Từ đời vào văn

13/6
11:46 PM 2017

TÁC GIẢ HOÀNG ANH SƯỚNG: “NÓI RẰNG SÁCH CỦA TÔI CÓ NỘI DUNG DÂM Ô, DUNG TỤC LÀ PHIẾN DIỆN”

Cuốn sách “Những chuyện có thật về nhân quả và Phật pháp nhiệm màu” của tác giả Hoàng Anh Sướng do NXB Hội Nhà văn ấn hành đầu năm 2017 được nhiều người quan tâm vì “Những câu chuyện có thật về nhân quả và Phật pháp nhiệm màu” do tác giả được mắt thấy, tai nghe; hoặc từ những trải nghiệm-chiêm nghiệm của bản thân; hoặc từ sự đốn ngộ của tác giả là một phật tử.

 

Tuy nhiên cũng có một vài ý kiến cho rằng cuốn sách có nhiều từ ngữ thô tục, không phù hợp với ngôn ngữ văn học, đặc biệt là một cuốn sách đề cập những quan niệm về Phật giáo…

Trao đổi với báo chí về những ý kiến trên đây, tác giả Hoàng Anh Sướng cho biết:

- Tôi được một số bạn bè gửi đường link một số bài báo đó và cảm thấy bất ngờ lẫn buồn cười. Thậm chí khi những thông tin này được phản ánh, người ta lại còn quy chụp cho tôi đây là chiêu PR "ngược" của tôi để nhằm bán sách.

Tôi cho rằng, ai đó đã quá phiến diện khi nói rằng cuốn sách này có nội dung dâm ô, dung tục.

PV: Anh có thể nói rõ hơn về cuốn sách này được không?

Tác giả Hoàng Anh Sướng: - Toàn bộ cuốn sách dày 320 trang là tổng hợp những bài báo từng được tôi viết và đăng trên báo Tuổi trẻ và Đời sống. Nội dung phản ánh về 20 phóng sự với 20 nhân vật khác nhau. Trong đó có nhân vật đồ tể, người từng có quá khứ bạo lực, vô học, vô đạo, dâm dục. Viết về một nhân vật phản diện, trần trụi như thế thì giọng điệu ngôn ngữ không thể giống một vị giáo sư được.

Tôi quan niệm, khi viết về nhân vật thì phải để nhân vật đó tự bộc lộ cá tính thông qua ngôn ngữ, hành động của mình.

Những nội dung trong 2 trang sách mà bạn đọc nào đó đã phản ánh hoàn toàn là ngôn ngữ của nhân vật đồ tể trong cuốn sách.

Tôi đặt câu hỏi rằng, số phận của nhân vật này không dừng lại ở 2 trang sách nói trên mà là cả cuộc đời với việc anh ta gặp quả báo, trả giá cho những tội ác, nỗi đau đã gây ra cho chính mình và người khác. Vì sao người ta không có cái nhìn tổng quát cả về cuộc đời của nhân vật mà chỉ dựa vào những lời thoại của nhân vật dể đánh giá cả tác phẩm.

PV: Anh phản ứng thế nào trước những khen chê thế này?

Tác giả Hoàng Anh Sướng: - Đối với một cuốn sách khi ra đời thì việc khen chê là bình thường. Tôi quan niệm giống câu nói của cổ nhân: “ai khen là bạn còn ai chê là thầy”. Nhưng phải là chê đúng. Còn trong trường hợp này, tôi thấy họ chê sai. Tôi cho rằng họ có ý hạ thấp, bôi nhọ tác phẩm của mình.

PV: Nghe nói cuốn sách là những câu chuyện được anh ghi chép lại thông qua những cuộc đời mà anh chứng kiến?

Tác giả Hoàng Anh Sướng: - Tôi là một phật tử và từng chứng kiến nhiều cuộc đời của các phật tử. Không ai sinh ra đã là phật tử. Mà trong cuộc đời, họ gặp phải những biến cố, tạo nên những ngã rẽ. Trong cuốn sách này, có nhiều đề tài, nhiều thân phận được đề cập đến. Đó là chuyện về những người phụ nữ làm nghề nạo phá thai.

Sở dĩ tôi viết về đề tài này bởi ám ảnh với con số thống kê trong năm 2016, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về nạn nạo phát thai. Một người phụ nữ Việt Nam đã nạo phá thai 2,5 lần trong đời. Sau đó họ sám hối, thậm chí họ phải chịu quả báo.

Tôi còn gặp cả những bác sĩ nạo phá thai nổi tiếng và họ đã chia sẻ những câu chuyện về quả báo. Vấn đề này được viết ra không phải để giật gân rùng rợn mà để cảnh tỉnh mọi người, đừng để xảy ra tình trạng náo phá thai ngoài ý muốn. Đó là thông điệp nhân văn mà cuốn sách hướng tới.

Với tư cách và kiến thức của một phật tử, tôi cũng mang đến những giải pháp để những con người đó giải thoát, tu tập đạo phật để hóa giải. Và họ đã làm được. Nhiều người đã trở thành “bồ tát”. Có bác sĩ đã bán cả bệnh viện của mình để đi làm thiện nguyện.

Tác giả Hoàng Anh Sướng (Ảnh Internet)

PV: Tuy nhiên, tiêu đề của cuốn sách có từ phật pháp dễ khiến nhiều người hiểu nhầm?

Tác giả Hoàng Anh Sướng: - Cuốn sách tuyệt nhiên không phải là những lời kinh phật, hay mang nội dung truyền đạo. Thông điệp mang đến mọi người chính là niềm tin về luật nhân quả. Chúng ta sống như thế nào sẽ nhận về mình điều tương tự.

20 phóng sự về 20 số phận con người là hành trình để chúng ta hướng về phật pháp. Trong cuộc sống này luôn có sự hóa giải. Giống như câu nói: “đồ tể buông dao thì thành phật tử”. Ai cũng có quá khứ, nhưng khi “buông dao” để hướng đạo, quy phật, được giác ngộ và làm điều tốt thì họ hoàn toàn có thể trở thành phật tử.

Giọng điệu trần trụi của nhân vật đồ tể, hay số phận bị đát của anh ta và toàn bộ cuốn sách này là minh chứng cho luật nhân quả của Đạo Phật.

(Nguồn: VOV.vn)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *