Tác phẩm chọn lọc

3/11
3:51 PM 2019

VIẾT TRONG NGÀY RA MẮT MỘT TẬP THƠ

Tôi chọn được trong tập BIÊN BẢN THẶNG DƯ của nhà thơ Phùng Hiệu (Hội Nhà văn TPHCM), trong đó có 1 bài có thể xếp tiếp vào danh mục các bài thơ tiêu biểu cho một đề tài mang tính cổ điển mà các nhà thơ qua nhiều thế hệ đã góp sức bút hình thành.

 

Đó là bài thứ 41 của tập. Bài này, Phùng Hiệu học cách chân tình và chu đáo như Nguyễn Khuyến khi ông bàn về tang lễ của chính mình:
Việc tống táng lăng nhăng qua quít,
Cúng cho thầy một ít rượu hoa.
Đề vào mấy chữ trong bia,
Rằng: "Quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu".
Học cách chung thủy như Xuân Diệu trong tình trường của mình ở thế giới bên kia, để được yêu tới cốt tủy:
Kẻ đa tình không cần đủ thịt da;
Khi chết rồi thì tôi sẽ yêu ma.
Học cách kiện định thơ ca như Tố Hữu, còn tu từ, còn lộng ngữ khi chữ nhân - thân xác, bỗng hư vô, sắc sắc không không tới cả những phụ âm đầu:
Tạm biệt đời ta yêu quý nhất,
Còn mấy dòng thơ, một nắm tro.
Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất,
Sống là cho. Chết cũng là cho.
Học cách Bế Kiến Quốc, tài hoa mà kiêm nhường tri túc, nhường đến cả quyền luân hồi chưa biết có hay không:
Tôi phải đi một khi ngày đã tận
Yêu đã xong, ân oán cũng xong rồi
Tôi tịch diệt giữa cõi trần bụi bặm
Anh hào quang lìa hẳn cảnh luân hồi
Có thương tiếc xin đừng thương tiếc quá
Buồn đủ buồn như mọi cuộc chia ly
Tôi để lại không mang theo gì cả
Thật nhẹ nhàng, như gió, lúc ra đi
Bài thứ 41 của Phùng Hiệu là bài này, bài cuối, nhịp cuối của BIÊN BẢN THẶNG DƯ:

DI NGUYỆN
Nếu tôi chết hãy lấy một phần thân xác
Và táng qua cơ thể những con người
Khi thế gian
không chứa hết những mảnh đời bất hạnh
Thì cần có những vòng tay nhân ái của tình người

Nếu tôi chết xin nhường đời đôi mắt
Để thắp lên những hy vọng tật nguyền
Trong bóng tối mơ về nơi ánh sáng
Đôi mắt còn ánh lửa của vô biên

Nếu tôi chết hãy chia hai quả thận
Tặng hai người xa lạ cả đời tôi
Và còn nữa, lá gan màu nhân ái
Hãy tặng đời – di nguyện của riêng tôi

Nếu tôi chết trái tim vừa ngưng đập
Thì xin em hãy cắt ghép cho người
Để hơi thở chảy qua bờ nhân đạo
Quả tim còn lan tỏa đến muôn nơi

Nếu tôi chết xác thân này dâng hiến
Đừng chôn tôi hoang phí một nấm mồ
Trong di ảnh khắc hai từ di nguyện
Để linh hồn luôn hát khúc hư vô…!
Đọc kĩ bài này tôi nghĩ, hình như, về chữ, dù không viết ra nhưng Phùng Hiệu đã góp vào kho tiếng Việt, từ nhân táng (sau những địa táng, thủy táng, điểu tang, hỏa tang, điện táng…của thời hoang dã, "hoang phí" kia) với đầy đủ hướng dẫn hành chức rất khoa học và văn chương của từ này. Về nghĩa, với bài này, Phùng Hiệu sống rồi mới viết vì anh đã đăng kí hiến tạng ở nhà thương Chợ Rẫy rồi mới cầm bút thảo thơ!

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *