Tìm tòi thể nghiệm

15/6
8:29 PM 2020

NHÀ THƠ BẰNG VIỆT Ở TUỔI 80 VỚI TẬP THƠ MỚI GHI DẤU ẤN 30 NĂM ĐỔI MỚI 1986-2016

Nguyễn Việt Chiến-Trưa ngày 14-6-2020, một số bạn hữu văn chương và người thân gia đình đến dự buổi ra mắt tập “Thơ Bằng Việt 1986-2016” và mừng anh tròn tuổi 80. Đây là tập thơ ghi dấu ấn 30 năm thơ đổi mới của Bằng Việt. Nửa thế kỷ trước đây, Bằng Việt là gương mặt thơ tài năng thuộc thế hệ các nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh.

In tập thơ vào tuổi 80 này, Bằng Việt tâm sự với tôi: “Mọi người thường biết về mình qua những bài thơ viết trong thời gian chiến tranh, còn tập thơ này gồm 96 bài thơ mình viết trong thời kỳ 30 năm đất nước đổi mới với khá nhiều suy tư, trăn trở với cuộc đời, với con người. Và, mình nghĩ rằng, những điều cần phải đổi mới trong thi ca thì mình đã phát biểu bằng các bài thơ qua 5 chủ đề trong tập thơ này: Bắt chợp từ tâm trạng;Những ấn tượng không ranh giới; Sợi chỉ nối về quá khứ; Muôn mặt chuyện đời; Khoảnh khắc trải nghiệm”.

 Nhà thơ Bằng Việt (tên khai sinh Nguyễn Việt Bằng), sinh năm 1941, quê Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Tây. Học Luật tại Liên Xô (cũ) về nước làm biên tập văn học, làm Tổng biên tập báo Người Hà Nội, nguyên là Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Hà Nội. Đã in gần 20 tập thơ và thơ dịch, được trao nhiều giải thưởng văn học, giải thưởng nhà nước về Văn học nghệ thuật 2001, giải thưởng Asean 2003.

 

Thuộc lớp nhà thơ trưởng thành trong chiến tranh, nhưng thơ Bằng Việt không “Lấm láp bụi chiến hào và cay xè khói súng trận mạc” như những nhà thơ mặc áo lính. Thơ anh gần với sách vở, bút nghiên của tri thức và mang “âm hưởng thính phòng” với những câu thơ tinh tế, tài hoa giàu tính tự sự, đầy giao cảm lãng mạn và phảng phất giai điệu thơ Nga vì anh đã có thời gian dài học bên đó. Sau hai chục năm, Bằng Việt trở lại nước Nga và những câu thơ bây giờ dường như đã đi qua những rung cảm mộng mơ, say đắm của thời sinh viên trước đó và thay bằng một lăng kính thơ giầu trải nghiệm, suy tư hơn trước trong bài thơ “Nước Nga,sau 20 năm gặp lại”:

 

Hai mươi năm sau, một tên sách mỉa mai
Ghi trọn đời ta và giấc mơ đi lạc..."

Louis Aragon (Đêm Maxcơva)
1

Những vỉa hè xưa cũ
Màu đá nhẵn lỳ, thân thuộc bao năm,
Đâu biết mình chuyển sang kinh tế thị trường
Mà mình đã thành vỉa hè tư bản!

Những bà già vẫn khoác tấm áo màu đen xưa cũ,
Khuôn mặt thuần Nga thật thà chất phác,
Lặng lẽ bước vào từng cửa hàng nhỏ lẻ
Trong khu chợ vừa túi tiền bình dân,
Rụt rè ngước nhìn dãy siêu thị sáng choang
Kênh kiệu chưng bày toàn hàng mác ngoại!

Bách hoá G.U.M. xưa tấp nập đâu rồi?
Các tầng nhà trống hoang đang còn sửa chữa!
Thế giới trẻ em Detxky Mir, từng rạng rỡ
            sắc màu bay múa,
Cũng lại đóng cửa, im lìm quét sơn!
Dạo phố, chỉ thấy nhà thờ tôn tạo rất nhiều,
Mua vé tham quan thả cửa.


2

Nhớ thời sinh viên, thuở cả tin, đắm say, ngơ ngẩn
Nhìn Kremlin quá đỗi thiêng liêng!
Bây giờ còn đây dãy tường đỏ màu son
Chỉ tháp gắn ngôi sao không còn là biểu tượng,
Hồng trường có vẻ nhỏ hơn ngày trước
Lăng Lênin không mở cửa mỗi chiều,
Mọi người đi qua, chỉ nhìn nhau dáng vẻ thờ ơ,
Chẳng ác cảm, chẳng tỏ ra thiện cảm.


3

Qua ga hàng không nào, cũng bị sờ nắn kỹ,
Lột chìa khoá thắt lưng, bỏ rọ khám giày tây,
Chắc cảnh giác nhiều khủng bố, nhiều không tặc,
Người xa lạ đến đây, đâu dễ tưởng người ngay!
Dãy máy soi, tinh vi hơn thời Xô viết,
Duy máy bay T.U. vẫn xoay trở nặng nề, như
           hai chục năm xưa!
Thủ tục nhà ga chẳng cải tiến gì nhiều
Lấy hành lý cũng mất gần nửa buổi!


4

Lại vào Hermitage đầy say sưa,
Nhưng bảo tàng cũng đang thời sang sửa!
Hành lang thêm nhiều chân dung ông hoàng bà chúa
(Ngày xưa bị dấu kín trong kho!)
Đặc biệt, chiếc ngai vàng thời Sa hoàng xưa
Đã được ung dung chưng bày trở lại.

Chiến hạm Rạng Đông nằm yên trễ nải
Bên bờ Nêva, sang thế kỷ khác rồi,
Pháo đài cũ bên sông vẫn nổ súng báo giờ
Chỉ để gợi một chút gì hoài cổ!

Quá khứ - ngỡ nhiều điều tưởng chừng đã rõ
Nhưng còn rất nhiều điều cần phân định
              tận tương lai...
Đã quay lưng chối từ quá khứ mà đi
Thì không cách gì quay đầu trở lại!

Mỗi việc cứ chuyển dịch thế thôi, phải tuân theo
                quy luật
Chính xác và nặng nề,
Ví như chiếc cầu, đã hai thế kỷ bắc qua sông Nêva,
Vẫn gồng mình đóng mở hàng đêm, cho tàu
             thoát ra biển lớn.

(Và thức dậy ở đây, dù vào múi giờ nào,
            cũng không sợ muộn,
Khi vẫn còn đây một phần sáu địa cầu - đồng hành
              với nước Nga!)


Maxcơva – Xanh Pêtecbua, 2008

 

   Những năm gần đây, cùng với dòng chuyển động mạnh mẽ của thi ca đổi mới, nhà thơ  Bằng Việt  cũng đã có nhiều trăn trở, tìm đường cho thơ mình vượt qua những lối mòn quen thuộc của thi ca lãng mạn trữ tình trước đó. Trong bài “Thơ hay - có cần phải chết?”, Bằng Việt đã viết như sau:

 

Maiakopxky giơ cao tấm hộ chiếu đỏ tươi

Ngẩng đầu hiên ngang “Ta chính là Liên bang Xô viết

Câu thơ trác việt một thời, nhưng hôm nay phải chết

Khi ngay cả Liên bang Xô Viết không còn

Tố Hữu dịch bài thơ “Đợi anh về”

Bài thơ được chuyền tay, suốt một thời bom rơi đạn nổ

Cho tới lúc hàng vạn người xuất ngũ

Người mất cũng mất rồi, người chờ đợi đã già đi

Bài thơ kiên trung đầy khắc khoải, chia ly

Đành thở phào ra đi khi làm xong nhiệm vụ

Các cô gái nếu trọn đời cứ vô danh bé nhỏ

Đâu phải chịu số phận ngặt nghèo như số phận Tây Thi

“Mỹ nhân tự cổ như danh tướng”

Đã vượt qua tầm cao, cái chết có xa gì

Thơ càng sắc, càng kiêu, càng chớ màng bất tử

Miễn đừng để loài người hèn hạ tối tăm đi.

 

Với bài thơ này, nhà thơ Bằng Việt đã nhìn thấy sự hữu hạn của những bài thơ đã “hoàn thành nhiệm vụ” của một thời và nhận định: Có những bài thơ một thời được cho là hay nhưng đã không vượt qua được thời gian và có lẽ người làm thơ đừng nên nghĩ đến sự bất tử của thi ca khi cầm bút.

Sau những trải nghiệm của thơ trữ tình tâm trạng, những năm gần đây, Bằng Việt tìm thấy nguồn cảm hứng mới từ thơ trữ tình thế sự và trữ tình chiêm nghiệm với những bài thơ khơi gợi sự suy ngẫm từ hiện thực đời sống, xã hội đang diễn biến hàng ngày như: Rượu của Nguyễn cao Kỳ; Cá om niêu làng Vũ Đại; Người tử tiết vì Liên bang Xô Viết; Quốc gia biển; Internet giữa Trường Sa; Biến tấu về ngày tận thế; Nếu băng tan đến độ và mới nhất là bài thơ "Mê Kông, nỗi buồn báo trước": với những câu thơ mang tính dự báo đầy xót xa:

Cửu Long Giang ta ơi! Ai tin nổi có ngày sông cạn

Thác Khôn khô cong, còn đâu phút nào cười

Nước ứ mặn duềnh lên, không để cho đất sống,

Châu thổ nứt chân chim...gié lúa phụ công người...

 

Biết đổ vào đâu nỗi oan khiên sông nước?

Sông vốn dĩ là sông, nếu chẳng cạn do người!

Cá đẻ vẫn ngao du-nếu không va đập chắn,

Hệ sinh thái nguyên lành- đủ nội lực sinh sôi....

 

Mọi sinh vật trời cho đã dần thành tuyệt chủng

Vựa lúa phì nhiêu chịu cạn kiệt, điêu linh!

Hệ sinh thái không còn. Kẻ gây họa vẫn cúi đầu vô cảm,

Khi hành hạ dòng sông không sống nổi cùng mình!...

 

Trong một lần gặp nhau mới đây, Bằng Việt đưa tôi mấy chục bài thơ anh mới viết. Tôi lặng lẽ ngồi nghe anh đọc thơ và chợt thấy ông anh đồng hương, đồng họ cùng quê Chàng Sơn, Thạch Thất với mình dường như không chịu già, không chịu mệt mỏi và vẫn đầy hứng thú trong sáng tạo. Dường như, trong tâm hồn thơ Bằng Việt hôm nay, vẫn thường trực một nhà thơ công dân của những sáng tạo không biết mệt mỏi, luôn hướng về đời sống gian lao của nhân quần với thiên chức thiêng liêng của người cầm bút đã từng cống hiến những tháng năm đẹp nhất của đời thơ mình cho đất nước suốt thời chiến tranh, giặc giã. Tôi nghĩ, có lẽ sự đổi mới thơ này là lẽ sáng tạo tự nhiên, tự thân trong con người thơ Bằng Việt với phẩm chất thi sĩ được trui rèn qua nhiều năm. Và bài thơ “Nhớ Trịnh” (NS Trịnh Công Sơn) của anh đã phần nào nói lên điều ấy:

 

Chợt rầu lòng vì câu thơ của Trịnh:
"Đêm thấy ta là thác đổ..."
Vậy ngày ơi, ta là gì?

Có khi
Một ngày ruổi rong, một ngày tất bật
Cũng không làm xong một việc ra hồn!
Có khi
Cả tuần lao lung, cả tuần suy ngẫm
Cũng không nhìn thấu bản thể mình!
Ngày sống vội, tuần sống vội, năm sống vội
Tuổi hoa niên, trung niên, kế tiếp tuổi già...
Chong chóng quay, rút cuộc được gì?
Được chuyển động – làm bù nhìn của gió,
Và gió, quẩn quanh đầu sông, cuối bãi,
Cũng một kiểu bù nhìn của nóng lạnh, Âm - Dương,
Còn Âm – Dương có từ đâu,tồn tại tới đâu,
Thì mở hết giác quan, ta vẫn là mù tịt!

Rầu rĩ trở về câu thơ của Trịnh:
"Đêm thấy ta là thác đổ..."
Có lẽ nào, chỉ thế thôi sao?


2002-Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939–2001).

 

   Điều khá đặc biệt, ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, trong khi rất nhiều nhà thơ cùng thế hệ đã tỏ ra mệt mỏi, xuống sức sau chặng đường văn đầy gian nan, khó nhọc phải trải qua mấy cuộc chiến tranh thì Bằng Việt với gần trăm bài thơ mới viết trong những năm 1986-2016, vẫn tỏ ra khá sung sức với cái nhìn rất mới mẻ về con người và đời sống xã hội hôm nay. Và, điều quan trọng nhất, bài thơ nào của Bằng Việt cũng đều có tứ thơ khá độc đáo, thấm đẫm tính thế sự văn chương và tính thời sự nóng bỏng của những diễn biến nhiều chiều trong đời sống văn hóa và đời sống thường nhật của xã hội đương đại như trong bài thơ anh viết về nhà văn Vũ Bằng với sự giao cảm của tình nhân thế dưới đây:

VŨ BẰNG

 

Đọc “ Đôi mắt” của Nam Cao (1)

Biết số phận ông rồi chênh vênh lắm!

 

Về thành. Rồi lặn lội vào Sài Gòn,

Mua căn nhà nhỏ cạnh chân cầu Tân Thuận,

Luôn dậy từ ba giờ đêm để viết

Vừa nghĩ báo nghĩ văn, vừa hứng từng xô nước

Chứa đầy bể - còn nấu ăn, tắm giặt hôm sau.

 

Bốn mươi năm, kỳ khu vắt óc, vắt mồ hôi,

Chỉ khinh bạc coi là “ Bốn mươi năm nói láo”!(2)

 

“ Thương nhớ mười hai”, thương vợ hiền tảo tần, chịu đựng(3),

Nhớ  Hà Nội xót xa, đành trọn đời lang bạt, phiêu linh!

Nhớ miếng ăn ngon, nhớ vệt mưa phùn, nhớ hơi may ngoài đó,

Mới điểm qua thôi, đủ chất chứa khát thèm…

              

Mất trong đói nghèo, chẳng mong ai khóc thương bi lụy,

Chẳng trách mọi trớ trêu, khiến mình thành dang dở, bạc tình,

Văn viết một hơi, không  mấy khi đọc lại,

Chứa chất mọi bùi ngùi, mọi nghịch lý vây quanh!

 

…Chết đã 16 năm, mới được nhận nén hương chiêu tuyết:

Chiến sĩ quân báo ư? ( Ừ! Ba mươi năm lặng lẽ nằm vùng…)

-  “ Tiên sư anh Tào Tháo!” - Câu đùa từ xa hút,

             Đùa mãi đến hết đời, nước mắt vẫn rưng rưng!

 

 

_____________________

1. Truyện ngắn nổi tiếng Đôi mắt của nhà văn Nam Cao viết năm 1948 ở Việt Bắc, trong đó có nhân vật Hoàng được coi là một mẫu người“cách điệu” từ nhà văn Vũ Bằng thời kỳ đầu mới đi kháng chiến. Đoạn cuối truyện có chi tiết nhân vật Hoàng say mê bộ Tam Quốc đến độ vừa đọc truyện lại vừa cứ luôn luôn tự vỗ đùi tán thưởng nhân vật Tào Tháo mà mình yêu thích bằng câu đùa đầy cảm thán:“ Tài thật ! Tài thật! Tiên sư anh Tào Tháo!”.

2.“ Bốn mươi năm nói láo” và Thương nhớ mười hai: Những tác phẩm nổi tiếng của Vũ Bằng.

3.Vợ đầu của nhà văn Vũ Bằng là bà Nguyễn Thị Quỳ, quê Bắc Ninh, vẫn ở lại Hà Nội sau giải phóng và  mất năm 1967, sau khi Vũ Bằng đã vào Sài Gòn từ trước năm 1954 theo điều động của tổ chức quân báo (thuộc Tổng cục II Bộ Quốc phòng ). Về sau, khi biết in bà Quỳ đã mất, Vũ Bằng lập gia đình với bà Phấn và vẫn sống tại căn nhà nhỏ, cạnh chân cầu Tân Thuận Sài Gòn, mãi đến khi ông qua đời lặng lẽ trong hoàn cảnh nghèo túng, tháng 4 -1984. Tới tháng 3 - 2000, ông mới được Cục Chính trị Tổng Cục II Bộ Quốc phòng xác nhận là chiến sĩ quân báo hoạt động bí mật ở nội thành và được truy tặng Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng III. 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *