Tin tức

26/8
10:21 AM 2017

NỖI SỢ VÀ HOA HỒNG

Dương Kỳ Anh- Hôm nhà thơ Vũ Quần Phương và Vũ Từ Trang ghé thăm tôi ở nhà vườn Sóc Sơn, tôi có nói với ông rằng, trong một bài viết đăng trên báo Văn Nghệ cách đây khá lâu, tôi thiển nghĩ, sau Hoài Thanh thì Vũ Quần Phương là người bình thơ tinh tế mà tôi thích, thế hệ sau này có nhà thơ Phạm Khải cũng tinh tế trong thẩm định văn chương.

Nhà thơ Vũ Quần Phương tặng tôi tập thơ mới xuất bản “ Phía ngoài kia là rừng”. Tôi đọc thơ ông từ những ngày còn là anh lính tên lửa trong chiến tranh chống Mỹ. Tôi thích tính mộc mạc, chân chất với với những câu thơ tinh tế trong thơ ông. Ở tập thơ mới xuất bản này, tôi vẫn gặp những cảm xúc chân thực, với hồn quê phảng phất chốn thị thành, nhưng, phần triết luận đậm hơn, phần thế sự nhân tình nhiều hơn, nỗi bức xúc cũng nhiều hơn ...Cũng phải, một nhà thơ, một bác sỹ, một người công dân đã từng trải trên bảy mươi năm với biết bao biến động, thăng trầm, đổi thay. Tôi  thích bài thơ “ Sợ” trong tập thơ này :

Từ coi trời bằng vung, đến coi vùng bằng trời

Người ta cứ dần dà mà biết sợ

Sợ thánh, sợ ma rồi đến sợ soong nồi ...

...Nhưng sợ nhất là thằng không biết sợ .

Triết luận này thực ra không phải mới, ngay trong ca dao tục ngữ từ ngàn xưa đã có rồi “ Vua cũng thua thằng liều” là vậy. Nhưng, nhà thơ Vũ Quần Phương đã diễn tả cái SỢ này vừa dân giã, vừa sâu sắc, cụ thể vừa biến hóa theo thời gian và cuộc thế xoay vần. Cái mới có lẽ chính ở chổ đó.

Những tiêu cực, hệ lụy từ dự án treo của “ Nhóm lợi ích” như ta vẫn thường nói, từ mảnh đất ngàn đời của người dân quê qua cái nhìn, cái cảm của nhà thơ thật thấm thía : Người cày có ruộng / ruộng xa người cày / ruộng thành dự án / dự án treo cành cây / người thành ngọn gió / gió cùng bụi bay ...( Bao giờ sung chín ).

Tôi cũng bắt gặp tính triết luận này trong tập thơ “ Không thiên vị” của Mai Quỳnh Nam vừa tặng tôi.

Thế sự nhân tình chỉ trong mấy câu thơ : Ngoài nghĩa trang hương khói quyện vào nhau / hương khói nối dài / người với người / không biết dựa vào ai ( trang 39 ).

Một lần, con gái tôi Dương Anh Xuân, tác giả tập thơ “ Ngày cười” hỏi “ Bố có biết nhà thơ Mai Quỳnh Nam không? Con tích thơ chú ấy”. Tất nhiên là tôi có biết. Câu hỏi của con gái làm tôi giật mình. Tôi nhớ nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong một bài viết đăng trên báo VN có nhận đinh đại ý: nhiều nhà thơ ở xứ ta bị chủ nghĩa tình cảm cuốn đi ...Tôi cũng đã có lần viết “ Những câu thơ ướt át một thời/ giờ ngủ vùi trong đôi mắt bạn tôi...”. Có lẽ, bây giờ mà vẫn chăm chắm với những dòng thơ “ Ướt át” ấy, chắc sẽ khó đến được với người đọc trẻ. Tôi mừng vì nhiều nhà thơ đã có những bài thơ, câu thơ như người ta vẫn nói là HIỆN ĐẠI hơn! Mai Quynh Nam là nhà thơ có lối viết riêng. Thơ không vần, thơ không đề, thơ viết ra như nói ...Thực ra người ta đã viết, đã đăng từ lâu mà ở ta tiêu biểu là nhà thơ Trần Dần. Nhưng, tôi vẫn thích những câu thơ của Mai Quỳnh Nam trong tập thơ này. Những câu thơ lời ít, ý nhiều, gợi và mở :

Mũi tên vút bay/ rạch đường thương nhớ / Tiếng kêu xé gió ( trang 7) Là mũi tên tình yêu chăng ?  Và đây nữa : Bức tranh không còn trên tường/ ám ảnh vẫn ở đó/ nỗi sợ/ Quá khứ bị gỡ bỏ (trang 21). Yêu cái nốt ruồi bé tí/ cưới cả tấm thân béo phị  (trang 17) ; Một túp lều / một vầng răng / hai tiếng thở dài / vài giọt sương / thế là thiên đường (trang 13 )...

Cách viết nhất quán trước sau như một của Mai Quỳnh Nam tạo nên lợi thế riêng của nhà thơ Mai Quỳnh Nam. Trong nghệ thuật, tạo được cái riêng cho mình đâu phải dễ.

Nhà thơ Vũ Từ Trang cũng gửi tặng tôi tập thơ mới xuất bản “ Cây chuyển mùa”. Đây là tập thơ thứ bảy của ông đã đến với bạn đọc.  Tôi có một kỷ niệm vui với Vũ Từ Trang ấy là vào năm 1978, báo Nhân Dân có tổ chức bình chọn những bài thơ hay nhất trong năm. Thời đó,  tôi nghe nói nhiều nhà thơ nổi tiếng như Tố Hữu, Xuân Diệu ...đã tham gia vào ban tuyển chọn. Trong hơn một chục bài thơ được coi là hay nhất năm đó được chọn, trao giải và đăng một trang trên báo Nhân Dân có bài “ Đêm trăng Phồn Xương” của Vũ Từ Trang và bài “ Đi trong rừng Cúc Phương” của tôi. Một dạo Vũ Từ Trang cộng tác với báo Tiền Phong viết chuyên mục chuyện làng nghề cho ấn phẩm “Tri thức trẻ” của báo được bạn đọc quan tâm. Rồi nghe nói Vũ Từ Trang trở thành ông chủ của một cơ sở sản xuất đồ gỗ ...Tôi cứ ngỡ ông đã không còn quan tâm đến thơ nhiều nữa, hóa ra không phải. Vũ Từ Trang vẫn viết đều và vẫn đau đáu bao điều trong thơ.

Trong bài XIẾC ông viết : Người nghệ sỹ trên dây / chẳng có gì bám víu / nơi bám víu tốt nhất là trái tim mình ...Có hay đâu người trên dây đã bao lần ngã / không chỉ ngã trên dây phòng tập hay sàn diễn / Mà ngã ngay bên số phận của mình ...

Tôi thích những câu thơ như thế của Vũ Từ Trang, cả những câu như thế này : Chừng nghe em như khóc / vẫy tay vào hư không (Muộn); Anh là kẻ vui buồn quá cỡ / phục sinh phận mình (Ở xưởng thủy tinh)...

Có lẽ Vũ Từ Trang cũng đang chuyển mình, hay muốn chuyển mình  cả ngoài đời lẫn trong thơ.  “ Cây chuyển mùa” theo mùa, con người chuyển mình không phải chỉ theo mùa mà từng dây từng phút, để mình vẫn là mình trong đời thường và cả trong thơ.

Từ nỗi “ Sợ” của nhà thơ nổi tiếng, nhà thơ đã bước vào tuổi “ cổ lai hy” Vũ Quần Phương, tôi lại nghĩ đến hoa hồng và tình yêu của nhà thơ được coi là trẻ, nhà thơ đang tuổi đầy khao khát yêu, khát khao sống hết mình, khát khao những điều đang chờ đợi mình ở phía trước mà ngỡ như không biết sợ là gì. Người thơ đó là Nguyễn Thị Hạnh Loan vừa mới gửi cho tôi tập thơ “ Hãy nói yêu khi hoa hồng nở”. Hôm ra mắt tập thơ này, Nguyễn Thị Hạnh Loan có mời tôi đến dự, tiếc là đang ở Sài Gòn không ra được. Đọc hết tập thơ mới thấy sức sống hừng hực của người con gái xứ Nghệ. Cảm xúc bao trùm tập thơ là cảm xúc tình yêu. Cũng phải, một người thơ có nhan sắc mà lại đang yêu thì sức mạnh nhiều khi không ngờ, với người thơ và với cả những người đọc thơ.

Anh cứ nghĩ một mai em là đất / điềm nhiên nâu dưới trảng cỏ xanh rì / Nếu lúc đó anh nghẹn lòng đắng chát / Thì bây giờ anh bóp vụn em đi ...Nếu anh chạm vào em mà không tới / Thì bây giờ anh hãy cuốn em đi ( Dự Cảm )

Thà anh đừng nói yêu em / Một ngày biển khơi đầy gió / lời anh như tiếng chim trời / tan vào đại dương song vỗ ...( Thà anh đừng nói ); ...Trăm năm thành một phút / ngàn ngày đọng thành giây / Ngã vào miền phiêu lãng / Biết thời gian hao gầy ...( Ngụy biện ) ...

Những câu thơ như thế, những bài thơ như thế trong tập thơ của Hạnh Loan làm ta như trẻ lại, làm “ Nỗi sợ” thời gian, nỗi sợ đất trời, nỗi sợ con người, nỗi sợ cả ‘ soong nồi” hình như cũng tan biến đi. Người ta nói hoa Hồng là biểu tượng cho tình yêu, bởi vậy nói như người thơ Hạnh Loan “ Hãy nói yêu khi hoa hồng nở”; dù khi yêu thì hoa hồng không nở, hay không có hoa hồng ta vẫn cứ thốt ra lời Yêu! Nhưng lời yêu hay lời nào cũng vậy, nếu nói ra đúng lúc, đúng nơi, đúng hoàn cảnh, đúng tâm trạng ...thì lời nói đó mới mới thực sự mang lại hiệu quả như mình mong muốn, nhất là trong tình yêu.

 Ở đời, con người ta trải qua năm tháng rồi ai cũng biết sợ, kể cả sợ tình yêu. Và con người ai trong đời mà chả có một lần yêu, tình yêu đắm say vượt lên nỗi sợ . Hãy nói yêu khi hoa hồng nở, dù cuộc sống còn muôn vàn bức xúc, khổ đau!

 

Nguồn Văn nghệ số 32/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *