Tác phẩm và dư luận

27/9
10:43 PM 2019

NGỌN LỬA CÀNG ẤM NỒNG

Nhà văn PHAN QUANG

Tôi lại vinh hạnh được làm người đầu tiên đọc cuốn sách bạn đang cầm trên tay, Giữ lửa (tập 3) của nhà báo, nhà thơ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh. Sau Giữ lửa (tập 1) năm 2014 và Giữ lửa (tập 2) năm 2017, bước vào mùa thu năm 2019 này Giữ lửa (tập 3) ra mắt công chúng. Các bài trong ba cuốn sách dày dặn cùng chung dòng chảy đã được in trên các báo và tạp chí, một số bài cùng lúc đăng trên nhiều tờ báo lớn ở trung ương và các địa phương, lẽ đương nhiên đã có nhiều, rất nhiều người đọc, biết, tương tác luận bình, nhưng sắp xếp hoàn chỉnh thành tác phẩm dày gần 500 trang sách trang trọng như thế này thì tôi tự hào mình là độc giả được tác giả Nguyễn Hồng Vinh ưu ái.

Nếu Giữ lửa (tập 1) chọn lọc các bài xã luận ngắn gọn, súc tích, đề cập nhiều vấn đề trọng đại của đất nước, đặt dưới tiêu đề chuyên mục “Vấn đề tháng này” mở đầu số báo Nhân Dân ra hằng tháng, thì Giữ lửa (tập 2) bên cạnh những bài ấy, có thêm môt số bài cùng chung thể loại và hình thức thể hiện là “Vấn đề quan tâm” của Tạp chí Tuyên giáo, cơ quan của Ban Tuyên giáo Trung ương cũng phát hành hằng tháng; và đặc biệt thú vị là loạt bài chuyên luận, biên khảo, tham luận hội thảo khoa học…, mỗi bài đề cập một vấn đề cốt tủy trong cuộc sống đất nước ngày nay mà người Việt Nam không ai có thể không quan tâm: tình trạng xuống cấp dài dài của đạo đức xã hội. Đó là trăn trở của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi Ông còn tại thế: “Thuần phong mỹ tục mất dần, và thay vào đó không biết bao nhiêu thói hư tật xấu dần dần trỗi dậy hoặc xâm nhập từ ngoài…”, từ đó nhà văn hóa lớn tiền bối dóng tiếng chuông cảnh tỉnh: “Nếu môi trường ô nhiễm như hiện nay thì mọi người chúng ta sẽ sống làm sao, sống với ai và sống để làm gì?”. Qua một số bài viết của mình trong Giữ lửa (tập 2), nhà báo, nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh từng giữ cương vị một trong những người có trách nhiệm dẫn dắt ngành tư tưởng, văn hóa, báo chí nước ta, đã “nhập cuộc” với nhiệt tâm chung tay góp sức tìm lời giải cho vấn đề bậc tiền bối nêu lên một phần tư thế kỷ trước, mà đến hôm nay đà suy thoái và ô nhiễm đạo đức xã hội vẫn chưa chặn được.

Giữ lửa (tập 3) so với hai tập Giữ lửa trước có những nét mới: Cùng xuôi chiều với dòng chảy chính, chọn hơn 30 bài xã luận “Vấn đề tháng này”, còn có trên 20 bài được Nguyễn Hồng Vinh thông qua những thể loại báo chí, văn học như chuyên luận, bình luận, ký sự, chân dung, du ký, tùy bút, tham luận hội thảo, đối thoại với đồng nghiệp, trả lời phỏng vấn của phóng viên… đề cập nhiều vấn đề chính trị, văn hóa, báo chí nóng hổi diễn ra trên đất nước ta và thế giới, từ Hà Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hải Phòng, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ… đến thủ đô Bình Nhưỡng nước Triều Tiên không xa cái vạch vô hình mà hiện hữu 65 năm nay là vĩ tuyến 38, mà Tổng thống Mỹ D. Trumph vừa qua trân trọng bước qua để bắt tay Chủ tịch Kim Jong Il; qua cố đô Saint Petersbourg của Liên Bang Nga nơi có Nghĩa trang an nghỉ nửa triệu chiến binh và dân thường bỏ mình trong Chiến tranh chống phát xít Đức, đến Hy Lạp xứ sở huyền thoại của nàng Vệ nữ và thần Jupiter; rồi sang Bun-ga-ri, xứ sở hoa hồng của thế giới... Đọc Giữ lửa (tập 3), bên cạnh những bài đề cập các vấn đề quen thuộc hằng tháng, tôi có cảm tưởng như tác giả Nguyễn Hồng Vinh là cánh én bay lượn trên trời cao, nhưng không quên đều đều sà xuống mặt đất nhặt hạt đậu, nhắm chồi hoa tiếp thêm sức sống.

Trở lại với phần chính cuốn Giữ lửa (tập 3): “Vấn đề tháng này” - mà tác giả đã bền bỉ viết đến nay tròn 22 năm. Tôi muốn khẳng định lại điều đã khẳng định: Từ “Người giữ lửa” (tập 1, 2014) đến “Ngọn lửa vẫn bền” (tập 2, 2017), tôi cảm nhận: “Nhiều chủ đề đồ sộ được Nguyễn Hồng Vinh lan tỏa qua cái nhìn của một nhà báo, nhà thơ luôn cố gắng giao hòa lửa báo với hơi văn, tôi tin rồi không ít bài sẽ tồn tại lâu dài, vượt qua khắc nghiệt thời gian…” (trích Lời giới thiệu sách Giữ lửa tập 2, Nxb Văn học 2017). Lần này đọc Giữ lửa (tập 3), niềm tin của tôi vẹn nguyên như trước, hơn thế, còn thấy dường như ngọn lửa vẫn đang rần rật cháy kia, hơi ấm nó tỏa ra lúc này có phần dịu dàng, nồng thắm hơn, phải chăng do lan tỏa vào dịp cuối thu, khi thời tiết bắt đầu chuyển mát khiến cho cảnh vật càng mơ màng - mùa thu thiên nhiên và mùa thu của một đời báo, đời thơ. Tôi càng vui và trân trọng sự “nhả tơ” đều đặn của tác giả qua nhiều thể loại; sự kết hợp dung dị giữa báo chí và thơ ca, mà ở phần II cuốn sách này, nhiều nhà phê bình văn học đều có chung nhận xét. Không phải ngẫu nhiên, cuốn sách ra đời vào mùa Thu, vì chính tác giả từ trang đầu sách, đã mở đầu bằng bài “Xốc tới với ngọn lửa tháng Tám”; và bao trùm trong hai tập Thơ và Dấu ấn cuộc đờiXanh mãi, có gần hai chục bài về mùa thu…

Mùa hè năm ngoái, kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, nhân đọc tập Thơ và Dấu ấn cuộc đời tác giả Nguyễn Hồng Vinh vừa gửi tặng, tôi viết bài ngắn dưới dạng phiếm đàm gửi đến riêng anh, tưởng đùa với nhau một chút cho thư giãn, không ngờ được đăng trang trọng trên báo Đảng. Theo mỹ tục từ tổ tiên chúng ta truyền lại, kính lão đắc thọ, nhiều người cầm bút về già, trong số đó có tôi, thường được các đồng nghiệp trân trọng gọi “nhà báo lão thành”, mỗi lần đến dự cuộc họp ngành báo chí hay văn chương, các mái đầu bạc lại được anh em mời lên ngồi hàng ghế trước. Có lần tôi buột miệng nói vui: “Lão còn khả dĩ, và chắc chắn đúng và ngày càng đúng hơn nếu trời quên chưa gọi đến tên, nhưng thành, chưa chắc!” Phó Giáo, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh đã bỏ xa cái mốc “xưa nay hiếm”, thành đạt trong nghề báo, nghiệp thơ, nhưng anh tựa như dòng suối nước đầu nguồn ngày đêm xuôi chảy thuận chiều, thỉnh thoảng làm tóe lên một ánh đẹp bất ngờ khiến nhiều người thích thú, sao dám bảo Nguyễn Hồng Vinh “nhà báo lão”?

Tôi tin nhà báo “thành mà chưa lão”, nhà thơ còn “Xanh mãi” Nguyễn Hồng Vinh đang kỳ bút lực sung mãn, sẽ tiếp tục trình làng nhiều tác phẩm hay.

Hà Nội, tháng Tám 2019

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *