Tin tức

8/12
11:33 PM 2017

HỘI THẢO “LÊ ĐẠI CANG VỚI BẮC THÀNH VÀ HÀ NỘI”

MAI NAM THẮNG - Sáng 8-12-2017 tại Hà Nội, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn & phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã tổ chức họp báo giới thiệu về cuộc hội thảo “Lê Đại Cang với Bắc Thành và Hà Nội”, do Trung tâm và Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức vào sáng 16-12-2017 tại Hà Nội.

Lê Đại Cang (1771 – 1847) còn gọi là Lê Đại Cương, tự Thống Thiện, hiệu Kỳ Phong, biệt danh là Thường Chánh Thị, quê làng Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Ông là vị quan “văn võ song toàn” thời Nguyễn, từng được bổ nhiều chức vụ từ tri huyện đến Hữu Tham tri Bộ Hình, Binh Bộ Thượng Thư... và làm Tổng đốc nhiều tỉnh-thành khắp ba miền; trong đó có những thời gian làm Hiệp trấn Sơn Tây, Nha đê chính Bắc Thành, Tổng trấn Bắc Thành, Tổng đốc Sơn Tây-Hưng Hóa-Tuyên Quang kiêm Tuần phủ Sơn Tây, Tổng đốc Hà Nội-Ninh Bình v.v...

GS Hoàng Chương-GĐ Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam-giới thiệu về thân thế, sự nghiệp Lê Đại Cang

Theo Giáo sư Hoàng Chương: “Danh nhân Lê Đại Cang được nhắc đến với rất nhiều chức trách, trong đó phải kể đến quãng thời gian ông làm Tổng trấn Bắc Hà. Ông là người có công đầu trong việc xây dựng, đắp đê, bảo vệ cho các tỉnh miền Bắc. Ông xứng đáng được coi là một danh nhân, anh hùng dân tộc. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, nên việc nghiên cứu, đánh giá về ông còn hạn chế; tài năng, phẩm chất và công trạng của Lê Đại Cang chưa được tôn vinh xứng đáng...”.

Trong suốt 41 năm làm quan “vì nước quên thân, vì việc công quên việc tư, lấy trung làm hiếu”, Lê Đại Cang đã trải qua nhiều lúc thăng trầm, vinh-nhục. Sinh thời, Lê Đại Cang còn nổi tiếng là một người cự phách, hiển đạt về văn chương, đã có một số tác phẩm văn thơ được truyền tụng. Trong đó, có Lê thị gia phả được nhiều nhà nghiên cứu đánh giá cao, cho rằng tác phẩm không chỉ là tập sách chép lịch sử của dòng họ Lê làng Luật Chánh mà còn chứa đựng những bài học làm người của một bậc đại trí.

Một số tác phẩm nghiên cứu về Lê Đại Cang xuất bản gần đây

Năm 2013 đã có hội thảo “Lê Đại Cang – Tấm gương kẻ sĩ” tổ chức ở Quy Nhơn. Sau hội thảo này, đã có nhiều báo cáo khoa học, một cuốn sách và một bộ phim truyền hình về Lê Đại Cang được xuất bản. Tiếp đến, giữa năm 2016, một cuộc hội thảo nữa đã diễn ra tại TP Châu Đốc, cũng thu về nhiều thành quả đáng mừng trên mọi phương diện.

Đánh giá về Lê Đại Cang, các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa cho rằng, đây là một nhân vật có nhiều công lao to lớn đối với dân tộc nhưng lại chưa được nhìn nhận một cách đúng mức. Nhân dịp kỷ niệm 170 năm ngày mất của Lê Đại Cang, bậc lương thần có công lớn trong đóng góp xây dựng Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo “Lê Đại Cang với Bắc thành và Hà Nội”. Hội thảo sẽ được tổ chức vào sáng ngày 16-12-2017 tại Khách sạn Công đoàn Việt Nam (số 14, Trần Bình Trọng, Hà Nội). Theo ban tổ chức, hội thảo không chỉ có sự góp mặt của các nhà nghiên cứu mà còn được đông đảo giới văn, nghệ sĩ, các đạo diễn và nhà viết kịch quan tâm. Nội dung của buổi hội thảo xoay quanh việc đánh giá các đóng góp của Lê Đại Cang với Hà Nội, đồng thời tổng kết quá trình nghiên cứu về danh nhân lịch sử này./.

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *