Tác phẩm và dư luận

24/11
9:44 AM 2017

SỐ PHẬN VÀ BẢN LĨNH

Nguyễn Mai Anh- Nhiều người nghĩ, trước mũi tên hòn đạn làm nhà báo đỡ hiểm nguy hơn làm lính. Họ nhầm. Cứ nhìn nhân sự báo Cờ Giải phóng qua Mậu Thân 1968 thì biết. Với riêng Nguyễn Quang Hà, tổng kết cuộc chiến tranh chống Mỹ anh bị thương năm lần, đều trên cương vị phóng viên chiến trường.

Nhà văn Nguyễn Quang Hà, tên khai sinh: Nguyễn Mạnh Tràng. Sinh ngày 15-01-1941. Quê quán: xã Quang Châu, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: đạo Phật. Hiện thường trú tại 147/6 Phan Đình Phùng, TP Huế. Đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam. Vào Hội năm 1977.

VÀI NÉT VỀ QUÁ TRÌNH HỌC TẬP, CÔNG TÁC, SÁNG TÁC: 1958-1967 dạy học ở Bắc Giang. 1967-1977 đi bộ đội, chiến đấu ở Thừa Thiên Huế, 1975 bị thương, ra Bắc, học khóa 7 lớp Bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Bá, Hà Nội, chuẩn bị giải phóng miền Nam trở lại chiến trường. 1977-2000 chuyển ngành, công tác tại tạp chí Sông Hương, Hội VHNT Bình Trị Thiên, nay là Thừa Thiên Huế.

TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN: Đã xuất bản 25 đầu sách, trong đó có: 3 tập thơ, 15 tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn và ký sự.

GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC: Giải A bút ký báo Văn nghệ – Đài TNVN, 1984. Giải B bút ký báo Văn nghệ, 1987. Giải Nhì bút ký báo Văn nghệ, 1996. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2003. Giải Nhì cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn, 2008.

 

Đọc “Để gió cuốn đi”, tự truyện của nghệ sĩ Ái Vân mới xuất bản, chương 14 Tình duyên – chị kể. Năm 2009, tình cờ chị gặp một ông thầy tử vi trong một quán ăn ở Thanh Hóa, chị hỏi ông chuyện tình duyên của mình. Ông từ chối, nói thẳng:“Vì tình duyên chị quá xấu nên tôi không nói, sợ chị buồn”.Sau do chị nì nèo, ông ngồi thở ra, bấm ngón tay lẩm bẩm sao này sao nọ, cung nọ cung kia và nói đúng hai câu. Chỉ hai câu mà Ái Vân lạnh toát cả người, vì hoàn toàn khớp với những gì chị từng trải nghiệm.

Đọc đến đây, tôi bỗng  nhớ một chuyện tương tự của nhà văn Nguyễn Quang Hà. Năm 1967 trên đường hành quân vào Nam, đơn vị anh dừng nghỉ ở Đức Lạc, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Một buổi sáng anh cùng mấy người đồng đội vào một quán nhỏ ven đường uống nước chè xanh, ăn kẹo cu đơ. Có ông lão ngồi trong quán từ bao giờ, nhìn anh thủng thẳng:

“Chú ni bỏ vô cối giã cũng không chết”

“Còn con thì sao ông? Con thì răng?”

Mấy đồng đội đi cùng anh nhao nhao hỏi. Ông lão nhìn lướt qua một lượt rồi lảng chuyện. Đại đội Ngô Gia Tự của Nguyễn Quang Hà quân số 155 người, tất cả là giáo viên, giáo sinh trường Sư phạm tỉnh Hà Bắc nhập ngũ. Vào Nam lần ấy, trải qua cuộc chiến tranh 139 người hy sinh, còn lại 16 đồng chí, mỗi người một hoàn cảnh. Đặc biệt, những người mà ông cụ lảng chuyện trong quán nước chè xanh thảy đều trận vong, chỉ còn anh - hạt gạo trên sàng duy nhất sót lại.

Ái Vân gặp ông thầy tử vi lúc đời đã sang chiều, sự được thua cơ bản đã an bài, có hỏi tới hỏi lui cũng chỉ để thỏa trí tò mò. Còn Nguyễn Quang Hà gặp người đoán vận số của mình khi đang đầu xanh tuổi trẻ, nghe đó rồi quên đó. Tám năm sau, năm 1975 bước ra khỏi cuộc chiến với một thân thể nguyên lành dù năm lần bị thương, nhớ lại lời ông cụ gặp trong quán nước ở Đức Thọ, Hà Tĩnh năm nào, anh giật mình, thấy con người ta sống trên đời thảy đều… có số! Khi đã tin vậy, anh sẽ ứng xử thế nào với những năm tháng mình chưa tiêu hết đây – Biết bao lần Nguyễn Quang Hà tự vấn -  Buông xuôi chăng hay vẫy vùng trong khoảng số phận cho phép? Yêu quê hương đến nỗi lấy tên xã (Quang Châu), tên tỉnh (Hà Bắc) ghép lại làm bút danh, mang căn cốt nông dân trong người, rất thích cảnh “Trưa mang cơm, sâm sẫm cưỡi trâu về…”(1) , Nguyễn Mạnh Tràng luôn mơ được sống trong một căn nhà có vườn rộng để “đái đâu cũng được”. Suốt thời trận mạc, anh chỉ mong hết chiến  tranh giải ngũ về quê đem công sức thực hiện điều mơ ước. Nhưng người vợ mà anh yêu quý sau sáu năm hóa đá chờ chồng; đến năm thứ bảy, một đêm mát giời bỗng phục sinh nguyên trạng đàn bà, yêu một đàn ông khác trong làng, có con riêng, chặn đứng đường về của chồng lại. Thế là đáng lẽ hồi hương như dự tính, ngày toàn thắng trong lúc đồng đội nhiều người hát khúc khải hoàn trên những chuyến tàu xe ngược Bắc, Nguyễn Quang Hà ngậm ngùi tính kế lâu dài, ở lại Huế, cày cuốc trên cánh đồng chữ nghĩa, tiếp tục công việc đã làm trong chiến tranh.

Quả vậy. Nguyễn Mạnh Tràng (tên khai sinh của nhà văn Nguyễn Quang Hà), sinh ngày 15-01-1941, quê quán: huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang; năm 1959 tốt nghiệp trung học phổ thông, thi đỗ vào trường Đại học Tổng hợp Toán Hà Nội, nhưng vì gia đình địa chủ, cả hai bên ông bà nội ngoại đều là địa chủ, địa phương không cho đi. Bỏ mộng Cử nhân, cậu tú Tràng xếp bút nghiên xuống thuyền làm “anh chân sào” chở hàng thuê dọc sông Thương, sông Cầu… sau đó xin đi dạy cấp II (THCS bây giờ), dù chưa qua một chương trình đào tạo Sư phạm nào. Năm 1967, mang theo lời tiên tri của ông lão nông dân gặp trong quán nước, thầy giáo Nguyễn Mạnh Tràng cùng đồng đội hành quân vào Nam đánh giặc ở chiến trường Thừa Thiên, làm lính Công trường 5, một đơn vị vũ trang nổi tiếng của Thành đội Huế dưới sự chỉ huy của người chiến binh huyền thoại Thân Trọng Một. Mê văn chương chữ nghĩa, sau mỗi trận chiến đấu trở về căn cứ, anh lặng lẽ kiếm vỏ bao thuốc lá, những mảnh giấy khả dĩ cặm cụi ngồi viết báo, làm thơ, bí mật gửi báo Cờ Giải phóng, cơ quan tuyên truyền của mặt trận Thừa Thiên - Huế. Một số bài viết của anh được in. Đọc tác phẩm của thuộc cấp, ông Thân Trọng Một ngạc nhiên bảo anh: “Tràng về làm báo nhé?”. Tưởng thủ trưởng nói chơi, nhưng sau Mậu Thân 1968, tất cả phóng viên báo Cờ Giải phóng bị thương, vong. Không thể để cơ quan ngôn luận của mặt trận tắt tiếng, thành đội Huế bổ xuống các đơn vị tìm người. Thế là anh chiến sĩ Công trường 5 Nguyễn Mạnh Tràng trở thành phóng viên chiến trường Nguyễn Quang Hà từ đấy. Từ đấy Nguyễn Quang Hà mê mải đi khắp các nẻo đường của mặt trận Thừa Thiên - Huế,  khi xuống làng bám trụ với cán bộ, du kích xã. Lúc lên rừng thâm nhập các đơn vị bộ đội, lấy tài liệu viết bài.

Nhiều người nghĩ, trước mũi tên hòn đạn làm nhà báo đỡ hiểm nguy hơn làm lính. Họ nhầm. Cứ nhìn nhân sự báo Cờ Giải phóng qua Mậu Thân 1968 thì biết. Với riêng Nguyễn Quang Hà, tổng kết cuộc chiến tranh chống Mỹ anh bị thương năm lần, đều trên cương vị phóng viên chiến trường. Lần thứ nhất xảy ra tháng 9 năm 1968, ở một cánh rừng phía Nam huyện Hương Thủy. Năm ấy, sau tết Nguyên đán ta bị tổn thất nặng nề, địch được thể nống ra, càn lên chiến khu Dương Hòa. Bám theo các đơn vị bộ đội, du kích chống càn, Nguyễn Quang Hà bị một mảnh đạn xuyên thấu ruột. Lần thứ hai xảy ra tháng 3 năm 1969, ở bên bờ sông Bồ, thị xã Hương Trà. Lần này mảnh đạn dính vào chân anh khi anh đang luồn sâu cùng du kích. Lần thứ ba… rồi lần thứ tư…. Cả bốn lần, các vết thương đều từ bụng trở xuống. Riêng lần thứ năm, xảy ra đầu mùa hè năm 1974, anh bị thương vào đầu khi đang hành quân cùng bộ đội trong một cánh rừng cây trụi lá ở Tây Phú Lộc. 

Sau lần bị thương thứ năm, Nguyễn Quang Hà được cấp trên cho ra Bắc điều dưỡng. 7 năm ở chiến trường, được về với gia đình, vợ con ai chẳng mừng. Tưởng tượng đến cảnh vợ bìu con rín, anh cảm động rơi nước mắt. Nhưng vừa mới bước vào sân, hình ảnh đầu tiên Nguyễn Quang Hà nhìn thấy là cảnh vợ mình đang ngồi cho con bú trước hiên. Nếu là con anh thì đứa bé cũng đã 7 tuổi, đã cắp sách đến trường, vậy con ai? Trong mọi kịch bản cho ngày gặp mặt mà anh nghĩ trên đường ra Bắc, không hề có cảnh tượng này. Choáng váng, đêm đó Nguyễn Quang Hà gối ba lô nằm ngoài sân, sáng nhọ mặt người hôn ba đứa con đang ngủ, rồi khoác ba lô trở lại trại an dưỡng thương binh đóng ở Hà Đông, phía Tây Nam Hà Nội. Trong thời gian dưỡng thương, biết Hội Nhà văn Việt Nam đang mở khóa 7, lớp bồi dưỡng những người viết trẻ tại Quảng Bá, anh liên hệ và được nhận vào học. Với một người mới nhập môn nghề văn, có lẽ đây là cách điều dưỡng tốt nhất. Kèm cặp anh có nhà thơ Xuân Diệu và nhà văn Đoàn Giỏi. Ngay cả trong mơ Nguyễn Quang Hà cũng không mơ được điều này. Anh tranh thủ đưa bản thảo tập thơ chưa đặt tên viết ở chiến trường cho hai thầy thẩm định. Đọc xong, thầy Đoàn Giỏi bảo: “Cậu thử viết văn xuôi xem sao”.Vài ngày sau, anh đưa cho ông truyện ký viết về một đơn vị bộ binh quân Giải phóng bám trụ giữ đất sau Mậu Thân.Xem chưa hết trang cuối cùng, tác giả “Đất rừng phương Nam” đã cười, bảo: “Chất của cậu là văn xuôi, không phải thơ”.

Cùng một ý với nhà văn Đoàn Giỏi, nhà thơ Xuân Diệu động viên anh: “Thơ cậu là thơ văn xuôi, in được, đủ một tập rồi đấy. Tên tập tớ đặt: Tiếng gà trên điểm chốt, cậu ưng thì cho in ngay đi”. Thế là “Tiếng gà trên điểm chốt”tác phẩm đầu tay của Nguyễn Quang Hà do Nhà Xuất bản Giải phóng ấn hành, ra đời.

Nghe rậm rịch tin miền Nam chuẩn bị mở chiến dịch lớn. Lớp học chưa bế giảng mà Nguyễn Quang Hà đã háo hức trở lại chiến trường. Một hôm anh rủ nhà văn Tô Nhuận Vỹ bấy giờ cũng đang ở Hà Nội lên gặp bác Tố Hữu, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, “đồng hương Huế” của anh. Gặp ông, Nguyễn Quang Hà nói ngay: “Huế sắp giải phóng rồi, miền Nam sắp giải phóng rồi mà chúng em còn ngồi đây. Sốt ruột quá. Anh giúp cho chúng em một chuyến xe vào, may ra kịp…”

Nhà thơ Tố Hữu đồng ý. Thế là khóa 7 lớp Bồi dưỡng viết văn của Hội Nhà văn Việt Nam chưa bế giảng, Nguyễn Quang Hà đã khoác ba-lô trở lại chiến trường. Sau ba ngày hành quân thần tốc, trưa 26/3/1975, chiếc Uoát của Ban Tuyên giáo Trung ương đã đưa các anh nhập đất cố đô, kịp tham gia sự kiện vĩ đại có một không hai trong đời: Giải phóng thành phố Huế! Đón anh dưới bóng ngọn cờ đỏ sao vàng của ta bay trên đỉnh Phu Văn Lâu, bạn bè cười trêu: “Ngày Huế giải phóng/ Anh Hà Nội về…” (2). Nguyễn Quang Hà cười tít mắt.

     

*    *

*

Càn khôn bĩ rồi lại thái/ Nhật nguyệt hối rồi lại minh…”(3). Sau chiến tranh là hòa bình, sau chia ly là đoàn tụ, sau đổ nát đau thương là dựng xây kiến thiết. Với Nguyễn Quang Hà, hạnh phúc vẫn diễn ra theo những lẽ thông thường trên, nhưng ở chiều nghịch, sự “bỉ” và “hối”phong phú hơn hẳn nhiều đồng đội. Việc thất tiết của vợ khiến những năm đầu hậu chiến của anh thành cay đắng. Để cập bến bờ hạnh phúc, anh chọn giải pháp vợ chồng chia tay nhau, sau đó mỗi người cố gắng làm lại cuộc đời trên những gì mình có. Anh lính Nguyễn Quang Hà có những gì? Tám năm nằm hầm ngủ đất. Năm vết thương trên người, trong đó có một vết thương làm đứt ruột ở lần bị thương đầu tiên buộc phải mổ nối lại, là một trong những tác nhân dẫn tới bệnh ung thư đại tràng, phải cắt bỏ hơn 1m ruột của anh hiện nay. Một bà mẹ già và ba đứa con dại! Nhưng bù lại anh có đồng đội, có niềm tin, có nỗi may mắn cũng như sự dày vò của một người sống sót.

Công việc phải làm thì nhiều, cấp bách nhất là nuôi sống mẹ và các con. Mẹ già - con dốt - nhà dột! Thời chiến anh đi xa, thế nào cũng xong, nhưng thời bình đấy là điều không thể. Chiếc khung xe đạp, những gói kẹo ngọt, những con búp bê bố mua ở chợ Đông Ba về làm quà giúp các con vui được vài ngày, rồi chúng quên ngay khi cái đói ập đến. “Gian nan đời bố, củng cố đời con”, anh quyết định bằng mọi giá phải chuyển vùng, đưa bốn bà cháu vào Huế ở. Bình Trị Thiên là một tỉnh lớn, Huế lại là đất cố đô, có truyền thống trọng chữ, tiếng nói của văn nghệ sĩ thường rất được các cơ quan công quyền vị nể. Vậy mà phải tới năm năm sau, năm 1980 anh mới vượt qua được những thủ tục hành chính để hoàn tất dự tính. Thời bao cấp, được thế đã là mừng.  Xong việc lớn thứ nhất năm trước, năm sau 1981 anh làm việc lớn thứ hai, cưới vợ. Từ đây gánh nặng trên vai anh có người chia sớt. Chị Võ Thị Quỳnh, vợ sau của anh, một giáo viên văn trường Quốc học đã làm tất cả để chồng toàn tâm dựng nghiệp.

Có được sự hài hòa giữa con anh - con chúng ta và chúng ta trong gia đình, anh lao vào làm việc như điên, viết nhiều bài báo, bút ký, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch bản phim. Viết để có tiền nuôi con, để trả nợ nhân dân, trả nợ đồng đội.Đồng đội của anh nhiều người hy sinh, chưa một lần được nắm tay con gái. Nhân dân thì đến chết Nguyễn Quang Hà cũng không quên được mẹ Nậu ở Phong Điền. Khi địch tới nhà phục kích bộ đội về làng, mẹ xin đi nấu nước mời khách, rồi châm lửa đốt nhà. Nhà cháy. Tên sĩ quan ngụy xuống bếp, chặt tay mẹ. Trong bút ký Thủy Thanh của tôi, chỉ bằng vài con số, anh đã cho mọi người hiểu máu xương của nhân dân đã đổ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Một xã nhỏ ven thành phố Huế mà có đến 581 liệt sĩ. Ở đó có chị Thơm từng hy sinh trinh tiết của mình để bảo vệ cán bộ nằm vùng; có anh Lê Văn Kế dùng lựu đạn đánh xe tăng, bị địch bắt chặt đầu bằng cây rựa cùn và bêu xác bên cầu An Cựu... Năm 1990 về thăm A Lưới, anh bồi hồi nhớ lại thời đơn vị đóng quân trong rừng,“bà con mấy bản gần đó mặc dù rất nghèo nhưng ngày nào cũng đem đến cho bộ đội rau lang, đu đủ, cà ghém...” (Con gà, cái chai và hạt bắp). 15 năm sau giải phóng, bữa ăn của đồng bào chủ yếu vẫn là sắn. Lời hứa hẹn “Đến ngày độc lập đồng bào sẽ có tất cả” xem chừng xa vời. “Độc lập thì mình thấy rồi nhưng tất cả thì mình chưa thấy”. Một người dân A Lưới nói với anh. Mặc cảm mắc nợ nhân dân khiến lòng anh nặng trĩu nỗi buồn. Cũng vì vậy mà tác phẩm của anh hừng hực tính chiến đấu. Anh dũng cảm điểm mặt chỉ tên thói quan liêu, lãng phí, sách nhiễu nhân dân của một số cán bộ thoái hóa, biến chất, không chỉ trong bút ký - là thể loại ứng chiến kịp thời, mà cả trong truyện ngắn, tiểu thuyết, những thể loại đòi hỏi sự dụng công về nghệ thuật. Tôi đọc truyện ngắn “Đêm tàu dừng ở ga Mương Mán” của anh trên tuần báo Văn Nghệ từ mấy chục năm trước, kể về hành trình gian nan của một cặp vợ chồng do dính vào một chuyện tiêu cực ở xã nhà mà phải rời quê xa xứ, nhớ mãi câu kết đầy tính nhân văn: “Nghe hết chuyện anh kể, tôi bỗng muốn mời anh chị về quê tôi ở, vì tôi biết anh chị là người tốt”. Hoặc các tác phẩm:Sông dài như kiếm, Tiếng thở dài của đất, đặc biệt tiểu thuyết Vùng lõm anh viết về chiến tranh, về những tấm gương chiến đấu, hy sinh của đồng bào chiến sĩ đất Thừa Thiên, cảm nhận sâu sắc thế trận lòng dân. Có nhân dân là có tất cả, mất lòng dân thì dù mạnh đến đâu cuối cùng cũng thất bại. Không chỉ miêu tả cuộc đấu tranh giữa ta và địch, một mảng quan trọng trong Vùng lõm tác giả dành để miêu tả cuộc chiến không kém phần khốc liệt trong nội bộ quân ta. Cuộc chiến giữa những người tử tế với những kẻ cơ hội. Đây là cuộc chiến lâu dài, sinh tử mà nếu không có một bản lĩnh vững vàng người tử tế rất dễ bị hiểu lầm, thua đủ.

Đánh kẻ cơ hội trong tiểu thuyết chưa đủ, Nguyễn Quang Hà còn dũng cảm triển khai trận địa ngoài đời, tiêu biểu là một loạt bài báo anh viết, in trên các báo Cựu chiến binh, Người cao tuổi vạch trần sự giả trá của Hồ Xuân Mãn, người hai nhiệm kỳ làm Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên – Huế, được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. Bằng nghiệp vụ báo chí tinh thông, anh kỳ công lấy được bản khai thành tích Anh hùng của Bí thư Tỉnh ủy Hồ Xuân Mãn được giấu rất kín kẽ, rồi từng bài báo một anh công bố như những phát đại bác nổ đúng tung thâm sự dối trá. Góp phần quan trọng để ngày 24/10/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra Quyết định hủy bỏ Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân đối với ông Hồ Xuân Mãn, do kê khai không đúng thành tích, theo kết quả thẩm tra, xác minh của Ủy ban Kiểm tra Trung ương…

Sau gần nửa thế kỷ mê mải đi, mê mải viết, đến nay nhà văn Nguyễn Quang Hà đã cho ra đời 25 đầu sách, trong đó có: 3 tập thơ, 15 tiểu thuyết, 7 tập truyện ngắn và ký sự. Hai lần đoạt giải Hội Nhà văn Việt Nam, lần thứ nhất năm 2002 cho tập truyện ký: Thân Trọng Một, một con người huyền thoại; lần thứ hai năm 2012, cho tiểu thuyết Vùng lõm. Ba lần (1984, 1987, 1996) đoạt giải bút ký báo Văn Nghệ.

Hỏi anh bí quyết thành công, anh cười: “Nói về nghệ thuật xây dựng nhân vật khi viết tiểu thuyết, hồi chúng tôi học ở Quảng Bá, các thầy dạy: Gieo sự việc gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt số phận… Lý thuyết nào thì cũng được chắt lọc từ cuộc đời. Lấy lý thuyết soi lại cuộc đời, ta thấy số phận con người hoàn toàn có thể thay đổi khi ta thay đổi những sự việc, thói quen trong đời sống hàng ngày. Vì vậy, những gì tôi viết ra nếu có chút gì đó gọi được là thành công, thì đó chính là kết quả của một thói quen lao động, lao động cật lực mà tôi đã xây dựng cho mình mấy chục năm nay…”

Điều anh nói nghe thật giản dị, mà làm được mới khó làm sao.

 

 

TP Hồ Chí Minh, tháng 7 năm 2017

N.M.A

 

 

Nguồn Văn nghệ số 46/2017

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *