Tác phẩm chọn lọc

19/8
4:39 PM 2018

XUÂN QUỲNH-THƠ VÀ ĐỜI

LƯU KHÁNH THƠ- Trong nền văn học Việt Nam hiện đại, Xuân Quỳnh là một tác giả nữ có phong cách và bản sắc riêng khá rõ nét. Trải qua năm tháng sống và viết, yêu thương và lao động nghệ thuật hết mình, Xuân Quỳnh đã để lại cho đời một di sản văn học thật đáng quý. Ngòi bút của chị đã được thử thách qua thời gian với nhiều loại chủ đề khác nhau. Trong đó có những bài thơ tình yêu đã đạt tới đỉnh cao.

                                                Vợ chồng nhà thơ Lưu Quang Vũ-Xuân Quỳnh

 Dù đi vào những vấn đề lớn của đất nước hay trở về với những tình cảm riêng tư, thơ Xuân Quỳnh bao giờ cũng là tiếng nói rất riêng của một tâm hồn phụ nữ thông minh, sắc sảo, đầy nữ tính. Đọc những tác phẩm của Xuân Quỳnh, chúng ta gần như hình dung được chị đã sống ra sao, đã yêu thương day dứt những gì? Lấy sự chân thực làm điểm tựa cho cảm xúc sáng tạo của mình, các sáng tác của Xuân Quỳnh chính là đời sống của chị, là những tâm trạng thật của chị trong mỗi bước vui buồn của đời sống.

 

 Tất cả những gì chị nói đến trong thơ: miền gió Lào cát trắng, con đường hai mươi trong những năm đánh Mỹ, thành phố nơi chị lớn lên, những năm tháng không yên mà chị đã trải qua, căn phòng riêng của chị, đứa con nhỏ mà chị yêu dấu... đều được diễn tả thông qua những cảm xúc tràn đầy của tâm trạng. Dường như các đề tài trong thơ Xuân Quỳnh là cái cớ để chị tự biểu hiện tâm trạng mình. Bài thơ dù nói đến vấn đề gì thì cái nổi bật lên vẫn là tâm trạng của nhà thơ:

 Dòng sông này, bãi cát, cánh đồng quen

 Hoa lau trắng suốt một thời quá khứ

 Tôi đã đi đến tận cùng xứ sở

 Đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu.

 (Thơ tình cho bạn trẻ)

 Nhưng cái thế giới bên trong ấy không phải là một thế giới khép kín, nó luôn rộng mở, luôn chuyển tiếp, trôi cuốn, hướng về ngoại vật, hướng tới mọi người như con sông luôn hướng về biển cả. Người đọc tìm thấy nhà thơ trong các bài thơ và cũng tìm thấy chính mình, tâm trạng mình, cuộc đời mình trong đó. Đấy chính là sức truyền cảm và đồng cảm của thơ Xuân Quỳnh, khiến thơ chị được bạn đọc yêu thích.

 Trước Xuân Quỳnh có lẽ chưa có người phụ nữ làm thơ nào đã nói về tình yêu bằng những lời cháy bỏng, tha thiết và nồng nàn đến như thế:

 Con sóng dưới lòng sâu

 Con sóng trên mặt nước

 Ôi con sóng nhớ bờ

 Ngày đêm không ngủ được

 Lòng em nhớ đến anh

 Cả trong mơ còn thức

 ....

 Làm sao được tan ra

 Thành trăm con sóng nhỏ

 Giữa biển lớn tình yêu

 Để ngàn năm còn vỗ.

 (Sóng)

 Tình yêu trong thơ chị đẹp và trong sáng quá. Dù có những gian truân cách trở, nhưng bao giờ cũng trọn vẹn, cũng đến được tận cùng hạnh phúc như con sóng nhỏ đến với bờ xa. SóngThuyền và biển là hai bài thơ tình vào loại hay nhất của Xuân Quỳnh nói riêng và của thơ hiện đại Việt Nam nói chung. Nó có mặt trong hầu hết gia tài thơ của những đôi lứa yêu nhau. ở Xuân Quỳnh, tình yêu không bao giờ đơn thuần chỉ là tình yêu, nó còn tượng trưng cho cái đẹp, cái tốt, cái cao quý của con người, tượng trưng cho niềm khao khát được tự hoàn thiện mình.

 Giai đoạn sau này, kể từ tập Gió Lào cát trắng trở đi, tình yêu trong thơ Xuân Quỳnh có thêm một giọng điệu mới, nhiều xao động và trăn trở. Chúng ta bắt gặp trong thơ chị tâm trạng của một con người nhiều yêu thương, luôn khao khát và lo âu trăn trở. Cái tôi của nhà thơ hạnh phúc nhưng không hề bình yên thoả mãn. Cái tôi đó luôn luôn ở trong trạng thái xao động, đang chờ đợi, đang băn khoăn... Trải qua những gian truân thử thách của đời sống, tình yêu vẫn say đắm, nhưng bớt dần cái vẻ rạo rực, sôi nổi mà trầm tĩnh, sâu lắng hơn. Từ một cô gái nhìn cuộc đời, nhìn tình yêu dưới lăng kính màu hồng chị đã trở thành một người đàn bà từng trải. Đã tìm kiếm, yêu thương, bất hạnh rồi lại hy vọng và tìm thấy tình yêu mới.

Những bài thơ tình của Xuân Quỳnh thường có một vẻ đẹp giản dị, chân xác. Đôi khi chỉ bằng một câu hỏi tưởng như bâng quơ cũng đã mở ra một thế giới tình yêu đầy biến động và rất giàu nữ tính:

 Cửa kính mờ trong mưa đẫm nước

 Em chờ anh, anh có về không?

 (Ngày mai trời còn mưa)

 Người phụ nữ đang yêu trong thơ Xuân Quỳnh rất trân trọng và khao khát tình yêu. Cũng chính vì lẽ đó mà thơ chị đầy ắp những lo âu, e ngại. Trong cuộc đời thường đầy biến động này, tình yêu quả là một cái gì đó thật mong manh, dễ đổ vở, bao giờ nó cũng kèm theo nỗi khắc khoải không yên:

 - Em lo âu trước xa tắp đường mình

 Trái tim đập những điều không thể nói.

 (Tự hát)

 - Em đâu dám nghĩ là vĩnh viễn

 Hôm nay yêu, mai có thể xa rồi.

 (Nói cùng anh)

 - Những cánh chuồn mỏng manh như tình yêu

 (Chuồn chuồn báo bão)

 - Đốt lòng em câu hỏi

 "Yêu em nhiều không anh?"

 (Mùa hoa roi)

 - Lời yêu mỏng mảnh như màu khói

 Ai biết lòng anh có đổi thay?

 (Hoa cỏ may)...

 

 Thơ Xuân Quỳnh có nhiều cung bậc tình cảm khác nhau, khi đắm say hạnh phúc, lúc day dứt suy tư. Nhưng xuyên suốt các tập thơ của chị là một tình yêu sâu nặng không nhạt phai. Trong cái hữu hạn ngắn ngủi của cuộc đời, tình yêu trở thành vĩnh cửu. Với bản chất trong sáng và tinh diệu của nó, tình yêu không thể bị thời gian tàn phá, bị không gian chia sẻ và ngăn cách. Tình yêu bất tận và bền vững, vượt ra ngoài cái giới hạn thường tình của lẽ tử sinh:

 Em trở về đúng nghĩa trái tim em

 Là máu thịt, đời thường ai chẳng có

 Cũng ngừng đập khi cuộc đời không còn nữa

 Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi.

 (Tự hát)

 Cái đáng quý nhất của thơ tình là sự chân thật. ưu điểm này ở Xuân Quỳnh khá rõ. Xuân Quỳnh luôn luôn nói thật, nói hết, nói đến tận cùng những tình cảm của mình.

 Với chủ đề tình yêu, những đặc điểm của một tâm hồn thơ nữ ở Xuân Quỳnh được bộc lộ tương đối rõ. Dù có trải qua nhiều gian truân thử thách, nhiều cay đắng ngọt bùi, thì tận cùng vẫn là tấm lòng yêu thương tha thiết.

 Cùng với tình yêu, thơ Xuân Quỳnh cũng rất đậm đà khi viết về những mối quan hệ tình cảm khác kết thành tình yêu, tiếp nối của tình yêu, xung quanh tình yêu, gắn bó với tình yêu, tình cảm gia đình. Những vần thơ viết cho chị giản dị mà xúc động, thấm thía sự san sẻ, chung chia trong tình cảm chị em gái (Chị, Tháng ba, viết cho chị). Những vần thơ tưởng nhớ mẹ đầy yêu thương, sâu lắng (Tiếng mẹ, Gửi mẹ). Điều làm người đọc thấy gần gũi và xúc động, chính là ở tính chân thật của nhà thơ. Và sau này, với bài thơ: Mẹ của anh, Xuân Quỳnh đã bộc lộ với bạn đọc một quan hệ tình cảm mới: tình cảm của một người con dâu đối với mẹ chồng. Đúng là tình cảm mới, của những con người mới, trong cuộc sống mới. Câu thơ chị đầy cảm thông và ân tình:

 Phải đâu mẹ của riêng anh

 Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi

 Mẹ tuy không đẻ không nuôi

 Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong.

 Trong tâm hồn nhạy cảm của Xuân Quỳnh không có một thứ tình cảm nào buông trôi nửa vời. Bao giờ chị cũng đẩy cảm xúc lên ở mức độ cao nhất. Chị luôn luôn nói đến tận cùng những tình cảm của mình. Đặc điểm này đem sức nặng đến cho nhiều bài thơ của chị và cũng đem đến cho cuộc đời chị nhiều cay đắng. Xuân Quỳnh đã đem chính cuộc đời mình ra để đổi lấy những câu thơ. Với chị, cây bút như là một cái "nghiệp" đã cầm lên là phải viết, như là số phận không thể khác được.

*

*    *

 Hình như Xuân Quỳnh ít phải bận tâm về việc đi tìm hình thức biểu hiện. Chị cũng không mất công nhiều lắm trong việc lựa chọn hình ảnh, chải chuốt ngôn ngữ: "Đừng lo đi tìm ngôn ngữ. Cảm xúc sẽ tự chọn được ngôn ngữ của mình". Xuân Quỳnh đã có lần phát biểu như vậy. Trong khi các thể loại văn học đang có xu thế tìm tòi sự đổi mới, Xuân Quỳnh có một quan điểm rất giản đơn cái hay bao giờ cũng mới. Xuân Quỳnh không có ý định trau chuốt nghệ thuật thơ mình. Chị đến với những bài thơ một cách hồn nhiên. Nhưng khi đọc thơ Xuân Quỳnh, sẽ nhận thấy chị là nhà thơ có nghệ thuật biểu hiện tương đối vững vàng, nhuần nhuyễn.Trước tiên, đó là nghệ thuật trong cấu tứ. Cấu tứ trong thơ Xuân Quỳnh thường tự nhiên nhưng gọn ghẽ, sắc sảo. Trong khá nhiều bài thơ của chị (Gió Lào cát trắng, Làng, Bàn tay em, Mẹ của anh, Thơ vui về phái yếu...), những hình ảnh và cảm xúc tự nhiên đến dễ dàng, người đọc không hề nhận thấy một sự gò bó nào trong cấu tứ: cho đến đoạn cuối với cái kết thúc bất ngờ, nhiều khi táo bạo, chủ đề của bài thơ mới vụt sáng lên, đạt hiệu quả mạnh. Chúng ta không dễ dàng nhận thấy bài thơ đã được dẫn dắt đi như thế nào bởi những mạch trong cấu tứ thơ uyển chuyển và tinh tế.

 Điểm đặc sắc hơn trong nghệ thuật thơ Xuân Quỳnh có lẽ là giọng điệu thơ. Thơ chị có một giọng điệu riêng rất dễ nhận ra. Giọng điệu ở đây không phải là cách nói mà là cách cảm xúc, là giọng điệu của tâm hồn. Một giọng điệu không kiểu cách, khiên cưỡng, mà luôn tự nhiên, phóng khoáng. Chị thường hay chọn lời ru hoặc lấy cảm hứng từ lời ru làm giọng điệu cho bài thơ của mình (Ru, Lời ru, Hát ru, Lời ru trên mặt đất, Lời ru của mẹ, Hát ru chồng những đêm khó ngủ, v.v...). Với những lời ru, Xuân Quỳnh đã chọn được một giọng điệu thích hợp cho tiếng hát của tâm hồn chị: Tâm hồn của một người mẹ nhân hậu, một người yêu đằm thắm và giàu đức hy sinh. Sử dụng biện pháp nghệ thuật này, có lẽ chị muốn thơ mình là những lời ru ngọt ngào, sâu lắng, chân thành. Những điều chị muốn nói với cuộc đời, những suy nghĩ về con người, về đất nước, về hạnh phúc, tình yêu và nhiều quan niệm nhân thế khác đã được Xuân Quỳnh diễn tả bằng những lời ru bình dị. Tiếng ru của Xuân Quỳnh là tiếng hát của một tâm hồn. ở đây câu thơ đi về rộng dài theo những liên tưởng nhiều khi đột xuất mà vẫn tự nhiên hợp lý, câu thơ chao liệng giữa hy vọng, mơ ước với những trăn trở xót xa, giữa những niềm vui nỗi buồn. Tiếng ru là một hình thức và phương tiện thơ ca thích hợp để biểu hiện phần sâu lắng và đằm thắm của hồn thơ Xuân Quỳnh. Lắng nghe trong tiếng ru của chị vỗ về giấc ngủ người yêu chúng ta thấy cả tạo vật cùng cảm hoà và đi dần vào giấc ngủ êm đềm. Bình hoa, ngọn đèn, bức tranh trên tường, con tàu trên bến đều dần đi vào giấc ngủ. Và trong sâu xa của miền yên tĩnh ấy một tình yêu thiết tha đang thức dậy:

 Ngủ đi, người của em yêu,

 Này, con tàu lạ vừa neo bến chờ,

 Trời đêm nghiêng xuống mái nhà

 Biển xanh kia cũng đang mơ đất liền

 Anh mơ anh có thấy em

 Thấy bông cúc nhỏ nơi triền đất quê.

 (Hát ru)

 Xuân Quỳnh thường ít thành công ở những bài thơ mà khi cái lấn át cái tình, hoặc cái tình còn mỏng nhẹ, chưa đủ độ chín. Lối viết tự nhiên, thoải mái của chị đôi khi lại trở thành có hại khi cảm xúc chưa đến "độ". Câu thơ vẫn trôi chảy nhưng chỉ còn lại những lời, những chữ, thiếu cái phần sâu lắng bên trong. Là một người viết thông minh, chị nhận ra khá rõ nhược điểm này của mình, nhưng muốn khắc phục cũng không phải dễ. Xuân Quỳnh viết nhanh, viết khoẻ. Những bài thơ đã sống lâu bền trong chị, chỉ đến khi trở thành nỗi ám ảnh thường xuyên "không viết ra không được", chị mới cầm bút, và những câu thơ hiện lên trang giấy một cách dễ dàng.

*        *

                                                          *

        Sáng tác của Xuân Quỳnh được chia làm hai phần, phần sáng tác cho người lớn và phần sáng tác cho thiếu nhi (gồm có hai mảng thơ và văn xuôi). Xuân Quỳnh đã dành cho các em một gia tài thơ như là sự kết tinh trải nghiệm của đời mình. Có một điều lạ là những câu thơ được viết ra từ ẩn ức của một đứa trẻ côi cút, sớm xa cha mất mẹ lại mang đậm chất trữ tình, trong sáng và hết sức ngọt ngào.

  Ngoài những bài in rải rác trong các tập thơ người lớn, Xuân Quỳnh đã có ba tập thơ dành cho các em: Cây trong phố, Chờ trăng (in chung với ý Nhi, Nhà xuất bản Hà Nội, 1981); Bầu trời trong quả trứng (Nhà xuất bản Kim Đồng, 1982) và truyện thơ Lưu Nguyễn (Nhà xuất bản Kim Đồng, 1983). Xuân Quỳnh có một lợi thế riêng - hầu hết những sáng tác cho thiếu nhi được viết ra khi chị đã là người mẹ, có điều kiện thuận lợi để tìm hiểu và thâm nhập vào thế giới đáng yêu của trẻ thơ. Xuân Quỳnh am hiểu khá rõ tâm lý các em. Từ cách chị kể Chuyện cổ tích về loài người cho các em nghe đến việc Cắt nghĩa những câu hỏi vì sao... tất cả đều vui tươi, sinh động và tràn đầy yêu thương. Thơ thiếu nhi của Xuân Quỳnh đến được một cách tự nhiên với các em, bởi nó phù hợp với tâm hồn và trí tưởng tượng của tuổi thơ. Viết cho các em, Xuân Quỳnh có hai niềm vui lớn: đem cho và nhận được. Đem cho các em những điều bổ ích, lý thú, những tình cảm sáng trong chân thật và ngược lại nhận được ở các em sự hồn nhiên, tươi mát, làm giàu có thêm tình cảm của mình. Chị quan niệm rất rõ ràng: "Viết cho các em để phục vụ các em và đồng thời nuôi dưỡng cho mình tâm hồn tươi trẻ của các em".

 Xuân Quỳnh mạnh về hướng trong sáng, trữ tình. Đó là ấn tượng đậm nét nhất khi đọc thơ thiếu nhi của chị. Những nhận xét thích hợp với tâm lý tuổi thơ, những cảm xúc tràn đầy của một tâm hồn tinh tế đã mang lại cho các em một cảm giác thú vị:

 Thế mà nắng cũng sợ rét

 Nắng chui vào chăn cùng em

 Các bạn để ý mà xem

 Trong chăn bao nhiêu là nắng

 Mà nắng cũng hay làm nũng

 ở trong lòng mẹ rất nhiều

 Mỗi lần ôm em, mẹ yêu

 Em thấy ấm ơi là ấm.

 (Mùa đông nắng ở đâu?)

 Chúng ta còn gặp trong thơ Xuân Quỳnh lối nói quen thuộc, những so sánh ngộ nghĩnh, dễ thương của các em. Sự giàu có của tâm hồn trẻ thơ có thể biến những cái trừu tượng thành gần gũi, những cái cụ thể trở nên cao vời xa rộng. Những suy nghĩ của các em ngỡ như vô lý mà vẫn rất đúng, những "chân lý" hồn nhiên - sản phẩm của một trí tưởng tượng phong phú:

 Mí biết làm ra cả gió

 Chỉ bằng một chiếc quạt con

 Mí còn làm ra cả đêm

 Chỉ cần nhắm hai con mắt...

 (Mí nghĩ nhiều lắm đấy)

.

 Bản năng của người mẹ, những cảm xúc tinh tế và cái tài nhìn sự vật bằng con mắt trẻ thơ đã tạo nên nét đáng yêu, đáng nhớ ở các bài thơ viết cho thiếu nhi của Xuân Quỳnh.

*

*    *

 Năm cuối đời, Xuân Quỳnh bị đau tim nặng. Người đã từng nhiều lần đem trái tim mình ra để đánh đổi những câu thơ (Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực - Giây phút nào tim chẳng đập vì anh; Em trở về đúng nghĩa trái tim em - Là máu thịt đời thường ai chẳng có), lại bị chính căn bệnh này hành hạ. Tháng 3/1988 chị đi làm giám khảo cho Liên hoan phim ở Đà Nẵng rồi vào thành phố Hồ Chí Minh thăm chị gái - Về Hà Nội, sức khoẻ Xuân Quỳnh giảm sút rất nhanh. Mỗi khi lên căn phòng riêng trên tầng 3 chị phải dừng lại để thở và nghỉ nhiều lần. Trước đây, Xuân Quỳnh vốn là người khoẻ mạnh, nhanh nhẹn. Hôm đến khám bệnh, bác sĩ bắt phải nằm viện ngay. Đây là những tháng ngày chị rất buồn và nặng nề. Trái tim chị vừa có nỗi đau bệnh lý vừa có nỗi đau tâm lý. Những lần vào thăm trong bệnh viện, tôi thấy chị thật khác lạ trong bộ quần áo bệnh nhân rộng thùng thình. Đôi mắt đen sâu thẳm trên khuôn mặt xinh đẹp, duyên dáng và nụ cười tươi tắn thường che hết mọi buồn lo, giờ đây cũng trở nên nhợt nhạt. Lúc này, nỗi ám ảnh lớn nhất đối với Xuân Quỳnh là thấy mình trở nên vô dụng. Cảm giác cô đơn lúc nào cũng đè nặng trong lòng. Với tâm trạng ấy, chị viết bài Thời gian trắng, với những câu thơ thật nhói lòng:

 Trái tim buồn sau lần áo mỏng

 Từng đập vì anh vì những trang thơ

 Trái tim nay mỗi phút mỗi giờ

 Chỉ có đập cho mình em đau đớn.

 Nhìn gương mặt tái xanh với nhịp thở nặng nề, đôi mắt luôn ngấn nước, tôi cảm thấy trạng thái quá sức mà con tim chị đang gánh chịu. Nó như phải chới với vươn về cái đích rất khó nắm bắt. Phải vật lộn với số phận, với cuộc sống, với tình yêu, hạnh phúc. Người phụ nữ thông minh và nhạy cảm như Xuân Quỳnh đã ý thức rất rõ những gì sẽ đến với mình. Chị đau buồn và khắc khoải trong sự cảm nhận về những linh cảm mơ hồ nào đó. Không gian, thời gian trong bệnh viện như một cõi lưu đày, cắt đứt chị với thế giới bên ngoài, với những gì thân yêu nhất;  “Quá khứ em không chỉ ngày xưa - Mà ngay cả hôm nay thành quá khứ”. Một buổi chiều tôi vào thăm Xuân Quỳnh trong bệnh viện. Chị đang ngồi thở bên cạnh bình ô xy. Nhìn thấy tôi, chị đứng dậy và rủ ra ghế đá ngoài sân ngồi cho thoáng. Sau vài câu chuyện gia đình, chị đưa tôi đọc bài thơ Lưu Quang Vũ viết tặng chị trong chuyến công tác xa Hà Nội. Bài thơ viết vội trên trang giấy xé ra từ cuốn sổ ghi chép công việc của anh, có đầu đề rất giản dị: Thư viết cho Quỳnh trên máy bay. Anh đã gửi vào đấy biết bao nỗi niềm. Sự cảm thông, chia sẻ, tình yêu thương, ân nghĩa sâu nặng và cả những lời "tự thú" thật chân thành: Có phải vì 15 năm yêu anh - Trái tim em đã mệt? - Trái tim hãy vì anh mà khoẻ mạnh - Trái tim của mùa hè, tổ ấm chở che anh... Xuân Quỳnh đọc những câu thơ với một niềm hạnh phúc rạng ngời không che giấu. Đôi mắt đen, sâu thẳm của chị sáng lấp lánh.

 Thơ Xuân Quỳnh nhiều lần nhắc đến cái chết như một điều không tránh khỏi. Nhưng ai có thể ngờ chị lại ra đi một cách nhanh chóng và oan nghiệt đến như vậy. Có cái gì như là định mệnh khi chị kết thúc cuộc đời cùng chồng con vào một ngày tháng Tám đau xót. Trong hành trang thơ của chị chắc chắn có những bài sẽ đi vào vĩnh cửu.Xuân Quỳnh là một nhà thơ bẩm sinh, một nhà thơ vút lên từ số phận, từ tình yêu không bao giờ vơi cạn. Trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, chị đã đi một cách trọn vẹn trên con đường lớn của thơ ca. Con đường đi từ trái tim và ở lại giữa những trái tim người đời. Hàng mấy chục năm nay, thơ Xuân Quỳnh đã đi vào trái tim của nhiều thế hệ bạn đọc và nó sẽ còn song hành cùng với những thế hệ mai sau.

                                                       Lưu Khánh Thơ

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *