Tác phẩm và dư luận

15/4
6:03 PM 2018

GIỚI THIỆU TẬP THƠ “TÌM VỀ KÝ ỨC” CỦA ĐÀO HẰNG

TUYÊN HÓA – Sáng 15-4-2018 tại Trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (9.Nguyễn Đình Chiểu-Hà Nội), Ban Văn học Công nhân phối hợp với Công ty Mỹ thuật Hải Đăng đã tổ chức buổi ra mắt giới thiệu tác phẩm “Tìm về ký ức” của nữ tác giả Đào Hằng. Đại diện Câu lạc bộ Văn chương và Hội đồng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam cùng đông đảo các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình và công chúng văn học Thủ đô đã đến dự. Các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình: Vũ Quần Phương, Trần Ninh Hồ, Nguyễn Thị Mai, Phạm Ngọc Chiểu,  Nguyễn Thị Ngọc Hà, Phạm Đức, Nguyễn Quang Thuyên... đã đọc tham luận đánh giá về tác giả và tác phẩm.

Tác giả Đào Hằng (ngồi giữa) cùng đại diện Ban Văn học Công nhân và Công ty Mỹ thuật Hải Đăng chủ trì buổi giới thiệu

Nữ tác giả Đào Hằng sinh năm 1972 tại Hải Phòng, quê gốc ở Hà Tĩnh, tốt nghiệp Cao đẳng Y khoa Hải Phòng, hiện định cư ở Canada. “Tìm về ký ức” là tập thơ đầu tay của chị, gồm 125 bài thơ được sáng tác trong mấy năm gần đây. Ấn phẩm do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty Mỹ thuật Hải Đăng phối hợp thực hiện, phát hành đầu tháng 4-2018, dày 250 trang.

Phát biểu của các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu và người yêu thơ tại buổi giới thiệu đều nhận xét: Có một cái gì đấy trong trẻo, vui tươi,  đầy lãng mạn. Lại có một cái gì đấy sầu buồn, nuối tiếc, ngóng trông... và cũng có một cái gì đấy an nhiên, chấp nhận… khi đọc tập thơ “Tìm về ký ức” của Đào Hằng. Qua thơ cho thấy tác giả là một người phụ nữ có tấm lòng nhân hậu, có trái  tim yêu nồng nàn da diết và một tâm hồn mộng mơ hòa nhập với thiên nhiên đất trời. Đặc biệt, tập thơ đầu tay với 125 bài thơ được viết chỉ trong vài năm gần đây, cho thấy đây là cây bút khỏe khoắn, cảm xúc dồi dào, thơ luôn đồng hành chia sẻ buồn vui với chị suốt tháng ngày.

Tập thơ “Tìm về ký ức” của Đào Hằng, nếu phân chia theo góc độ trạng thái, cảm xúc ta sẽ đọc được hai tâm trạng: Hạnh phúc và Bất hạnh. Hạnh phúc, ví như các bài: Hạnh phúc xuân về; Trọn đời bên nhau;Bên anh trọn ngày thu; Biển và Anh; Thuyền và Biển; Mênh mang ngày hạ; Biển tình; gửi người yêu thương v.v... Toát lên ở các bài thơ này là cảm xúc trong trẻo, thánh thiện và mãn nguyện về một tình yêu rất đẹp mà chị được dâng hiến. Sự thầm kín trong trái tim yêu đã bật thành thơ, “lên tiếng” bày tỏ, bởi chị không kìm nén được nỗi sung sướng trong hạnh phúc dâng tràn. Và hạnh phúc ấy chính đáng, xứng đáng với người đàn bà yêu như chị.

Còn bất hạnh, là Đào Hằng nói hộ nỗi niềm của những người đàn bà xung quanh chị. Những bài thơ viết về tâm trạng này chị đã hóa thân vào nhân vật, chị như họ và họ là chị. Cũng hụt hẫng, cô đơn, đau khổ, buồn chán nhưng lọc qua tâm hồn chị, những câu thơ không bi quan thê thảm, không u uất đến bế tắc. Bởi chị khuyên người ta lấy mất làm còn, biết làm chủ nỗi đau để vững vàng sống: “Kỷ niệm ngọt ngào chôn dấu, thôi đau/ Nuốt hận sầu vùi sâu vào dĩ vãng/ Vậy anh nhé! Chia ly trong thầm lặng/ Yêu thương xưa như gió thoảng xa  vời/ Tình mặn nồng là quá khứ chôn vùi/ Đã phôi phai đừng bao giờ níu lại..” (Lời cuối cho anh) v.v... Chị nhắc nhủ trái tim bất hạnh hãy tìm về những ký ức đẹp, hoài niệm về nó, nâng niu trân trọng nó như những gia tài cất giữ và phải quên hết để vui vẻ sống: “Kỷ niệm ngọt ngào quên đi người nhé/ Kể từ nay sống cuộc đời riêng em/ trả lại anh những tháng ngày không tên/ Tất thảy  quên niềm đau tình ngang trái/ Quên hết luôn thời đắm say khờ dại/ Sẽ không còn nỗi khắc khoải đêm thâu… “(Lời cuối cho nhau).

Nhà thơ Trần Ninh Hồ, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà văn VN, phát biểu nhận xét về tác phẩm

Có thể nói thơ tình của Đào Hằng là nỗi hoài niệm xót xa, sự tiếc nuối ghê gớm những kỷ niệm đẹp của tình yêu, tình đời. Nhưng thơ không mang nỗi thất tình bi thương. Tuy tìm về ký ức nhưng chị vẫn biết cất dọn ký ức để sống. Chị tìm về cảnh vật thiên nhiên để an nhiên cõi lòng. Vì vậy, có đến hơn ba chục bài thơ chị viết về thiên nhiên, cảnh vật, mùa và hoa. Về mùa, chị tả nhiều mùa xuân và mùa  thu. Về hoa, có đến vài chục loài hoa đã đi vào thơ chị với những ngôn từ đặc tả thật sống động. Về cảnh vật, chị đến nơi đâu có thơ nơi ấy bằng những câu thơ tả cảnh rất sinh động, thu hút hấp dẫn (nhất là khách du lịch),  như: “Trăng buồn một bóng giữa trời đêm/ Lác đác cánh hoa rớt rụng thềm/ Màn sương giăng phủ tràn muôn lối/ Hàng liễu rủ buông thả dáng mềm” (Xúc cảm trọng ngày xuân). Một người không lạc quan, yêu cuộc sống chắc chắn không yêu thiên nhiên cảnh  vật, hoa lá đến như vậy.

Thơ Đào Hằng tuy còn viết dài, nhiều bài lan man, nhiều câu thật thà, còn nặng về tả, hay dùng từ ngữ cổ điển, nhưng nó vẫn có giá trị nhất định. Ấy là đã khiến người đọc liên tưởng thưởng thức được phần nào âm hưởng của thơ tiền chiến, nó lưu truyền được thể thơ song thất lục bát đang dần phai mờ, nó hướng người đọc tới giá trị chân thiện mỹ của thơ ca. Điều đáng trân trọng là tác giả đã viết hết mình, viết thật  mình, viết cho mình và viết vì mình chứ không viết vì cái gì.

(Ảnh kèm bài của CẦM SƠN)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *