Tác phẩm và dư luận

4/7
12:42 PM 2020

CHÂN DUNG MỘT NHÀ THƠ CÁCH MẠNG

Trần Đương-Trong lịch sử văn học Đức ở nửa đầu thế kỷ 20, có ba nhà thơ lớn được coi là những đại diện ưu tú nhất của nền văn hóa xã hội chủ nghĩa nước này, đó là: Johannes R.Becher (1891-1958), Bertolt Brecht (1898-1956) và Erich Weinert (1890-1953). Ngoài những thành tựu thi ca, mỗi ông đều có những cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp của mình.

Bạn đọc Việt Nam biết đến Becher ở tư cách một nhà lý luận văn hóa lỗi lạc; Brecht ở vị trí một nhà hoạt động sân khấu hàng đầu của thế giới. Cho đến nay, Erich Weinert chưa được dịch và giới thiệu nhiều ở nước ta, song, những ai quan tâm đến nền văn học Đức hiện đại, đều biết ông là một nhà thơ cách mạng lớn, một nhà tuyên truyền hùng biện trong phong trào công nhân và cộng sản Đức mà tên tuổi đã được đặt cho nhiều đường phố, trường học, doanh trại quân đội, trại hè thiếu nhi, quảng trường, câu lạc bộ văn hóa, đoàn văn công, thư viện, xí nghiệp. Một số bộ phim tài liệu và con tem mang hình ông được lưu hành rộng rãi. Ông là một trong số ít các văn nghệ sĩ Đức đầu tiên được trao tặng Giải thưởng quốc gia về văn học - nghệ thuật. Cuộc đời 63 năm của ông hoàn toàn dành cho sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản Đức và quốc tế.

Erich Weinert, tên đầy đủ là: Erich Bernhard Gustav Weinert. Cha ông là một chiến sĩ cách mạng trong phong trào xã hội - dân chủ Đức, một kỹ sư giàu kinh nghiệm của một nhà máy lớn ở thành phố Magdeburg (thuộc miền Đông nước Đức). Magdeburg được gọi là “thành phố đỏ”, giống như Chemnitz ở miền Nam và Wedding ở Berlin - những nơi có phong trào công nhân rất mạnh.

Với hoàn cảnh xuất thân như trên, Erich Weinert ngay từ nhỏ đã được giáo dục với tư tưởng cách mạng, coi như “cách mạng nòi”, khác với Becher và Brecht là con đẻ của các gia đình quyền quí, giàu sang, có quá trình “lột xác” trong phong trào cách mạng để trở thành những nhân vật ưu tú của nhà nước công - nông trẻ tuổi.

Sau khi tốt nghiệp trường phổ thông, Weinert vào nhà máy Luckau học nghề lắp ráp đầu máy xe lửa, nhưng vì lý do sức khỏe, chuyển sang học đồ họa, chuyên về minh họa và trình bày sách. Làm nghề được hai năm, ông vào quân đội, làm sĩ quan trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Từ quân đội trở về, ông làm giáo viên trường đồ họa nơi ông từng học và đã cùng một số nghệ sĩ trẻ sáng lập Hội nghệ sĩ lấy tên là “Viên đạn”. Từ 1920, Weinert liên tục cho đăng các bài thơ đầu tay trên tạp chí của Hội, đồng thời hoạt động trong các quán rượu cho trình diễn nghệ thuật ở Leipzig và Berlin, với tư cách một diễn viên và nghệ sĩ về diễn thuyết. Từ 1923, làm nhiều thơ đăng trên các Tạp chí có khuynh hướng cộng sản và cánh tả, xuất bản hai tập thơ - được công chúng chào đón nhiệt liệt, nhưng bị nhà nước cấm đoán.

Erich Weinert gia nhập Đảng Cộng sản Đức (KPD) năm 1929, làm cán bộ biên tập báo Cờ đỏ và tham gia thành lập Hội nhà văn cách mạng vô sản. Chính thức là một nhà văn cộng sản, ông có mặt ở những nơi có quần chúng nhân dân, nhất là tại các cuộc hội họp, mít tinh của các xí nghiệp, những câu lạc bộ văn hóa do Đảng tổ chức và chủ trì. Tại đó, ông đọc thơ - những bài thơ giàu tính chiến đấu, khích lệ ý chí cách mạng, chẳng hạn các bài John Scheer và các đồng chí, Bức thư đậm chất thơ, Gửi một đồng chí trẻ… Chính Erich Honecker, một lãnh tụ thanh niên Đức, sau này là Tổng Bí thư Đảng xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cộng hòa Dân chủ Đức, trong Hồi ức của mình, đã trân trọng nhắc đến các bài thơ trên đây và kể lại thời kỳ hai người quen biết, hoạt động cùng nhau ở Berlin và Saarland, đặc biệt là thời gian Weinert bị trục xuất khỏi Đức, trọ tại một nhà ở khu vực ngay sát biên giới giữa Pháp và Saarland. Honecker gọi Weinert là “nhà thơ chính trị lớn” mà ông từng đọc tác phẩm trên báo chí công nhân và được nghe nhà thơ đọc tác phẩm của mình để hỗ trợ đấu tranh trong một cuộc trưng cầu ý dân. Erich Honecker kể: “Vốn không phải là người Saarland, nên Weinert được nhà cầm ở đó cho phép nói chuyện nhưng với điều kiện là cấm bàn đến những vấn đề chính trị. Thường tại các buổi họp, có người của nhà cầm quyền được phái tới để theo dõi, buộc nhà thơ không được nói chính trị. Trái lại, khi phát biểu, Weinert thường giải thích rằng, ông chỉ đọc thơ, ngâm thơ và chất trữ tình của thơ ắt không phải là chính trị. Như vậy là kẻ theo dõi bị đánh lạc hướng. Nhưng báo chí Nazi lại thoái mạ từng bài thơ chiến đấu của ông, đã cấm không cho nhà thơ được mọi người yêu mến này lên diễn đàn nữa”.

Những bài thơ viết trong giai đoạn này, có ghi chú “Saarbrücken 1934”, sau năm 1945 đã được in lại đầy đủ. Năm 1947, Weinert cho in tập thơ Gọi vào đêm tối - những bài thơ từ đất khách từ năm 1933 đến 1945 mà trong lời nói đầu nhà thơ đã ca ngợi tinh thần chiến đấu dũng cảm của các đồng chí Saarland, những người đã bảo vệ nhà thơ thoát được những hành động phá hoại và khủng bố của bọn côn đồ phát xít trong năm 1934.

Cũng trong Hồi ức, Erich Houecker kể: “Mỗi lần Weinert đọc bài John Scheer và các đồng chí với giọng cao, mạnh cho đến câu cuối kêu gọi tính sổ bọn đã giết John Scheer và các đồng chí của anh thì tiếng vỗ tay vang lên không dứt và mỗi lần nghĩ đến các đồng chí đang hoạt động bí mật trong “Nền Cộng hòa đệ tam”:

Các đồng chí kiên trung - những chàng trai của Liebknecht sống mãi!

Ôi bao người đang hoạt động âm thầm thế đấy

Dù phải hy sinh, nhiệm vụ quyết hoàn thành

Gươm nào chém được ý chí các anh

Những người đào mồ chôn bọn bạo tàn đao phủ”

thì tôi liên tưởng đến các đồng chí của mình ở Ruhr, ở Hessen, Baden, Würtemberg và những nơi khác. Trong lời kêu gọi: Gửi những người Đức loạn trí, Weinert cảnh cáo tham vọng bành trướng của Hitler và vẽ bức tranh của cuộc đại chiến mới mà chỉ 5 năm sau đã thành sự thật đẫm máu”.

Do tình hình hết sức phức tạp, ông cùng vợ và con gái lưu vong sang Thụy Sĩ, Pháp và Liên Xô - quê hương của Cách mạng tháng Mười. 1937-1939, Weinert tham gia Lữ đoàn quốc tế ở Tây Ban Nha, làm phóng viên mặt trận và đã bị thương nặng.

Sau khi phát xít Đức tấn công Liên Xô, ông trở lại Maxcơva và công tác trong ban biên tập của đài phát thanh, chủ yếu phục vụ chương trình tuyên truyền cho dân và lính Đức. Thơ ông được in thành truyền đơn với số lượng rất lớn để chuyển đến những nơi có lính Đức. Một trong những bài thơ được phổ biến rộng rãi là bài Ba khúc hát ru, diễn đạt nỗi lòng của các bà mẹ Pháp, Đức và Nga. Âm hưởng chung của bài thơ là vạch trần bọn phát xít gây ra tội ác dã man, nhưng cũng thể hiện niềm tin vào chiến thắng cuối cùng của chính nghĩa. Bà mẹ Pháp ru:

Từ lòng đất Pháp căm hờn

 Đã dâng thác lửa, sóng cồn, sục sôi!

Ngủ đi, con nhé, con ơi

Mẹ nghe trong gió ánh trời tự do

Đương tràn qua những giấc mơ

Ngày mai rực rỡ sắc cờ hân hoan…”

Và đây là khúc ru của bà mẹ Nga:

“Nhẹ nhàng theo nhịp nôi đưa

 Mẹ ru con ngủ. Cha chưa thể về

Cha còn đánh giặc xa quê

Cũng vì con đó, chở che giấc nồng

Thiêng liêng trận đánh cuối cùng

Cha về, chiến thắng, cờ hồng trong tay

Con ơi, khắp nước non này

Sẽ tan bóng giặc, sạch bầy hung nô

Cha con, tay súng, tay cờ

Sống vì Tổ quốc, những giờ kiên trung!

Cha con là một anh hùng

Như bao đồng chí, điệp trùng niềm vui

Muôn ngàn bà mẹ trên đời

Hát mừng cha, đón bao người anh em…”

Cũng dịp ấy, một loạt bài thơ của ông tiếp tục ra đời, có sức lay động tư tưởng, tình cảm của những người bên kia chiến tuyến. Có những bài được phổ nhạc, phát qua đài truyền thanh, như: Giấc mộng của người lính Đức, Một bà mẹ Đức.

Năm 1943, Erich Weinert được bầu làm Chủ tịch Ủy ban toàn quốc nước Đức tự do - một tổ chức bao gồm những người Đức ưu tú nhất đang chiến đấu cho một nước Đức dân chủ. Với trọng trách này, Erich Weinert càng hoạt động say sưa đến quên ăn quên ngủ, mặc dù bệnh lao phổi từ trước đã làm cho sức khỏe của ông bị đe dọa nghiêm trọng. Ông ngày đêm nghĩ đến các đồng chí bị giam cầm và tra tấn trong tù ngục, nhất là lãnh tụ Ernst Thaelmann, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đức, bị phát xít bắt từ năm 1933. Bài thơ Gửi các đồng chí trong tù ngục của ông ca ngợi ý chí kiên cường của những người cộng sản và khích lệ mọi người tin tưởng vào thắng lợi của ngày mai…

Đầu năm 1946, từ Liên Xô trở về nước, ông hăm hở bước vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới trên đất Đức. Ông được giao trọng trách Phó Chủ tịch Ban lãnh đạo trung ương về giáo dục, chăm lo việc xây dựng và phát triển nền văn hóa mới. Ông nói: “Tôi nhận nhiệm vụ lớn lao và đa dạng này với niềm phấn khởi, vì tôi biết rằng, trên mảnh đất này tôi sẽ có thuận lợi cho công cuộc phát triển một nền văn hóa mới của nước Đức, cho dù trước mắt tôi phải tạm gác công việc sáng tác văn học của mình”.

Nói là “tạm gác”, nhưng chính công việc đó đã giúp ông viết ra nhiều bài thơ mới. Vẫn mang âm hưởng của văn học dân gian, pha chất trào phúng, diễn đạt giản dị, dễ hiểu, ông mong muốn tác phẩm của mình đến thẳng với đại đa số quần chúng nhân dân lao động, trước hết là công nhân. Bài thơ Nhận thức của một nghệ sĩ trước thế giới mới có ý nghĩa như một tuyên ngôn về vai trò và trách nhiệm của văn nghệ sĩ, mà nội dung cơ bản đã được ông diễn đạt tại Đại hội lần thứ nhất các nhà văn (1947):

Có thể có những nhà thơ không thích tham gia vào đời sống chính trị, vì họ sợ rằng, làm như vậy sẽ hạn chế sự tự do sáng tạo của họ. Cho nên, họ không muốn gắn mình với những gì của hôm nay, và như họ nói, họ muốn sáng tạo vì sự tồn tại vĩnh cửu. Tôi xin quả quyết rằng, ai không nói được điều gì với Hôm nay, không làm cho Hôm nay hiểu được mình, thì người đó cũng không làm được gì cho Ngày mai và Ngày kia hiểu được họ”.

Với trọng trách của mình, Erich Weinert có mặt và chủ trì hàng loạt hội nghị về công tác xuất bản, báo chí (1946), chỉ đạo hoạt động của báo Thời sự hàng ngày, việc thành lập Viện hàn lâm nghệ thuật, thành lập Hội nhà văn v.v. Một điều ông thường nói là: “Còn quá ít những nghệ sĩ tìm đến nhân dân và giương cao ngọn cờ tự do của nhân dân, nhưng lại có quá nhiều nghệ sĩ chỉ quan tâm đến việc thỏa mãn các hình thức biểu hiện, không chú ý đến nội dung phù hợp với yêu cầu của thời đại”.

Công việc đang tiến triển tốt đẹp, thì ngày 4 tháng 8 năm 1953, trái tim của nhà thơ Erich Weinert đã ngừng đập. Đó là một tổn thất hết sức to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Cộng hòa Dân chủ Đức anh em. Để đời đời ghi nhớ cống hiến to lớn của ông, hài cốt ông đã được mai táng tại Đài tưởng niệm những chiến sĩ chống chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa quân phiệt, đấu tranh cho hòa bình và chủ nghĩa xã hội ở trung tâm Berlin. Toàn bộ tác phẩm của ông, gồm thơ ca, văn xuôi, lời bài hát đã được xuất bản thành 9 tập; tiếp đó Toàn tập thơ Erich Weinert được ấn hành với 7 tập thơ cỡ lớn, lưu hành đến mọi cơ quan, trường học, đơn vị quân đội, thư viện. Các Hồi ký của ông về những năm hoạt động ở Liên Xô, Tây Ban Nha… cũng được ấn hành với số lượng lớn, trở thành di sản văn hóa và giáo dục của Nhà nước công - nông.

Nguồn Văn nghệ số 27/2020

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *