Văn học với đời sống

9/12
6:30 PM 2018

‘MÙA KHÁT’ CUỘC GIAO DUYÊN GIỮA ẢO VÀ THỰC

Bùi Việt Thắng (Đọc Mùa khát, tiểu thuyết của Nguyễn Việt Chiến, NXB Hội Nhà văn, 2018). Nhân vật là cốt tử của tiểu thuyết. Mùa khát nhiều nhân vật. Đặc điểm chung của các nhân vật, dù gốc gác nào, đẳng cấp nào, trình độ nào, phái tính nào cũng đều là những con người mang nhiều tính người nhất. Đều chung khát vọng tự do trong cuộc sống và tình yêu, dĩ nhiên màu sắc cũng rất khác nhau, đa dạng như chính sự đa dạng sinh học của tự nhiên.

Có thể Nguyễn Việt Chiến không chủ đích phân chia nhân vật ra thành các cặp chính - phụ, tích cực - tiêu cực, tốt - xấu, chính diện - phản diện như cách chia truyền thống. Ông chú ý đến cái gọi là “chất người trong con người”. Nhiều độc giả thích thú khi ngay trang đầu nhà văn cho nhân vật Hậu Aka xuất hiện.

Anh ta vốn cũng là một người tù. Lý do vào tù thì khỏi phải bàn, vì vi phạm pháp luật. Nhưng về một phương diện nào đó, anh ta là một con người thì phải có giá trị, ý nghĩa tồn tại của nó. Hậu Aka là một người yêu tự do và say mê tình ái (dẫu cho cái cách thể hiện của anh ta với phụ nữ đôi khi hơi thái quá, thậm chí lỗ mãng).

Tôi rất chú ý khi tác giả có vẻ nương nhẹ (chứ không phải cực tả hay hữu khuynh) ngòi bút khi xây dựng nhân vật trung úy biệt kích thuộc lực lượng quân đội Việt Nam Cộng hòa (VNCH) Nguyễn Nội. Đã qua cái thời khi viết về đối phương ta thường nhấn chìm họ xuống tầm thấp hơn ta về trí tuệ, nhân cách, tài năng và đặc biệt thành kiến cái phần thú tính trong con người họ. Một sĩ quan biệt kích VNCH lại quen biết, yêu (đến cuồng si) một nữ chiến sĩ quân giải phóng (Thúy Liên) đến hết mình, tận hiến. Anh ta cũng bị bắt làm tù binh, trải qua trăm đắng nghìn cay của kẻ tù, nhưng anh ta lại có cơ hội lập công với quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhân vật này cũng được tác giả nhìn nhận và thể hiện như một cá thể đa nhân cách, khát khao vô tận tự do và ái tình.

Dĩ nhiên thức ăn tinh thần (tự do và ái tình) cho nhân vật chính - nhà thơ/nhà báo Vũ Văn mới được tác giả quan tâm hàng đầu, mới hút hết nhiệt tình và sức lực của ngòi bút (là bóng hình của chính mình trong cuốn tiểu thuyết có tính chất tự thuật). Vũ Văn là một nhà báo dũng cảm, thông minh, chấp nhận dấn thân. Đấu tranh cho sự thật, công lý nhưng anh lại phải vào tù, ra tòa, sống cảnh “nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”. Khát vọng tự do được tiếp cận và nói lên sự thật với nhà báo Vũ Văn bị cắt ngang bởi một án oan. Và chính những ngày tháng ở tù như là một thứ “doping” kích thích anh “gắng sống đến bình minh” để trở về với gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp.

Chỉ khi đó, nhà báo Vũ Văn mới nhận ra một cách sâu sắc nhất tự do là “thức ăn tinh thần quý giá/quan trọng nhất của con người”. Nhân vật nhà báo/người tù Vũ Văn sắc nét, bởi nó được tác giả rút ruột ra khi viết. Anh có cái tiết tháo của kẻ sĩ, có cái mộng mơ của nghệ sĩ, có cái sắc bén của ngòi bút phò chính trừ tà, có một độ rung nhạy mãnh liệt của người đàn ông đa tình, có cái trách nhiệm cao của người chủ “gia đình nhỏ”. Một nhân vật nổi hình, nổi khối, độc đáo và cũng có hơi hướng “dị biệt”.

Mùa khát là cuộc giao duyên giữa ảo và thực, giữa hiện thực trần trụi và sự phiêu diêu của đời sống tâm linh (cảnh nhà báo/nhà thơ Vũ Văn gặp cụ Nguyễn Tiên Điền, rất đặc trưng). Có thể vì thế giới thực làm con người bội thực thông tin, nên đôi khi họ cần giải thoát, phiêu du, phiêu lưu ký để có thêm thông tin thẩm mỹ mới/lạ. Tất nhiên độ/phần thực trong Mùa khát vẫn chủ đạo, phần ảo chỉ như là gia vị, thêm vào, gây men, kích thích công chúng nghệ thuật “ăn ngon miệng”. Tôi nghĩ, nếu tác giả nghiêng về hay lạm dụng ảo thì có nghĩa là một cách né tránh, hoặc tự vệ có tính bản năng của nghề viết lách. Nhưng Nguyễn Việt Chiến, tôi thấy, vẫn hiên ngang đứng về/bảo vệ/tụng ca sự thật.

Trong Mùa khát có giọng của bi kịch chữ. Giọng bi ai và thương cảm, tôi nghĩ, được chắt ra từ nước mắt, mồ hôi và thậm chí cả máu của nhà văn. Một người trước khi cầm bút đã cầm súng. Mỗi chữ được đánh đổi bằng cả tính mạng và danh dự. Nhà văn không rơi vào cảnh chưa đau đã kêu rên, chưa kịp buồn đã than vãn, chưa mất mát đã nuối tiếc. Bi ai và thương cảm nhưng vẫn rất điềm tĩnh, an nhiên, tự tại vì tin vào chính nghĩa và công lý.

Có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ, như cổ nhân nói. Tỉnh trí ra thấy, Mùa khát có cả hoa, có cả nụ.

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *