Tác phẩm và dư luận

21/10
6:02 PM 2017

TỌA ĐÀM GIỚI THIỆU TẬP THƠ “NHỊP CẦU VĂN CHƯƠNG”

TUYÊN HÓA – Sáng 21-10-2017, tại trụ sở Hội nhà văn Việt Nam (9-Nguyễn Đình Chiểu-Hà Nội), Ban Văn học Công nhân (Hội Nhà văn Việt Nam) phối hợp cùng Công ty Thiết kế Mỹ thuật Hải Đăng tổ chức buổi tọa đàm giới thiệu tập thơ mang tên NHỊP CẦU VĂN CHƯƠNG - Thơ chọn (tập I), do NXB Hội Nhà văn ấn hành tháng 10-2017.

Tập sách gồm 102 bài thơ của 34 tác giả trong cả nước. Đây là những bài thơ được các cây bút tự chọn lọc từ những bài thơ chất lượng nhất trong đời thơ của mình, rồi được Nhịp cầu văn chương cùng những nhà thơ có uy tín thẩm định; nhằm giới thiệu cho bạn đọc những ấn phẩm thơ của một số cây bút đang âm thầm lao động nghiêm túc trên cánh đồng nghệ thuật.

Quang cảnh cuộc tọa đàm

Tham gia chủ trì sự kiện, nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ nhiệm CLB Văn chương (Hội nhà văn VN) nhận xét: Tôi rất cảm kích khi biết nhóm biên soạn Nhịp cầu văn chương đã tự nguyện bỏ công ra đọc thơ của những người viết còn âm thầm lao động thơ trong các CLB thơ khắp nước để tìm ra những bài hay, phát hiện các tác giả có triển vọng, rồi in thành các tập liên tiếp, tập này là tập đầu, để giới thiệu với bạn đọc và với các Hội nhà văn chuyên ngành trong cả nước. Các anh chị không phải là người tuyển chọn chuyên nghiệp. Tấm lòng hào hiệp ấy rất quý.

Đây là tập chọn từ các cây bút chưa được biết đến nhiều, tên tuổi còn lẫn trong số đông nhưng đã làm người đọc phải dừng lại ở bài này hay bài khác của những Nguyễn Việt Anh, Nguyễn Lâm Cẩn, Đỗ Anh Thư, Đặng Ngọc Vân, Huy Khôi, Lê Xuân Hãn, Lê Tiến Vượng, Chử Thu Hằng, Hoàn Nguyễn, Vương Chi Lan (Vương Thiên Nga), Đồng Duy Toại v.v…

Nhà thơ, Nhà phê bình văn học Vũ Nho phát biểu nhận xét về tập thơ

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai, Chủ nhiệm CLB nhà thơ nữ (Hội nhà văn VN) phát biểu bình luận những bài thơ, những câu thơ hay trong tạp thơ: Ba mươi tư cái tên. Họ trước hết là những người đã trải nghiệm, đã đầy ắp những thăng trầm của năm tháng đời người. Bây giờ ngoái lại cho dù mất mát, cho dù phải trả giá nhưng trong họ vẫn là nỗi khắc khoải nuối tiếc về một thời đã sống; Đẹp và Buồn: Sông xưa xô mảnh quê nghèo/ Tiếng chèo quẫy nước ngược chiều heo may (Vọng Đò - Thủy Nguyên); Góc ao - khoảng lặng ru hồn/ Nơi neo đậu để thuyền con trở về (Chỉ còn ký ức - Phương Anh)... Nỗi khắc khoải với ký ức về một thời đã sống là cảm hứng nổi bật trong Nhịp cầu văn chương, nhưng nỗi thương cảm xót xa với thân phận con người mới là cảm hứng chủ đạo. Những số phận bất hạnh thì ở đâu và thời nào cũng có, nhưng bây giờ đã là thời đại của nền kinh tế phát triển mà phận người còn gặp nhiều nghiệt ngã đáng thương. Đó là những em bé đánh giày lang thang kiếm sống: Giọng em lành lạnh, tiếng mưa/ Mải miết xoa, quẹt/ thay đùa tự vui... (Em đánh giày - Nguyễn Dưỡng); những người làm nghề xe ôm, lao động chợ người: May rủi, bữa không, bữa có/ Ai thuê làm gì hăm hở nhận ngay.. (Gặp đồng hương - Thanh Hải); một chị bán rau khốn khổ: Quang gánh bồng bềnh níu kéo đôi vai/ Một đoạn đường giữa phố chẳng còn ai/ Chỉ có chị tả tơi trong mưa gió… các con chị đang chờ đầu ngõ/ Mong mẹ về trong sấm chớp mưa dông... (Cơn mưa chiều - Thanh Hải)... Đó còn là sự cô đơn trong kiếp làm người của người phụ nữ. Cô đơn đến hoang lạnh, đến buốt nhói cõi đời. Biểu hiện đặc sắc nhất trong các bài: Hai cái bóng trên tường vôi trắng (Nguyễn Hoàn), Chị ngồi giặt áo (Lâm Cẩn), Tấu khúc nhân tình (Xuân Lan), Hạt cườm (Minh Huệ)...

Nhà thơ Vương Chi Lan, Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh, phát biểu cảm tưởng về tập thơ

Thơ tình yêu trong Nhịp cầu văn chương-tập thứ nhất này-không chiếm tỉ lệ nhiều nhưng những bài được chọn đều có tứ, cảm xúc yêu chân thực, mê đắm và có phần bạo dạn, như các bài: Người về từ tiền kiếp (Đỗ Anh Thư), Ghen (Tâm Chung), Cơ duyên (Tịnh Văn), Yêu cuồng si (Minh Huệ), Đừng anh (Hoàn Nguyễn)…

Và cuối cùng, không thể không nhắc đến một đề tài quan trọng mà Ban biên soạn Nhịp cầu văn chương may mắn được các tác giả đặt vào tay các bài thơ mang đề tài ấy. Đó là viết về cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn độc lập dân tộc. Gồm 10 tác giả với 10 bài thơ là: Em ở nơi đâu (Trưng Dụng), Tết nhớ (Nguyễn Dưỡng), Đảo Mê có một con đường (Kim Khánh), Một thời chép lại (Thanh Hải), Những ngôi mộ chủ quyền (Ngọc Vân), Thẫn thờ quanh Núi Đôi (Huy Khôi), Trong lòng Thành cổ (Chu Long), Canh của lính (Chu Sách), Nuôi viên đạn giặc, Bóng Kinh thành (Công Viễn). Cho dù qua hay không qua trận mạc, nhưng người viết thực sự sống với một thời đất nước giặc giã chiến tranh, người viết thấu hiểu cái giá của hy sinh mất mát và lòng thành nâng niu trân trọng những giá trị của độc lập, chủ quyền dân tộc.

Các đại biểu tham dự tọa đàm sôi nổi phát biểu

Như vậy, Nhịp cầu văn chương là một tập thơ được chọn với số lượng vừa đủ, có chất lượng, dụng công, hầu hết các bài thơ đạt khá trở lên. Nhiều tác giả viết đều tay, cả chùm đều hay như: Đỗ Anh Thư, Phương Anh, Tất Vĩnh, Thanh Hải, Ngọc Vân, Huy Khôi, Nguyễn Việt Anh, Lê Tiến Vượng, Xuân Lan, Hoàn Nguyễn, Nguyễn Lâm Cẩn, Nguyễn Công Viễn...

Được biết, hiện nay Ban biên tập đã xúc tiến việc tuyển chọn Tập 2 của dự án xuất bản “xê-ri” Nhịp cầu văn chương nhiều tập.

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *