Từ đời vào văn

8/11
3:34 PM 2018

NHỮNG TIÊU ĐIỂM THẨM MỸ THƠ TRỊNH CÔNG LỘC

PGS.TS,Hồ Thế Hà-Bằng thế giới hình tượng thông qua nghệ thuật ngôn từ, nghiên cứu trường hợp (case study) thơ Trịnh Công Lộc, bài viết chỉ ra những tiêu điểm tư tưởng thẩm mỹ trong thơ ông gắn với những vấn đề sinh thái đa dạng có liên quan đến sự sống trước mắt và lâu dài của con người và xã hội Việt Nam từ điểm nhìn hiện tại.

                                              Nhà thơ Trịnh Công Lộc

Thơ Trịnh Công Lộc là sự hòa quyện những cảm hứng lớn về nhân dân, đất nước, dân tộc cùng với cảm hứng thẳm sâu về thiên nhiên, về tình yêu và môi trường sinh thái thông qua cảm thức hiện sinh cá nhân đầy thao thức và trách nhiệm. Chính cái tôi nghệ sĩ và cái tôi công dân thông qua những trải nghiệm, kiếm tìm từ cuộc sống thật đó đã làm nên chất thơ và hồn thơ Trịnh Công Lộc.

Trịnh Công Lộc duyên nợ với văn chương từ những ngày đang là sinh viên Văn khoa trên giảng đường đại học Sư phạm Hà Nội. Từ đó, thơ ám ảnh và để lại dấu chỉ định mệnh thi ca trong tâm hồn anh, thôi thúc anh cầm bút cho đến ngày hôm nay. Và anh trở thành nhà thơ Việt Nam với đúng danh nghĩa và số phận mà anh không phải ân hận hay thanh minh gì thêm. Duy chỉ có điều là anh luôn trăn trở và tự vấn rằng mình đã làm gì được cho thi ca.

     Những bài thơ đầu tay viết và được in trên báo Văn nghệ, Văn nghệ quân đội từ những năm 1972 - 1973, được phổ nhạc cùng thời điểm đó, nhưng mãi đến 2011, anh mới cho ra mắt tập thơ đầu tay Cánh buồm nâu. Âu đó cũng là sự thận trọng và khiêm tốn của người thơ như chính anh tự nhận “Vẫn biết mình nho nhỏ/ Cứ thế này/ Chầm chậm về sau”(Nho nhỏ thôi). Chậm nhưng không trễ trong dàn đồng ca thơ hiện đại Việt Nam sau đổi mới (1986). Sau đó, anh có hai tập thơ liên tiếp ra mắt độc giả: Mộ gió (2012), Mặt trời đêm(2014) đậm chất sống thật, được bạn đọc và đồng nghiệp đánh giá cao. Và còn nhiều tập bản thảo nữa sắp ấn hành. Đó là niềm vui lặng thầm nhưng mãnh liệt của một hồn thơ không chịu bình lặng trước hiện thực cuộc sống đang cần nhà thơ đồng hành để vui buồn chia sẻ và thông diệp.

     Có thể khái quát chất thơ của hồn thơ Trịnh Công Lộc như sau: Anh luôn hướng tâm hồn mình ra tha nhân và bình tĩnh nắm bắt, đồng cảm với  những ba động của cuộc đời để thể hiện chúng thành những thếgiới nghệ thuật thơ thấm đẫm chất đời tư - thế sự, bằng chất liệu ngôn từ cũng gần gũi, chân thật, đầy chất phản biện, nhưng có lúc không kém phần ảo diệu, lấp lánh chất nhân văn. Đó chính là sự hòa quyện những cảm hứng lớn về nhân dân, đất nước, dân tộc cùng với cảm hứng thẳm sâu về thiên nhiên, về tình yêu và môi trường sinh thái thông qua cảm thức cá nhân đầy thao thức và trách nhiệm của nhà thơ. Chính cái tôi nghệ sĩ và cái tôi công dân thông qua những trải nghiệm, kiếm tìm từ cuộc sống thật đó đã làm nên hồn thơ Trịnh Công Lộc vừa hiện thực vừa lãng mạn; vừa chân thành, cụ thể vừa triết lý, ảo diệu:

                   Mọi người ơi

                             đừng cố chấp làm chi

                   Có lúc lên cao, có khi xuống thấp

                   Nho nhỏ tôi- đã ra ngoài thứ bậc

                   Sao vẫn gập ghềnh, vẫn cứ bấp bênh

 

                   Nhưng dù sao, vẫn là phía cuối cùng

                   Chầm chậm đến - bớt ồn ào, inh ỏi

                   Nho nhỏ thôi để dễ đi, dễ nói

                   Để mọi người

                                        dễ nhớ

                                                 dễ gần nhau!

                                                (Nho nhỏ thôi)

          Trịnh Công Lộc thường kiến trúc trục không gian - thời gian nghệ thuật một cách ảo diệu gắn liền với ký ức tâm hồn giàu biến thái của anh khi nghĩ về tình yêu, thiên nhiên và đất nước: “Sông mênh mông, người không trẻ lại/ Người yêu như sông, sông mãi không già ” (Hai phía một đời sông). Nghĩ về thời gian, anh lại nghĩ đến những gì cao hơn chính nó để rút ra một triết lý khác:

                   Nếu còn mỗi ngày trang sách

                   thì đâu khó nhể bấc đèn

                   nếu còn tình yêu soi tỏ

                   thì đâu có ngại bóng đêm

                                  (Vẫn biết Sơn Tây)

          Vậy mà những hiện thực đời thường lại không hề nhỏ nhặt. Nó chính là nguồn sống của thơ và đến lượt mình, thơ nói lên phận người lam lũ: “Than vẫn là than cháy/ Biển vẫn là sóng xô/ Sóng than và sóng biển/ Sóng cuộn trào trong thơ” (Phận người biển trọ).

Từ hiện thực cuộc sống đời thường, đi vào thơ Trịnh Công Lộc, nó  thành tiêu điểm tư tưởng thẩm mỹ cho thi phẩm để truyền sang người đọc những suy tư mới mẻ:

                   Có thể là tôi

                   người về phía cuối cùng

                   Kết cục là không, như bao nhiêu người khác

                   Không danh giá và cũng không tiền bạc

                   Thả vô tư

                                  bay xuống

                                                 đậu vai người.

                                                            (Đâu đây...)

          Những bài thơ nghiêng về cảm và luận cũng được Trịnh Công Lộc thổi vào chúng những suy tư thâm trầm, khiến người đọc liên hệ đến những gì đồng nghĩa với những quy luật đời thường xảy ra chung quanh mỗi người, nhưng nhiều lúc họ vô tình không để ý đến:“Cánh buồm như tờ lịch/ Phố thợ như kim đồng hồ/ Gương than như trang sách” (Đường nét của than).

                   Đã hiện ra những cánh buồm nâu

                   Không gian giăng tơ lấp loáng

                   Chim gáy mùa thu bay buổi sáng

                   Sông xanh đậm buổi chiều

                                           (Cánh buồm nâu)

          Chính thiên nhiên thông điệp với con người bằng ngôn ngữ không lời sâu thẳm: “Người ở núi, ở rừng/ Ăn, biết nhìn người/ Chào, không cần hỏi/ Nói một câu/ thật một đời” (Nói một câu thật một đời).

          Trịnh Công Lộc thường phát hiện những điều mới mẻ trong hiện thực bình thường, nhưng lại nâng lên thành những tín hiệu thẩm mỹ mới cho sự vật và hiện tượng: “Sóng như làn tóc rối/ Tóc biết hát tình ca…/ Hoa sữa thơm, đêm về/ Cầm đắm say đi trước” (Vẫn cứ là Hà Nội…). Những phát hiện bất ngờ như vậy xuất hiện rất nhiều trong thơ Trịnh Công Lộc:

          Đêm câu hát trải tóc

                   Dịu dàng rồi buông lơi...

 

                   Một cõi riêng Kinh Bắc

                   Đêm say đỏ môi trầu

                   Nhặt thêm vầng đắng đót

                   Bỏ vào trái tim nhau

                         (Nhịp cầu Kinh Bắc)        

          Thơ anh không mới về thể thơ và hình thức biểu đạt. Anh không chạy theo mode, không làm dáng trong câu chữ, nhưng thơ anh có sức ám ảnh lớn về sự sống thật của cõi người qua cách tổ chức ý thơ và tứ thơ cùng việc vận dụng vốn ngôn ngữ giàu tính hiện thực tâm trạng và hoài niệm: “Sông nào nước chảy lơ thơ/ Người nào năm ấy đôi bờ lạc nhau?” (Sông Thương). Ở đó, anh soi vào chính mình trước khi nhìn ra tha nhân để nhận ra những ân nghĩa quanh đời:

                   Ngày ơi!

                             ngày là đòn gánh

                   gánh lên tất cả mà đi

                   đời ta

                   bao nhiêu phải gánh

                   có khi

                             không gánh được gì!

                                      (Ngày gánh…)

          Dẫu là thời đại mạng và kỹ thuật số, trái đất là một thế giới phẳng (the flat word), là làng toàn cầu (the global village) thì con người cũng cần sự gần gũi và nhân hậu giữa “cõi nhân gian bé tí” này như những sợi dây tình cảm thiêng liêng, bền vững nhất:

                   Thông tin mạng

                   Thế giới mở từ 10 ngón tay

                   nhưng mỗi ngày

                   cứ vơi đi vị ngọt

                   vơi đi chua chát

                   vơi đi đắng cay

                   vơi đi bóng mát

                   cạn đi

                   cái riêng có của mình

                   cạn đến lạnh lùng, tẻ nhạt

                   Thế giới 10 ngón tay

                   Cần, rất cần mở toang thế giới

                   Nhưng cần hơn

                   sự nồng ấm con người!

                                      (Điện tử toàn cầu)

          Bằng vốn sống thực luôn được soi chiếu qua những quan hệ đa dạng có thực của chính người thơ; đặc biệt là với vốn kiến thức sử học, văn hóa học, xã hội học và cũng như cách huy động hình ảnh thơ, liên tưởng thơ ảo diệu, làm cho hiện thực cuộc sống và tâm trạng luôn xao động giữa các phạm trù sống - chết, giới hạn - vĩnh hằng, cái thoáng chốc phù du - cái thiên thu bất tuyệt. Và sau tất cả những xao động đó là khát vọng hiện sinh đầy trách nhiệm của những con người biết sống, qua sự đối chiếu với thiên nhiên và thời gian khách quan thường nghiệm:

                   Đại ngàn

                   Nắng,

                    thành máu của đất

                   Mưa,

                  mồ hôi của rừng

                   Suối,

                  nước mắt của mây

                   Đá,

                tóc trắng của trời

                   Thác,

                  tiếng của núi

                   Voi,

                 tiếng của sông

                   Đại bàng,

                        tiếng của gió

                   Cồng chiêng,

                              tiếng của người

                                      (Đại ngàn)

                Nhìn thời gian trôi, nhà thơ lại nghĩ về bốn mùa vần vũ đi qua làm nên sự sống thật trong mỗi một con người, dù những bước đi không ai đếm tuổi: “Bước chân không có tuổi/ Hào phóng mỗi bước đi/ Con đường như nhàn rỗi/ Cỏ đôi bên xanh rì”. Nhưng không gì cưỡng lại được quy luật khách quan của tự nhiên và con người:

                  Bước theo hoa theo trái

                  Bước theo gió theo mưa

                  Bước thiên nhiên trời, đất

                  Cứ  xênh xang bốn mùa

 

                  Em ơi, đừng vội trách

                  Mùa này sang mùa kia

                  Mùa nào anh cũng đợi

                  Đợi em…

                      mùa lại mùa…

                                     (Sang mùa)

           Ngày vĩnh biệt mẹ, anh viết: “Như mẹ đã “trốn” con về chín suối/ mẹ không muốn sợi dây buồn tủi, níu vào con/ nhắm mắt không đành”. Nhưng có một thực tế mất mát, đau thương lớn hơn sự thật luôn ám ảnh trong anh:

                   Mẹ đi rồi

                   con biết hỏi về đâu

                   hỏi bến dưới, làng trên, hỏi bờ rau, gốc rạ

                   hỏi từng ngày tất tả long đong

                   hỏi đến trời cao, tứ phía mưa dông

                   hỏi mặt đất - đất mịt mùng sương gió

                   hỏi về đâu

mẹ vẫn đang chờ…

                   Mẹ đi mây chiều tím tóc

                   Hoàng hôn úp mặt lên trời

          Nhưng cuối cùng, như một linh nghiệm: “Mẹ “trốn” con trước mặt/ Lại về đứng sau lưng” (Mẹ đã trốn con).

           Hoặc nhìn những tấm bia mộ liệt sĩ trong nghĩa trang, anh liên tưởng đến những nốt dương cầm trắng, chạm vào là ngân, chạm vào là đồng vọng. Tất cả như đang đồng hiện trong tâm tưởng những người thân:

                   Đài tưởng niệm chạm mây

                   Những cánh hạc bay về phía núi

                   Những tấm bia không tên

                   Những vô danh không tuổi

                   Ở đây, trắng lặng đến bao giờ

                   (Tìm cha ở nghĩa trang liệt sĩ)

          Một ngày trôi qua, một tháng trôi qua, một năm trôi qua và một đời người trôi qua, đó là quy luật, nhưng mỗi chủ thể hiện sinh lại bơi ngược dòng sông ký ức cội nguồn, soi vào từng hiện tượng thiên nhiên để biết mình tồn tại có ích: Chẳng gì nữa/ dễ gần như lá/ Từ vườn cây, xóm ngõ, lối đi/ Chẳng gì nữa/ dễ thương như lá/ Giữa khô hanh/ nhỏ nhẹ thầm thì”. Để rồi, mỗi chủ thể hiện sinh tự mình chiến thắng những hệ lụy và đa đoan của cuộc sống:

                   Có những lúc buồn tênh như gió

                   Lá bay bay dào dạt quanh mình

                   Lá gọi gió mang câu chuyện nhỏ

                   Từ nơi xa như thể vô tình

 

                   Gió đâu biết, khi nào lá giận

                   Gió nổi cơn, xương cốt lá đau

                    Sau tầm tã, tự mình gượng dậy

                   Lá hàng hàng lớp lớp bên nhau

                                                          (Lá)

          Hoài niệm và đồng hiện là biện pháp tâm lý tốt nhất để con người nối liền hiện tại với quá khứ và mơ ước đến tương lai. Liên hệ đến những người lính đã ngã xuống ở Truông Bồn, tác giả đã tạo ra tứ thơ hay, thể hiện một trạng thái thiêng liêng có thật. Hồn những người đã khuất không mất đi, hồn họ hóa thân vào đất đai, lịch sử để “Thành nhịp đập Trường Sơn/ Nhịp đập chiến tranh/ tầng tầng lớp lớp/ Sẽ không sách nào ghi hết/ Chỉ có trái tim mới biết/ Mọi tận cùng lịch sử đi qua” (Nhịp đập Truông Bồn).

          Nghĩ về thời gian, Trịnh Công Lộc liên hệ trực quan đến những tờ lịch mỗi ngày để biết đời người là khoảnh khắc:

                   Thay lịch sang ngày

                                                sang tháng

                                                                 sang năm

                   Như bóc mình

                     lớp này lớp khác

                   Thay lịch

                                 như bóc tay cho sạch

                   Cho đơm hoa tinh khiết hiên nhà

                   Cho hương khói bàn thờ ấm áp

                   Tổ tiên về thơm mát đường xa

                                                (Thay lịch)

          Nhìn những mỏ than của Tổ quốc, anh xem nó như “đứa con một”, phải giữ gìn, không khai thác cạn kiệt thiên nhiên, phải giữ gìn để con cháu đời sau còn hưởng lộc: “Than! Thắp lửa/ Xin đừng tắt lửa đời sau”, bởi vì “Than!/ trời cho/ - đứa con một/ - mẹ đất sinh ra”. Than là của cải mà thiên nhiên ban tặng cho con người

                   Lớp lớp tầng sâu

                   Đại thụ than mọc từ bóng tối...

                   Rồi mẹ đất qua từng cơn vượt cạn

                   Than sinh ra, lửa bay lên

                   Hồng hào và tinh khiết

                   Ngọn lửa chưa bao giờ tắt

                   Bừng lên như sáng cuả ngày

                   Than là vàng là bạc hôm nay!

                                        (Than! đứa con một)

          Tôi muốn dừng lại ở những bài thơ tưởng niệm của Trịnh Công Lộc để  chia sẻ những tình cảm máu thịt mà anh dành cho những ghệ sĩ lớn của đất nước. Mênh mông cõi người là bài thơ hay tưởng nhớ Trịnh Công Sơn: “Là câu hỏi/ Ngàn đời/ Là câu hỏi/ mỏi mệt đi đâu cũng máu thịt da vàng/ mỏi mệt đến đâu cũng nối vòng tay lớn/ nhân loại vẫn thỉnh cầu xá tội trần gian...”. Tình ca Trịnh Công Sơn đã thành nguồn suối tình yêu không bao giờ vơi cạn cho mỗi phận người:

                   Suối trong ơi!

                   Viên sỏi nào cũng đầy nước mắt

                   đôi mắt  nào rót hết cô đơn

                   mà tình khúc - tình yêu tuôn trào như bể

          Nghĩ về Hoàng Cầm, Trịnh Công Lộc lại nghĩ về những gì đồng nghiã với thiên thu long lanh tình sử: “Trách cứ gì đâu/ Người bên sông ấy/ Lá thiên thu - lá có thật đây rồi/ Lá đã đến dắt tay người bên ấy/ Vẫn nghiêng nghiêng lấp lánh một dòng sông” (Người bên kia và chiếc lá thiên thu). Vượt cạn cũng là bài thơ hay viết về Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm - tam diện thi sĩ đồng hành, đồng số phận thi ca: tài hoa, đa cảm, nhưng cũng đa đoan, hệ lụy: “Đã từng ném lên trời/ Hạt chữ ngọc ngà bay khắp ngả/ Chỉ tiếc/ Thơ lạc dòng thế sự/ che đi miền trong trẻo cuộc đời...”. Nhưng thời gian đã chứng thực cho mỗi thi nhân khi các ông cần thơ như cần sức mạnh để tiếp sức đi xa cùng nhân dân, tổ quốc:

                   50 năm sau

giữa trường chinh đổi mới

                   những trắc ẩn âm u

                   những chạnh lòng ái ngại

                   nỗi ám ảnh tiêu tan

                   Người ấy - câu chữ ấy

                   đã bước lên hàng

                   những cây bút tài hoa...

                   Sinh ra, những đứa con sáng trong ngữ nghĩa

                   Lấp lánh

                   miền xa

          Tôi gọi hiện thực trong thơ Trịnh Công Lộc là hiện thực của những tiêu điểm tư tưởng thẩm mỹ mà nhà thơ hướng đến để nắm bắt, cắt nghĩa, chỉ ra bài học nhân sinh khẩn thiết của con người. Bài thơ Gửi về vùng lũkhông chỉ đề cập đến thiên tai mà còn là thông điệp về sự vô trách nhiệm của chính con người làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

                   Trách trời và trách đất

                   Sao không trách lại mình

                   Đâu,

                           nhân tình để lại

                   Đâu,

                           cõi phận nhân sinh

          Nằm trong mạch cảm hứng ấy, trong bài Miền Trung, không riêng tôi!,tác giả đã chỉ ra tính chất độc ác của những con người vô nhân và vô cảm hủy hoại sự sinh tồn của thiên nhiên và đồng loại:

                   Biển có tội gì đâu

                   Mà gieo chết chóc

                   Bến bờ trơ xương cát

                   Thuyền trốn biển đi đâu

                   Độc tố đã ngấm sâu

                   Thành tội đồ hủy diệt.

          Vậy nên, trong Cần một lời rõ hơntrở thành tiếng gọi khẩn thiết để tố cáo những kẻ đã hủy hoại môi sinh. Và anh dự đoán: “Và tôi biết/ 50 năm hoặc lâu hơn nữa/ Con trẻ sinh ra/ sẽ hỏi câu gì”. Nhưng giờ đây, không thể khác, cần phải hỏi và trả lời sự thật:

                   Cần một lời rõ hơn

                   Bao giờ biển sạch?

 

                        Miền Trung

                               chưa giàu nhưng vẫn đẹp

                   Độc tố hay dã tâm

                   Không lẽ

                   Con người,

                                phải đánh đổi mưu sinh!

          Những tiêu điểm tư tưởng thẩm mỹ như trên chính là chìa khóa để đi vào thám mã và giải mã thế giới thơ Trịnh Công Lộc. Toàn bộ những ám ảnh nhân sinh thế sự, ám ảnh nỗi buồn và ám ảnh môi sinh cấp thiết trong thơ anh trở thành thi pháp đối cực, đối trọng; cao hơn là thi pháp phản biện, đối thoại để anh nói về cái trường cửu, về niềm vui và khát vọng sống thật của cõi người.

          Trong bài thơ Đảo vắng, Trịnh Công Lộc đã nhìn thấy ngọn nguồn: “Không có đất, chưa có người đến ở/ Chỉ có đá và mây/ Gió và sóng/ Thay tiếng đập cửa/ Thay hơi ấm đi về…/ Đón chúng tôi đầu tiên/ Những lớp đá lô nhô vòng tay ôm xiết/ Khi ngọn sóng muốn trào dâng tiếng hát/ Người muốn làm cây cho đá ngọt ngào”. Con người tựa vào thiên nhiên và bảo vệ thiên nhiên, cũng như thiên nhiên luôn che chở và dựa vào con người để được bảo vệ. Những quan hệ trên, nếu diễn ra theo chiều ngược lại, thì có nguy cơ hủy diệt sinh thái và gây ra những hậu quả xấu khôn lường.

                   Sóng vẫn hát những lời của biển

                   Lời thẳm sâu tít tắp chân trời…

                   Mỗi đảo nhỏ như trái tim của biển

                   Những trái tim,

                                      Nhịp đập trùng khơi…

                   Sống cùng biển, bao đời giữ biển

                   Sóng gọi hồn thiêng

                                      Biển vọng về…

                                                (Lời của sóng)

Vì vậy, mà mối quan hệ trên luôn được con người quan tâm và ý thức nương tựa, giữ gìn. Anh đã thực sự nhập vai vào từng đối tượng và từng sự kiện, từng tiêu điểm để bình luận, phán xét và nghĩ suy:

                   Tựa vào đá sống cùng với đá

                   Vạn chài ơi, đã vạn năm rồi

                   Đá vẫn đứng

                             không trời nào lay đổ

                   vẫn đi cùng

                                      ngư lính

                                                  đường khơi

                                                (Đá và nước)       

          Bài thơ Từ biển mà đicó tứ hay, cũng xuất phát từ tiêu điểm thẩm mỹ bền vững trong tư duy thơ Trịnh Công Lộc: “Đâu phải bây giờ/ mới từ biển mà đi/ Đất nước mấy ngàn năm/ Mấy ngàn năm bão tố…/ Ông cha mình đã từ biển mà đi/ Vẫn rành rọt sáng soi từng hải lý/ Những luồng lạch nông sâu/ Thuộc lòng như chữ nghĩa/ Bao lớp người đi giữ đảo không về”. Quan niệm “thiên nhân tương dữ” mà cha ông ta khái quát đã thành lẽ sống nhân sinh cho đến hôm nay:

                             Biển lặng giấu những nỗi niềm xa thẳm

                             Ru lời ru vô tận dưới lòng sâu

                             Mỗi đảo nhỏ

                                                đã hóa thành ngọn nến

                             thắp linh thiêng rừng rực sao trời…

                             Bây giờ,

                                      Lại từ biển mà đi

                             Nơi cuối chót Hoàng Sa,

                                    nơi Trường Sa cuối chót

                             đôi bờ vai, bát ngát biển trời

                             gánh bao nỗi gian truân đất nước

                             như Trường Sơn

                                                gánh xương máu chiến tranh

                             như lịch sử, gánh thăng trầm mỗi bước!

                             Đây Hoàng Sa, đây Trường Sa, cuối chót

                             lại lên vai, bát ngát mà đi

          Vì vậy mà khi giặc kéo đến Hoàng Sa, biển đã “Thăm thẳm đau, nhói thềm lục địa/ Thăm thẳm xót chập chùng xương máu” để sau đó, những người giữ biển quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo cho mãi mãi “Hoàng Sa cột mốc giữa muôn trùng”. Bài thơ Mộ gióđồng vọng nghi lễ chiêu hồn những chiến binh thời Nguyễn đi bảo vệ chủ quyền biển đảo không trở về chính là ý thức khẳng định chủ quyền lãnh hải mà cha ông chúng ta đã ý thức bảo vệ và gìn giữ từ khi có sự sống trên mảnh đất hình chữ S này: “Giữa biển/ Trời cao là mãi mãi”.

                   Mộ gió đây

                                      đất thành xương cốt

                   cứ gọi lên là rõ hình hài

                   mộ gió đây,

                                      cát vun thành da thịt

                   mịn màng đi,

                                      dìu dặt bên trời

                   Mộ gió đây,

                                      những phút giây biển lặng

                   gió là tay ôm ấp bến bờ xa

                   chạm vào gió như chạm vào da thịt

                   chạm vào

                                  nhói buốt

                                                Hoàng Sa

                   Mộ gió đấy,

                                      Giăng từng hàng, từng lớp

                   Vẫn hùng binh giữa biển - đảo khơi xa

                   Là mộ gió,

                             Gió hổi hoài thổi mãi

                   Thổi bùng lên

                                      những ngọn sóng

                                                                   ngang trời!

          Cảm thức từ biển, cảm thức từ lịch sử có thật, Trịnh Công Lộc đã khái quát và ẩn dụ về một tinh thần bất khuất thông qua “mộ gió” để chiêu hồn các anh linh giữ biển và khẳng định tinh thần bất khuất của những người lính đảo hôm nay. Từ Mộ gió của Trịnh Công Lộc, nhanh chóng trở thành “hội chứng mộ gió” trong văn học nghệ thuật đương đại như cách nói của nhà thơ Đặng Huy Giang. Và theo lời bình của nhà thơ Hữu Thỉnh:“Bài thơ ẩn chứa sự đau đớn, cảm phục và tôn vinh một cách toàn bích hình ảnh sự hy sinh anh dũng của người chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Cảm xúc rất mạnh, dâng lên, dâng lên cao trào. Cấu trúc chặt, không rườm rà, tứ thơ cứ được đẩy lên đến vô tận. Không có chỗ "phô". Tác phẩm dự thi của Trịnh Công Lộc thực sự là một bài thơ có tầm, hướng về giá trị lớn. Đó chính là sức mạnh toàn dân tộc. Mới mẻ về nhận thức, sâu sắc về tư tưởng, nó xóa đi mọi sự nghi kị, hẹp hòi, chỉ còn lại là mối đồng cảm lớn lao: Bảo vệ Tổ quốc bằng tổng lực sức mạnh của dân tộc."

          Bài thơ đạt 2 giải liền năm 2912: giải nhì về thơ và giải nhì về ca khúc do nhạc sĩ Vũ Thiết phổ nhạc với tên gọi Khúc tráng ca biển. Cần phải nói thêm, đây là một giải thưởng lớn của một cuộc thi toàn quốc với chủ đề “Đây biển Việt Nam” lần đầu tiên được tổ chức năm 2011, huy động tới hơn 1000 tác giả thơ và hơn 400 tác giả âm nhạc trong và ngoài nước tham gia. Nhưng quan trọng hơn, Mộ gió đã gây nên chấn động, dư vang, luôn luôn hồi thức trong tâm thức con người. Cùng với Mộ gió, bài thơ Từ biển mà đi của Trịnh Công Lộc là những thi phẩm đầu tiên khơi dậy, trở lại chất sử thi, chất bi hùng mà sau một thời gian dài trầm lắng trong thi ca. Đó là dấu ấn, vẻ đẹp nổi bật của thơ Trịnh Công Lộc ! Giường như từ đó, nhà thơ mở rộng những tiêu điểm thẩm mỹ thơ của mình .

          Biển mãi là sở hữu được phân chia, không ai có quyền xâm phạm. Những ngôi sao là mắt của trùng dương luôn canh giữ biển trời: “Sao là mắt của biển/ Đảo là mắt trùng khơi/ Đăm đăm xa vời vợi/ Bao nỗi niềm biển ơi!” (Biển đêm). Muôn đời, biển là lãnh hải của lòng dân:

                             Biển sâu là mãi mãi

                             Hoàng Sa đi cực bắc

                             Trường Sa đi cực nam

                             Cũng là mãi mãi

 

                             Biển đây

                             Tổ quốc của mình!

                                         (Giữa biển)

          Các hòn đảo Việt Nam như những trụ trời bất tử :

                             Trường Sa đấy bốn bề dông bão

                             Đón người ra với đảo, gửi niềm tin

                             Song Tử - như trụ trời - bất tử

                             Gọi ngàn xa,

                                                tung cánh bay về...

                                                          (Ngàn xa)

          Từ hệ qui chiếu ấy, Trịnh Công Lộc đã tiến thêm một tiêu điểm chân lý nữa: nhìn biển trong mối quan hệ bền vững với núi để trở thành đường chân trời mơ mộng muôn đời như những cổ mẫu (archétypes) trong tâm thức mọi người. Bài thơ Đỉnh núi từ đó, có tứ thơ hay:

                   Đất là núi

                                  là sông

                                             là biển

                   Núi ngất cao, sông biển rộng dài

                   Sông và biển giăng thành như núi

                   Giữ bình yên bờ cõi đất đai!

Từ đó, ý thức bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ hiện lên mãnh liệt trong mỗi hồn người. Mỗi đỉnh núi mỗi bàn thờ Tổ quốc là hình tượng có sức ám ảnh bất ngờ:

                   Mỗi tất đất

                                    đã bao nhiêu máu

                   Thắm lên tùng vách núi, ngọn cây

                   Mỗi đỉnh núi

                                      một bàn thờ Tổ quốc

                   Ngát linh hương nghi ngút trời mây!

          Anh thấy được đảo và rừng nương tựa vào nhau để làm nên tâm hồn Việt Nam, sức mạnh Việt Nam:“chi chít mọc, đảo thành rừng của biển”,“như binh đoàn ào ạt tiền phương”, để rồi:

                   Biển một ly không thể cắt rời

                   Người yêu đảo, mặn mòi với đảo

                   Đảo yêu người, hạt muối cắn đôi

                   Máu thắm đất hồng tươi mặt đất

                   Máu biển loang sóng đỏ chân trời

                                                     (Rừng đảo)

          Vẫn với cách nhìn cự ly từ những tiêu điểm thẩm mỹ mang tính thời sự - thời đại ấy, Trịnh Công Lộc đã ký mã được những vẻ đẹp của tình người, tình đời. Đó là thơ nhập cuộc. Và nói theo cách của Chế Lan Viên:“Thơ cần có ích/ Hãy bắt đầu từ nới ấy mà đi”. Bài thơ Vành tang núicũng nằm trong mạch cảm xúc đời tư - thế sự quen thuộc của Trịnh Công Lộc, nhưng nâng lên tầm dân tộc qua hình tượng nghệ thuật vừa cụ thể vừa khái quát. Sự tàn bạo của kẻ thù không khuất phục được tinh thần dân tộc của mỗi con người Việt Nam. Sự hy sinh mất mát đó không mất đi, đã hóa thân vào đất đai, sông núi:“Chưa thấy ở đâu/ Đạn bắn vào đến nỗi/ Đá chín thành vôi/ Thanh Thuỷ - Lò vôi thế kỷ”. Và sau những dữ dội đến khủng khiếp ấy, chúng ta “Mới rõ hết sự tình/ Núi -  không thể hất đi!”. Vành tang núi đã trở thành tượng đài bất diệt nhắc thức mọi người về tình yêu Tổ quốc và tinh thần dân tộc qua ngàn năm dựng nước và giữ nước:

                   Thanh Thuỷ “Lò vôi thế kỷ”

Vôi - vành tang núi

Trắng lên trời!

     Đó là những khái quát nghệ thuật có sức lay động, khiến trong hiện tại, có lúc người thơ không khỏi mang tư tưởng bi đát và hốt hoảng, nhưng liền sau đó, anh trở thành người phản biện và bảo vệ cho những gì thuộc về nhân bản và nhân văn của dân tộc:

              Đất có rừng, biển cùng rừng như đất

              Biển mỡ màu, rừng đảo ngàn xưa

              Đại dương bao la, đại ngàn rừng đảo

              Đại ngàn xanh, xanh ngập bến bờ

                                                     (Rừng đảo)

     Đến đây, ta có thể thấy những ám ảnh tâm lý và tiêu điểm thẩm mỹ trong thơ Trịnh Công Lộc đã đi trọn hành trình âu lo hiện sinh và trách nhiệm nghệ sĩ của mình để hóa giải niềm vui và nỗi buồn theo biện pháp đồng nhất hóa những chân lý của lịch sử dân tộc trong bài thơ Mười hai ngày đêm, nỗi mong đất nước như một chân lý nhân văn và khát vọng hòa bình trong nhân đạo: “Có phải dấu xưa rung Cửa Bắc/ Hào quang xưa đã thắm hoa đào/ Tìm dấu voi xưa rung Cửa Bắc/ Lại vang Trúc Bạch năm nào”. Cuối cùng, anh khẳng định chân lý Việt Nam, dáng đứng Việt Nam:

              Hà Nội, như nỗi mong đất nước

              Chiến thắng không cần chiến tranh!

                                               

     Đấy là toàn bộ những ẩn số của thế giới thơ Trịnh Công Lộc mà anh muốn thông điệp đến chúng ta. Những tiêu điểm tư tưởng thẩm mỹ trong thơ anh chính là dấu chỉ thi pháp giúp chúng ta tiếp tục đi sâu giải mã thế giới nghệ thuật thơ anh từ nhiều yếu tố và cấp độ như ngôn ngữ, giọng điệu, biểu tượng, motif, thể loại…mà trong bài viết này, chúng tôi chưa có dịp nắm bắt và giãi mã tất cả.

                                                                        Vỹ Dạ, 07 - 2017

                                                                                                     

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

Trịnh Công Lộc, Cánh buồm nâu, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2011.

Trịnh Công Lộc, Mộ gió, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2012.

Trịnh Công Lộc, Mặt trời đêm, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2014.

Trịnh Công Lộc, Chùm thơ in ở Báo Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh, số 846,

                                                                                                        6-2016.

Trịnh Công Lộc, Chùm thơ in ở Báo Văn nghệ Tp Hồ Chí Minh, số 846,

                                                                                                        7-2016.

Trịnh Công Lộc, Chùm thơ in ở Báo Văn nghệ quân đội, số 47,

                                                                                                    ngày 19-11- 2016.

Trịnh Công Lộc, Chùm thơ in ở Tạp chí Thơ, số tháng 11- 2016.

Trịnh Công Lộc, Chùm thơ in ở Báo Văn nghệ quân đội, số Chủ nhật ngày 17-12- 2016.

 

( Nguồn Tạp chí Thơ số tháng 1-2 năm 2018)

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *