Tác phẩm và dư luận

25/12
12:15 PM 2020

NHÀ THƠ ĐỊNH HẢI, NGƯỜI HÁT THƠ CHO THIẾU NHI HAY NHẤT

LÊ TUẤN LỘC-Nhà thơ Định Hải, tức Nguyễn Biểu. Ông sinh ngày 6/6/1937, tại xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, hiện thường trú tại Hà Nội. Năm 1956: Học Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau tốt nghiệp, ông về Bộ Giáo Dục ít năm, biên tập viên ở NXB Kim Đồng.

 Đảng viên đảng Cộng sản Việt Nam. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1979. Nguyên tổng biên tập tạp chí Tuổi xanh. Nguyên trưởng ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam.

  • Tác phẩm chính đã xuất bản: Nắng xuân trên rẻo cao (truyện thơ, 1969), Chồng nụ chồng hoa (thơ, 1970), Hươu cao cổ (thơ, 1975), Em hát - đu quay (thơ, 1976),Nhành hoa trong vườn sớm (thơ 1979), Bài ca trái đất (thơ, 1983), Nụ hôn học trò (thơ, tập 1, 1988; tập 2, 1982), Bao nhiêu điều lạ (thơ, 1994), Bài ca trái đất (thơ chọn lọc, 1996), Thơ với tuổi thơ ( Thơ chọn lọc, 2003)...

Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.

 

          CÁI ĐỂ LẠI CỦA NHÀ THƠ LÀ TÁC PHẨM

Một lần, tôi và nhà thơ Nguyễn Hoa, NSND Tâm Chính được ngồi cùng xe với nhà thơ Hữu Thỉnh đến thăm nhà thơ Định Hải ốm. Trên xe, khi nói về tranh luận trong cuộc họp xét giải thưởng Nhà nước về VHNT cho nhà thơ Định Hải, nhà thơ Hữu Thỉnh nói: Hôm ấy rất căng thẳng. Nhiều người trong hội đồng chưa biết nhiều về Định Hải. Thậm chí có ý kiến trái chiều, không ủng hộ. Tôi phát biểu: Tôi không muốn nói gì nhiều nhưng mỗi khi trẻ con hát: Trái đất này là của chúng mình, người ta nghĩ ngay đến bài hát phổ thơ Định Hải. Theo tôi, đấy chính là tác phẩm giải thưởng nhà nước về VHNT cho Định Hải rồi. Ý tôi đơn giản nhưng có sức nặng. Kết quả 100% hội đồng bỏ phiếu cho nhà thơ Định hải.

                    Đại hội nhà văn Việt Nam lần thứ X, mọi người đang bận bao nhiêu là việc chuẩn bị. Bỗng nhiên tôi nghĩ, phải đến thăm nhà thơ Định Hải, xem sức khỏe bác ra sao. Nghe nhà thơ Trịnh Xuân Thu nói, bác nằm liệt rồi. Bác mà ra đi đúng dịp đại hội nhà văn thì quá buồn. Tôi và Trịnh Xuân Thu đến cổng nhà riêng, bác Hảo, vợ nhà thơ Định Hải vừa mở khóa cửa cổng sắt, vừa nói rất khẩn: Không biết gì nữa rồi. Đang ở trong bệnh viện Việt Xô. Vừa đi vào phòng khách, chị Hảo vừa nói: Thương lắm, khổ lắm. Tay chân giật đùng đùng, người ta phải trói chân trói tay lại để không rơi xuống sàn nhà. Khốn khổ! Ốm mấy tháng nay rồi. Còn gì nữa mà nói còn nước còn tát. Tôi đang chuẩn bị ảnh chân dung, hồ sơ để chuẩn bị cho anh ấy đây.

          Tôi hỏi chị Hảo: Ai sẽ nói về nhà thơ Định Hải hay nhất. Chị Hảo nói: Tôi nghĩ đến nhà thơ Trần Đăng Khoa là người hiểu anh ấy nhất. Anh Hữu Thỉnh thì hiểu anh Định Hải sâu sắc rồi nhưng đại hội nhà văn nhiều việc thế này làm sao anh Thỉnh đến được...Chị Hảo nói thế làm tôi  cũng lúng túng.

          Nói về chuẩn bị hồ sơ cho Định Hải, chị Hảo tâm tư: Bốn năm trước, Nhà xuất bản Kim Đồng và TW Đoàn đã có hồ sơ đề nghị tặng Huân chương Lao động hạng nhì cho anh Định Hải nhưng không hiểu vì sao chưa thấy gì. Hồ sơ ấy là đủ nhất để làm tiểu sử cho anh Định Hải lúc này. Nhưng không biết tìm hồ sơ ấy ở đâu. Có lẽ nên tìm trẻ em mà hỏi vì chúng nó nhớ ông như nhớ ông ngoại chúng nó đấy. Ông ngoại Định Hải, bây giờ tóc bạc phơ phơ.

                    NGƯỜI THƠ SỐNG THẦM LẶNG

          Thơ ông rộn ràng thế, hồn nhiên và trẻ thơ thế mà ông sống thầm lặng, đi thầm lặng và chơi thầm lặng. Năm 2014, đoàn nhà văn Xứ Thanh về thăm quê. Leo lên núi Ngọc Hàm Rồng, ông lặng lẽ đi sau cùng. Nhà thơ Lê Đăng Sơn tưởng ông đuối chân, giơ tay dìu ông đi. Ông nói: Không cần, tôi đang ngẫm về Hàm Rồng. Năm 2016, cũng trong đoàn nhà văn Xứ Thanh tại Hà Nội về thăm quê, trên xe, ông cũng ngồi sau và không nói gì suốt chặng đường Thanh gập ghềnh. Tết năm nào ông cũng chủ động điện cho tôi hỏi: Năm nay nhà văn xứ Thanh có gặp nhau không. Nghĩ về ông, tôi nhớ mãi một câu thơ, không biết của ai: Dòng sông hiền hòa là dòng sông sâu.

          Ông từng nói điều tâm đắc về thơ thiếu nhi: Làm thơ cho trẻ em cũng khó như làm thơ cho người lớn. Có bài tôi chỉ viết một lần rất nhanh, nhưng có bài phải sửa chữa nhiều lần, có khi đến giờ vẫn phải sửa tiếp. Thường một bài thơ hay, không riêng gì trẻ em mà người lớn cũng thích. Tôi đã được hàng chục giải thưởng của nhiều cơ quan nhưng có lẽ phần thưởng lớn nhất là đã được nhiều thế hệ trẻ em rộn ràng cất cao tiếng hát: " Trái đất này là của chúng mình".

          Cũng như đánh giá của nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Định Hải đã nói trọn về cống hiến của đời mình trong một đoạn văn ngắn. Tên tuổi và tác phẩm thơ cho thiếu nhi làm ông sống mãi với thời gian.

Lê Tuấn Lộc, tháng 12/2020

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *