Tìm tòi thể nghiệm

24/4
6:07 PM 2016

Hội họa đương đại Việt Nam qua triển lãm “Dằn vặt”

Tuy không phải lần đầu tiên hội họa đương đại Việt Nam được mời triển lãm tranh tại nước ngoài, nhưng triển lãm nhóm gồm bốn họa sĩ (Lê Nguyên Mạnh, Nguyễn Văn Hổ, Nguyễn Xuân Hoàng và Lê Anh Hoài) với chủ đề “Dằn vặt” do Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Paris kết hợp với Hội Pháp ngữ Paris tổ chức đúng dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã đem đến cho công chúng Pháp cũng như các nhà hoạt động nghệ thuật Việt Nam nhiều điều đáng suy ngẫm.

ảnh Internet

“DẰN VẶT” TỪ BÊN TRONG HAY ĐẾN TỪ NHỮNG TÁC ĐỘNG KHÁCH QUAN?

Triển lãm “Dằn vặt” (tiếng Pháp: Tourmente) diễn ra trong suốt tháng 2-2016, phần lớn tác phẩm được các họa sĩ sáng tác bằng chất liệu sơn dầu trên toan, một số ít sử dụng màu nước trên giấy; với đối tượng và cách thể hiện đa dạng, những tác phẩm đã phản ánh sự trăn trở, dằn vặt trước hiện thực cuộc sống; thể hiện sự cô đơn, giằng xé nội tâm, hoặc phản ánh một tâm trạng bi quan, bất bình trước những đảo lộn của thiên nhiên, sự ô nhiễm của môi trường, nỗi ám ảnh của bạo lực và chiến tranh. Nhiều bức tranh trong số đó cũng thể hiện thái độ phê phán cuộc sống phù hoa đô thị và những thói ăn chơi xô bồ, phản cảm…

Bản thân mỗi họa sĩ đều có những suy tư trong quá trình sáng tác, họa sĩ Nguyễn Xuân Hoàng (sinh năm 1981) bắt đầu bước vào độ chín của nghề nghiệp, 16 tác phẩm mang đến Paris lần này là những bức tranh điển hình cho mỗi thời kỳ vẽ của anh. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện khác nhau thể hiện những thời kỳ đen tối, bế tắc hay những giai đoạn trong trẻo, nhẹ nhõm hiếm hoi của đời họa sĩ. Nguyễn Xuân Hoàng chia sẻ: “…Thời kỳ “đầm lầy” là thời kỳ mà tôi khá bế tắc, dùng toàn những màu đen để vẽ, sơn rất lỏng, cảm giác như mọi thứ đang nhễ nhãi, đang chảy rớt. Nhưng ở giai đoạn khác lại có những tác phẩm vẽ một lớp sáng rất nhẹ nhàng trong trẻo. Cứ mỗi một thời kỳ sáng tác đều có một tâm trạng bị tác động rất mạnh từ đời sống khách quan, nói chung là khá phức tạp, đa dạng. Bản thân một nghệ sĩ mà không phức tạp thì nghệ thuật với anh ta không hề là một điều kỳ diệu. Vì vậy càng đi vào nghệ thuật, anh càng thấy cái phức tạp của bản thân, đó cũng như là cách mà anh ta có thể nhận thức được nhiều điều của thế giới này. Lúc đó anh ta mới có thể trở thành một nghệ sĩ đạt được sự kỳ diệu.”

Họa sĩ Lê Anh Hoài quan niệm, tác phẩm của anh chính là anh, là những cung bậc của cảm xúc nội tại được thể hiện qua những sắc độ của màu. Và những cung bậc đó không phải lúc nào cũng tròn trịa, hưng phấn mà có thể là những vết sẹo chứa đựng bên trong nỗi cô đơn, khủng hoảng. Lê Anh Hoài nói: “Thật ra, có lẽ cảm nhận của người vẽ là từ bên trong. Bạn bè tôi nói là tất cả những tranh của tôi đều có tôi trong đó, đều có người vẽ trong đó. Thế thì chắc chắn là cái khủng hoảng này xuất phát từ bên trong mình là chính. Thế nhưng một cảm xúc khác thì xã hội Việt Nam đang chuyển động rất là mạnh, cái cũ, cái mới, cái lạc hậu, kể cả cái mới tiếp nhận, cũng rất nhiều những va đập. Và cuộc sống thì cũng có rất nhiều sự khủng hoảng. Với góc độ nhìn từ cá nhân tôi thì một số góc cạnh đó cộng lại thành các tác phẩm này. Có thể khi mình nhìn những người vui, mình cũng thấy họ vui, nhưng mình không vẽ, mình chỉ vẽ những cái nó đang ở trong mình thôi. Tôi có cảm hứng với những số phận, những gương mặt buồn, có góc cạnh buồn, xung đột nhiều hơn.”

Nhận định chung về 45 tác phẩm trong triển lãm này, họa sĩ Đỗ Phấn có những ý kiến: “Hội họa chưa bao giờ được dùng để chuyển tải những thông điệp tức thời gắn liền với sự kiện, thế nhưng ẩn giấu trong tâm tư người nghệ sĩ luôn là những ẩn ức thời cuộc thường trực. Bốn họa sĩ này cũng vậy. Có thể nhận thấy dễ dàng những ký ức được phơi bày cận cảnh và trực diện. Họ có những nét hoàn toàn riêng biệt về bút pháp nhưng hết sức đồng điệu trong sáng tạo. Lê Anh Hoài dõi mắt nhìn thấu tâm can những nhân vật mà anh vẽ. Những khuôn mặt biến hình dị dạng hoảng hốt như hiện về từ giấc mơ gây ám ảnh mạnh mẽ. Dường như cái tha hóa của con người hiện đại đều đã có mặt trong mỗi chúng ta? Miền ký ức ấy được nhìn cận cảnh như một lời răn thẳng thắn độ lượng. Lê Nguyên Mạnh với những tác phẩm có thiên hướng bảo vệ môi trường sống. Con người trong tranh anh lẻ loi, bất lực, buồn bã trong một thiên nhiên u ám có sức lay động. Nguyễn Xuân Hoàng - một họa sĩ có nhiều năng lượng và chịu bung phá. Anh là người có nhiều năm nghiên cứu không gian phối cảnh ngược với cái nhìn sự vật càng xa càng lớn đồng thời nghiên cứu ánh xạ của những dải màu mà anh gọi là “lớp sáng”. Trong loạt tranh lần này, Nguyễn Xuân Hoàng trẻ trung tươi tắn với những tranh sơn dầu khổ lớn. Độ hài hước của nét bút vừa vặn để ai đó cũng phải mỉm cười nhưng không bị ngả sang biếm họa, hoạt kê. Nguyễn Văn Hổ với loạt tranh sơn dầu mới này cũng mang đậm sắc thái hài hước. Quan sát của anh không chỉ dừng lại ở hình thể tự nhiên của con người, sự vật. Cách lắp ráp ngẫu nhiên và cố tình của hình ảnh đã mang lại hiệu quả khá lạ. Nó đưa người xem đi từ phi lý này đến phi lý khác để đến cái đích cuối cùng là sự hợp lý”.

“DẰN VẶT” TRONG LÒNG CÔNG CHÚNG

Theo họa sĩ Đỗ Phấn khi đánh giá về đời sống mỹ thuật của Việt Nam vài năm gần đây, ông nhận thấy dường như có phần bình lặng. Thị trường tranh hội họa không có nhiều hoạt động. Một phần nguyên nhân chính là từ họa sĩ. Những lối mòn nhan nhản trên thị trường tranh khiến người xem đã có phần chán nản. Họa sĩ Đỗ Phấn hi vọng: “Triển lãm lần này của các họa sĩ có lẽ là những chuyển động hiếm hoi góp phần lôi kéo lại khán giả của hội họa”.

Giáo sư Nguyễn Thái Sơn - Chủ tịch Hiệp hội Pháp ngữ Paris (một Hiệp hội được lập ra để giao lưu văn hóa giữa những quốc gia có sử dụng tiếng Pháp), là một trong những người đứng ra tổ chức, ông cho biết mục tiêu của cuộc triển lãm này: “Chúng tôi muốn giới thiệu văn hóa của Việt Nam, của dân tộc Việt Nam cho quốc tế biết, giúp cho nghệ thuật Việt Nam, hội họa Việt Nam ra quốc tế. Trong dịp này thì chúng tôi có hợp tác với khối nói tiếng Pháp, đại sứ Pháp tại Việt Nam. Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam ủng hộ sáng kiến này, vì tranh của người Việt hiện giờ được lắm, có tài nhưng không được giá vì không ai làm quảng cáo. Chúng tôi muốn thăng hoa văn hóa Việt Nam.” Nói về chủ đề của cuộc triển lãm là “Dằn vặt”, Giáo sư Nguyễn Thái Sơn giải thích: “Tiếng Pháp “La Tourmente” nói lên tâm trạng của xã hội Việt Nam, của dân tộc Việt Nam, còn dằn vặt lắm, dân tộc Việt Nam chưa được thăng bằng­ Chúng tôi muốn nói về đề tài đó và những bức tranh này cũng nói lên đề tài đó. Người Pháp họ tới đây họ thích lắm và họ nói là sẽ hợp tác để mua những bức tranh này.”

Khách dự triển lãm đa phần là người bản địa hoặc người Việt Nam đang sinh sống tại Pháp, họ đến xem tranh không phải vì sự tò mò mà thực sự muốn thưởng thức, khám phá hội họa đương đại Việt Nam. Hai vợ chồng ông bà Jacques và Catherine Paumier, những người yêu văn hóa Việt Nam, bày tỏ sự thích thú khi lần đầu tham quan một phòng tranh của các họa sĩ trẻ Việt Nam. Ông bà Jacques Paumier nhận xét: “Bao trùm các bức tranh là sự phấp phỏng lo âu, tâm trạng sầu muộn, sự nuối tiếc những gì đã qua, và một số bức phản ánh điều gì đó như bạo lực trong thảm họa… Chi tiết trong các bức tranh có sự thể hiện rất khéo léo, khi thì khá cổ điển, khi thì hiện đại nên mối liên hệ đó rất thú vị. Điều chúng tôi thấy ấn tượng nữa là tính trào phúng trong các bức tranh này”. Những bức tranh đầy sự “Dằn vặt” này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của ông Guy Georges Vĩnh San, tức Hoàng tử Nguyễn Phúc Bảo Ngọc, con trai của vua Duy Tân. Ngài phát biểu cảm tưởng: “Tôi rất lấy làm hài lòng được xem các bức tranh có rất nhiều đặc thù và rất sâu sắc, bởi vì nó biểu hiện được những nỗi thống khổ. Cùng một lúc nó diễn tả được sự sáng suốt mà người xem có thể cảm nhận được. Dù không phải là một chuyên viên về hội họa nhưng tôi có thể biết, chẳng hạn như đây là một bức tranh tân thời, nó phản ảnh một cái gì đó đã làm xúc động trong tâm hồn của người họa sĩ và cái nhìn của anh ấy được diễn tả qua những bức tranh về thế giới và nói một cách đơn giản là những gì đã xảy ra chung quanh đời sống hàng ngày.”

DẤU HIỆU KHỞI SẮC NÀO CHO HỘI HỌA ĐƯƠNG ĐẠI VIỆT NAM?

Ngay tại triển lãm, Giáo sư Nguyễn Thái Sơn đã giới thiệu tổng quan về các bức họa của từng họa sĩ tham gia phòng tranh. Ông nhấn mạnh những ảnh hưởng mạnh mẽ của nền hội họa Pháp tới sự hình thành và phát triển của nền hội họa đương đại Việt Nam với sự thành lập Trường Mỹ thuật Đông Dương cách đây trên 100 năm, với sự truyền bá các trường phái hội họa hiện đại như trường phái ấn tượng, trường phái lập thể... đồng thời đề cao sự thể hiện bản sắc Việt Nam trong việc hấp thụ nền hội họa tân tiến thế giới, và hy vọng Việt Nam sẽ có những tác phẩm mang tầm thế giới. Ông Nguyễn Thành Vượng - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp, coi đây như một phần của hoạt động giới thiệu với thế giới các tác phẩm đương đại của lớp họa sỹ trẻ, một bộ phận của hội họa Việt Nam. Họa sĩ Công Quốc Hà - Giám đốc Nhà nghệ thuật Hà Nội tại Thụy Điển, người cùng với nhà nghiên cứu văn hóa Trần Thu Dung (Pháp) sáng kiến tổ chức triển lãm “Dằn vặt”, theo ông: “Thời đại đã cởi mở và đòi hỏi thử thách lớn đối với người làm văn hóa nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng”. Ông Hà muốn qua cuộc triển lãm hoàn toàn mang tính tự túc này của các họa sĩ để nói về quá trình phát triển các phòng tranh tư ở Việt Nam, những khó khăn khi in tác phẩm có liên quan đến hội họa và vấn đề đưa nghệ thuật hội họa Việt Nam ra thế giới trong thời kỳ mở cửa.

Về phía các họa sĩ Việt Nam, khi tự bỏ toàn bộ kinh phí để tham gia cuộc triển lãm này, họ không đặt vấn đề lợi nhuận lên hàng đầu mà trước hết chỉ mong muốn được giới thiệu với bạn bè quốc tế một phần nào đó những chuyển động mới của nền nghệ thuật hội họa trong nước nói chung và niềm đam mê của riêng họ. Cũng chính vì vậy, theo thông tin từ chính các họa sĩ, kết thúc cuộc triển lãm, không có bức tranh nào được mua. Điều còn ghi lại dấu ấn chính là những đánh giá về sự mới mẻ, ấn tượng của bốn phong cách hội họa đương đại Việt Nam xuất hiện trên các trang báo, các chương trình văn hóa nghệ thuật của một số đài tiếng nói tại Pháp và Việt Nam. Như vậy có thể thấy, câu hỏi về sự khởi sắc cho hội họa đương đại Việt Nam vẫn còn phải chờ đợi một thời gian nữa để có những hồi đáp từ chính công chúng yêu nghệ thuật…

HOÀNG PHONG

(Nguồn: Báo Văn Nghệ-HNV)

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *