Tìm tòi thể nghiệm

24/12
8:34 SA 2016

TRĂN TRỞ VỀ MỘT NỀN ÂM NHẠC ĐỈNH CAO

Phạm Việt Long-Sau khi vở opera được biểu diễn thành công tại Nhà hát lớn Hà Nội, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân có buổi trò chuyện với nhạc sĩ Phạm Việt Long về vấn đề âm nhạc đỉnh cao. Phạm Việt Long ghi lại chân thực ý kiến của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân trong bài viết dưới đây.

 Nhạc sĩ Phạm Việt Long: Chúng ta đang trăn trở về âm nhạc đỉnh cao. Vậy nhạc sĩ cho biết quan niệm của ông về âm nhạc đỉnh cao, và vấn đề âm nhạc đỉnh cao ở Việt Nam?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Thực tế mà nói, trong một nền âm nhạc, hay nói rộng ra là một nền nghệ thuật, bao giờ cũng có một mô hình là hình nón với những phần thuộc về đại chúng, bề rộng, và những phần thuộc đỉnh cao. Đỉnh cao cần hội tụ được mấy yếu tố: Nghề nghiệp - chuyên môn, kinh nghiệm… Đỉnh cao còn được thể hiện bằng tác phẩm. Không phải một sớm một chiều tạo ra được đỉnh cao, mà phải qua nhiều bậc thang, nói đúng hơn là phải có truyền thống. Phải tiếp nối được truyền thống, học tập, tiếp thu những đỉnh cao đã có từ quá khứ. Từ đó phát triển, sáng tạo, xây dựng đỉnh cao mới.

Còn đỉnh cao cụ thể về mặt tác phẩm ở nước ta, các nhạc sĩ tiền bối đã đạt được những đỉnh cao trên nhiều mặt, trong đó có ca khúc, tất nhiên không phải đo bằng chiều cao, mà cốt lõi là những giá trị về nghệ thuật, về nội dung tư tưởng, đóng đinh vào từng thời điểm một, như “Du kích sông Thao”, “Tiến về Hà Nội”, “Người Hà Nội”, “Tiếng hát từ thành phố mang tên Bác”… Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, có rất nhiều bài hát về Trường Sơn, về công cuộc giải phóng miền Nam… được gọi là tác phẩm để đời, tác phẩm đi cùng năm tháng… Riêng về lĩnh vực khí nhạc, khó hơn một chút, ít được quảng bá, số lượng tác phẩm không nhiều, chúng ta còn thiếu những điều kiện để trình diễn, phổ biến, giúp công chúng thưởng thức, ngấm dần các tác phẩm khí nhạc của các nhạc sĩ khác nhau, để họ tự nhận ra những thể loại, những tác phẩm, những phong cách mà họ ưa thích, nhưng đội ngũ nhạc sĩ cũng cần phấn đấu để xây dựng một nền khí nhạc chuyên nghiệp, hướng tới đỉnh cao bằng cách tiếp thu tinh hoa âm nhạc nước ngoài, đồng thời vận dụng nguồn vốn âm nhạc cổ truyền của dân tộc, rồi cũng phải học tập những thế hệ đi trước xem họ đã xây dựng tác phẩm khí nhạc như thế nào, từ Hoàng Việt, Hoàng Vân, đến Chu Minh, Nguyễn Đình Tấn, Đàm Linh…

Con đường đi lên đỉnh cao âm nhạc là con đường không mệt mỏi và cũng là  hướng đúng, luôn luôn phải phấn đấu để có những tác phẩm chuyên nghiệp; từ những tác phẩm chuyên nghiệp đó hội tụ những yếu tố như đã nói để đến lúc nào đó nó đọng lại, được công nhận.

Nhạc sĩ Phạm Việt Long: Xin nhạc sĩ cho biết quá trình học tập, lao động nghệ thuật để sáng tác và tạo nên tác phẩm đỉnh cao của nhạc sĩ.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Tôi rất may mắn được đào tạo âm nhạc một cách bài bản ngay từ nhỏ. Khi gặp gỡ với âm nhạc, tôi tiếp xúc với cây đàn piano, một cây đàn tổng hợp, dưới sự dìu dắt của Nhà giáo Nhân dân Thái Thị Liên. Bác Thái Thị Liên là một người rất nghiêm khắc, đòi hỏi kỹ càng, cho dù đó là học sinh sơ cấp một, sơ cấp hai hay sau này học cao hơn, thì tính kỷ luật, đã khép cá nhân tôi vào một môi trường học tập rất nghiêm túc. Ngay từ nhỏ, tôi đã được thừa hưởng sự nghiêm túc, tính cẩn trọng đó không những từ thầy giáo dạy đàn piano mà ngay từ gia đình, từ người cha tôi - nhạc sĩ Đỗ Nhuận, đã rèn cho đức tính nghiêm túc, học đánh đàn, tập hòa thanh hay là tập gam cũng phải có thái độ nghiêm túc của người đang biểu diễn.

 
 

Tinh thần đó được tiếp nối, từ khi hoàn thành khóa học trung cấp, rồi đại học năm thứ 3 piano của Nhạc viện Hà Nội… Lúc đó, tôi cũng được tiếp xúc với nghệ thuật sáng tác. Người thầy đầu tiên là nhạc sĩ Thế Bảo, một sinh viên mới tốt nghiệp ở Nhạc viện Hà Nội ra, cũng rất trẻ, hướng dẫn một lớp. Sau đó, tôi được sang Nhạc viện Tchaikovsky, suốt gần 10 năm học dưới sự chỉ giáo của giáo sư Anbe Riman - Chủ nhiệm khoa - tôi may mắn được học trong một môi trường cực kỳ chuyên nghiệp, cực kỳ nghiêm túc, cực kỳ đòi hỏi cao, đồng thời có sự truyền nghề, dạy nghề hết lòng của các thầy giáo, đó đội ngũ giáo sư, đội ngũ nhạc sĩ, các nhà sư phạm trong các lĩnh vực của Liên Xô - không chỉ là sáng tác, mà còn có nhiều bộ môn khác như phối khí, phức điệu, hòa thanh, lịch sử âm nhạc châu Âu, lịch sử âm nhạc Nga, triết học…

Sau này học lên còn được học những môn cao hơn nữa, tạo cho mình một không gian để mà phấn đấu và học tập một cách miệt mài. Những năm 1976 - 1981 là thời kỳ học đại học, rồi từ 1982 là thời kỳ nghiên cứu sinh, tôi thấy đó là thời kỳ vàng không những đối với cá nhân tôi mà đối với tất cả những sinh viên ở các trường đại học của Liên Xô cũ. Ngay trong Nhạc viện Tchaikovsky, những bạn học như chị Tôn Nữ Nguyệt Minh, anh Đặng Thái Sơn, anh Ngô Văn Thành, anh Nguyễn Thiếu Hoa, anh Nguyễn Minh Anh… đều trưởng thành.

Như vậy, tôi nhận thấy môi trường đào tạo rất quan trọng, nó không chỉ làm cho anh trở thành một nhà chuyên môn đơn thuần, mà còn tạo cho anh một tính cách - đó là tính cách của những người làm nghệ thuật luôn luôn đòi hỏi tự thân mình có cái gì mới hơn, nghiêm khắc hơn, và cho mình một sức đề kháng rất quý, đó là anh phải luôn luôn đi tìm cái của anh, không lai căng, không dễ dàng chấp nhận, mặc dù nếu chấp nhận cái của người khác thì có hiệu quả rất hay, tránh xu hướng chạy theo phong cách của người khác, chẳng hạn các nhạc sĩ đầu thế kỷ XX như Béla Barok, Stravinsky… âm nhạc của các ông ấy rất hay, nhưng nếu mà bắt chước các ông ấy thì không phải, mà anh vẫn phải tìm về cội nguồn. Môi trường đó đã tạo cho mình một tính cách, một nếp tư duy trong sáng tạo nghệ thuật là luôn luôn phấn đấu, luôn luôn không bằng lòng với cái gì mà mình đã làm ra. Sự tìm tòi, có lúc thành công, có lúc gặp những bế tắc, có lúc đạt thành quả, có lúc lại đang treo ở đấy, thì đó là sự miệt mài để đi tìm tới cái đẹp, cái kết quả như mình mong muốn.

Nhạc sĩ Phạm Việt Long: “Lá đỏ”, một tác phẩm lớn, mới được công diễn hai lần. Vậy làm thế nào để “Lá đỏ” được tỏa rộng trong đời sống?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Vở nhạc kịch opera “Lá đỏ” là một công trình nghệ thuật, được ra đời từ chủ trương của Chính phủ là hỗ trợ cho sáng tác những tác phẩm về hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, theo Quyết định số 844 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2013. Từ đó mới có những đơn đặt hàng. Khi nhận được đơn đặt hàng, tôi có sự băn khoăn, đắn đo, nhưng đã liều lĩnh nhận công việc rất lớn này. Mọi người đều biết, để có tác phẩm lớn như opera, chắc chắn không chỉ làm việc trong một năm, hai năm, mà phải làm việc rất nhiều. Để làm được một tác phẩm đúng nghĩa opera, phải qua rất nhiều công đoạn, đầu tiên là phải đổ rất nhiều sức lực, thời gian, rồi mới nói đến trí tuệ, tài năng. Tôi đã nhận lời, miệt mài làm việc.

Đây là một thắng lợi có thể nói là ngoài dự đoán của những nhà đặt hàng và của cả những người thực hiện vở đó. Còn phát huy vở diễn như thế nào, điều đó thuộc về những đơn vị biểu diễn, cùng với Hội Nhạc sĩ. Với tư cách Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, có trách nhiệm cùng Hội phổ biến những tác phẩm về hai cuộc kháng chiến, những tác phẩm có giá trị nhân văn, chúng tôi đã từng làm những đợt biểu diễn, hỗ trợ sáng tác, biểu diễn như vậy. Lần này, Hội Nhạc sĩ sẽ đứng ra cùng với hai Nhà hát tổ chức những đợt biểu diễn nhân kỷ niệm lần thứ VII ngày Âm nhạc Việt Nam.

Trong năm nay, sẽ diễn “Lá đỏ” thêm 2 đêm ở Nhà hát lớn, phục vụ đông đảo công chúng, đặc biệt là những cựu TNXP, bộ đội… đã tham gia kháng chiến. Chúng tôi sẽ cố gắng tìm ra những địa chỉ của các vị này và mời tới xem “Lá đỏ”. Cũng sẽ kết hợp với Bộ Quốc phòng tuyên truyền, giới thệu cho lực lượng vũ trang. Tuy vậy, loại hình này đòi hỏi phải xem tại chỗ mới có thể cảm nhận đầy đủ giá trị nội dung và nghệ thuật, mới có cảm xúc lớn hơn. Các nhà chuyên môn đánh giá “Lá đỏ” là “vở opera đích thực”, “thuần khiết”, “thuần việt”, “đúng là vở opera” - Đúng thể loại là quan trọng lắm, bởi mỗi thể loại có những đặc trưng của nó, nếu làm chệch đi sẽ sang thể loại khác.

Nhạc sĩ Phạm Việt Long: Vai trò của truyền thông và thực tế truyền thông đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân: Truyền thông và âm nhạc gắn chặt với nhau như hình với bóng. Rất mừng là trong đội ngũ phóng viên báo chí của ta có rất nhiều người có trình độ về âm nhạc, quan tâm đến đời sống âm nhạc, trăn trở với sự phát triển của âm nhạc nước ta. Do vậy, trong các hoạt động âm nhạc, đều có tiếng nói của truyền thông. Ở các nước phát triển, có những chuyên gia, thậm chí có những tạp chí chuyên về âm nhạc, hàng tháng ra những tập rất dày, trong đó có tất cả các chuyên mục với đầy đủ các thể loại, từ pop, rock, academic, giới thiệu những hoạt động mới, tác phẩm mới... mà tổng biên tập là những tiến sĩ âm nhạc - họ trực tiếp viết bài, trực tiếp phụ trách từng mục trong đó, thậm chí có những kênh âm nhạc riêng trên phát thanh, truyền hình, rồi truyền hình trực tiếp những chương trình giao hưởng... do vậy đời sống âm nhạc luôn luôn được hiện hình trên truyền thông. Ở nước ta, âm nhạc được nói tới, trước hết là ở những mục điểm báo, có những tác dụng tốt, kịp thời, nhưng muốn đi sâu vào thì phải có tiếng nói của những nhà chuyên môn. Cũng có những tờ báo chuyên về âm nhạc, nhưng lại không được phổ biến rộng rãi. Do vậy công chúng nghe nói về âm nhạc chủ yếu qua tin tức hoạt động âm nhạc trên báo hàng ngày là chính. Nếu chúng ta không cân bằng, sẽ có cảm giác bị lệch. Người ta cảm thấy trên truyền thông lúc nào cũng chỉ có những ngôi sao nhạc nhẹ, album mới, “ngôi sao” mới (thuộc dòng nhạc giải trí), khiến người ta quên rằng âm nhạc phải có cả hai mặt, trong đó âm nhạc chuyên nghiệp với những tác phẩm mới, những thể nghiệm... rất cần được quảng bá. Gần đây, có tốp nhạc thính phòng rất chất lượng là “Sông Hồng”, giới thiệu các tác phẩm âm nhạc Việt Nam, tác phẩm âm nhạc đương đại thế giới, những lại ít được báo chí quan tâm phản ánh.

Tóm lại, để xây dựng một môi trường báo chí văn nghệ chuẩn xác, nhanh nhậy, tin cậy thì không thể không có những nhà lý luận âm nhạc vào cuộc, cùng với các nhà chuyên môn, nhà báo phát hiện ra những vấn đề, đặt vấn đề, phản biện, từ đó xây dựng được nền lý luận, phê bình âm nhạc, góp phần làm cho đời sống âm nhạc phong phú, định hướng cho thẩm mỹ âm nhạc không bị lệch sang bên này hoặc bên kia. Truyền thông luôn luôn là người bạn trung thành với các nhà sáng tạo, đặc biệt là sáng tạo âm nhạc, một lĩnh vực rất nhạy cảm, có sự lan tỏa rất rộng lớn trong đời sống xã hội.

Nguồn Văn nghệ 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *