Thời sự văn học nghệ thuật

26/9
8:26 PM 2018

VÀI NÉT VỀ VĂN HỌC CHIẾN TRANH TRONG NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG

NGUYỄN VĂN NHƯỢNG -Văn học Việt Nam 1945 - 1975 ra đời trong hoàn cảnh lịch sử đặc biệt của dân tộc, với hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ bảo vệ độc lập tự do và thống nhất Tổ quốc. Thời gian đã lùi xa nhưng văn học viết về chiến tranh luôn là một vấn đề có ý nghĩa thời sự trong đời sống văn học, có vị trí quan trọng đối với việc giảng dạy, học tập trong nhà trường hiện nay.

Ở trường phổ thông, văn học chiến tranh là mảng văn học chiếm thời lượng và nội dung khá lớn trong bức tranh tổng thể của phân môn văn học, với nhiều tác phẩm để lại những ấn tượng sâu đậm cho người dạy và người học như  Đồng chí của Chính Hữu, Tây Tiến của Quang Dũng,Làng của Kim Lân, Đất nước của Nguyễn Đình Thi, Việt Bắc của Tố Hữu, Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹĐất nước của Nguyễn Khoa Điềm, Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành,Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi, Những ngôi sao xa xôi của Lê Minh Khuê,… Những nhà thơ, nhà văn kể trên đa phần đều là những người lính trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia chiến trận, lăn lộn và trưởng thành trong gian khổ chiến đấu. Tác phẩm của họ đã đem đến những hình dung về lịch sử hào hùng, bi tráng của dân tộc. Đồng thời, từ những trang văn viết về chiến tranh, thế hệ trẻ trên ghế nhà trường cũng có được những bài học sâu sắc về phẩm chất ngời sáng của con người Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt.
 
Hiện thực chiến tranh qua trang sách

Phần lớn trong các tác phẩm văn học chiến tranh (được dạy trong nhà trường), các tác giả không mô tả trực tiếp các trận đánh ác liệt trên chiến trường mà phác họa không gian địa lí với những khó khăn gian khổ, thiếu thốn về vật chất, sự đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, với bom đạn kẻ thù. Qua những trang văn, thế hệ trẻ hôm nay - những người sống trong hòa bình - có thể hình dung ra những đêm rét chung chăn của người lính trong Đồng chí, những buổi chiều sương lấp đoàn quân mỏi trong Tây Tiến. Phối cảnh bao trùm là rừng thiêng nước độc, là những thiếu thốn, gian khổ: Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá (Đồng chí - Chính Hữu); Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây, súng ngửi trời (Tây Tiến - Quang Dũng).

Hiện thực khốc liệt của chiến tranh còn được tái hiện từ tội ác dã man của kẻ thù. Tội ác ấy được khắc ghi, dồn nén trong trăm nghìn căm uất bao giờ nguôi (Núi đôi - Vũ Cao), trong cảm xúc nghẹn ngào về những năm tháng Giặc đốt làng cháy tàn cháy rụi/ Hàng xóm bốn bên trở về lầm lụi (Bếp lửa - Bằng Việt), trong những quang cảnh điêu tàn Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều (Đất nước - Nguyễn Đình Thi). Chiến tranh, cùng với bạo lực, cái chết là sự chia lìa. Những người đồng chí, đồng đội đã ngậm ngùi tiễn biệt nhau trong không khí bi hùng của Tây Tiến (Áo bào thay chiếu anh về đất). Người con trai Vệ quốc trong Núi đôi của Vũ Cao, trong Quê hương của Giang Nam với nỗi đau tử biệt khi mất đi người con gái thương yêu (Giặc giết em rồi dưới gốc thông; Giặc bắn em rồi quăng mất xác). Chiến tranh hiện hình với khuôn mặt gớm ghiếc, man rợ của nó trong mỗi xóm làng, gia đình, số phận (cảnh đàn áp, tra tấn của kẻ thù với dân làng Xô Man trong Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành; gia đình anh Sáu trong Chiếc lược ngà của Nguyễn Quang Sáng; Việt và Chiến trong Những đứa con trong gia đình của Nguyễn Thi…).

Ở một cảm hứng khác, hiện thực chiến tranh và không gian chiến trường lại được nhà thơ Phạm Tiến Duật nhìn từ phía của người lính lái xe Trường Sơn trong những năm đánh Mĩ: Bom giật, bom rung kính vỡ đi rồi. Giọng điệu tự nhiên bình thản của tác giả tưởng như cố ý làm dịu đi cái nóng bỏng của chiến trường, nhưng vẫn không giấu được sự khốc liệt. Những chiếc xe không kính, không đèn, không mui vẫn băng băng ra mặt trận trên những cung đường mưa tuôn, mưa xối và mịt mù bom đạn. Vẫn là không gian Trường Sơn những năm đánh Mĩ, trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi, nhà văn Lê Minh Khuê đã phác họa rất cụ thể và chân thực: Đường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn. Hai bên đường không có lá xanh. Chỉ có những thân cây bị tước khô cháy. Những thân cây nhiều rễ nằm lăn lóc. Những tảng đá to. Một vài cái thùng xăng hoặc thành ô tô méo mó, han gỉ nằm trong đất. Không gian ấy làm nền cho những hoạt động của ba nữ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ quan sát địch ném bom, đếm bom, phá những quả bom chưa nổ, đo khối lượng đất đá, lấp các hố bom thông đường cho xe qua. Đó là không gian của chết chóc và hủy diệt. Sống trong không gian ác liệt của chiến trường với bao hiểm nguy rình rập, biết bao điều đáng sợ nhưng đáng sợ nhất là không còn được nghe thấy tiếng của đồng đội: Không gì cô đơn và khiếp sợ hơn khi bom gào thét chung quanh mà không nghe một tiếng trả lời nào dưới đất. Chiến tranh là như thế - đau thương, mất mát, hi sinh cũng là nơi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quật cường của dân tộc ngời sáng. 
          
Phẩm chất Việt Nam trong chiến tranh
Con người Việt Nam khi đặt trong những điều kiện có tính sống còn, trong những tình huống nguy nan nhất luôn bộc lộ phẩm chất cao đẹp. Đó là bài học to lớn mà chúng ta có thể giáo dục cho thế hệ trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường. Do vậy, tìm hiểu những tác phẩm văn học viết về chiến tranh trong nhà trường phổ thông là cách để tìm hiểu lịch sử tinh thần, lí tưởng, khát vọng, vẻ đẹp tâm hồn của con người Việt Nam.

Ở bất kì đâu trên dải đất đau thương mà anh dũng này, chúng ta cũng tìm thấy những tấm gương sáng ngời phẩm chất cao đẹp. Những tấm gương để ta soi mình vào và nhận ra con đường phía trước. Nhìn lại những năm tháng ấy, trong truyện ngắn Làng, nhà văn Kim Lân đã khắc họa hình tượng người nông dân bộc trực, chất phác có tình cảm gắn bó sâu nặng, máu thịt với làng quê, với đất nước và kháng chiến qua nhân vật ông Hai. Giặc tàn phá xóm làng, ông Hai nghe theo tiếng gọi của cách mạng đi tản cư nhưng vẫn luôn một lòng tin tưởng: có chết thì chết không bao giờ dám ăn ở đơn sai. Khi lũ giặc kéo đến, …người con trai ra trận/ Người con gái trở về nuôi cái cùng con/ Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh/ Nhiều người đã trở thành anh hùng (Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm). Chính họ dệt nên bản anh hùng ca bất diệt về một thời đại anh hùng. Cũng trong những ngày chống Mĩ rực lửa, khúc sử thi bi tráng trong truyện ngắn Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành đã tái hiện vẻ đẹp tráng lệ, hào hùng của núi rừng, của con người và truyền thống văn hóa Tây Nguyên. Những Tnú, Mai, Dít, Heng… tiêu biểu cho các thế hệ dân làng Tây Nguyên đã kiên cường đứng lên chống giặc trong vang vọng lời dặn dò của già Mết: Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!...

Theo dặm dài những cuộc chiến tranh trên đất nước, văn học còn khắc họa hình ảnh những con người Nam Bộ kiên trung theo cách mạng như các nhân vật bác Ba, ông Sáu và bé Thu trongChiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng). Họ đã “dàn hàng” để ra trận, tiếp nối truyền thống yêu nước đánh giặc Lớp cha trước lớp con sau/ Đã thành đồng chí chung câu quân hành (Tố Hữu).Chiếc lược ngà là tác phẩm xúc động viết về chiến tranh, thông qua hoàn cảnh éo le và những mất mát đau thương trong chiến tranh mà khẳng định, ngợi ca tình cảm gia đình, tình đồng chí đồng đội gắn bó nặng sâu. Những tình cảm ấy hòa quyện trong tình yêu cách mạng, kháng chiến. Cùng góp phần làm tỏa sáng vẻ đẹp con người trong chiến tranh, Những đứa con trong gia đìnhcủa Nguyễn Thi cũng là một tác phẩm xuất sắc kể về những người con trong một gia đình nông dân Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc, thủy chung son sắt với quê hương, với cách mạng. Chính sự gắn bó sâu nặng giữa tình cảm gia đình với tình yêu nước, giữa truyền thống gia đình với truyền thống dân tộc đã kết tinh, tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

Trong vẻ đẹp chung của con người Việt Nam những năm chiến tranh, một hình tượng “đóng đinh” trong nền văn học cách mạng và in sâu vào tâm khảm bao thế hệ bạn đọc là hình tượng người lính - những con người mà nhân dân vẫn trân trọng gọi là anh bộ đội Cụ Hồ. Đó là những người nông dân mộc mạc, giản dị sẵn sàng gia nhập đội quân cách mạng trong Đồng chí (Chính Hữu), là những trí thức, sinh viên, học sinh trong đoàn quân Tây Tiến (Quang Dũng). Nếu nỗi nhớ của người lính trong Đồng chí là nỗi nhớ hướng về ruộng nương, về gian nhà không mặc kệ gió lung lay thì trong hành trang và tâm hồn những người lính trẻ Tây Tiến lại mang theo giấc mơ về một dáng kiều thơm nơi kinh kì với vẻ đẹp lãng mạn, tài tử, hào hoa hiếm có. Còn muôn vàn nỗi nhớ như thế - nỗi nhớ của người lính trong Đất nước (Nguyễn Đình Thi): Những đêm dài hành quân nung nấu/ Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu; nỗi nhớ của anh Vệ quốc quân trong Nhớ (Hồng Nguyên), một mối tình quê đằm thắm, sâu nặng, thiết tha: Ba năm rồi gửi lại quê hương/ Mái lều gianh/ Tiếng mõ đêm trường/ Luống cày đất đỏ/ Ít nhiều người vợ trẻ/ Mòn chân bên cối gạo canh khuya.

Khát vọng lớn lao, lí tưởng cao cả, ý chí sục sôi giải phóng miền Nam đã làm thành nhịp đập trái tim toàn dân tộc trong những năm chống Mĩ ác liệt. Đại diện cho nhịp đập hào hùng ấy là những người lính, những thanh niên xung phong trên đường ra trận: Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim (Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật). Trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi của nhà văn Lê Minh Khuê, họ là những cô gái trẻ gồm chị Thao, Nho và Phương Định, làm thành một tổ trinh sát mặt đường. Trong bom đạn chiến trường, trong bao mất mát hi sinh, các chị vẫn đoàn kết yêu thương nhau bằng tình đồng đội thân thiết gắn bó. Nếu có nghĩ đến cái chết thì cũng chỉ thoáng qua, với các chị quan trọng nhất vẫn là “bom có nổ không và đồng đội có trở về an toàn không”. Chi tiết các chị vẫn bình thản nhai kẹo, vẫn hát, thêu thùa, vẫn làm đẹp cho cuộc sống của mình đã làm sáng lên cảm hứng lãng mạn ở chính nơi hiểm nguy, khốc liệt nhất. Trong truyện ngắn viết về “khoảng trời con gái” này, Lê Minh Khuê đã thể hiện rất thành công vẻ đẹp tâm hồn, thế giới nội tâm của ba nữ thanh niên xung phong, từ đó khẳng định sức sống và bản lĩnh của con người Việt Nam trong chiến tranh.

Với những thành tựu quan trọng, văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1975 đã hoàn thành sứ mệnh cao cả mà thời đại trao gửi. Trong âm thầm và lặng lẽ, giữa bom rơi đạn nổ của chiến tranh, các thế hệ nhà văn - chiến sĩ đã tâm niệm Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình (Hữu Thỉnh). Những câu thơ, câu văn đã phải đánh đổi bằng cả tuổi thanh xuân, được chắt lọc từ tâm hồn tươi trẻ sôi nổi của bao thế hệ dàn hàng ngang gánh đất nước trên vai (Bằng Việt) sẽ mãi mãi lay động tâm hồn người đọc.

*
*    *

Có thể nói, môn ngữ văn và đặc biệt là những tác phẩm văn học chiến tranh được dạy trong nhà trường có nhiều lợi thế đặc thù trong việc bồi đắp tâm hồn và giáo dục nhân cách cho học sinh. Thế hệ trẻ hôm nay sinh ra và lớn lên trong hòa bình, khi những cuộc chiến tranh đã lùi xa, sẽ khó mà thấm thía đến tận cùng những mất mát hi sinh trong chiến tranh nếu như thiếu vắng những tác phẩm văn học viết về nó. Vì vậy, văn học chiến tranh luôn nhắc nhở thế hệ hôm nay về tội ác chiến tranh đồng thời khẳng định chính nghĩa dân tộc trong việc đứng lên chiến đấu bảo vệ nền độc lập tự do, thống nhất đất nước; nhắc nhở mỗi chúng ta về vẻ đẹp, sức mạnh và triết lí sống của con người Việt Nam, thức tỉnh lòng yêu nước và tự hào dân tộc, một dân tộc không bao giờ chịu khuất phục trước mọi kẻ thù xâm lược: Nước chúng ta, nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về (Đất nước - Nguyễn Đình Thi) 
 

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *