ Sriracha, Trung tâm Yến huyết, Ngôi nhà của tỷ phú Baan Sukhawwadee và Chùa Phật vàng đấy. Mà rồi thế nào mà họ chẳng mời ông đi bãi biển Pattaya. Tuyệt cú mèo, nhất là các phố đèn đỏ với gái Thái và các màn múa xesy, ông ạ!

Câu chuyện của gã râu quai nón với tôi kéo dài chỉ chừng ba mươi phút. Hơn mười hai giờ một chút, nhận được tin bão tan, chuyến bay lại đã tiếp tục hành trình. Trên máy bay tôi đi ngược đi xuôi qua các hàng ghế, không thấy cô gái tên là Nguyễn Thị Nụ trong chuyến bay đâu. Bay đêm, con người như lạc giữa vũ trụ bao la vô tận với ảo giác mịt mùng và cảm giác cô đơn khôn cùng.

*

Năm ngày trong tour du lịch ở Thái Lan tôi đã đươc tận mắt thấy gần như hết những kỳ quan gã râu quai nón trên máy bay giới thiệu, tất nhiên là trừ cái phố đèn đỏ và những thứ gã nói là tuyệt cú mèo. Tôi đã được tham quan Cung điện Ananta Samakhoom xây bằng đã cẩm thạch theo kiểu kiến trúc Italia thời Phục hưng và tôi đã mê man trước những tuyệt tác về nghệ thuật chạm khắc trên gỗ cùng những tác phẩm tạo tác bằng vàng bạc, đá quý, những bức tranh thêu vô cùng tỉ mỉ và công phu. Không thể nói hết được sự kinh ngạc và ngưỡng mộ của tôi khi đến thăm Vườn hồ Sriracha, Trung tâm Yến huyết và cả Ngôi nhà của tỷ phú Baan Sukhawadee xây dựng mô phỏng cung điện Verseilles của Pháp, một quần thể kiến trúc nguy nga bên bờ biển. Còn ở battaya thì khỏi nói. Tôi đã sống những giờ phút thần tiên trên bãi biển tuyệt đẹp. Đã được chơi lướt sóng, được lặn biển. Đã được ăn những món ăn chế biến từ hải sản tươi sống mang đặc trưng Thái là cay nồng nhưng rất ngon.

Tuy nhiên nói đến Thái Lan không thể không nhắc đến Chùa Phật Vàng trong đó có tượng Phật bằng vàng lớn nhất thế giới, cao 5 mét, năng 5,5 tấn. Ở đây, để tỏ lòng tôn kính với đức Phật, với khách tham quan nữ, Ban tổ chức yêu cầu nếu mặc váy thì váy phải dài qua đầu gối. Nếu không có váy như thế thì phải mua xà rông Thái giá 50 bath một cái bán ngay tại cửa chùa. Tuy vậy, tôi không làm sao quên được buổi tham quan thắng cảnh này còn vì một câu chuyện khác. Hôm ấy, mua vé xong, xếp hàng đi tới cửa, thấy mọi người trút giầy dép đang đi, để lại ở cửa, rồi xỏ chân vào một đôi dép cói để sẵn ở đó, tôi cứ loay hoay mãi. Vì đôi giầy Italya mình mới sắm ở nhà giá những hai triệu đồng. Thấy tôi loay hoay trần trừ vậy, người hướng dẫn Thái Lan liền tiến đến, ôn tồn nói: Quý khách chắc là người Việt Nam? Thưa quý khách, xin quý khách yên tâm, nước chúng tôi không có người ăn cắp. Nước chúng tôi không có người ăn cắp! Trời, một câu nói tưởng như rất thường tình mà sao nghe lại thấy gai gai cả người vì chạnh lòng và xấu hổ.  

Chạnh lòng và xấu hổ, những xúc động tiêu cực có từ buổi tham quan Chùa Phật Vàng hôm ấy theo tôi suốt mấy ngày du lịch trên đất Thái. Càng  trở nên nặng nề khi tôi trở về. Cũng lại  một chuyến bay đêm. Lần này là từ phi trường Suvarnabhumi bay thẳng ra Hà Nội liên thông một lèo ba tiếng đồng hồ qua đêm. Vơ vẩn tôi đi qua các hàng ghế ngồi, biết là vô vọng mà sao cứ như là đang cố kiếm tìm cô gái nghèo khổ Nguyễn Thị Nụ đem thân vào chốn vô định, bơ vơ một ảnh hình không hiểu là có thật hay chỉ là sản phẩm của tưởng tượng, một ảo hình tạo nên bởi cơn mê ngủ chưa tan, bởi một ám tượng bao lâu nay đã được nuôi dưỡng trong tàng thức, vô thức ở chuyến bay đi Thái có đậu lại ở Đà Nẵng rồi đáp xuống Nha Trang tránh bão cách đây mấy hôm. 

Trở về nhà, cả đêm ấy tôi không sao ngủ được. Và cũng phải thú thực là mấy ngày sống trên đất Thái được gã râu rậm tâng bốc gọi là thiên đường của du lịch và ẩm thực cũng vậy, chẳng đêm nào tôi  được yên giấc. Nhất là sau cái buổi thăm Chùa Phật Vàng về nghe người hướng dẫn trấn an nói phóng lên rằng ở nước họ không có người ăn cắp. Tôi đã trằn trọc suốt nhiều đêm. Vì cảm giác đem lại từ chuyến bay đêm? Vì gương mặt đầy âu lo sợ sệt của cô thôn nữ nghèo trước cuộc đời đầy bất trắc ám ảnh tôi?

Vì sao tôi lại rơi vào trạng thái bất an tâm thần dai dẳng thế? Vì sao cứ bám riết lấy tôi nỗi lo buồn khắc khoải nhân thế như thế? Không thể giải thích nổi. May thay, gần đây đọc sách của mấy nhà triết học hiện đại tôi mới tự giải tỏa được thắc mắc cho mình. Các triết gia này nói rằng, con người hiện đại hôm nay luôn phải sống trong một dạng cảm thức tạm gọi là cảm thức xao xuyến. Cảm thức đó tiếng Pháp gọi là l‘angoisse. Đó là một khám phá của triết học thế kỷ hai mươi mốt. Theo đó thì trong sâu thẳm tâm hồn chúng ta luôn tồn tại một nỗi xao xuyến có tính  nền tảng, một khoảng trống chứa đầy tất cả những hình thái của sự  lo âu. Nỗi xao xuyến đó có sẵn và thường trực trong chúng ta kể cả khi chúng ta mơ màng, cũng như khi chúng ta thức giấc giữa đêm tối. Do vậy chúng ta không bao giờ có được niềm sung sướng, hạnh phúc trọn vẹn cả. Vì chúng ta luôn là những kẻ cô đơn trong cuộc đời và luôn cháy bỏng một ước ao về sự an ninh hoàn toàn cho mình và mọi người.

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2018

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *