Tác phẩm chọn lọc

22/11
4:10 PM 2019

TỪ “CÁI LẠ” ĐẾN “ BẢN SẮC DÂN TỘC” LÀ CẢ MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

Tô Hoàng- 1.Tôi có may mắn được là người được chứng kiến sự chào đời những bộ phim truyện đầu tiên của nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam như Chung một dòng sông, Vườn Cam, Lửa trung tuyến... Muộn hơn một chút là Chim vành khuyên, Vợ chồng A Phủ, Người chiến sỹ trẻ...

 Tôi càng có diễm phúc hơn, mấy chục năm vừa qua, làm giảng viên của Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh ở Hà Nội và ở Tp. Hồ Chí Minh, cùng các em sinh viên của mình, tôi đã nhiều lần được xem lại những bộ phim kia. Quả là trong những bộ phim ấy thấy rõ dấu vết của các căn bệnh như sự áp đặt chủ quan, minh họa chủ trương chính sách, sơ lược và giáo điều..

Nhưng có một điểm mà theo tôi là ưu điểm nổi trội: Ở tất cả những bộ phim ấy, thiên nhiên Việt Nam; dòng sông mây trời Việt Nam, người nông dân, người chiến sỹ... nói rộng hơn là đất nước chúng ta, nhân dân chúng ta đã trải qua những thử thách gì, chủ nghĩa anh hùng của từ em bé tới cụ già được biểu hiện như thế nào, hậu phương và tiền tuyến ra sao…v..v… những điều như thế tuyệt nhiên không trộn lộn, nhòa nhạt, bị lấp chìm giữa những bộ phim của Liên Xô, Trung Quốc, CHDC Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc… được chiếu thường xuyên ở các rạp chiếu, các bãi chiếu bóng lưu động tại các thành phố, các vùng quê vào những năm tháng ấy.

Không thể nào quên được cảnh bé Nga chạy chơi thả diều trên bờ đê rồi lạc vào một khu miếu hoang. Người xem thuở đó suýt xoa sung sướng trước cảnh cô thôn nữ tên Thoan (do diễn viên Minh Đức thủ vai) lấy nước ở một giếng làng, vấp phải hòn gạch, hai chiếc nồi đất vỡ tan trước tiếng cười vui của những người lính trong phim Người Chiến sỹ trẻ. Cũng sẽ nhớ mãi cảnh chị Tư Hậu bồng con tiễn người chồng ra mặt trận trên một khúc cầu gẫy vì bị bom trong phim Chị Tư Hậu...

Tôi cũng nhớ rõ, thuở ấy trên báo chí chuyên ngành, trong những lần được trò chuyện với các nghệ sỹ Trần Vũ, Hải Ninh, Huy Thành, Phạm Kỳ Nam… hoặc các anh, các chị diễn viên không thấy ai nhắc tới mấy tiếng “Cần phấn đấu để phim ảnh của chúng ta thấm đẫm bản sắc dân tộc”. Cũng không thấy các nghệ sỹ thuôc thế hệ “khai phá” ấy nhắc nhau phải làm sao đưa phong cảnh này, phong tục kia, truyền thống nọ - tức những “của lạ của Việt Nam” vào phim để hấp dẫn, cuốn hút người xem phim của các nước trên thế giới...

Những gì gọi là “bản sắc dân tộc” thực sự đã hòa quện, đã trở thành máu thịt, đã là điều gì tự thân phải thế trong cảm xúc, trong suy nghĩ, trong lý giải nghệ thuật của thế hệ nghệ sỹ đầu tiên. Nguyên nhân ư? Vì lòng yêu nước, niềm tự hào với lịch sử của cha ông, với truyền thống anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, sau này là chống Mỹ, mối kết bện với vui buồn có thật của người nông dân, người thợ cùng bà con cô bác lao động, cộng với thái độ lao động nghệ thuật thực sự cầu thị, có trách nhiệm; cộng với những yêu cầu nghiêm túc của phương pháp sáng tác hiện thực... Tất cả những điều này nhuần nhuyễn, tự nhiên tạo nên cái gọi là “bản sắc dân tộc” trong các bộ phim ấy.

Từ những trang điện ảnh trong quá khứ, xin được mạnh dạn rút ngay ra bài học này: “Bản sắc dân tộc” trong phim ảnh không chỉ là phương tiện biểu đạt. Nó cần được đào xới, khai thông, tìm tới những góc nhìn,sự cảm nhận, đánh giá khái quát hơn, hoàn chỉnh và sâu sắc hơn.

 

2.

Edotique - tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga, phát âm tuy có đôi chút khác nhau, nhưng đều chỉ cùng một nội dung, sang tiếng Việt lâu nay chúng ta quen dùng là với 2 chữ quốc dị. Đó là những gì khác biệt, lạ, không giống ai trong phong cảnh, thời tiết, lề thói, cung cách ứng xử, cách ăn vận... ở dân tộc này hoàn toàn không giống, không có, không thể tìm thấy ở các dân tộc khác. Chất quốc dị lẽ đương nhiên rất cần cho sáng tạo văn học, nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng.

Gần một chục năm trở lại đây chúng ta cần ghi nhận những nỗ lực, những cố gắng của nhiều đạo diễn, quay phim của một thế hệ làm phim mới hướng tới việc làm cho những gì lạ, độc đáo, thuần chất Việt Nam hiện trên màn ảnh. Những con vịt, chú lợn, chú bò… tức những gia súc rất thân thuộc trong mỗi gia đình Việt Nam, nói không quá rằng chúng đã trở thành những nhân vật đáng yêu, có vị trí riêng trong nhiều bộ phim của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Những gương mặt xinh hiện đại, trẻ trung, hồn nhiên của những cô gái Việt Nam trong thập niên này  được khắc họa khá thành công trong những bộ phim của các đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, Victor Vũ, Phan Gia Nhật Linh. Các nhà quay phim K.Linh, Lý Thái Dũng, Nguyễn Nam đã miêu tả bắng ống kính sông suối, đồi núi, làng mạc, đô thị Việt Nam trong những khuôn hình, những góc máy vừa kết hợp được sự hiện đại với chất thơ, chất dung dị, mộc mạc của riêng Việt Nam. Đặc biệt đáng kể tới là nỗ lực đầy tâm huyết và sự táo bạo thể nghiệm của nữ đạo diễn Ngô Thanh Vân trong một loạt phim để giúp người xem nhớ lại những giá trị văn hóa lâu đời của nước ta  như: Tấm Cám - chuyện chưa kểCô Ba Sài GònSong LangHai Phượng

Dẫu vậy, nhưng cái mới, cái lạ của quê hương đất nước Việt Nam trong phim của các bạn vẫn dừng ở mức các mặt hàng để tìm khách hàng mới. Cha mẹ đẻ của những bộ phim này vẫn còn là những người đi buôn nghèo vốn, gắng gỏi vét giương hòm ra những đồng tiền ít ỏi để gồng mình thỏa mãn thị hiếu của thị trường phim ảnh thế giới.

Chả lẽ cái lạ, cái mới để hấp dẫn người xem các nước về Việt Nam mình chỉ là  những băng đảng chém giết nhau máu khô, máu tươi, máu thật máu giả nhuộm đỏ màn ảnh đến như thế? Chả lẽ cái mới, cái lạ của Việt Nam được thể hiện ở cảnh vợ lớn mách vợ bé cách làm tình để đức ông chồng được thỏa mãn? Chả lẽ phim chúng ta chuyển thông điệp cho người xem năm châu bốn biển rằng, vì tình mẫu tử, một người mẹ Việt Nam đã phô diễn mọi ngón võ trừng trị đối thủ từ trên ghe thuyền miền tây, qua các ngõ ngách Sài Gòn đến trong các toa xe lửa của con tầu đang lăn bánh? Những ví dụ như vậy còn có thể kể ra đây nhiều hơn nữa!      

Đến đây, tự nhiên nẩy sinh câu hỏi: Vậy điều gì đáng được coi là cái lạ, cái đặc trưng, cái mà thế giới chứng kiến phải ồ lên: “Đúng là Việt Nam!”, “Đó là Việt Nam”, “Việt Nam là như thế đấy!” – tức cái được gọi bằng mấy tiếng “Bản sắc dân tộc”?

Trở lại một vấn đề tưởng như cũ mà hóa ra vẫn mãi mãi còn mới.

Đó phải là vị trí địa chính trị của đất nước này, buộc chúng ta luôn trở thành “miếng mồi” trong thèm muốn và trù liệu của hầu hết các cường quốc trên thế giới.

Từ đây, sản sinh ra ý chí quật cường, “không chịu sống quỳ” tài thao lược, đức dũng mãnh mà không phải dân tộc nào trên thế giới cũng có được.

Đó phải là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, lam lũ, vất vả thương chồng thương con nhưng cũng sẵn sàng trở thành những Bà Trưng Bà triệu, những Võ Thị Sáu, Nguyện Thị Chiên, Tạ Thị Kiều, Út Tịch, Võ Thị Thắng...

Đó phải là 56 ngày đêm “khoét núi ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt” để làm nên một “Lừng lẫy Điện Biên chấn động địa cầu”; là con đường mòn Trường Sơn, là những đêm vượt sông Thạch Hãn, những ngày bám trụ trong thành cổ Quảng Trị.

Đó phải là cuộc đời và tài năng của điệp báo viên hàng đầu thế giới Phạm Xuân Ẩn mà theo tôi biết hiện nay Hollywood đang ấp ủ ý định dựng phim...

Điện ảnh xã hội hóa công bằng trả lại yếu tố giải trí cho phim ảnh cũng như dám dũng cảm chấp nhận quy luật hàng hóa của sản phẩm phim ảnh. Nhưng trong quá trình xã hội hóa, việc quản lý và chỉ đạo điện ảnh cũng phạm phải sai lầm đã rành rõ. Hàng chục năm rồi, chất lượng điện ảnh hầu như chỉ được ao lào, cân đong bằng một thước đo duy nhất: Lời hay Lỗ. Cũng hàng chục năm rồi điện ảnh nước ta chỉ biết làm vui, gây cười, kích động tò mò của khán giải mà quên rằng phim ảnh vẫn phải mang trách nhiệm là chứng nhân của lịch sử; màn ảnh còn phải là tấm gương biểu dương những phẩm giá anh hùng, những chuẩn mực lương tri và lương tâm để những lớp người trẻ noi theo. Và dù lấy lượng vé bán được tức nhu cầu thưởng thức của người xem làm thước đo; nhưng chính điện ảnh vẫn còn có nghĩa vụ dắt dẫn, nâng cao trình độ thẩm mỹ và nhu cầu thưởng thức của người xem

Nhắc tới những lầm lạc, yếu kém trên, tôi tỏ ý nuối tiếc đã từng có những năm tháng nền điện ảnh của chúng ta hiểu đúng, hiểu rõ và biết cách trả lời khá chính xác câu hỏi: Làm thế nào để trong các bộ phim xuất xưởng không lai căng, không vọng ngoại, in đậm bản sắc dân tộc.

Đó là những năm cuối thập niên 1980 và nửa đầu những năm 1990. Ở thời kỳ này các tác giả làm phim đã được hưởng không khí tự do, trở nên dám nghĩ, dám nói hơn sau khi cả nước bước vào Thời kỳ Đổi Mới. Đồng thời điện ảnh nước nhà cũng đã kịp xuất hiện một thế hệ đạo diễn, biên kịch, quay phim được trang bị kiến thức bài bản, đang vào độ “chín” của nghề nay được dịp “cất cánh”. Và diều kiện cất cánh ấy được tiếp năng lượng bởi đồng tiền Tài trợ làm phim từ phía Nhà nước. 

Để giúp bạn bè và giới điện ảnh thế giới hiểu biết hơn về người phụ nữ Việt Nam trong chiến tranh chúng ta có Ngã Ba Đồng Lộc của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, Đời cát và Người đàn bà mộng du của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, Đừng đốt của đạo diễn Đặng Nhật Minh; Để hiểu về người nông dân Việt Nam “hai sương một nắng” nay vẫn còn nghèo, còn cơ cực trong cơ chế thị trường, điện ảnh Việt Nam có Thời xa vắng của đạo diễn Hồ Quang Minh, Cánh đồng bất tận của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, Thương nhớ đồng quê của đạo diễn Đặng Nhật Minh; Nói về những thử thách, những quằn quại của con người Việt Nam bước từ chiến tranh sang những năm hậu chiến, rồi vọt thẳng sang cơ chế thị trường chúng ta có Sống trong sợ hãi của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, Mùa ổi của đạo diễn Đặng Nhật Minh, Quyên của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, Những người thợ xẻ và Rừng đen của đạo diễn Vương Đức… Và còn nhiều phim của nhiều đạo diễn khác. Đó là những bộ phim có nghề, thực sự cung cấp cho bè bạn thế giới nói chung và màn ảnh thế giới nói riêng bức tranh toàn cảnh in dấu ấn khá rõ của một “bản sắc dân tộc” Việt Nam chúng ta.

Đánh đùng một cái hầu bao tài chính nhà nước dành cho điện ảnh thắt lại. Và cả một đội ngũ những người làm phim vốn xưa nay lấy mục đích tư tưởng, thẩm mỹ làm đầu, bỗng bị tước vũ khí, để tập làm quen với gậy gộc, đao búa của cơ chế thị trường…

 

3.

Trên thế giới này, khi kể tên những bộ phim in đậm bản sắc của dân tộc này, dân tộc kia có thể kể ra đây tên tuổi của Kurosawoa, Odzi của Nhật Bản, Kim Ki Duk của Hàn Quốc, Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, Lý An của Trung Quốc, những gương mặt đại diện của Điện ảnh Tân hiện thực Ý như Antonioni, Rossellini, Fellini… Phim của họ không chỉ giầu những biểu hiện của cái gọi là “quốc dị” mà chúng trở nên thành những tác phẩm kinh điểm bởi chúng phản ánh thân phận, những buồn vui, những thăng trầm của dân tộc họ, xứ sở họ. Vấn đề còn là ở chỗ, những gì thuộc cái riêng, cái đặc thù, cái lạ của dân tộc này, nước kia có gặp được tiếng đồng vọng trong những gì mà nhân loại, toàn cầu quan tâm hay không.

Phim Mùa len trâu của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Võ Nghiêm Minh được giới điện ảnh 5 châu tôn vinh vì cái lạ, cái hấp dẫn, cái đặc thù của vùng đất An Giang, gặp được vấn đề môi trường mà thế giới đang quan tâm hàng đầu.

Đọc trên báo mạng rất gần đây, tôi sửng sốt và thật xúc động khi biết một người dân Anh đặt câu hỏi, liệu có em trái em gái Việt Nam nào vừa bị chết cóng trong chiếc contener chở động lạnh ở Anh trong tháng 10 vừa qua, là con hoặc là cháu của một người cha, người ông đã thoát chết trong một trận máy bay B.52 ném bom trải thảm ở Việt Nam không?

Thế giới lại bước vào chu kỳ mà các cường quốc lớn bắt nạt, hà hiếp các nước nhỏ, nước nghèo. Vậy thì cuộc đấu tranh anh dũng, quật cường giành độc lập, tự do của chúng ta qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, một lần nữa, chắc chắn sẽ trở thành “kho chất liệu vàng”, hứa hẹn rất nhiều cái mới, điều lạ đối với người xem trên thế giới, nếu chúng ta đủ bản lĩnh và vốn nghề nghiệp tạo nên những bộ phim hay.    

Nguồn Văn nghệ số 47/2019

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *