Thời sự văn học nghệ thuật

16/9
2:13 PM 2017

ĐƠN KÊU CỨU CỦA CHI HỘI ĐIỆN ẢNH HÃNG PHIM TRUYỆN VIỆT NAM

Ngày 9-9-2017, các hội viên thuộc Chi hội Điện ảnh Hãng phim truyện Việt Nam, do NSND Nguyễn Thị Minh Châu làm Chi hội trưởng, đã ký vào “Đơn kêu cứu” gửi Ông Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam và Ban lãnh đạo Hội Điện ảnh Việt Nam, về thực trạng bi đát của Hãng phim giàu truyền thống bậc nhất nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam hiện nay. Toàn văn như sau:

Chúng tôi là tập thể anh chị em nghệ sỹ, hội viên trực thuộc Chi hội Điện ảnh Hãng Phim Truyện Việt Nam.

Chúng tôi viết đơn này  xin thỉnh cầu đến quý Hội một việc như sau:

Năm 2015 Công ty TNHH MTV Hãng Phim Truyện Việt Nam nhận được chỉ thị của chính phủ về việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, đây là một chủ trương  lớn và đúng đắn của nhà nước và là xu hướng tất yếu đối với các đơn vị, doanh nghiệp để thoát khỏi tình trạng làm ăn thua lỗ trì trệ. Tập thể anh chị em nghệ sĩ Hãng Phim Truyện cũng đồng tình với yêu cầu này của nhà nước bởi ai cũng mong sau khi cổ phần hóa,  hãng phim sẽ phát triển, sẽ có nhiều bộ phim hay được sản xuất,  hấp dẫn khán giả vì có sự chung tay của cộng đồng  doanh nghiệp xã hội hóa và đời sống anh chị em nghệ sĩ sẽ được nâng cao. 

Ngay sau đó Ông Vương Tuấn Đức –  Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Hãng phim thành lập Tổ giúp việc cho Ban cổ phần hóa -  Bộ VHTT & DL gồm 7 người. Nhưng có một điều hết sức kỳ lạ là trong tổ này lại không có  các ông: Ông Lý Thái Dũng – NSND, Phó giám đốc phụ trách kỹ thuật, ủy viên Hội đồng thành viên Hãng phim truyện Việt Nam. Ông Nguyễn Thanh Vân – NSND, Phó giám đốc phụ trách nghệ thuật, ủy viên Hội đồng thành viên Hãng phim truyện Việt Nam là những nghệ sĩ có tên tuổi, có chức danh  và  có chuyên môn cao cũng như có kinh nghiệm nghề nghiệp nhiều năm trong nghề làm phim.

Thay vào đó là bà  Hoàng Hồ Lan – Nhân viên phòng tổ chức, bà Đào Hồng Thắm – Thư ký giám đốc. Tổ giúp việc này, do ông Vương Tuấn Đức làm tổ trưởng cùng với Công ty tư vấn về giá trị doanh nghiệp, trước khi cổ phần là Công ty TNHH kiểm toán quốc gia VIA và Công ty tư vấn CPH là Công ty chứng khoán Châu á –  Thái Bình Dương đưa ra giá trị thương hiệu và giá trị đất đai, ưu thế sử dụng vị trí đất đai của Hãng phim truyện Việt Nam bằng 0, với sự đồng ý của Ban cổ phần hóa – Bộ VHTT & DL.

Ngày 13.1.2016, Bộ VHTT&DL ra công bố việc tìm nhà cổ đông chiến lược trên phương tiện thông tin đại chúng thì ngày 16 đến ngày 18.1.2016, Ban cổ phần hóa & Tổ giúp việc đã cho đăng 3 kỳ trên báo Kinh tế & Đô thị Hà Nội với khổ chữ bé đến mức gần như không thể đọc nổi, và ở góc trong không ai tìm đọc (Có bản lưu). Và đó là tờ báo duy nhất đăng tin?

Ngày 26.1.2016, Ban cổ phần hóa Bộ VHTT & DL tuyên bố hết thời hạn. Vậy là chỉ  có  10 ngày cho việc đăng ký đấu thầu làm Nhà cổ đông chiến lược Hãng phim truyện Việt Nam.

Xin lưu ý thêm: Ngày 28.1.2016 là ngày cuối cùng làm việc của công chức để sau đó nghỉ tết âm lịch 2016.

Trong khi đó, khoảng một năm trước đã có sự hiện diện của Tổng công ty vận tải thủy với hồ sơ đăng ký là Nhà cổ đông chiến lược, dày lên tới hàng chục kg giấy. Như vậy rõ ràng hồ sơ đăng ký là cổ đông chiến lược của Tổng công ty vận tải thủy và  thời gian công bố tìm nhà cổ đông chiến lược trên thông tin đại chúng của Bộ Văn Hóa TT& DL là hoàn toàn không khớp và có điều gì uẩn khúc.

 Điều này dẫn đến hệ lụy là: Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso) chỉ với 32,5 tỷ đồng đã chiếm 65% tổng giá trị doanh nghiệp, trở thành cổ đông chính, nhà cổ đông chiến lược sau khi Hãng trở thành Công ty cổ phần.

Ước tính giá trị đất đai và lợi thế vị trí đất đai của Hãng PTVN theo giá thị trường vào khoảng 2.000 tỷ đồng, chưa kể giá trị thương hiệu với trên 400 bộ phim truyện có từ gần 60 năm thành lập.

Sự định giá thương hiệu của Hãng Phim Truyện Việt Nam bằng 0 và sự xuất hiện cũng như quy trình cổ phần hóa diễn ra với Tổng công ty vận tải thủy (Vivaso) là điều bất bình thường khiến toàn bộ giới văn nghệ sĩ trong nước bất bình và  đặt câu hỏi về sự minh bạch. 

Nhiều nghệ sĩ gạo cội của ngành Điện ảnh vô cùng bức xúc, đó là tập thể những Nghệ sĩ và  Nhà quản lý có tên tuổi như NSND Trà Giang; Nhà biên kịch, Phó chủ tịch thường trực Hội điện ảnh Việt Nam Nguyễn Thị Hồng Ngát; Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã; NSUT Đức Lưu; Đạo diễn, NSND, phó giám đốc Hãng phim truyện VN Nguyễn Thanh Vân; NSND Minh Châu; NSUT Nguyễn Đức Việt; NSUT Họa sĩ Vũ Huy; Chuyện viên kinh tế Lê Hồng Sơn đã  nhiều lần  gửi kiến nghị lên các cấp... thì ngày 28.12.2016 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra kết luận: “Rà soát lại toàn bộ quá trình Cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, đưa giá trị thương hiệu tương xứng với giá trị lịch sử truyền thống của Hãng phim truyện Việt Nam vào giá trị doanh nghiệp khi có quyết định thành Công ty cổ phần…”

Tuy nhiên Bộ vẫn giữ nguyên Ban cổ phần của Bộ VHTT & DL do thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái làm trưởng ban, cùng với Công ty kiểm toán, Công ty tư vấn…và Ban giúp việc của Hãng phim do ông Vương Tuấn Đức làm tổ trưởng cam kết sẽ định giá giá trị thương hiệu của Hãng và bổ sung ở Đại hội cổ đông lần 2. Câu hỏi được đặt ra: Nếu giá trị thương hiệu của Hãng cao hơn con số 32.5 tỷ tương đương với 65% giá trị doanh nghiệp mà Tổng công ty vận tải Thủy bỏ ra, thì ai sẽ là Nhà cổ đông chính, cổ đông chiến lược của Hãng phim truyện Việt Nam?

Việc đại hội cổ đông lần thứ 2 chưa được thực hiện thì  ngày 16.3.2017, Bộ Tài chính ra văn bản Dự thảo mới và tuyên bố trước truyền thông là sẽ thay thế Nghị định 59, do Nghị định này có nhiều thiếu sót như  đặt giá trị đất và ưu thế sử dụng vị trí đất ra khỏi giá trị doanh nghiệp. Dự thảo nghị định mới của Bộ Tài chính sẽ phải tính đến giá trị đất và ưu thế sử dụng vị trí đất vào giá trị của doanh nghiệp.

Lo ngại Dự thảo mới này có hiệu lực, Ban cổ phần hóa – Bộ VHTT & DL đã cho phép ông Vương Tuấn Đức – Tổ trưởng tổ giúp việc làm Đại hội cổ đông lần 1 vào ngày 20.5.2017. Ngày 23.6.2017 Bộ VHTT&DL đã ra quyết định thành lập Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam thay thế Công ty TNHHMTV Hãng phim truyện Việt Nam mà  giá trị thương hiệu của Hãng  vẫn  chưa được tính vào như sự chỉ đạo của Thủ tướng .

Cho đến hôm nay,  giá trị thương hiệu vẫn bằng 0.

Nhà cổ đông chiến lược là Tổng công ty vận tải thủy (là nhà cổ đông duy nhất) đã đưa ra rất nhiều cam kết trong đó có việc đảm bảo việc làm, tôn trọng nghề nghiệp… và đảm bảo mức lương theo quy định của Nhà nước với 85 thành viên còn lại của Hãng với mức lương bình quân người/ tháng là 4.800.000 đồng cho năm 2017.

Nhưng sau hơn hai tháng cổ phần, tháng thứ nhất (7-2017), lương của cán bộ giữ nguyên như thời gian trước cổ phần và mức lương thấp nhất vẫn là 540.000 đồng. Tháng thứ 2 (8-2017)  chỉ một số cán bộ công nhân viên trong hãng nhận được tạm ứng lương với mức thấp nhất (1.000.000 đ) và có sự chênh lệch cao thấp không đồng đều, không theo một định mức, một căn cứ nào hết, và một số cán bộ hoàn toàn không có lương… điều này khiến mọi người thắc mắc mà không có bất cứ lời giải đáp nào.

Cũng trong tháng 8-2017, Ban giám đốc và chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Vận tải thủy đã tự ý thực hiện hàng loạt sự xáo trộn về cơ sở vật chất trong hãng. Cụ thể là:

  • Sát nhập 4 phòng:  Biên kịch, đạo diễn, quay phim, thiết kế mỹ thuật vào một phòng gọi tên mới là phòng nghệ thuật, còn dãy nhà trước đây của 4 phòng đã tiến hành cho thuê để kinh doanh chứ không phục vụ mục đích làm phim.
  • Cổng chính của Hãng Phim Truyện Việt Nam sau gần 60 năm tồn tại lập tức bị đóng lại. Toàn bộ anh chị em nghệ sĩ và cán bộ công nhân viên phải đi cổng phụ để vào làm việc.
  • Toàn bộ kịch bản quý giá của các biên kịch gạo cội từ khi hãng được thành lập với bộ phim đầu tiên “Chung một dòng sông” đến các bộ phim nhựa được sản xuất những năm gần đây gây tiếng vang trong các  Liên hoan phim Quốc tế và trong nước đều bị đem đi gửi ở Viện phim Việt Nam khiến chiếc tủ đựng kịch bản của phòng biên kịch trống trơn không còn một bản thảo kịch bản nào. Đây là một điều xúc phạm đến truyền thống, của bao thế hệ các nhà biên kịch, các nhà làm phim, các nghệ sĩ của hãng gần 60 năm qua. Khiến các nghệ sĩ trẻ trong hãng vô cùng hoang mang, mất niềm tin, các nghệ sĩ lớn tuổi thì đau xót, uất hận.
  • Các kho đạo cụ, phục trang vốn là tài sản, gắn liền với hoạt động của  hãng  phim bị chuyển đến các kho của công ty vận tải thủy cách hãng phim  gần 40 km.  Mục đích chuyển đi cũng là lấy các phòng cho thuê  để kinh doanh. Cũng với mục đích trên, một phòng dựng, và thu thanh đã bị  tháo dỡ, di chuyển.
  • Ban lãnh đạo Tổng công ty Vận tải Thủy không lo cho cán bộ công nhân viên,  nghệ sĩ trong Hãng được bất kỳ một công việc mới nào. Trái lại họ yêu cầu anh em nghệ sỹ tự đi kiếm việc, tự trả lương, còn họ sẽ không trả lương, nếu muốn  trả lương phải đi đủ 8 giờ như đi làm hành chính.  Đó là điều thể hiện sự quan liêu và không hề biết gì về đặc thù công việc làm phim của anh em nghệ sỹ, thành phần sáng tác trong hãng. Tuy vậy, sau khi có kiến nghị phản đối của khối Nghệ thuật bao gồm: Phòng Biên kịch, Phòng đạo diễn, Phòng quay phim, họ đã chấp nhận hủy bỏ quy định thời gian làm việc (Đi đủ 8h/ngày) đối với khối Nghệ thuật…

Tất cả những xáo trộn đã nêu trên khiến cán bộ công nhân viên, nghệ sĩ, các hội viên trong Hãng trở nên hoang mang, tâm lý bất ổn và đời sống vô cùng khó khăn bởi tình trạng lương không có, kìm kẹp về giờ giấc làm việc ảnh hưởng rất lớn đến đời sống gia đình và hệ lụy lớn nhất nếu tình trạng này kéo dài sẽ làm cho tâm lý sáng tác sáng tạo của nghệ sĩ trong hãng bị mai một.

Cũng xin được nói thêm, trước đó trong thư ngỏ của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công Vận tải Thủy Nguyễn Thủy  Nguyên viết ngày 5-5-2016, ông này tỏ ra rất quan tâm và tâm huyết với sự nghiệp làm phim của hãng phim truyện và hứa hẹn nhiều điều như đầu tư máy móc hiện đại để làm phim, xây dựng và thực hiện các chương trình quảng bá truyền thông… làm tăng thêm thu nhập cho Hãng, xây dựng kho bãi, trường quay, bắt tay với các đối tác lớn để làm phim….

Tuy nhiên sau hai tháng cổ phần những lời hứa hẹn của Ông Nguyễn Thủy Nguyên không hề được thực hiện, mà ngay lập tức đã vi phạm nhiều cam kết trước đây.

Qua đó tất cả hội viên chúng tôi đều nhận thấy rõ ràng mục đích của Công ty Vận tải Thủy là: Lợi dụng kẽ hở trong việc cổ phần hóa để chiếm đất của Hãng phim, mà hoàn toàn không biết và không muốn phát triển Hãng như nội dung trong thư ngỏ của Tổng công ty vận tải Thủy hứa hẹn với các cán bộ, văn nghệ sĩ Hãng phim.

Từ tất cả những điều mà chúng tôi đã trình bày trên đây. Tập thể anh chị em nghệ sĩ Hội viên của chi Hội Điện ảnh Hãng Phim Truyện kính đề nghị Hội Điện ảnh Việt Nam hãy vào cuộc, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên chúng tôi. Kính mong Hội Điện ảnh có tiếng nói và những kiến nghị lên cấp trên để anh em nghệ sĩ chúng tôi được làm phim, được cống hiến cho nền Điện ảnh nước nhà và có được một cuộc sống ổn định đủ sống như các cán bộ công nhân viên chức của các ngành nghề khác trong cả nước.

Chúng tôi kiến nghị Hội Điện ảnh yêu cầu Chính phủ và  các cơ quan chức năng có thẩm quyền giám sát chặt chẽ  và có những giải pháp thay đổi căn bản  về  tiến trình cổ phần hóa Hãng phim truyện VN  sao cho tài sản của nhà nước không bị thất thoát , tìm được cổ đông chiến lược chính xác sau khi thương hiệu và lợi thế vị trí đất của hãng  được tính  vào  giá trị doanh nghiệp nhằm thực hiện đúng, đầy đủ , minh bạch quá trình “rà soát lại’’ việc   cổ phần hóa Hãng phim truyện VN theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Nếu như việc cổ phần hóa không được thực hiện nghiêm minh, chúng tôi tin chắc rằng Hãng phim truyện VN được chính chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo thành lập,  đã phát triển gần 60 năm,  với rất nhiều  tác phẩm điện ảnh nổi tiếng  đi cùng với các sự kiện của đất nước sẽ bị biến mất , bị phá hủy bởi những người không có văn hóa, kiến thức, không tôn trọng truyền thống , công sức của bao thế hệ nghệ sỹ lão thành cũng như công sức  các nghệ sỹ ngày hôm nay.

Chúng tôi thiết tha, khẩn cầu Hội Điện ảnh hãy cứu giúp chúng tôi.  Xin trân trọng cảm ơn quý Hội.

Hà Nội ngày 9 tháng 9 năm 2017

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *