Tác phẩm và dư luận

10/4
10:55 AM 2019

NGUYỄN ĐÌNH MINH- CON CHỮ, CON NGƯỜI THỜI HỘI NHẬP

Thơ Nguyễn Đình Minh – cái gạch nối giữa thơ truyền thống của Đồng Đức Bốn và thơ cách tân của Mai Văn Phấn.Đó là đánh giá của nhà văn Đình Kính, người chủ trì Hội thảo “Nguyễn Đình Minh – Một chặng đường thơ” (Diễn ra tại thành phố Hải Phòng ngày 25.10.2018). Đây là cuộc Hội thảo thơ quy mô với 23 tham luận của các Nhà văn tên tuổi đương đại, các nhà LLPB, các GS, PGS, TS tại các trường đại học và các Nhà báo… với nhiều độ tuổi khác nhau và ở nhiều vùng miền toàn quốc.

NGUYỄN ĐÌNH MINH- CON CHỮ, CON NGƯỜI THỜI HỘI NHẬP

Thơ Nguyễn Đình Minh – cái gạch nối giữa thơ truyền thống của Đồng Đức Bốn và thơ cách tân của Mai Văn Phấn.Đó là đánh giá của nhà văn Đình Kính,  người chủ trì Hội thảo “Nguyễn Đình Minh – Một chặng đường thơ” (Diễn ra tại thành phố Hải Phòng ngày 25.10.2018). Đây là cuộc Hội thảo thơ quy mô với 23 tham luận của các Nhà văn tên tuổi đương đại, các nhà LLPB, các GS, PGS, TS tại các trường đại học và các Nhà báo… với nhiều độ tuổi khác nhau và ở nhiều vùng miền toàn quốc.

Các tác giả được mời tham luận từ tháng 4.2018; bài tham luận được tập hợp từ tháng 9. 2018. Nội dung mời tham luận là đánh giá tự do về thơ Nguyễn Đình Minh trên cơ sở tài liệu là 06 tập thơ của tác giả và những tài liệu đã viết về ông trên báo chí. Các tham luận đã làm sáng rõ hơn và trên cơ bản đồng nhất về đánh giá những thành công của Nguyễn Đình Minh trong việc tạo dựng phong cách nghệ thuật bằng hướng đi riêng trong khai thác nội dung và kết hợp hài hòa giữa tính truyền thống và sự cách tân hiện đại.

Có một vài tranh luận (có phần nói tại Hội thảo) về quan điểm ca ngợi hay không 2 nhân vật (vịnh) trong 2 bài thơ “Thị Mầu” và “Hồn Trương Ba”. Sự lo lắng về khai thác đề tài nông thôn cần trường vốn (Vũ Quần Phương – Văn Chinh- Trần Ninh Hồ); cũng như xếp Nguyễn Đình Minh là nhà thơ có thế mạnh về trữ tình hay lý trí?- (Nguyễn Đức Thuận – Văn Chinh – Đặng Huy Giang). Bên cạnh đó là một số tham vấn nghề cho Nguyễn Đình Minh của Trần Nhuận Minh, Nguyễn Việt Chiến: cần viết giản dị, tăng cường tính lý trí chọn nó làm hướng đi “cốt lõi”…

Để thông tin về kết quả Hội thảo này chúng tôi xin được trích các ý kiến ( nguyên bản). Tuy nhiên để bạn đọc dễ theo dõi, chúng tôi tạm xếp theo trình tự các vấn đề: Những thành công về nội dung và đặc điểm nghệ thuật thơ Nguyễn Đình Minh.

 

TỔNG HỢP Ý KIẾN THAM LUẬN

Nhà thơ Thi Hoàng(Đề dẫn): Trước mặt thì Hải Phòng là cảng hàng không, cảng biển quốc tế…mở ra mà hội nhập. Sau lưng Nguyễn Đình Minh thì miền quê sinh ra là hơi hướng hồn vía trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Tư cách con người thì anh là con cháu cụ. Còn chữ nghĩa thì sao? Nhiều kiến giải, mà ở đây hôm nay chúng ta sẽ gặp những nhận thức ở cả từ kinh nghiệm lẫn có thể đột biến ngỡ ngàng. Từ bề rộng những tập thơ của Nguyễn Đình Minh như “Ủ ấm trái tim”,“ Mắt cỏ”, “Thức với những tập mờ”Lặng lẽ đời cây” …mà lần vào bề sâu những câu thơ của anh  buổi đầu là : “Nở hương thơm của trái ca dao/Trĩu nặng cành cây lục bát”…cho tới gần đây: “Cúi đầu vái một làn hương”, để thấy ở Nguyễn Đình Minh từ vô thức đến ý thức đã hướng về nhân sinh và lại trầm xuống tự lắng nghe mình mà ngộ ra là phải đổi mới. Nhưng đổi mới thế nào để thơ vẫn là thơ chứ đừng quá ra để đến nỗi nó không còn là nó nữa. Và anh càng thấm thía hình thức là cần song chỉ là thứ yếu. Chủ yếu vẫn là nội dung tư tưởng. Còn tài năng ư? Đấy là điều kiện tiên quyết đương nhiên mà chúng ta đều thừa nhận  rằng phải có nó đã còn bàn gì hãy bàn.

1. Những thành công về nội dung

1.1. Không gian văn hóa và chất trữ tình thấm đẫm trong cảm thức “làng” bằng lối viết tự do phóng khoáng hiện đại, khác biệt.

Đây là mảng đề tài lớn trong thơ Nguyễn Đình Minh. Hầu hết các tham luận đều tập trung xoáy sâu hoặc đề cập. Trước hết là những thông điệp văn hóa trong các bài thơ này làm nên đặc trưng của thơ ông.

Nhà thơ Vũ Quần Phương:Ngay từ tập thơ đầu, nhà giáo Nguyễn Đình Minh đã bộc lộ một phẩm chất trữ tình làng quê khá sâu đậm. Vào tập thơ thứ sáu xuất bản năm 2016, chất tâm hồn ấy đã thành một đặc trưng của thơ anh… Tình người chất phác sâu đằm, cảnh thiên nhiên đẹp và gợi.

“Anh là người có ý thức trong chọn lựa không gian văn hóa cho thơ làng quê của mình”. “Trong năm tập thơ Nguyễn Đình Minh tôi được đọc, tập đậm văn hóa làng quê truyền thống nhất là tập Mắt cỏ. Không phải cả tập viết về làng nhưng những bài về làng thì duyên dáng và đậm đà hơn cả.” “Anh không thơ mộng hóa quá khứ như Nguyễn Bính mà anh nhặt lại những nét xưa hợp với tạng hồn mình và rồi như mê đi trong cảnh sắc ấy. Cảm xúc đắm đuối lo âu trước cảnh xưa tình cũ tạo nên tình cảm của bài thơ, gây xúc động lòng người. Hướng tìm này cũng là một hướng nhiều thử thách, không tinh tế và trường vốn làng quê quá khứ sẽ không tung hoành được.”.

Nhà thơ Ngô Xuân Hội: Minh sở trường thơ tự do, nhịp điệu bài thơ đi khoan thai, biên độ câu thơ nhiều khi được mở rộng, vụ về câu mà ít vụ về bài: “Lòng người hình như có bão/ Con trâu cũng trở mình nằm nhai khúc canh khuya” (Tháng năm quê nội). Trâu bò thuộc bộ nhai lại. Hình ảnh những con trâu nằm trong chuồng nhai lại những gì gặm được trong ngày thân thuộc với mỗi cư dân nông nghiệp, nhưng từ đó tới trở mình nằm nhai khúc canh khuya như một triết nhân đang nghĩ cách chia sớt nỗi âu lo với con người thì chỉ những ai gắn bó máu thịt với đồng quê mới có thể viết được. Câu thơ thể hiện sự minh triết của tâm hồn. Những câu thơ như thế trong thơ Minh không hiếm.

Đọc những tập thơ trên, thấy rõ Nguyễn Đình Minh là nhà thơ của nông nghiệp và nông thôn Việt Nam. Cảm xúc thơ anh gắn liền với đồng quê, mái rạ, với những cơn nắng sớm mưa chiều, những phận người như cò vạc sau lũy tre làng. Trong đó hình ảnh những người phụ nữ hiện lên bao giờ cũng đẹp và lành, mang nhiều tính biểu tượng: “Họ bay qua cuộc đời như những áng mây/ Rồi lại hóa thành mưa trở về với đất/ Hóa những bông sen sống vùi trong nước/ Vươn nở ở giữa trời/ Và cứ thế mà thơm. (Những bông sen nước).

 

PGSTS Cao Thị Hồng: Cảm thức về làng quê trong thơ Nguyễn Đình Minh vì thế là một thông điệp mang tính nhân văn sâu sắc làm nên một giá trị riêng có của thơ ông đóng góp đối với thi ca đương đại Hải Phòng nói riêng và thơ ca cả nước nói chung.

Trong cảm thức của Nguyễn Đình Minh, văn hóa làng hiện hữu trong những hình ảnh rất gần gũi và thân thương. Trải qua bao năm tháng, văn hóa làng với sức trường tồn mãnh liệt đã kết tinh trong những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần làm nên những tinh hoa của dân tộc.

Vì vậy, vẫn là những hình ảnh thiên nhiên quen thuộc: cánh cò, con thuyền, bến sông, vó bè, chân bèo, ao làng, sáo diều, trăng, sương, đom đóm, dế, cóc, tre làng, ao sen… như đã gặp trong ca dao, hoặc trong thơ Nguyễn Khuyến, Anh Thơ, Nguyễn Bính. Nhưng đến Nguyễn Đình Minh những thi liệu ấy lại dung chứa một mỹ cảm riêng, khác lạ nhưng không xa lạ. Bởi tất cả hình ảnh ấy là những hình ảnh quen thuộc gần gũi với người nhà quê mà nhà thơ là một chứng nhân. Thế nên, cảm thức về thiên nhiên làng quê của Nguyễn Đình Minh rất tinh tế, chân thành. Ông sáng tạo thi ca bằng tất cả những gì thuộc về tiềm thức và tri nhận được bằng mọi giác quan, Những hình ảnh thân quen, giản dị, mộc mạc của thiên nhiên trong thơ Nguyễn Đình Minh là những tiếng gọi thiêng liêng đưa ta trở về với không gian độc đáo của những ngôi làng cổ xưa, thanh bình như cổ tích mà ở đó thiên nhiên còn nồng nàn mùi vị nguyên sơ, trong trẻo.

Một trong những yếu tố nữa tạo nên sự khác biệt của thơ Nguyễn Đình Minh về đề tài này là thơ ông gắn với hơi thở cuộc sống hiện đại  biến chuyển với số phận con người làng quê.

Nhà thơ Ngọc Bái: Không còn cái cảm thức “hương bùn quê đã làm ta tồn tại”, mà là những suy ngẫm trải nghiệm đã được thời gian kiểm định. Vẫn viết về làng quê, nhưng Nguyễn Đình Minh đã ở một thực tại mới, nỗi niềm mới, tâm sự lắng lại trước hoàn cảnh làng lên phố.

Phố mới lên tầng mất dấu những bờ tre

Ruộng đã bán không còn tên làng cũ

Chợp mắt qua đêm biến thành người phố

Tỉnh dậy còn mơ… cót két vó bè!

(Ngơ ngác… phố)

PGSTS Cao Thị Hồng: Song, chính vì nâng niu, trân quý vẻ đẹp thuần phác của làng quê nên thơ Nguyễn Đình Minh còn là tiếng lòng khắc khoải, đau đớn trước sự xâm thực của đời sống công nghiệp đang dần dần làm biến dạng gương mặt làng quê: Trẻ buông bút trước đề văn tả bông lúa uốn câu/ Dù ngày nào cũng no nê cơm trắng/ Chim di trú ngàn dặm bay về tìm hơi ấm/ Đành rẽ cánh ngang trời. Là một nhà thơ sinh ra và lớn lên trong sự vang vọng của những câu ca dao, truyện cổ tích, ở một làng quê yên bình nên hơn ai hết, Nguyễn Đình Minh càng thấm thía hơn trước những sự biến đổi mang tính tất yếu này cũng như những hệ lụy của nó đối với sự phát triển tâm hồn và nhân cách của con người khi chúng ta  cố tình lãng quên giá trị đó.

Vì vậy, cảm thức làng quê trong thơ Nguyễn Đình Minh là một dòng suối mát trong rì rầm thổn thức những thanh âm tình tự dân tộc và vang lên một thông điệp nhân sinh đầy tính nhân bản: Làng quê – cội nguồn văn hóa dân tộc bao giờ cũng là điểm tựa của niềm tin để cho mỗi người tìm về như một nơi chốn bình an cho tâm hồn

Nhà báo Cù Thị Thương: Nguyễn Đình Minh họa lại bức tranh làng quê bằng những ngôn từ giản dị nhưng đầy hàm súc của mình như chàng trai 18 lần đầu yêu và đầy tôn thờ tình yêu ấy nhưng cũng như trưởng lão đã qua những trải nghiệm yêu ghét cuộc đời để chưng cất  những vần thơ như mật, như rượu từ những mảnh hồn quê: “ Hoa gạo chỉ ngó môi con gái làng mà hóa lửa/ Tiếng sáo cũng cất mình bay ngơ ngẩn dọc triền sông” (Tháng ba ơi) hay “ Trâu nghỉ việc đồng nằm nhóp nhép nhai rơm/ Nải chuối vào mâm xòa tay ôm bầy quả/ Cơm ủ ngấm chín men, trở mình dậy rượu/ Mưa tìm nhau lất phất chạy bên thềm” (Tết giữa nôi quê).

TS Bùi Hải Yến: Bao nhiêu lần hình ảnh của một làng quê thuần nông vùng đồng bằng Bắc Bộ được tái hiện trong thơ Nguyễn Đình Minh là bấy nhiêu lần trái tim của những người con xa quê thổn thức, đặc biệt, với những người đi lên từ đồng đất. Chắc hẳn, mỗi người sẽ đều tìm thấy làng mình trong những miêu tả của Nguyễn Đình Minh bởi ông đã tạo lập một mẫu số chung bất biến, dẫu tử số có nhiều thay đổi.

1.2. Những suy cảm nhân văn thế sự và triết lý mang đặc trưng thơ

Nguyễn Đình Minh đã thể nghiệm thành công ở nhiều đề tài khác nhau những đặc điểm nổi trội trong thơ ông là những suy cảm thế sự đầy chất nhân văn, đặc biệt năng lực khai thác những đề tài ẩn khuất trong đời sống.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: Qua 3 tập thơ, nhất là cuốn “Thức với những tập mờ”- một tựa đề khá mới và hiện đại, ta có thể thấy đề tài lịch sử và nỗi đau của đời sống con người hôm nay luôn trở đi, trở lại và là mối quan tâm lớn trong nhiều bài thơ của Nguyễn Đình Minh. Qua đó, ta nhận thấy sức vóc của một năng lực thơ muốn vươn tới, muốn khái quát hóa những chuyển động đang còn khuất lấp đâu đó trong dòng chảy của thi ca đương đại.

Nhà thơ Đặng Huy Giang: Đi xa hơn trong mạch suy tưởng, trong mạch “đào sâu xoáy mạnh” (theo cách nói của Chế Lan Viên), độc giả còn bắt gặp những câu thơ mang giá trị cảnh tỉnh, cảnh báo, trong mối liên hệ giữa quá khứ và hiện tại, giữa được và mất thật xót xa, đau đớn của một nhà thơ vừa có tình yêu thương, vừa trách nhiệm trước thời cuộc vốn mang trong lòng nó sự trả giá và đe dọa tiềm ẩn.

Khi đọc lại “Câu hát ngày xa” (NXB Hội Nhà văn 2006), “Ủ ấm trái tim” (NXB Hội Nhà văn 2011), “Thức với những tập mờ” (NXB Hội Nhà văn 2014) của Nguyễn Đình Minh, tôi nhận ra đây là một vệt thơ nối dài, là một mảng đề tài rất đáng kể mà nhà thơ đã quan tâm và theo đuổi từ lâu, trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong tâm thức, đôi khi trở thành tâm thế trong con người thi sĩ Nguyễn Đình Minh.

Đối với một người làm thơ, tâm thức trở thành tâm thế, là vô cùng quan trọng.

Đây cũng là một mảng đề tài lớn của nhiều nhà thơ và được trở đi trở lại nhiều lần trong nhiều bài thơ mang tính phát hiện và giá trị nhân sinh rất đáng kể của nhà thơ Nguyễn Đình Minh qua nhiều tập thơ đã xuất bản.  Đó là khả năng phân thân trong thơ của Nguyễn Đình Minh. Đó là những câu thơ hữu ích. Đó cũng là đóng góp của Nguyễn Đình Minh trong làng thơ đương đại.

Nhà văn Văn Chinh:Thức với những tập mờ, Nguyễn Đình Minh muốn khám phá đời sống, bày tỏ thái độ cũng như cảm thông chia sẻ với những mảnh đời ngang trái, nỗi éo le “cấy lúa thành năn, trồng lau ra mía” đang diễn ra trước mắt, hằng ngày.

Ngay sau bài “Lỗ đen” là bài “Nhân ngư” – tả con cá cảnh mang tên nhân ngư, cũng là một vùng mờ khác có sẵn trong thế giới người (…). Đặt cạnh nhau và hai bài trở thành song kiếm hợp bích: Cái ác và sự giả trá máu lạnh nhân danh những cái tốt đẹp như “tri kỷ”, như “mặt trời” như “công lý” chỉ còn như lưới kéo suông. Lưới kéo suông là một tập mờ xiết bao hàm chứa! Nếu không có sự dễ dãi liên tưởng gần (lạnh như máu cá) vốn là căn bệnh trầm kha và dai dẳng của thơ Việt, ta có thể nói đây là một bài thơ hay. Liên tưởng xa luôn tạo nên những bất ngờ mà bất ngờ là môi sinh của xúc cảm.

Nhưng Nguyễn Đình Minh vẫn là người tin yêu, là người hăm hở sống. Bởi, như nhà thơ xác định sẵn trong “tập mờ”, đối nghịch với ác không chỉ có thiện, nó còn có trạng huống buông ác tích thiện,  bởi vì trong quá trình chuyển hóa âm dương, khi thiếu dương lúc thiếu âm; cuối ngày là rạng sáng, cuối đêm là sang ngày. Ông tin vào quy luật chuyển hóa – có lẽ vì vậy mà ông chuyên tâm làm thầy? Xin đọc bài “Ánh mắt” ngay sau song kiếm hợp bích trên đây. “Ánh mắt” lý giải về cái ác ngay cả khi nó được biện minh nhân danh cái thiện.

Và tác giả có cặp so sánh trác tuyệt về ánh sáng và bóng tối chuyển hóa lẫn nhau, trong “hộp đen” – tập mờ:

– Bóng tối nẩy mầm

Ngạo nghễ chiếm không gian

– Và đêm tối mỗi ngày

Lại gói cả trời xanh

Thức với những tập mờ nhắc nhở chúng ta rằng, cái tàng ẩn những dữ kiện số phận nén trong tập mờ kia rồi ra sẽ can dự vào cuộc sống chúng ta, len lỏi vào tận tâm can, mọi xó xỉnh của cộng đồng một khi mỗi chúng ta buông lơi cho quỷ dữ – những điều kiện mờ chồng tích tụ sẽ hiện rõ ngay khi chúng ta bất lực, buông lơi.

Nhà báo Cù Thị Thương: Những câu thơ không dành cho một số phận, một quốc gia mà dường như dành cho cả loài người trên trái đất này. Một câu thơ xóa nhòa mọi khoảng cách giữa các dân tộc, màu da, lãnh thổ để chạm đến những quan niệm sống nhân bản nhất. Triết lý của đạo của đời. Bằng trải nghiệm cuộc sống, bằng bản năng yêu thương, tầm cao trí tuệ, nhà thơ thoát ra để nhìn lại cuộc sống của những kiếp người bị cùm chân trên mặt đất. Những con người chậm chạp lê mình về phía huyệt thời gian bởi coi những giá trị nhân sinh là cỏ rác.

PGSTS Nguyễn Đức Thuận: Nguyễn Đình Minh, bên cạnh chất trữ tình đằm thắm của một hồn thơ vốn xuất thân và gắn bó với đồng quê, tôi cho rằng: còn có một dòng chảy lấp lánh chất triết lý trong thơ anh.

Nguyễn Đình Minh có một cách thể hiện giọng điệu triết lý riêng trong thơ. Khác với những nhà thơ như Trần Dần, Chế Lan Viên…thuở trước, chất triết lý trong thơ Nguyễn Đình Minh không biểu hiện ở những khái niệm triết học, mà thường ẩn trong những hình ảnh thơ và những ngôn từ thơ. Hình ảnh trong thơ anh đậm đặc và chúng đảm đương nhiệm vụ chuyên chở những ý nghĩa triết lý nhân sinh.

Đề tài thơ triết lý trong tập thơ Ủ ấm trái tim của Nguyễn Đình Minh khá rộng. Anh quan tâm tới những vấn đề chính trị lớn lao, như vấn đề chiến tranh trên thế giới và sự sống con người, vấn đề đồng tiền và nhân phẩm (Cuộc chiến sinh tồn), những tính toán sai lầm của các nhà chính khách có thể đem đến “vô cùng nhiều cái chết” và những “thảm họa dai dẳng kinh hoàng” cho con người (Cái chết). Anh “Thưa chuyện với Trạng Trình” về “đạo Thánh nhân”: “Dân vi quý”, “Dân vi bản” là điều luôn “được thắp sáng giữa đời”…Tuy nhiên, còn một vấn đề anh rất quan tâm, là vấn đề nhận diện “cái thật” và “cái giả”, “cái thiện” và “cái ác” xáo trộn trong cuộc đời.

1.3. Những góc nhìn khác về nội dung.

Nhà thơ Trần Ninh Hồ: Sau tất cả những gì đã dẫn, chúng ta còn thấy Nguyễn Đình minh gửi đến bạn đọc những trang thơ tình đáng yêu trong từng tập thơ, khiến chúng ta không thể không ghi nhận. Ông còn một mạch thơ khiến người đọc lưu ý nữa là mảng thơ “Nhân tình thế thái” trước tình người, tình đất nước và những nỗi niềm thế sự.

TS Bùi Hải Yến: Sáng tác thơ khi đã vào độ “chín” của tuổi đời và sự nghiệp, những xúc cảm về tình yêu trong thơ Nguyễn Đình Minh không có cái hừng hực, mê đắm, vồ vập như thường thấy ở những tác giả trẻ, thay vào đó là sự điềm đạm tuy vẫn rất “say”, vẫn “phiêu”.

Cùng với hình ảnh làng và mẹ, hình ảnh “em” làm nên một mảng màu tươi tắn, sung mãn cho thơ Nguyễn Đình Minh, tạo nên sự đa dạng của bức tranh cảm xúc trong thơ ông. “Khèn Mèo nghe dưới đêm trăng”, “Trà đêm hồ Núi Cốc”, “Bên bờ sông quê nội”, “Phía Huế”, “Thong thả bên thềm em buông tóc chải”…đã ghi nhận nhiều hình ảnh về “em”. Khi thì là người vợ đầu gối tay ấp, khi là một bóng hồng thoáng gặp đã gieo tương tư, khi lại là một số phận gây ám ảnh thi nhân, hoặc giả cơ hồ chỉ là một phiếm chỉ nào đó… Nhưng dù ở đối tượng nào, em vẫn là nơi nương náu của mảnh hồn anh, là nơi thi nhân tìm được sự đồng điệu hay ký thác những yêu thương.

Nhà văn Văn Chinh: Chúng ta cứ đinh ninh anh là nhà thơ của văn hóa, của làng quê, của phụ nữ…thì đúng đấy mà cũng sai đấy. Bởi vì “Thức với những tập mờ”, lúc thì nó lộ lên cái này, lúc lại lộ lên cái khác, cũng như khi nhìn người chính diện khác, nhìn nghiêng lại khác…

Nhà LLPB Nguyễn Trác: Nói đến một chủ đề hay một đề tài nào là chính, là bao trùm thơ Nguyễn Đình Minh cũng thật khó. Bởi anh không bó mình vào một chủ đề hay đề tài cố định nào mà trải rộng trên tất cả các mặt của đời sống. Từ hiện thực đến tâm linh, có hôm nay hôm qua và có cả tình yêu lẫn thế sự…Nhưng sau hết, nổi lên vẫn là những băn khoăn trăn trở trước cuộc đời.

2. Những đặc điểm nghệ thuật thơ Nguyễn Đình Minh

2.1. Hành trình khám phá thể nghiệm tạo dựng sự khác biệt.

Nhiều bài viết tập trung vào con đường tạo dựng riêng biệt của Nguyễn Đình Minh bắt đầu từ việc coi yếu tố truyền thống như “cốt lõi” và sáng tạo nó phù hợp với biên chuyển của xã hội, kiên trì con đường của mình không bị hòa trộn với các xu thế cách tân.

Nhà thơ Trần Ninh Hồ:Với tình yêu thơ từ còn học phổ thông, tác giả đã “lặng lẽ ”làm thơ từ hồi còn đang là học sinh sinh viên. Tôi nói “Lặng lẽ” vì Hải Phòng, một đô thị lớn, trước một đại dương lớn và một đội ngũ văn chương nghệ thuạt đặc sắc đầy cá tính như ở cửa biển này, giữ được “lặng lẽ”, bình tâm không phải dễ. Nhưng Nguyễn Đình Minh đã làm được.

GSTS Bùi Quang Thanh: Cái cẩn trọng của nghiệp nhà giáo đã như điểm tựa cho những câu thơ, ý thơ được thể hiện của Nguyễn Đình Minh. Tôi tỷ mẩn ngồi thống kê: Hầu hết tên bài thơ ở các tập của Nguyễn Đình Minh đều được lựa chọn, cân nhắc cẩn trọng! Tên bài thơ vừa gợi, vừa tinh lọc và hàm chứa được cái cốt lõi của mỗi tứ thơ. Nó như lời “mời chào” đầy tiềm năng khơi gợi để người đọc có thể vì nó mà lần đọc cho hết bài thơ, hiểu thêm dụng ý gửi gắm/ký thác của tác giả trong/qua thơ. Không ít những tên bài thơ của Minh đã chạm được vào nỗi “ám ảnh” để rồi làm chất xúc tác, gợi tứ cho thi nhân tạo dựng được cái “ám ảnh” – như Trần Đăng Khoa tâm đắc về  một bài thơ hay – cho cả bài thơ, thậm chí cho nhiều bài thơ trong các tập thơ của Nguyễn Đình Minh.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh: Để gây ấn tượng nhanh, một số bạn trẻ, đã đề cao các thủ thuật của hình thức, và có người coi đó như là một cố gắng sinh tử của ngòi bút mình theo xu hướng “ hậu hiện đại” mà Phương Tây đã loại bỏ từ khoảng hơn 80 năm nay. Tôi nghĩ, các bạn đó đã nhầm và nội dung của “ hậu hiện đại” các bạn ấy, hiểu thế cũng không đúng, nhưng ta không bàn điều đó ở đây. Theo dõi thơ Nguyễn Đình Minh từ dăm bảy năm nay, tôi thấy anh không chọn cho mình phương cách này. Cũng coi anh là người có tầm nhìn xa.

Nhà thơ Kim Chuông: Lấy tiếp cận, lấy va đập để quay về đào sâu nơi “nội lực,” dường như, Nguyễn Đình Minh, ngỡ không phút yên bình. Anh say mê đi và gặp. Say mê đi và thấy. Say mê đi và thảng thốt trước “vô biên” của những tầng “đại giác.”.

Nguyễn Đình Minh không tự đánh lạc sở trường, một sức chảy dồi dào luôn đem lại cho anh sức gợi. Một hiện thực thật sự nắm cầm trong tay, chứ không phải cái “hiện thực mờ,” đẻ ra trong cái tưởng, trong đẽo gọt, trong lặng khuất nơi tâm tưởng thi nhân. Và như thế, người đọc gặp ở đây, nhà thơ luôn đi giữa “cõi người,” hoặc là giữa đô thị bộn bề. Hoặc là chìm sâu vào cảnh làng trong gian nan, lầm lụi…

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: Điều rất may, trong hành trình viết của mình những tháng năm này, tuy không được dư luận thi ca và dư luận phê bình nhiều chiều nhắc đến như những hiện tượng thi ca nổi trội khác, nhà thơ Nguyễn Đình Minh vẫn lặng lẽ thể nghiệm thơ mình ở các chiều kích khác nhau của ngôn ngữ thơ với sức viết khá bền bỉ, càng viết càng đào sâu tới được các vỉa tầng đời sống của thi ca đương đại. Một trong các biểu tượng nghệ thuật chính làm nên gương mặt thơ Nguyễn Đình Minh là không gian văn hóa, hơi thở đời sống của các vùng đất mà anh từng sống, từng đi qua.

Phạm Thị Thùy Linh:Từ những nét chấm phá về văn hóa làng trong bức tranh thơ của Nguyễn Đình Minh, người ta nhận ra khát khao tìm lối đi riêng của nhà thơ. Qua 68 bài thơ của tập thơ này, Nguyễn Đình Minh mang lại những cung bậc cảm xúc khác nhau với những tứ thơ chạm đến những vấn đề nóng của cuộc sống. Bằng ngôn ngữ thơ của mình, nhà thơ lý giải, khát khao thay đổi với một trái tim nhân văn. Với sự cố gắng lặn sâu qua sự nhìn thấy đến sự cảm thấy, tác giả có được những nỗi niềm tâm trạng trong tác phẩm lôi cuốn dẫn nhập người đọc hòa theo cùng cảm nhận. Và qua thời gian, Nguyễn Đình Minh dần đưa bạn đọc tới bức tranh thơ riêng với cách pha màu khác biệt trong những hình thức thể hiện khá hiện đại, phóng khoáng.

Nguyễn Đình Minh là người chịu khó tìm tòi, sáng tạo trong thể hiện tứ thơ của mình. Phần lớn các bài thơ của anh được làm theo phong cách hiện đại, ý tứ tự do bay bổng. Ngay cả với những bài khai thác đề tài về làng quê với những chất liệu truyền thống thuần Việt cũng được hiện đại hóa cách thể hiện.

Đọc thơ Nguyễn Đình Minh, thấy những bước đi từ văn hóa làng tới những không gian mới đầy sáng tạo của riêng anh. Nhưng điều gây ấn tượng với tôi, dù mới đến đâu, trong những bài thơ của anh luôn hiển hiện nền tảng sâu lắng của cội nguồn văn hóa dân tộc.

Dương Thị Nhụn: Nhà thơ Nguyễn Đình Minh có cách nhìn lí trí với một tâm hồn thi sĩ, do vậy  thơ anh không có cảm giác bơ vơ, mất mát và sướt mướt nuối tiếc những cái đã qua. Nhìn về quá khứ qua lăng kính làng cũ, chợ quê hay kỉ niệm xưa cũ vẫn thấy một lối ra.

Sự tương tác giữa tình cảm con người và hoàn cảnh tạo nên những cảm nghĩ mà Nguyễn Đình Minh muốn bày tỏ với một phong độ chắt lọc, tinh khiết, không rườm rà, song có mức thông tin cao, đột phát, nhưng cô đọng và khúc triết.

Ths Nguyễn Thị Thúy Nga: Có thể nói, Nguyễn Đình Minh đã có những bài thơ neo đậu vào trái tim chúng ta khi anh góp phần làm sống lại ký ức chiến tranh qua những cuộc đời người phụ nữ thời hậu chiến. Phía sau bản hùng ca chiến thắng của dân tộc, thế hệ sau chiến tranh chúng ta nhận ra rằng có những số phận như thế, những sự hy sinh như thế.

Thơ ca giờ thật nhiều. Những người yêu thơ, đến với thơ cũng thật nhiều và ai cũng muốn trên hành trình kiếm tìm vẻ đep thi ca có những điều neo đậu lại nơi tâm hồn mình. Tôi cho rằng thơ Nguyễn Đình Minh đã làm được điều đó. Không thể có khát vọng và biết mình cũng không thể làm được là hiểu hết thơ anh, tôi chỉ là một người đọc chạm vào và thấy hình ảnh những người phụ nữ bình dị này đã từ trang thơ của anh bước thẳng vào trái tim mình. Và quan trọng hơn tôi thấy một hồn thơ dung dị với những cái đời thường nhưng lại có những tứ thơ thật bất ngờ. Cất cánh trên nền của hiện thực, trên những kế thừa của thơ ca lớp trước, anh đã tự lái một đường riêng, con đường tinh tế nhạy cảm với với những lẩn khuất hồn người không dễ tỏ bày đặc biệt là từ nơi những người phụ nữ quanh anh.

2.2. Những đặc điểm nghệ thuật thơ Nguyễn Đình Minh

Nhà thơ Trần Nhuận Minh:“Về thơ Nguyễn Đình Minh, tôi nghĩ thơ anh thuộc loại ôn hòa, trầm tĩnh, cấu trúc chặt chẽ, cân đối, câu chữ có độ tinh luyện nhất định. Tôi không thấy bài nào non tay, cũng không thấy câu chữ nào non lép. Đó là một ưu điểm, chứng tỏ tác giả là một người chịu học và có nghề, cũng là người lao động thơ nghiêm túc. Anh đi ra từ truyền thống và vẫn neo giữ được cái hơi của truyền thống trong các suy tư hiện đại”.

Nói thơ Nguyễn Đình Minh đi ra từ xu hướng truyền thống là nói về tổng thể, về cái cốt lõi. Không ít tác giả  viết theo xu hướng này, cuối cùng làm mình lẫn vào trong một dàn đồng ca của thơ hiện nay, có người lẫn đến mức cuối cùng bạn đọc không nhận ra cái cốt cách riêng của mình nữa. Tôi nghĩ là Nguyễn Đình Minh đã nhận ra điều ấy và anh đã cố tránh để tự tìm cho mình một lối đi riêng. Nhiều câu thơ của anh, lời lẽ đẹp, ngôn ngữ có dụng công, kiểu như: “ Chút gió se gỡ rối tóc trelàng” hoặc như “ Sóng bạc đầu về, tư lự gối bờ trăng”… Nhưng thú thực, tôi yêu những câu này hơn và nhớ về thơ anh, chắc  là tôi sẽ nhớ nhiều hơn những câu thơ như thế này: “ Cái ác đốt thành tro mà chẳng bao gìờ chết”, hay: ““Trong mê muội, quyền năng là bất tử ”, Hoặc: “Trong khi rình và giết con mồi / Thú hoang vẫn giữ nguyên mặt thật”… Đó là những câu sắc bén, giản dị mà vẫn sâu sắc, có hương vị của trí tuệ và có dư ba… Những câu này trong thơ Nguyễn Đình Minh không nhiều, nhưng nó hé ra cho tôi thấy một năng lực khác của Nguyễn Đình Minh, để tôi có cơ sở mà tin rằng, nếu anh đưa thơ mình chủ yếu đi theo cách tư duy nghệ thuật này, coi nó là xu hướng sáng tạo cốt lõi của mình, thì trong tương lai, chúng ta sẽ có một nhà thơ xuất sắc.

Nhà thơ Nguyễn Trác: “Thơ Nguyễn Đình Minh giản dị mà không dễ dãi. Giọng thơ khi tha thiết sôi nổi khi lại trầm buồn suy tưởng. Thơ giầu cảm xúc hình ảnh nhưng không thiếu trí tuệ, hiện đại tìm tòi mà vẫn không xa truyền thống.

TS Bùi Hải Yến (Khoa Ngữ văn – ĐH Hải Phòng): Nguyễn Đình Minh là một trong không nhiều nhà thơ đương đại thu hút tôi bởi những thi phẩm của mình. Nhìn lại cuộc “cách tân” thơ Việt  trong vài chục năm gần đây, không ít độc giả tỏ ra xa lạ với lối lập ý, tạo nhịp, gieo vần… của thơ đương đại. Cá nhân tôi cho rằng, thơ luôn là phần tinh túy nhất của ngôn ngữ , mọi sự phá cách dẫu được cổ súy như một yếu tố làm nên bản sắc riêng của mỗi nhà thơ cũng không thể và không nên làm mất đi phần thiêng liêng, trong trẻo cùng nhạc điệu của thơ Việt. Rất may, chúng ta tìm thấy đầy đủ những giá trị ấy trong thơ Nguyễn Đình Minh.

TS.Nguyễn Đình San: Thơ Nguyễn Đình Minh thuộc loại thơ có cảm xúc nhưng giàu trí tuệ, thể hiện rõ tác giả có tri thức chứ không dễ dãi, làm thơ như một thói quen như nhiều người sẵn sàng mỗi ngày có thể làm được vài bài. Có cảm giác tác giả “Làng tre” rất khó tính với từng câu, chữ, hình ảnh, không dễ vừa ý với những gì bằng phẳng, đơn giản, đơn điệu. Vậy nên phải đọc đi đọc lại nhiều lần mới có thể thẩm thấu hết mọi ý tình anh gửi gắm trong mỗi câu, mỗi chữ. Như vậy là kén người đọc. Nhưng thơ hiện đại cần như thế.

Nhà báo Phạm Thị Thùy Linh: Có thể nói, thơ của Nguyễn Đình Minh không giống như các nhà thơ khác của Hải Phòng. Một thời gian, thơ Đình Minh gần gũi với làng quê qua thời gian, không gian. Sau này, anh để tâm xây dựng một phong cách thơ khác giàu triết lý hơn. Dường như anh cố gắng tìm lối đi riêng khác biệt của mình với những câu thơ, tứ thơ hiện đại nhưng không xa rời truyền thống.

Nhà thơ Kim Chuông: Không uốn éo, gò mình, “tự tố lên” như vòng xa, ai đó, làm nặng nề, tù mù, làm rối thêm chính mình, ở quan niệm truyền thống hay cách tân, đẩy thơ rơi vào xa lạ, khác đi nơi bề mặt. Cái không phải là cốt lõi của “thơ Hay muôn thuở.” Nguyễn Đình Minh luôn bộc lộ mình ở sức vóc dồi dào, sung mãn trước thế giới ngắm nhìn. Thế giới, sẽ từ đấy làm giàu cho một “thế giới khác,” đấy là anh, cái “hồn người cầm bút.”

Bỏ qua cái du dương, mượt. Bỏ qua cái áp lực nhịp vần. Lấy tiết tấu, nhạc điệu ẩn chìm trong ngôn ngữ, ảnh hình, thi liệu. Tìm “nhãn tự”  tinh tế mà động trước cái bao la của thế giới quanh mình, ở đây, Nguyễn Đình Minh đã chìm vào “thế sự.” Bám vào “Sự,” bám vào “Thời” để tìm được “cái Đời.” Tìm được bao nhiêu mối liên hệ. Tìm được những phát hiện và kiến giải những giọt nhỏ thắp sáng. Những giọt nhỏ có sức khơi dậy cả chân trời nhận biết. Và, cứ thế, tựa vào “giọng điệu mở,” thơ Nguyễn Đình Minh bộc lộ một khả năng khái quát.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến: Chỉ đến lần này, khi đọc một cách tổng thể và nghiêm túc 3 tập thơ: Mắt cỏ, Thức với những tập mờLặng lẽ đời cây của anh, tôi mới thấy hiện lên một chân dung đời-sống- thơ khá đặc biệt và đẫm chất thơ Hải Phòng nơi Nguyễn Đình Minh.

Sở dĩ tôi trích nguyên văn 2 bài thơ “Khèn Mèo nghe dưới đêm trăng” và ““Trà đêm hồ Núi Cốc” để chúng ta có thể cảm nhận hết được cái âm hưởng, cái hình tượng của thơ Nguyễn Đình Minh trong một vùng thi cảm và thi ảnh của không gian văn hóa đặc trưng của các miền đất đã được anh cất dựng thành biểu tượng nghệ thuật chính của thơ mình.

Nhà thơ Vũ Quần Phương: Hơi hướng cảm xúc và thi liệu vẫn thích tìm trong truyền thống. Khuynh hướng tìm thơ, tạo thơ ấy đã tạo thành một đặc điểm Nguyễn Đình Minh, một thi pháp có vị riêng góp vào sự phong phú của thơ bây giờ. Tôi cảm phục và mến yêu sự can đảm “vượt lên tử giác“ ấy của Nguyễn Đình Minh… Tôi muốn được nói nhiều hơn nữa về bút pháp thơ vững chài trong cách làm câu dựng bài, về những thủ pháp nghệ thuật khá tinh xảo của Nguyễn Đình Minh.

Nhà thơ Ngọc Bái: Khai thác truyền thống để tạo nên những câu thơ hiện đại là điều Nguyễn Đình Minh tâm đắc. “Trời cao thương sẻ cho áo màu xanh/ Cho nắng cho mưa, cho ấm nồng hơi thở đất”– (Quy luật).  Những điều tưởng chừng bất biến, những giá trị phi giá trị đã sàng lọc qua thời gian, để người đời chiêm ngẫm. Có thể dễ dàng nhận ra cái nghịch lý có tính phổ biến. Nguyễn Đình Minh đã không ngần ngại chỉ ra điều ấy:

Hơn hai ngàn năm… Chúa buồn bã bỏ đi

Lời răn vào tai này rồi chui qua tai kia bay mất

Cây Thập Ác hóa thành gỗ mục

Cái ác đã giải thiêng đường về bến bờ hạnh phúc

Con người dùng nó đào huyệt giữa lòng mình

(Lỗ đen)

Những quan niệm về hình thức kết hợp hài hòa với nội dung thi ca là hành trang cần thiết của mỗi người làm thơ. Nguyễn Đình Minh đã không sa vào kể lể dài dòng mà viết những câu thơ có sức lay động, chạm tới trái tim người đọc.  Làm mới thơ mình là khát vọng của người mong muốn khám phá thế giới nội tâm, tự nhiên và xã hội, làm mới bút pháp, làm mới tư duy, hay và lạ! Nguyễn Đình Minh cũng vậy.

Nguồn thơ như nguồn nước. Phải là nước trong xanh tuôn chày, tạo dựng nên vẻ thiên nhiên tráng lệ. Cách quan sát tinh nhạy, hình ảnh thơ gợi cảm, là tâm thế của Nguyễn Đình Minh.  Những câu thơ, vì thế, có sức vươn và không bị non lép.

Nguyễn Đình Minh còn viết về những đề tài có tính thế sự, với nhiều trăn trở, day dứt. Coi trọng tính tư tưởng của tác phẩm đúc kết từ trải nghiệm sáng tạo và hướng thiện là đích đến của tác giả. “Thức với những tập mờ” nhiều thành công trong đổi mới ngôn ngữ thi ca, đánh dấu bước tiến triển về tư duy nghệ thuật, tạo nên cái riêng có của tác giả.

PGSTS Nguyễn Đức Thuận: Những bài thơ triết lý trong tập thơ Ủ ấm trái tim của Nguyễn Đình Minh giàu hình ảnh. Triết lý sâu mà vẫn giàu chất… thơ, không nặng nề, giáo điều. Sức mạnh của nghệ thuật thi ca là ngôn ngữ hình tượng. Điều này thực sự lại đầy ắp trong những bài thơ triết lý của tác giả. Tiết tấu của những bài thơ này được tạo dựng từ những nhịp thơ chắc và khỏe. Đó cũng chính là điểm mạnh trong tập thơ Ủ ấm trái tim của Nguyễn Đình Minh.

Chìa khóa giải mã những điều anh nghĩ suy và anh gửi gắm trong thơ của mình, đó chính là những hình ảnh thơ! Nguyễn Đình Minh là nhà thơ, dù viết thơ triết lý, anh vẫn đi đúng với quy luật và đặc trưng của văn chương xưa nay.

Nhà thơ Bùi Việt Mỹ: Thơ Nguyễn Đình Minh đưa ta đến một lối đi mới của cái nhìn cũng như sự quan sát. Ví như: Căn nhà đẹp được dựng từ những cái cột lõi xù xì, tách trà ngon được chắt lọc từ việc chà xát chồi non, tiếng khèn điệu đàng được kết lại từ vực âm sót buốt  v.v… Dường như anh đi ngược lại với thói quen từ chức năng của thơ mà ta thường nói là: gạn lọc, vun đúc, bồi đắp và thổi hồn cho sự vật, hiện tượng. Ở đây, anh lại bóc mẽ cho ra cái chất liệu khởi thủy của nó như muốn đi tìm về cái bản chất. Nói như thế không có nghĩa là tập thơ không thơ mà ngược lại, như chính anh đã nghĩ về câu thơ nó phải được vớt lên từ bụi bặm ven chiều. Đấy là thơ hay.

Thật vậy, như vừa bước qua bậc thềm ý thức, Nguyễn Đình Minh đã cất cánh, ùa vào khoảng trời rộng lớn của mình bằng những câu từ tự do nhằm thỏa mãn nhu cầu truyền tải ý nghĩa và hành động. Những vùng mờ tối mới là màu chủ đạo cho bức tranh nhiều màu. Có lẽ đây là yếu tố phấn khích cho chuỗi các bài thơ đồng điệu của anh. Để bạn đọc nhận ra được nội dung tứ thơ coi mặt chìm khuất, lấm láp là cốt lõi của sự hiện diện đẹp đẽ… tác giả đã rất tự nhiên dùng tính ước lệ cao để làm phương pháp dẫn lối. Những câu thơ của “Khèn mèo… như tức tưởi không gian”, như ước định một “chân cầu thang mòn gót trai Mèo” và: Túi hạt tình trong tiếng khèn anh để lại/ Trăng đã vẹt rồi/ Em có nhận ươm gieo?

Những bài thơ trong tập của Nguyễn Đình Minh không chú ý trình tự chủ đề hay đề tài mà quan trọng hơn anh như tập trung thể hiện kỹ năng sáng tác, tạo thành loạt bài phát triển cùng hướng. Chúng có mối quan hệ chặt chẽ bởi cái nhìn và cách nghĩ luôn thể hiện tính logic, xuyên suốt các tác phẩm. Muốn diễn đạt nội dung bài thơ theo tư duy tìm cốt lõi phía sau mặt gỗ được phết sơn, mặc nhiên phải dùng đến tư duy trìu tượng và thể hiện tính ước lệ cao. Như vậy, Nguyễn Đình Minh đã chọn được cho mình một lối thơ mới, tự nó tạo dựng lên một phong cách.

PGSTS Cao Thị Hồng: Như một cuốn phim chiếu chậm, đọc thơ Nguyễn Đình Minh, trước hết, ta thấy hiện lên  những bức tranh thiên nhiên làng quê vùng Bắc Bộ với nhiều nét sinh động, nhiều trạng thái cảm xúc đồng hiện trong một không gian lung linh sắc màu, lan tỏa trong một thứ ánh sáng không chỉ của cảnh vật mà còn của tâm cảm thi nhân trước một vũ trụ bao la, huyền diệu đến lạ lùng mà nếu không có một sự quan sát tinh tế và một cảm xúc đầy chất thơ thì không thể nào viết lên những câu thơ đẹp đến nao lòng như thế: Vỡ òa bát ngát trời quê/ cánh cò chớp thả bùa mê thảm vàng…/ đầy sân gió nội hương đồng/ thuyền mơ sương khói bến sông trước nhà/ Vó bè cất áng mây sa/ dế lang thang giữa mượt mà cỏ tơ/ cánh sen lần giở tuổi thơ/ mặt ao đựng bóng cả bờ tre xanh (Làng tre).

Thi giới Nguyễn Đình Minh, là thi giới gắn với những cảm thức của người trong cuộc. Thơ ông chính là tiếng gọi vang lên từ sâu thẳm trái tim mình. Đó là những lời thơ giản dị, chân mộc mà thê thiết những nỗi niềm riêng quyện hòa trong suối nguồn của tình tự dân tộc, quê hương. Và đây là nét riêng làm nên hồn thơ Nguyễn Đình Minh.

TS. Bùi Hải Yến: Với gần một phần tư thế kỷ bén duyên, vương nợ cùng thơ, Nguyễn Đình Minh vẫn là một cây bút đang khai mở, vẫn là một nhà thơ “trẻ” với bút lực dồi dào. Mỗi một tập thơ ra đời đánh dấu sự trưởng thành trong lao động nghệ thuật của ông và là những kết tinh của trí tuệ, xúc cảm, vốn sống cùng năng lực biểu hiện thiên bẩm của một tâm hồn đa cảm nhưng cực kỳ tỉnh tảo và sắc bén. Độc giả mỗi lứa tuổi sẽ tìm được những hứng thú riêng, những khám phá riêng ở cánh đồng thơ Nguyễn Đình Minh, nhưng tôi chắc rằng người trẻ nên đọc, rất nên đọc, bởi những chiêm nghiệm phong phú những trải nghiệm xê dịch không mấy người có cơ hội trải qua và trải lòng thành thực, trách nhiệm như Nguyễn Đình Minh.

Nhà văn Văn Chinh: Nguyễn Đình Minh nói về cái đang vỡ ra, tiếng đàn điện tử được gói trong cái đĩa CD khóc sẵn (Khi tác giả bắt gặp một đám tang thời công nghệ- tác giả chú thích), nó đang phá vỡ toàn bộ. Nếu chúng ta cứ để buông lơi thì nó phá tiếp không còn cái gì nữa. Nó làm nên đẳng cấp thơ anh và đó là sự khác biệt.

Nhà văn Đình Kính(Chủ tịch Liên chi hội NVVN các tỉnh phía Bắc- Chủ tịch Hội NVHP): Nguyễn Đình Minh rất ý thức trong sử dụng ngôn từ. Ở chừng mực nào đấy, anh biết viễn du cùng ngôn ngữ, biết đặt ngôn từ cần dùng đúng cái chỗ mà ở vị trí đó, ngôn từ ấy sáng nhất, thăng hoa nhất, cao sáng nhất, ở vị trí đó ngôn từ ấy là vua, hoặc ở vị trí hậu. Thơ hay là thông qua ngôn ngữ để thực hiện quyền năng nuôi dưỡng tâm hồn con người của người nghệ sỹ. Thơ Nguyễn Đình Minh lấp ló quyền năng ấy.

Hội Nhà văn Hải Phòng có hai nhà thơ, Đồng Đức Bốn và Mai Văn Phấn, đại diên cho hai dòng thơ, hai lối thể hiện, hai thi pháp khác nhau. Nếu Đồng Đức Bốn với lối viết tải trải chữ nghĩa và khả năng sắp đặt ngôn từ một cách bình dị, là nhà thơ lục bát tài ba, bẩm sinh, trung thành với thơ truyền thống, đại diện tiêu biểu cho thi pháp cổ điển; và nếu Mai Văn Phấn là nhà thơ tiên phong sáng tạo theo hướng đổi mới, cách tân, là sự cô đặc ý tưởng và chữ nghĩa, không tải rải mà ép nén thành cao, do vậy đọc thơ anh, trước hết  rất cần một ly rượu đồng cảm; thì thơ Nguyễn Đình Minh, bằng trải nghiệm và dần dà định hình trong ý thức không lặp lại người khác, là cái gạch nối giữa thơ truyền thống của Đồng Đức Bốn và thơ cách tân của Mai Văn Phấn.

 

Ban tổ chức Hội thảo

 

THƠ NGUYỄN ĐÌNH MINH

 

ĂN CHAY

 

Rất bắt mắt sắc màu và nực mùi quyến rũ

Nghệ nhân tạo cỗ chay y như mâm ẩm thực đời thường

Thụ cơm Phật giữa sân chùa, chạm lưỡi vào mới biết

Cơm chay!

Cũng béo ngậy, cũng thơm… 

 

Nhìn nụ cười nở no nê ngập mắt chúng sinh

Mới thấy đã cõi người thì không cõi Phật

Giả là giả và tht là thật!

Người ta muốn đánh lừa mắt mình, hay che mắt trời xanh

Đã quyết chay, sao vẫn vấn vương tượng hình phàm tục

Lòng còn ủ ươm mầm gió hồng trần?

 

Không thấy Phật nói gì về ăn chay trong 58000 bộ chân kinh

Nhưng tích thiện thì trang nào cũng nhắc

Ăn! Chỉ là bón thịt da và khung xương động vật

Khung xương người là linh hồn, lại nuôi dưỡng bởi tâm trong!

 

Thật giả biến hình làm dày thêm bóng tối nhân gian

Con đường đến Tây Thiên chưa đi đã lạc

Chợt hiểu vì sao dưới trời vẫn khắc khoải những hồi chuông

Và nghìn năm đêm…

Tiếng mõ nơi mái chùa vẫn nghẹn ngào mãi nấc!

 

 

NGHE CHUỐNG XỨ PHẬT

 

 

Tiếng chuông tẩm ban mai đánh thức giấc u mê

Đẫm nỗi chiều âu lo, gọi sinh linh mau thoát vùng đêm tối

5000 năm trút hỷ xả từ bi vì nhân gian phổ độ

Mà bất lực khi cố công giải độc lòng người?

 

Đã vùi lấp, rồi lại lên xanh bao lớp bồ đề

Quả hạnh phúc vẫn tóp teo,

Còn nỗi đau lan nhanh hơn cỏ mọc?

Chân kinh như ngọc reo dưới ánh mặt trời

Nhưng lòng tham không có mắt

Và cái ác chẳng bao giờ vì cái thiện mở tai nghe!

 

Thương những quả chuông già nua, não ruột tiếng đồng

Đêm ngày hoài công gióng giả

Tự đập vỡ mình rồi tan tác giữa thinh không!

 

Tiếng chuông có nhạt nhòa trong kỹ trị văn minh

Khi loài người cấy thêm sự ranh ma cho tính thú

Và kết kén ở trong mình những bến mê bất ngộ

Mà thông điệp lại vô hình chìm trong khúc vô thanh?

 

 

ĐỌC LÃO TỬ THỜI 4.0

 

Thầm lặng cỡi trâu nhập vào sa mạc “vô vi”

5000 chữ  khắc vào thời gian, Người để lại

Nhắc hậu thế:

Đạo như nước chảy, như gió vô hình

Cái quá khứ có thể đặt trên bàn thờ và thắp hương

Nhưng chỉ là những lời bàn gửi về từ cát bụi!

 

Người xưa đâu biết bom hạt nhân, tệp tin số hóa

Mắt vệ tinh nhìn quả đất trôi cô đơn như quả trứng chim

Thần thoại cúi đầu trước phép màu tạo ra từ công nghệ

Nhưng buồn thay, quỹ dữ dùng nhiều hơn thiên thần

Cái ác biến đổi gen không ngừng sinh nở?

 

Bỗng hiểu vì sao Khổng Khâu trước Lão Tử phải giật mình

Loài người mãi ngập úng giữa vũng đêm

Và ta, rối bời trước bao nhiêu luận thuyết

Trước ngu muội, điên rồ trong những giả chân kinh

Món khoái khẩu của loài mối mọt.

 

Bao giờ?

Con người dám thanh tẩy đống ruột gan ủ độc

Tự treo cổ sự u mê và giả dối của mình,

Vượt thoát lối tư duy trầm kha ký sinh mặt đất

Phóng tầm nhìn xuyên muôn lớp phù vân…

 

Đọc Lão Tử thời 4.0

Ta hiểu dòng đời rất giản đơn trôi thuận tự nhiên

Mọi thảm họa đều bắt nguồn từ cưỡng cầu quy luật

Trái đất vẫn quay, nhưng không thể có giờ thứ 25

Vì thế, nếu là hoa, hãy nhớ thơm

Nếu là cỏ, hãy nhủ lòng đừng quên biếc.

 

DẪU KHÔNG LÀ TRIẾT HỌC

 

 

Triết học là bài diễn ngôn, luận về quy luật

Lớp lớp chủ thuyết đã xuống mồ mục xương

Mà cuộc tranh luận về sự vuông hay tròn vẫn chưa nguôi dứt

Dẫn thế giới vòng vo đi qua đêm trung cổ kinh hoàng

Nơi “Thánh chỉ” là triết học

Loài người như bầy dê cừu theo hiệu lệnh gậy “chăn dân”!

 

Thời hiện đại, những luận thuyết nhiều như cỏ mọc

Mỗi triết gia xưng đế một phương trời

Thế giới vừa cát cứ, vừa hỗn mang

Những “nhất nguyên””tam quyền””đa cực”…

Chính trị là thớt dao, thêm một lần tiếm ngôi triết học

Và cá thịt…buồn thay, vẫn lại chính con người!

 

Ở nơi đâu ngọn cờ nhân vị cũng giương cao

Nhưng khái niệm “con người” chưa bao giờ xác thực

Hèn yếu những bầy đàn, y nguyên trâu, ngựa, muỗi, ruồi…

Hổ báo vẫn tác oai rung không gian quyền lực.

 

Bây giờ, nhân loại ở cùng nhà với loài robot

Chính trị nào chọn sống với tim người?

Liệu có chính trị nào cho robot?

Riêng ta biết một điều (dẫu không là triết học)

Khi cúi xuống vì cỏ, chính trị hóa bầu trời

Còn cất mình lên ngai vàng, chính trị thành địa ngục!

 

 

TẦM CAO KHÁC BIỆT

 

 

Chân lý là sự thật

Nhưng trong miền trí tuệ thô sơ, trong giới hạn tầm nhìn

Chân lý dễ dàng bị biến thành xác chết.

Khi Galilei đối mặt với ngục tùvẫn chứng minh quả đất quay tròn

Thì lời chứng của ông chỉ như hơi rượu nhạt

Đêm trung cổ với xích xiềng, gông trái đất đứng yên!

 

Thương một thời chưa có tàu vũ trụ và trăm loại vệ tinh

Để nhìn thấy quả cầu xanh xoay trong thiên hà… là trái đất

Sẽ không có Tòa án Pháp đình buộc Galilei vào tù ngục

Và hành tinh ngày xưa không bị ép cấm quay tròn!

 

Vẫn biết cái ngược lẽ tự nhiên sẽ rã mòn

Chỉ tiếc giới hạn đời người như chớp mắt

Sự ngu muội lại cầm quyền thống trị thời gian?

Và sự thật là chân lý dưới trời xanh

Nhưng hồn vía, hình hài,

Chỉ được sáng soi bởi tầm cao khác biệt!

 

Tầm cao ấy ở đâu? Nơi trí tuệ, lương tâm ta,

Ở trong hay bên ngoài trái đất?

Không có nó chân lý như thú hoang trước bẫy ác rập rình

Khi thế giới bị ép phải mù lòa,

Thì cỏ dại cũng héo mòn rữa gục…

 

Nhân loại đang kỳ vọng vào phép màu công nghệ 4.0

Nhưng có thể xóa được chiếc bóng của mình

Từng giây đổ đen đầy mặt đất?

Máu chảy nghẹn ngào sau tiếng nổ liên thanh

Chân lý bị chôn vùi trong bao nhiêu nấm mồ oan khuất

Vẫn mãi ngậm hờn?

 

 

 

TRONG MÀN KHÓI SƯƠNG MA MỊ...

 

 

Đi ngàn dặm đến nước Sở học đạo Lão Tử và về tay không

Khổng Tử cúi đầu trước thày,

Song vẫn tin vào chân của mình trên đôi dép cỏ.

Ông uốn các con đường, nắn sông, chắn che phên dậu

Dùng mực thước xây những thành trì quy tắc giữa vô thường.

 

Nhưng nội chiến Trung Hoa trên 2000 năm ngầu đêm máu

Nho học thành triết học của quan trường

Chân lý đặt dưới chân Thiên Tử

Tự do con người bị một chữ “Lễ” khóa gông!

 

Một thời ngạo nghễ Thiên An Môn

Rồi bức tượng đài bị chính cháu con mình vứt vào kho bụi

Hôm nay bỗng dựng mồ bắt Ông đứng dậy

Đôi dép cỏ một thời (theo lệnh ai?) lại du thuyết thế gian…

 

Ta qua Hà Nội bất ngờ chạm mặt “Viện Khổng Tử”

Khổng Tử ở đâu?

Hay ẩn thân trong bức cuốn thư khắc dòng chữ tượng hình

Lưu dấu vân tay quyền lực mềm thời hiện đại

Như màn khói sương ma mị…

 

Bỗng thương Ông sao còn trở lại

Nơi mặt trời thiêu tàn đêm Bắc thuộc đã ngàn năm

Khi con ngựa thành Troy đã vùi thây trong truyện cổ.

Sao còn nghe người, giấu kim mê trong bối giẻ cũ mèm

Tâm ma mới, đem nhập vào xác Đạo*?

 

Thắp cho Ông một nén hương

Nhưng vẫn khước từ bất kỳ ai, kể cả vong hồn đeo mặt nạ

Dẫu cánh cửa nhà ta luôn mở!

 

 
 

 

 

 

*Lý Linh - Giáo sư trường Đại học Bắc Kinh trong “Chó nhà tang – Tôi đọc Luận ngữ” viết:“ Vị Khổng Tử mà các hoàng đế tôn sùng từ triều đại này qua triều đại khác không phải là Khổng Tử thật, mà là một Khổng Tử nhân tạo”.

 

 

TRONG ĐỊA TẦNG TRUYỆN CỔ

 

 

Những cây súng mọc thành rừng xanh

Đạn bom nở vàng thơm mùa quả

Áo lính trận và cơn mơ nghẹn ngào tiếng máu

Bị vùi chôn trong viện bảo tàng…

 

Rất nhiều hoa lấn đè nền cũ các nhà giam,

Trăng tràn ngập những ngôi nhà không ổ khóa

Đường chân trời trong veo, không có giây thép gai hoen rỉ

Và bao thứ khác một thời…

Đã biến chúng ta thành những tù nhân.

 

Khi chính khách, luật sư, pháp luật bị giải thiêng

Sẽ lụi tàn sự bịp bợm và lừa đảo

Phẩm giá con người không còn bị đo bằng tiền tệ

Mỗi bước hành trình đều gặp sự yêu tin.

 

Rực sáng không gian ánh mặt trời công lý

Con tàu trái đất chở bình yên chạy trong khí quyển tự do

Xóa nhòa đường biên và các kinh vĩ độ

Tiếng của trái tim được chọn làm ngôn ngữ loài người...

 

Ta tìm kiếm những điều này

Và gặp chúng trong địa tầng truyện cổ

Nơi chỉ có giấc mơ mới tạo ra phép lạ

Tỉnh mộng rồi chỉ thấy khói mây bay….

 

 

TỰ DO?

 

 

Chim sải cánh bay dưới ánh sáng xuyên không gian

Cá bơi thung thăng giữa mênh mông biển nước

Và mây nhởn nhơ giữa bầu trời bát ngát

Có thấy, không gian là khung cũi bị giam cầm?

 

Trong một tầm tên thôi, chim gãy cánh

Cá khó thoát sự rình chờ của tơ lưới vây giăng

Hồn mây chết trong dấu chân mưa ghim mặt đất

Đến thời gian cũng bị đóng vào trong hộp

24 giờ, phân đôi khoảng…ngày…đêm!

 

Chỉ còn gió chở lời yêu cập bến trái tim

Khi nộ khí xung thiên quật đổ hết những gì mục nát

Khúc vui hào sảng. khúc buồn bi thương

Tự do!

Gió cởi lòng mình mà hát…

 

Nhưng gió từ đâu đến và về đâu?

Ta không nắm được hình hài và chưa bao giờ thấy mặt

Trong khoảng không gian nào gió bị cầm tù

Và trong lẽ vô thường nào gió chết?

 

 

Ta tự hỏi mình và chỉ nghe tiếng tim thổn thức

Có tự do không hay vẫn chỉ là mơ ước…

Nơi thế giới bên kia?

 

 

 

 

XUYÊN QUA HƯ ẢO

 

 

Máy phun ra màn sương khói lạnh… ảo huyền

Dòng sông, bến nước con đò hiện trên màn hình Led

Đèn phủ màu lên em và đàn tre, sáo trúc

Chỉ còn nguyên sơ những những giọt âm thanh!

 

Trong khúc xạ của tiếng nhạc vô hình

Bao hồi ức ngủ vùi được lòng ta chiết xuất

Mẹ hóa vọng phu đứng đợi mòn vẹt một bên trời

Ngày cha về Nam, đánh giặc.

Hương sen vươn từ bùn lấp láp

Tẩm thơm bao nỗi đầy vơi?

 

Con tép, lá rau làm nên một góc chợ chiều

Lá nhuộm hoàng hôn xạc xào như bước người qua ngõ

Trăng rụng xuống chén sành trong veo hương rượu

Người dùng dắng sang đò, buồn đến tím heo may…

 

Xuyên qua hiệu ứng của công nghệ làm sân khấu ảo mờ

Da thịt, tâm can va vào đời thực

Đón được tiếng trụi trần thau qua hồn người hóa ngọc

Đang lặn lội tìm bến lòng tri kỷ buông neo.

 

Ta như cá nâng mình uống sóng nhạc ngân reo

Bỗng thoáng sợ suối âm thanh bỗng nhiên khô kiệt

Giữa hư ảo những khối hình, ảo màu, ảo sắc

Trơ lại sự no nê của đôi mắt cõi người!

 

 

 

CHÚNG TA GIỐNG NHAU?

 

 

Những giọt nước mắt vắt ra từ những nỗi người

Và nụ cười, thứ tài sản riêng của tâm hồn nhân loại

Đều không phân biệt màu!

 

Sau bảy tỷ vòm ngực con người đều có một trái tim

Mang mơ ước tình yêu, khát vọng tự do

Và máu, có dòng nào không đỏ?

 

Chúng ta giống nhau đến vậy

Tự tôn vinh mình giữa cõi sinh linh hai tiếng: con người!

Nhưng lại trồng cấy sự hận thù, ươm mầm gen thú dữ

Như con rắn lột xác theo mùa

Còn nọc độc nơi ruột gan, trong tâm can giấu kỹ.

 

Và chúng ta khác nhau!

 

Có lẽ triệu năm sau câu hỏi vì sao? vẫn không lời giải

Bởi từ điển nhân gian từ lâu đã bôi đen hai chữ thương yêu

Thế giới mọc dày thêm những con đường thánh giá

Và đoạn trường trần ai… ta rất ít gặp người!

 

 

NHỮNG CÂU THƠ THOÁT RA GIỮA CƠN MÊ

 

 

Trong miền chết lâm sàng, không thấy thiên đường và địa ngục

Chỉ có thuốc thay cơm truyền vào người như cơn lũ trút

Trắng toát màu im lặng…Blu!

Bỗng bật lên khắc khoải những câu thơ

Anh đọc giữa cơn mê …

Những câu thơ rút ra từ ruột gan hay xương cốt?

 

Mưa nắng kết thành những câu thơ anh đắng cay gân guốc

Giông gió, đẩy anh đi hết cõi người

Trao cả linh hồn cho nàng thơ trọn kiếp

Chênh vênh giữa lở giữa bồi!

 

Ngoài kia đêm mù mịt

Thơ thoát ra hóa đàn đom đóm bay không biết tìm gì

Ngẩn ngơ như chùm hoa cải…

 

Thơ không ăn được

Và nhà thơ luôn như kẻ mộng du trong mắt cõi người

Nên đom đóm bay vào hồn kẻ hữu tình thì đêm hóa ngọc

Lạc vào mắt người vô tình lại hóa lũ “ma chơi”?

 

Thơ anh có được như món rau thơm trên bàn ăn đầy xôi thịt

Có ai dùng như chiếc gậy chống giữa đường đời?

Chỉ biết giờ tiễn anh đi vào cõi khác

Thơ là giọt rượu buồn thầm lặng hóa hơi!?

 

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *