Tin tức

17/5
8:05 AM 2017

DẠY VĂN, HỌC VĂN: “NẾU CÓ TÌNH YÊU SAY MÊ TRUNG THỰC TUYỆT ĐỐI THÌ KHÔNG BAO GIỜ CHÁN”

Sáng 10/5, trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 tổ chức buổi toạ đàm với chủ đề Lý luận phê bình với việc đổi mới dạy học Văn trong nhà trường hiện nay tại thị xã Phúc Yên (Vĩnh Phúc). Buổi toạ đàm giao lưu cùng các trại viên đang tham gia Trại Nghiên cứu, Phê bình văn học về đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh Cách mạng do tạp chí VNQĐ tổ chức.

Tại đây, các thầy cô giáo, các nhà nghiên cứu lý luận phê bình và các sinh viên cùng nhau chia sẻ  về những cách tiếp cận, tư duy đổi mới trong nghiên cứu văn học cùng những kinh nghiệm để truyền lửa nhiệt huyết trong việc tìm tòi những điều mới lạ trong văn chương.
 

Chia sẻ kinh nghiệm truyền đạt
Tại toạ đàm, PGS, TS Văn Giá, Trưởng khoa Viết Văn Báo chí, ĐH Văn hoá HN nói: “Những năm tháng tại trường học là vùng kí ức giúp tôi có chiều sâu, nội dung tâm hồn để tôi có được những trang viết sau này. Phải đến 28-30 tuổi tôi mới biết mình có khả năng ở lĩnh vực nào. Còn những năm 20 tuổi là những trang viết vụng dại đầu đời, tôi viết đủ thể loại, gửi đi khắp nơi để muốn chứng minh khả năng của mình. Có bài được đăng có bài không được đăng. Và lúc đó, tâm lý của tôi với những bài không được đăng là do các báo chưa nhận ra tài năng của mình”. 

“Lý thuyết cũng đi qua rất nhiều hệ hình cần nhiều chọn lọc. Trong trường hợp nghiên cứu không thể chỉ vận dụng một trường lí thuyết mà nên vận nhiều phương pháp khác nhau. Để mỗi bài nghiên cứu hay truyện ngắn để lại dấu ấn rất khó. Và có vẻ như có quá nhiều áp lực đối với người viết. Nhưng với tôi, sự lựa chọn đi vào văn chương tạo ra nhiều thú vị trong cuộc sống giúp mình thêm đam mê, vì văn chương chính là con người. Đã là con người thì vô cùng đáng trân trọng” - PGS. TS Lý Hoài Thu, giảng viên khoa Văn, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia HN nói.

TS. Thái Phan Vàng Anh, ĐH Sư phạm thuộc Đại học Huế chia sẻ từ thực tiễn dạy học của mình: “Tôi thấy đây là một diễn đàn giao lưu hiếm có giữa ba giới nhà văn – nhà nghiên cứu lí luận phê bình và người giảng dạy. Rất mong qua đây sẽ tạo ra nhiều cơ hội chia sẻ, trao đổi lẫn nhau. Bởi việc giáo dục hiện nay hơi xa so với thực tiễn và chúng tôi muốn cung cấp chìa khóa cho các sinh viên đến với nhiều thể loại, nhất là các tác phẩm hậu hiện đại. Quá trình tiếp nhận khiến sinh viên quen với các tác phẩm lãng mạn, đã khẳng định tên tuổi còn các tác phẩm mới thì còn khá xa lạ. Do đó, cũng cần có khuynh hướng sáng tác có tiếp cận mới cho các sinh viên học văn”.
 

Thay đổi góc độ nhìn nhận văn chương
Lấy ví dụ từ tập thơ mới xuất bản của mình, nhà thơ Lê Anh Hoài chia sẻ rằng tập thơ của anh đã có sự góp sức của các nhà khoa học để có thể trình bày ở 5 ngôn ngữ dân tộc Việt Nam. Đây được coi là một cách tiếp cận ngoại vi hay còn gọi là hậu hiện đại. Từ đó, nhà thơ nói với các sinh viên: “Tôi mong các em mở rộng trường quan sát của mình để không bị thu hẹp hay có cái nhìn quá mẫu mực, quá trễ với nền văn chương mới. Các em sau này sẽ là thầy cô, sẽ mở rộng vi cảm, biên độ nghiên cứu và lấy nhiều tác phẩm dùng làm ví dụ khơi gợi cho học trò. Điều này sẽ tốt cho giáo dục tính nhân văn của xã hội tương lai”.

PGS.TS Phùng Gia Thế - Trưởng phòng Đào tạo - ĐH Sư phạm Hà Nội 2 - cũng chia sẻ là các giảng viên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 rất cập nhật các xu hướng văn chương nên các em sinh viên cũng được tiếp nhận nhiều thể loại văn học hậu hiện đại để có cái nhìn đa chiều hơn trong việc học tập, nghiên cứu.

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng chia sẻ quan điểm của mình về nền văn chương hiện tại: “Nhiều người cho rằng văn chương đang lâm nguy, nhưng tôi thấy văn chương không lâm nguy và tôi có niềm tin rằng văn chương lâm nguy nếu có chỉ là nhất thời, là một bộ phận hay một giai đoạn nào đó. Từ 42 năm giảng dạy tôi đã rút kinh nghiệm rằng nếu có tình yêu say mê, trung thành tuyệt đối thì không bao giờ chán văn chương cả. Đi dạy học lại là một trải nghiệm đặc biệt thú vị. Nếu mình cứ say mê tìm hiểu, học hỏi, nghiên cứu, ngẫm nghĩ kĩ thì tình yêu này sẽ nâng lên thành trí tuệ. Nếu làm được như vậy thì văn chương không bao giờ vô nghĩa giữa xã hội mà các thang giá trị đang mờ mịt như hiện nay. Cuối cùng, văn chương sẽ trở lại vị trí vốn có vì đó là liều thuốc tinh thần của con người”.
 

Cũng tại buổi giao lưu, các em sinh viên đã đặt câu hỏi với các nhà lí luận phê bình, các nhà văn về những thắc mắc của mình xung quanh các tác phẩm mà các em đang tìm hiểu cũng như các vấn đề văn học hiện tại như tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Uông Triều, nghiên cứu văn học Mỹ Latin của TS Phan Tuấn Anh, chủ nghĩa Mác xít trong văn học, ý nghĩa của nghiên cứu phê bình văn học trong nhà trường,… Và đã được chính các tác giả, các nhà phê bình giải đáp trực tiếp.

Với những thầy cô giáo tương lai thì đây chính là dịp tiếp cận gần hơn với các tác giả văn học, các nhà nghiên cứu để thêm những phương pháp, góc tiếp cận trong văn chương mà những cây bút như Bùi Việt Thắng, Lý Hoài Thu, Văn Giá,… đã tạo nên được bản sắc riêng của mình để thấy rằng sự nhiệt thành trong tình yêu văn chương sẽ tạo nên những điều thú vị trong cuộc sống, để khẳng định cho câu thơ - “Nỗi buồn của chúng ta là nỗi buồn không bản sắc”*.

THU OANH –Nguồn: Văn nghệ Quân đội

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *