Từ đời vào văn

22/9
10:10 AM 2018

HỌ VẪN CHƯA TRỞ VỀ

Đàm Quỳnh Ngọc-Đầu tháng 8 năm 2018 tôi đến Hang Hỏa tiễn và Nghĩa trang Đường sắt (Xã Quỳnh Thiện, Hoàng Mai- Nghệ An) để viếng các liệt sĩ và viết bài báo Nơi nỗi đau thành huyền thoại về 33 Thanh niên xung phong đã ngã xuống vì Tổ quốc ngày 28/4/1966. Bài in ở báo Văn nghệ số 34 (ra ngày 25/8/2018), sau ngày báo phát hành tôi nhận được nhiều thông tin khác nhau về Hang Hỏa tiễn.

Và cũng lạ, kể từ ngày đó, trong tôi có nỗi niềm bồn chồn không yên như có việc gì đó làm chưa xong, còn dở dang, chưa hoàn thành… Chưa xong điều gì thì tôi chưa giải thích được. Trong một đêm khuya, chập chờn giấc ngủ, tôi thấy có bảy thanh niên đứng trước mặt, quần áo trắng tinh, nước mắt đầm đìa. Tôi choàng dậy, mồ hôi túa ra, sống lưng lạnh buốt, nhìn quanh, không có ai. Cũng ngay lúc ấy, âm thanh điện thoại bing boong báo tin nhắn từ một nick fb lạ: “Tôi là người chăm sóc bảo vệ Khu Di tích lịch sử ở Hang Hỏa tiễn đã 32 năm, còn nhiều chuyện bí ẩn lắm! Chị viết không sai, nhưng chưa đầy đủ, cần phải nói ra cho hết, trả lại sự hy sinh cho các liệt sỹ. Các liệt sỹ đang chờ chị trở lại Hang biết thêm cho sáng tỏ…”.

Tôi không phải là người mê tín, nhưng từ linh cảm, tâm linh mách bảo có điều gì đó chưa ổn, không thể không trở lại Hang Hỏa tiễn lần nữa! Đầu tháng 9, tôi dành ngày nghỉ lễ vượt gần 100 km từ Vinh trở ra phía Bắc theo địa chỉ của người nhắn tin. Đón tôi là một người đàn ông khoảng 55 tuổi, không được khỏe lắm, đi lại vất vả. Thấy tôi, ông nói luôn như thể ngồi chờ đợi từ lâu: Tôi là Trần Thanh Yên, công nhân Xí nghiệp Mỏ đá Hoàng Mai từ năm 1984, ngoài việc làm của một công nhân, tôi còn làm thêm nhiệm vụ chăm sóc hương khói cho Hang Hỏa tiễn và Nghĩa trang đường sắt. Đã có nhiều bài báo viết về Khu di tích lịch sử này, nhưng chưa đầy đủ, thậm chí chưa được chính xác. Hôm nay, tôi đưa chị đến gặp một người chót đã kiên trì đi làm chế độ chính sách cho 33 TNXP hy sinh được cấp bằng Tổ quốc ghi công sau 37 năm chờ đợi, đến giờ vẫn còn lưu lại cả bộ Hồ sơ liệt sĩ đầy đủ!

Tôi theo ông Trần Thanh Yên đi hơn 1 km nữa thì đến nhà ông Đặng Văn Tiến sinh năm 1956 ở ngay tại xã Quỳnh Thiện, nguyên là cán bộ Tổ chức kiêm việc Y tế của Xí nghiệp Mỏ đá Hoàng Mai từ năm 1984, hiện đã nghỉ hưu năm 2014.

Thấy tôi, ông Tiến quan sát có vẻ e dè cảnh giác, tôi trình bày, giải thích khá lâu lý do tại sao đến đây. Ông Tiến có vẻ chưa tin lắm, lại quan sát kỹ về người đối diện, và đưa ra cái lý của ông rằng, từ trước tới nay chưa có nhà văn, nhà báo nào gặp gỡ hỏi han về chuyện các liệt sỹ hy sinh ở Hang Hỏa tiễn. Tôi trình bày lần nữa, nói rõ ràng quê quán, địa chỉ. Ông Tiến lắng nghe, rồi thể hiện thân thiện, tình cảm, tin tưởng hơn khi biết tôi người huyện Quỳnh Lưu. Thế mới biết người cùng chung sống với thời gian dài trên một vùng đất dễ hiểu nhau hơn. Tin tưởng rồi ông Tiến mới đưa ra bộ Hồ sơ liệt sỹ được cất trong bao nilon cẩn thận mấy lớp, giấy nứa ố vàng, giấy pơ luya mỏng tanh nhưng còn nguyên bản gốc những thông tin về các liệt sỹ. Ông chậm rãi lật từng trang, giải thích rõ ràng mạch lạc trên cơ sở “giấy trắng mực đen”! Ông kể, tôi đọc nhiều bài báo nói 33 liệt sỹ hy sinh ở Hang đã mai táng tại Nghĩa trang đường sắt là chưa chính xác. Trong hồ sơ lưu trữ chỉ có 25 (hai mươi lăm) liệt sỹ mai táng tại Nghĩa trang. Còn 4 liệt sỹ mất tích ở ngay trong hang chưa tìm thấy thi thể, và một liệt sỹ mắc kẹt không đưa ra ngoài được. Đó là: Trần Đình Thám (Thừa thiên-Huế); Nguyễn Ngọc Trai (Thừa thiên-Huế); Đặng Thị Châu (Diễn Châu-Nghệ An); Đàm Quốc Thấm (Duy Tiên-Nam Hà). Liệt sỹ Phạm Ngọc Lâm (Thanh Hà-Hải Dương) thì bị kẹt, rơi vào kẽ đá lớn, kêu cứu, đồng đội nghe, nhưng không làm cách nào cứu được, ứa nước mắt “lực bất tòng tâm”. Tiếng gọi đuối dần và tắt hẳn dưới tảng đá lớn. Sau này, bạn bè làm lễ thắp hương, để bạn nằm nguyên hiện trạng ngay trước cửa hang.

Hai liệt sỹ Nguyễn Thị Thái (Duy Tiên-Nam Hà) và Nguyễn Thị Lụa (Duy Tiên- Nam Hà) được đồng đội đưa ra ngoài thấy còn thở đã đưa đến bệnh viện Thanh Hóa cứu chữa, nhưng không qua được, chôn cất tại Nghĩa trang Bệnh viện Thanh Hóa.

Vậy là có 7 liệt sỹ vừa kể trên, cùng với liệt sỹ Trần Thị Loan (Duy Tiên-Nam Hà) đưa đi Hà Nội cứu chữa nhưng 5 tháng sau cũng không qua được, gia đình đã đưa về nhà an táng tại quê. Trong Nghĩa trang Đường sắt có 7 ngôi mộ có tên tuổi trên bia, nhưng trong mộ không có hài cốt. Ông Đặng Văn Tiến khẳng định.

Ông kể về từng hoàn cảnh của các liệt sỹ với giọng ráo rảnh, rõ ràng minh bạch. Tôi ngồi im, chỉ nghe, vậy mà bỗng dưng nước mắt cứ thấm dần ra ngoài. Còn ông Tiến, có lẽ đã nhiều lần đi về ra Hà Nội, trình bày khi làm thủ tục chế độ cho các liệt sỹ, nên đã quen chăng?

Tôi hỏi ông, là nhân chứng, có Hồ sơ liệt sỹ đầy đủ rõ ràng mà sao báo chí viết chưa chính xác? Và quan trọng hơn là 33 Liệt sỹ Thanh niên xung phong được công nhận từ năm 2003 đến nay đã 15 năm, vậy mà hài cốt của các liệt sỹ mất tích, mắc kẹt ở ngay trong hang, và hai liệt sỹ an táng tại Thanh Hóa vẫn chưa được tìm kiếm quy tập về Nghĩa trang là sao? Ông Tiến nhìn tôi ngơ ngác: Thì tôi đã nói ngay khi chị đến, từ trước tới nay đã có nhà báo, nhà văn nào hỏi tôi đâu mà nói, mà kêu cho các liệt sỹ. Hôm nay, chị là người đầu tiên tìm đến hỏi về Hồ sơ liệt sỹ để ghi chép đó.

Tôi lại hỏi, ngay trước cửa Hang, có một ngôi mộ, bên trên có lư hương là của ai? Lý do, nguyên nhân gì? Ông Đặng Văn Tiến kể: Như đã nói với chị, trong hang có 4 liệt sỹ mất tích và một liệt sỹ mắc kẹt tại khe đá sau trận bom và Rốc két bắn phá dữ dội vào buổi trưa hôm 28/4/1966. Cái tên “Hang Hỏa tiễn” đã đi vào lịch sử, thật khủng khiếp. Rồi chiến tranh cũng phải kết thúc, thời gian lặng lẽ trôi, nơi hang Hỏa tiễn mọc lại cây cối, rêu xanh. Năm 1998 có một số dân lần mò vào hang tìm khoáng sản, chỉ nhặt được nhiều… xương người. Họ cho vào rổ, báo với Xí Nghiệp mỏ đá Hoàng Mai. Ông Nguyễn Đình Phùng, sinh năm 1946, Chủ tịch công đoàn của Xí nghiệp (giờ đã về hưu) tiếp nhận thông tin và cùng vài người nữa đã gói gắm số xương vào bao và tổ chức chôn ngay tại trước cửa hang như chị đã nhìn thấy. Đó là ngôi mộ chung. Cũng phải nói thêm, trận mưa bom và Rốc két dội vào hang Hỏa tiễn khiến thi thể của các liệt sỹ đưa ra ngoài không còn ai nguyên vẹn. Người mất chân, tay, người vỡ đầu... Tôi e rằng giờ trong hang vẫn đang còn xương của các  liệt sỹ mất tích, mắc kẹt ở trong đó

Nghe ông Tiến kể, tôi lặng người, chiến tranh lùi xa lâu rồi, vậy mà có nhiều việc hậu chiến tranh vẫn còn tồn tại, chưa giải quyết hết được. Thật đau lòng!

Ông Trần Thanh Yên, người đã 32 năm chăm sóc Khu di tích lịch sử với một tấm lòng chứ không hề có chế độ chính sách gì. Ông chỉ ngồi im chăm chú tha thiết nhìn chúng tôi nói chuyện. Khi tôi cảm ơn mọi người rồi đứng lên thì ông cất lên tiếng nói. Tiếng nói của ông như muốn khóc, muốn òa lên bao nỗi niềm cất giữ, ấm ức chịu đựng nén lại từ trong lồng ngực bao năm chưa có nơi giãi bày, chia sẻ. Ông nói thay cho các liệt sỹ! Hàng chục năm ông lầm lụi nhọc nhằn đi về trên con đường đầy cát bụi, gió mưa “chuyện trò” với các liệt sỹ trong âm thầm cả cay đắng và nước mắt. Ông nói: Hang Hỏa tiễn và Nghĩa trang Đường sắt được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia từ năm 2011, quyền quản lý thuộc về tỉnh, vậy mà từ ngày đó tới nay chưa thấy Sở, ban, ngành có hành động gì thể hiện quan tâm đến người trông nom chăm sóc hương hoa cho Khu Di tích lịch sử. Người quản trang đang làm những việc trên là ông Đặng Ngọc Kim cựu chiến binh, Xí nghiệp Mỏ đá Hoàng Mai thù lao mỗi tháng 400 ngàn (bốn trăm ngàn đồng). Còn tôi “đi lại” với các liệt sỹ là sự phân công của Xí nghiệp Mỏ đá và tự nguyện hàng chục năm nay. Sở, ban, ngành nên tham mưu đến các liệt sỹ trong các ngày lễ. Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định ngày 27 tháng 7 năm 2013 vể công tác tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ. Những người trong đội làm nhiệm vụ cao cả này đã vượt hàng trăm, hàng ngàn cây số sang cả nước ngoài để đưa các liệt sỹ về quê mẹ. Trong khi hài cốt các liệt sỹ ở ngay trong hang Hỏa tiễn, cách đường Quốc lộ 1 chưa đầy cây số, vậy mà chưa nghe ai nhắc đến. Phải khai quật, tìm kiếm hài cốt các liệt sỹ, cải táng lại cho các anh chị mồ yên mả đẹp. Phải cầu siêu cho họ được thanh thản siêu thoát về trời...

Ông Yên nói, nghẹn lời dừng lại, rồi lại nói: con đường giao thông từ đường Quốc lộ 1 vào với các liệt sỹ chưa được tốt lắm, gây khó khăn cho thân nhân liệt sỹ đi về, bạn bè, và du khách muốn đến hang Hỏa tiễn viếng thăm, gặp trời mưa cũng vất vả. Mà không chỉ với du khách, ngay cả với các cháu làm công tác Đoàn, Đội, các vị Lãnh đạo Thị xã Hoàng Mai thường xuyên vào thăm viếng Nghĩa trang cũng phải dành rất nhiều thời gian để chia sẻ!

Ông Đặng Văn Tiến thì nói lên nguyện vọng của ông, hay là của bao nhiêu con người ông đã nghe, ấp ủ, suy ngẫm từ lâu nên diễn tả thành lời thật lưu loát: “Ai hy sinh vì Tổ quốc đều là anh hùng. Họ mất cả tuổi trẻ, mất cả sự sống, đó là thiệt thòi đau đớn nhất không có gì bù đắp được. Cuộc sống được như hôm nay phải nhớ ơn, làm được gì cho các liệt sỹ là trách nhiệm, không thể kể công. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, linh hồn của một số liệt sỹ nơi địa đầu xứ Nghệ đang lang thang nơi đâu chưa được quy tập về, phải làm ngay, làm khẩn, không thể ngồi chờ đợi mãi về một Quy hoạch, Dự án nào đó...”

Ông Tiến, ông Yên thay nhau nói, tôi nghe, ghi vào sổ không kịp, rồi chụp ảnh vào máy cả bộ Hồ sơ liệt sĩ. Đến lúc tôi chào, đứng lên, ông Yên chống tay mệt mỏi: “Chúng tôi nói lên nguyện vọng cho nhẹ lòng, hy vọng sau này tình hình sẽ khác đi khi nhiều người có tâm đức biết kỹ đến hang Hỏa tiễn trước một sự thật như vậy!”

Chia tay với những nhân chứng lòng còn đầy đau đáu, trăn trở về sự hy sinh của những người đồng đội năm xưa, đi ra đường, nhìn lại hai con người đã từng chứng kiến không chỉ những mất mát, mà còn cả những thiệt thòi của các liệt sỹ nơi đây, lòng tôi như có gì nghèn nghẹn. Chân như muốn dưng lại, nước mắt cứ ứa ra… Và tôi chợt nhớ lại như in hình ảnh về những giọt nước mắt của bảy linh hồn lặng lẽ trong giấc mơ hôm nào…

Nguồn Văn nghệ số 38/2018

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *