Từ đời vào văn

20/10
8:22 AM 2018

NHÂN NGÀY 20/10: NHÀ THƠ NỮ- VẺ ĐẸP CỦA CÔ ĐƠN ...

Phạm Thị Phương Thảo-Ai cũng có những phút giây cô đơn và đôi khi cô đơn cũng tốt cho mọi người nhất là giới văn nghệ sỹ. Người nghệ sỹ cần đủ cô đơn để sáng tạo nên tác phẩm. Cô đơn và cô đơn hơn nữa trong thế giới riêng của sự sáng tạo đầy khổ ải mà sung sướng của người nghệ sỹ.

 

 Tôi nhớ mình đã từng đọc nghiền ngẫm cuốn sách tiểu luận- Phê bình văn học của nhà thơ nổi tiếng người Chăm - anh In ra sa ra từng có câu: “Không đủ cô đơn để sáng tạo” khi viết về sự lao động và cống hiến của các nhà văn trong nỗi cô đơn của riêng mình. Bởi với người nghệ sĩ thì cô đơn bao nhiêu vẫn là chưa đủ.

Nỗi cô đơn đôi khi rất đẹp và cần thiết cho người nghệ sĩ, hoạ sĩ, nhạc sĩ, đặc biệt là các nhà thơ. Nếu ai cho rằng các nhà thơ ngồi đâu cũng có thể sáng tác ra những bài thơ hay được là nhầm to. Tôi rất ngại hay nói đúng hơn là rất sợ những bài thơ ngẫu hứng làm ào ào vài phút trên bàn ăn hay ở nơi công cộng và thường từ chối đọc thơ và những lời đề nghị kiểu như vậy. Dù là ngẫu hứng thơ và cảm xúc tức thời của nhà thơ có thể cao hứng, những câu thơ kiểu vần vè xuất hiện rất nhanh và được đọc lên ở các CLB, nơi đông người, nơi gặp mặt ăn uống cùng bia rượu, thường là không khí rất ôn ào, mang tính hô hào, cổ vũ, châm biếm hoặc mang tính giải trí là chính. Những bài thơ thực sự gan ruột thì hoàn toàn khác, nó được chắt ra từ nỗi đau của nhà thơ “khi nỗi buồn được đơm hoa”...

Thơ tình và thơ viết về những nỗi đau bản thể của con người là những tâm tư rất riêng , khá thầm kín, chúng rất ít khi được sáng tác ra ở những chỗ vui vầy, đông đúc ấy, đặc biệt những câu thơ sâu sắc và trí tuệ nhất sẽ không thể dễ dãi để ra đời trong những hoàn cảnh như vậy. Những câu thơ hay nhất ấy thường phải trả giá bằng nỗi cô đơn, có khi bằng chính cả cuộc đời của nhà thơ. Chị Đoàn Thị Tảo, Phan Thị Thanh Nhàn, Xuân Quỳnh, Phạm Hồ Thu, Đoàn Thị Lam Luyến, Ý Nhi, Bùi Kim Anh, Nguyễn Thị Ngọc Hà, Hoàng Việt Hằng.Đinh Thi Thu Vân , Lê Khánh Mai, Nguyễn Thị Mai, Thảo Phương, Dư Thị Hoàn, Nguyễn Thị Hồng Ngát.... .và các nhà thơ thế hệ trước nữa và sau này nữa như Chu Thị Thơm, Nguyễn Phan Quế Mai, Trần Mai Hường, Vi Thuỳ Linh, Bình Nguyên Trang, Phan Huyền Thư, Huyen Trang Tran Thi, Bùi Tuyết Mai, Ly Hoàng Ly...là những ví dụ cụ thể mà tôi biết. Cuộc đời họ hầu hết là vất vả, truân chuyên, rất nhiều đa đoan, thăng trầm và thách thức, nhưng các chi đều biết vượt lên để sống đẹp, yêu đẹp và quan trọng là dâng cho đời sau những áng thơ đẹp và ám ảnh. Những nỗi buồn trong thơ đàn bà ấy trở nên đẹp hơn nhờ những tài năng thơ thực sự. Họ viết về nỗi đau của đàn bà và nỗi thống khổ của kiếp người mà không bi luỵ để đem lại niềm tin và hy vọng thông qua sự sẻ chia. Mà sẻ chia và nhân hậu luôn là đặc tính nổi trội của phái nữ.

Có những nỗi cô đơn mà người ta buộc phải chấp nhận và đối mặt. Vẻ đẹp của cô đơn không phải là thứ ai cũng nhận ra. Đôi khi nhà thơ neo vào đó để sống và chiêm nghiệm, từ đó mà viết ra những bài thơ để đời. Những câu thơ ám ảnh nhất của những người đàn bà thường viết về tình yêu và nỗi đau. Không mấy khi họ viết về chính trị, về của cải hay tien bạc và quyền lực. Ngoài tình yêu ra, đàn bà thơ sẽ hay kể bằng thơ về những nỗi đau về thân phận, về con cái và tình mẫu tử thieng lieng và về chính những người đàn ông của họ. Đôi khi đàn bà thơ có những tài năng vượt trội để làm nên một giọng điệu mới riêng biệt và đặc trưng như “Người đàn bà ngồi đan” của Ý Nhi với những câu thơ trải nghiệm và trí tuệ.

 
Bởi đàn bà luôn đau đáu nỗi “Ngược đêm” như tên một tập thơ của nàng thơ Tràn Mai Hường hay “Đàn bà đo hạnh phúc trong quanh quẩn đàn ông” của nhà thơ trẻ là nàng thơ Thái Thuận Minh. Cũng có khi đã bắt đầu sống an nhiên hơn khi “ Nhặt lời cho bóng lá” như tên tập thơ của nhà thơ Bùi Kim Anh...

Bằng chút năng khiếu và tài năng cộng với sự học hỏi không ngừng và niềm đam mê từ trong máu, các nữ nhà thơ đã dâng cho đời những áng thơ hay, gây ấn tượng mạnh  không thể quên vì sự ám ảnh ngôn từ và hình ảnh cùng ý nghĩa triết lý sâu xa của chúng. Sự trải nghiệm và nỗi thăng trầm trong cuộc đời, trong tình yêu khiến cho thơ của họ hay hơn, ám ảnh hơn. Nhiều chị vẫn tiếp tục sáng tác và làm mới mình qua thơ và không dừng lại ở sự thoả mãn, dù là lối viết truyền thống hay hiện đại nhưng thơ đều phải hay và ám ảnh người đọc. Những bài thơ giàu ý nghĩa nhân sinh và mang đến nhiều giá trị thẩm mỹ cùng tính tư tưởng và nghệ thuật.

Họ vẫn đang sáng tạo miệt mài trong cô đơn. Vẻ đẹp ấy thật đáng trân trọng. Một trong những nhà thơ nữ như vậy hiện vẫn đang sáng tạo miệt mài với những câu thơ đậm tính triết lý nhân sinh mà tôi thích đọc là nhà thơ Lê Khánh Mai. Những câu thơ của chị giàu suy tưởng và tính trí tuệ. Một số ít nữ nhà thơ bằng sự cô đơn trong sáng tạo đã làm nên  những tac phẩm, viết nên những bài thơ giàu sự liên tưởng và tính khái quát cao như Ý Nhi, Xuân Quỳnh, Thảo Phương, Giáng Vân...đã gây ấn tượng đặc biêtvà sự ám ảnh cho người đọc.

 

Họ có hạnh phúc không? Tất nhiên là có nhưng đàn bà làm thơ ít nhiều đều đa đoan và chiu thiệt thòi, họ thường là bất hạnh ở mọi góc độ đời sống. Niềm vui và hạnh phúc cho người ta sung sướng và tươi trẻ hơn nhưng ít khi có được những bài thơ ám ảnh. Bởi thế, sự cô đơn, nỗi đau, sự chia ly và nỗi bất hạnh...đem lại cho nhà thơ cảm xúc sâu đậm hơn, khao khát hơn, đắng cay hơn để có các tác phẩm hay hơn. Sự trải nghiệm và cái nhìn sâu sắc, nhân văn và trí tuệ sẽ giúp các nhà thơ có những bài thơ ám ảnh, giàu triết lý nhân sinh hơn cho người đọc và người thưởng thức.

Có mấy ai hiểu hết rằng sau mỗi câu thơ hay, sau mỗi bài thơ hay là rất nhiều nước mắt đàn bà? Kể cả những niềm vui kia cũng chưa chắc đã thật là vui đâu. Họ cười đáy mà âm thầm khóc trong. Họ nói là quên rồi nhưng thực ra rất nhớ. Họ nói là có bồ nọ, bồ kia, rằng vẫn đang yêu nhưng thực ra chẳng có ai để yêu cả. Đôi khi họ hạ giọng trầm xuống  nói thật lòng rằng rất cô đơn nhưng mấy ai tin?

Đàn bà làm thơ là thế, họ giấu nỗi buồn rất khéo sau câu chữ của mình, bởi không phải nỗi đau nào cũng có thể đem ra khoe khoang và phô bầy. Hãy biết thương yêu và trán trọng những người đàn bà thơ, họ cũng đơn giản chỉ là đàn bà, cũng nhẹ dạ, khát khao, đắm say, mong manh và dễ vỡ lắm. Khi thơ tình của họ đã mang ra với công chúng thì cũng là lúc họ thấy không còn “nguy hiểm “ gì nữa. Một vài nàng thơ trẻ hơn thì chấp nhận dấn thân cho thi ca và nghe thuật, rat đáng trân trọng.

Nỗi cô đơn của đàn bà thơ đẹp hơn, thơ hơn khi người ta biết sống đẹp và yêu đẹp. Bởi có những người số phận không may mắn thì đến nửa cuộc đời là cô đơn. Thậm chí có những người không may mắn hơn nữa thì phần lớn cuộc đời hay hầu hết thời gian của cuộc đời họ là sống trong cô đơn triền miên. Có khi có những đàn bà thơ có cuộc sống đầy đủ, tưởng như viên mãn nhưng trong sâu thẳm là nỗi cô đơn mênh mông vì không dễ nói ra và sẻ chia được. Đó là sự thật đắng cay và đó cũng là lý do cơ bản để họ trở thành nhà thơ thực sự. He he.. Bởi thơ ca là thứ ma lực phũ phàng lắm, bạn không thể cứ đặt mục tiêu trở thành nhà thơ chuyen nghiệp mà có thể thành công dể dàng được. Đàn bà thơ ơi. Thương quá đi chứ.

Người ta cô đơn vì trăm ngàn lý do khác nhau nhưng phần nhiều do không may mắn, do thất tình, do hôn nhân đổ vỡ, không con cái, bị ruồng bỏ, ít người thân, vv... và vv...Có những người thì bất hạnh hơn nhiều khi nỗi cô đơn luôn ngự trị ngay trong ngôi nhà họ đang sống khi có đủ con cái và vợ hay chồng bên cạnh...Nói chung con người ai cũng luôn sợ sự cô đơn nhưng ít khi thoát khỏi nó.

“Vẻ đẹp của cô đơn” ư? Có thật không? Nó thế nào đây? Nhớ dịp về Hải Phòng của mấy chị em thơ nữ chúng tôi thật vui. “Vẻ đẹp của cô đơn” được ngân lên trong bầu không khí đầm ấm và ngập tràn hương biển. Đó là tên bài thơ mà tác giả bài viết này- Phạm Phương Thảo đã đọc tặng chị Đoàn Thị Tảo ngay sau khi nghe những câu chuyện tình muôn năm không cũ của nhà thơ nữ mà các em vẫn âu yếm gọi là " Chị Tôi", tên một ca khúc  phổ thơ Đoàn Thị Tảo bởi " Ngày chị sinh trời cho làm thơ...". Câu thơ của chi đã đi vào câu hát từ bao lâu nay. Đang nằm tán chuyện rôm rả cù khucng chị Bùi KIm Anh, Đồng Thị Chúc và các nàng thơ Hải Phòng thế mà tôi phải bật dậy ngay để đọc ngay mấy câu tặng bà chị, vì ko thể hoãn cái sự sung sướng lai duoc, vì thấy ánh mắt bà chị vẫn long lanh và rạng ngời khi nhắc đến người tình yêu dấu của mình....

Mấy năm trước, chúng tôi đã về thăm chị Tảo. Hôm ấy đoàn Hà Nội có rất nhiều các anh nhà thơ, nhac sy, họa sỹ ...về cùng, hôm nay chỉ có mấy chị em nữ nên tán chuyện thoải con gà mái luôn, ko phải giữ ý giữ tứ gì nhiều, he he...Lại nhớ cảnh mấy chị em nằm dăng hàng trên căn gác nhà chị Đoàn Tảo, nghe bà chị khả kính nói say sưa về tềnh iu...hấp dẫn đến nỗi mấy chi ở dưới nhà cũng phải chạy vội lên gác để ...hóng, kẻo phí hoài lời vàng ý ngọc.Câu hay nhất của chị mà tôi rất ấn tượng đó là: " Chi yêu từ 16 tuổi cơ, lớn lên yêu càng nhiều và đến bây giờ vẫn yêu, he he...Mà tại sao lại không yêu khi đàn ông họ chỉ có nguyện vọng là được yêu quý mình, chả nhẽ người ta chỉ cần có yêu thôi mà mình cũng ko cho yêu là thế nào...Chị nói thật nhé, chỉ cần người đàn ông mới hơi liêu xiêu thôi là chi cũng đã đổ kềnh rồi...."

Nói rồi bà chi ra lục tủ sach gần đấy lấy ra ngay một tập thư tình đã úa màu năm tháng cho Phương Thảo và mọi người xem...ôi chà, vẻ đẹp của cô đơn đây rồi. Em kính phục bà chị sát đất vì cho đến bây giờ vẫn còn lưu giữ những ký ức xa vời vô cùng nâng niu và rất chi âu yếm khi nhắc đến chúng...xin phép bà chị yêu quý, em chụp lại một hai bức thư viết tay nhé , hình như chữ viết tay của một "anh chàng" nào đó rất đẹp thì phải, màu mực vẫn còn chưa phai...Ôi, chị ơi, người đàn bà đích thực, người đàn bà làm thơ...Thế mới đúng chất đàn bà chứ. Quá đúng, chị nói chỉ có đúng thôi, tại sao lại từ chối tình yêu đích thực khi bạn có? Cho đến bay gio van cứ phải  yêu, “yêu như là tình cuối” chứ, he he...Chị Đoàn Thị Tảo ơi, vui quá mà sao em cứ muốn khóc nhỉ...

Trước đây, tôi không dám phô bày ra công chúng mảng thơ tình của mình. Hầu như chỉ viết và cât giữ chúng cho riêng mình. Ngay cả người đàn ong của mình cũng không được đọc. Toàn thơ vui mang ra công bố, thế nên ai cũng tưởng mình không bao giờ biet buồn. Làm gì có nhà thơ nào mà không bao giờ biết buồn nhỉ, thạt là hài hước hết sức. He he.. Mấy năm gần đây, tôi bắt đầu công bố mảng thơ tình khi tuổi đã bươc sang xế chiều làm bạn bè bất ngờ. Còn mảng thơ tình ngày trẻ hơn nữa cũng kha khá, sẽ công bố sau khi tuổi đủ tròn một vòng đời sáu mươi năm khi đã đủ tự tin và trải nghiêm hơn.

Viết đến đây, tôi chỉ muốn kết lại một câu thôi. Hãy trân trọng và biết ơn các nhà thơ nữ vì những cống hiến và lao động hết mình cho thi ca của họ. Vẻ đẹp của đàn bà cùng nỗi cô đơn của họ sẽ toả sáng và mãi làm đẹp cho cuộc đời vốn rất nhiều đau buồn và bất trắc này. Nỗi cô đơn và vẻ đẹp ấy sẽ lấp lánh tỏa  sáng trong thi ca.

 

(Phạm Thị Phương Thảo)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *