Tin tức

14/4
10:54 AM 2019

NHÀ THƠ GIA DŨNG CỦA “BÀI CA TRƯỜNG SƠN” HÀO HÙNG CÁCH ĐÂY NỬA THẾ KỶ QUA ĐỜI

Nhà thơ Gia Dũng tên thật là Đỗ Gia Dũng, sinh ngày 15.8.1940 tại Thái Bình, thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh chống Mỹ. Ông đã qua đời ngày 12.4.2019, thọ 80 tuổi, lễ viếng và an táng được tiến hành tại TP Tuyên Quang.

                                                       Nhà thơ Gia Dũng

Ông từng làm biên tập viên ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội rồi về Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tuyên, đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Hội VHNT Hà Tuyên kiêm Tổng Biên tập báo Văn nghệ Hà Tuyên (nay là báo Văn nghệ Tân Trào). Nhà thơ Gia Dũng là tác giả của 10 tập thơ như: “Chiều trăng’’, ‘’Ngõ hoa vàng’’, ‘’Cánh cửa khép hờ’’…. Ông cũng dành nhiều thời gian biên tập hơn 30 tập tuyển chọn và sưu tập thơ Việt Nam qua các thời kỳ với các tác phầm ngàn trang như: “Thơ Việt Nam 1945 - 2000’’, ‘’Thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam thế kỷ XX’’, “Ngàn năm thương nhớ” (Thơ Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XX), “Hồ Chí Minh - Hợp tuyển thơ”, “Nguyễn Trãi hợp tuyển thơ”, “Trời Nam thương nhớ” (Tuyển thơ Nam Bộ xưa & nay), “Ngàn năm thơ Việt”, “Đánh giặc làm thơ mười thế kỷ”, “Chúng tôi đánh giặc và làm thơ”, “Nước non một dải”, “Gần lắm Trường Sa”, “Biển gọi” (10 thế kỷ thơ về biển đảo Việt Nam), “Trời Điện Biên mây trắng’’, "Trông về Việt Bắc", "Bài ca thống nhất"... Hai năm liền (2005 và 2006), Gia Dũng được trao giải thưởng “Sách đẹp Việt Nam’’. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là bài thơ “Bài ca Trường Sơn” viết năm 1968 được nhạc sĩ Trần Chung phổ nhạc với những câu thơ hào hùng đi cùng năm tháng: “ Trường Sơn ơi! Trên đường ta qua chưa một dấu chân người/Có chú nai vàng nghiêng đôi tai ngơ ngác. Dừng ở lưng đèo mà nghe suốt hát/ Ngắt đóa hoa rừng gài lên mũ, ta đi!/ Trường Sơn ơi Trường Sơn ơi! Đèo vút cao vượt trên bây gió/ Đạp nát đá tai mèo bằng sức pháo ngàn cân/ Đi ta đi những trai làng Phù Đổng/ Gì vui hơn đường ra trận mùa xuân!”. VANVN.NET xin gửi lời chia buồn sâu sắc đến gia đình nhà thơ Gia Dũng và bạn hữu văn chương.

                                              Việt Chiến

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *