Thời sự văn học nghệ thuật

3/5
10:10 PM 2019

HAI CUỘC TRIỂN LÃM “KÝ ỨC TRƯỜNG SƠN” VÀ “ĐIỆN BIÊN NĂM ẤY”

Sáng 3-5, tại Bảo tàng Đường Hồ Chí Minh-Hà Nội, Bộ tư lệnh Binh đoàn 12 phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức khai mạc triển lãm “Ký ức Trường Sơn” nhân kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959/19-5-2019). Triển lãm nhằm giới thiệu tới đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ về quá trình ra đời, xây dựng, chiến đấu và những mốc son tiêu biểu của Bộ đội Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; những đóng góp to lớn của những người lính Trường Sơn hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Qua đó góp phần tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; khơi dậy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc và sự biết ơn của thế hệ trẻ hôm nay.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh là một trong những nhân tố chiến lược có vai trò quyết định đưa cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc ta đi đến thắng lợi hoàn toàn. Điều đó khẳng định việc xây dựng tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh và thực hiện thắng lợi quyết định này là một thành công kiệt xuất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phần trưng bày “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật tiêu biểu phản ánh quá trình mở đường, vận chuyển hàng trên Trường Sơn giai đoạn đầu, quá trình tiến lên cơ giới hóa, thể hiện sự phát triển của mạng lưới giao thông chiến lược đảm bảo chi viện cho các chiến trường; các trọng điểm ác liệt trên Trường Sơn với những mục tiêu, thủ đoạn đánh phá trong chiến dịch ngăn chặn của Mỹ với các phương tiện, vũ khí hiện đại. Song cũng chính ở nơi sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc, cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn luôn giữ vững tư tưởng tiến công, chủ động, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo ra nhiều giải pháp độc đáo đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn khiến Mỹ phải kinh ngạc và khâm phục. Cũng chính trong mưa bom bão đạn của Mỹ, những chiến sĩ Trường Sơn vẫn rất lạc quan, vượt qua mọi sự khắc nghiệt của núi rừng, tình đồng chí, đồng đội luôn là sự gắn kết vô cùng thiêng liêng, với cùng chung một ý chí “Quyết đánh thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.

Phần trưng bày “Phát huy truyền thống”giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật giới thiệu về hoạt động của bộ đội Trường Sơn - Binh đoàn 12 trong thời kỳ đổi mới và phát triển kinh tế đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập thế giới; bộ đội Trường Sơn tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội xây dựng công trình giao thông cầu đường, thủy lợi, thủy điện, công trình công nghiệp, dân dụng… củng cố an ninh quốc phòng, xây dựng đất nước giàu đẹp. Triển lãm cũng giới thiệu về hoạt động Hội truyền thống Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh Việt Nam, về những cựu chiến binh Trường Sơn tiếp tục phát huy truyền thống của Bộ đội trường Sơn anh hùng trong cuộc sống mới cùng với nhiều cuốn sách và tư liệu xuất bản của Hội truyền thống Trường Sơn.

Triển lãm diễn ra đến ngày 31-5.

* Cùng ngày, 39 tác phẩm mỹ thuật trên nhiều chất liệu khác nhau như sơn mài, sơn dầu, tranh giấy, điêu khắc… được 27 họa sĩ sáng tác trong và sau thời gian diễn ra Chiến dịch Điện Biên Phủ được trưng bày tại triển lãm chuyên đề “Điện Biên năm ấy”, do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức khai mạc chiều 3-5, tại Hà Nội. Triển lãm đã tái hiện một quá khứ anh hùng, một bài học lịch sử sinh động quý báu được thể hiện bằng ngôn ngữ tạo hình, sẽ còn được ghi nhớ, trân trọng và truyền lại cho thế hệ mai sau. Triển lãm cũng hướng tới mục đích giáo dục truyền thống, lịch sử; khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đây cũng là dịp bày tỏ lòng tri ân tới những người chiến sĩ, những người có công làm nên chiến thắng vĩ đại.

Triển lãm đưa người xem về với những tháng ngày gian khổ, khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Pháp. Hình ảnh những người lính băng rừng, lội suối, cần mẫn hành quân xuyên đêm được thể hiện trong tác phẩm “Hành quân qua suối” của họa sĩ Tô Ngọc Vân; “Hành quân đêm” của họa sĩ Trần Đình Thọ; tác phẩm “Kéo pháo Điện Biên” của tác giả Trần Đình Thọ, “Kéo pháo” của tác giả Dương Hướng Minh khắc họa hình ảnh các chiến sĩ vượt đèo kéo pháo, đẩy pháo lên cứ điểm Điện Biên Phủ đầy nhọc nhằn, gian truân nhưng không kém phần lãng mạn.

Tại triển lãm, người xem còn được “thực mục sở thị” những tác phẩm thể hiện trận đánh mang tính nghệ thuật quân sự đỉnh cao như: “Đánh vào trung tâm Điện Biên Phủ” của tác giả Thế Vy, “Đánh chiếm điểm cao” của Lê Vinh, “Điện Biên năm ấy” của Cao Trọng Thiềm, “Rời lều cỏ Bác tiếp tục hành quân” của tác giả Nguyễn Trọng Kiệm, “Bác bảo thắng là thắng” của tác giả Nguyễn Phúc Khôi…

Triển lãm “Điện Biên năm ấy” sẽ kết thúc vào ngày 10-5.

(Theo: qdnd.vn)

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *