Tác phẩm chọn lọc

1/7
6:10 PM 2018

MỘT CÁCH NGẪM VỀ THƠ

Hoàng Minh Đức-Tập Mai Văn Hoan ngẫm về thơ gồm 32 bài viết về người và thơ, sự tìm tòi, phát hiện trong việc bình thơ. Trong bài Kế thừa và sáng tạo trong sáng tác thi ca, ông nhắc lại ý kiến của nhà thơ Xuân Diệu:“Ăn cắp cái hay của người khác, nhưng phải biết phi tang để không hay biết, thì nó sẽ là của mình”.

 Ông dẫn lời Tùng Thiện Vương Miên Thẩm: “Cái mới của thơ, có khi là do dùng lại lời của cổ nhân có sửa đi một hai chữ mà càng mới”. Những dẫn liệu ông đưa ra gây ngạc nhiên: “Ăn cắp” là kế thừa, “phi tang” là sáng tạo. Dùng lại một vài từ của người khác để làm mới câu thơ của mình, có thể hao hao thì được chứ sửa nguyên cả một bài thơ của họ thành thơ mình thì không thể gọi là sáng tạo được. Gần đây trên văn đàn có nạn đạo thơ để in sách, đăng báo tràn lan. Thậm chí có người chỉ sửa lại một vài từ để dự thi. Các bài thơ nổi tiếng: Xa vắng của Hữu Thỉnh, Về với mẹ của Hoàng Bình Trọng, Hội làng của Phúc Toản đã bị đạo một cách trắng trợn.    

Vốn là người viết theo thi pháp truyền thống nên Mai Văn Hoan tập trung nghiên cứu về thơ truyền thống. Về thơ lục bát, Đường luật các nhà phê bình đã nói nhiều nên không cần bàn thêm. Trong bài Thơ độc vận, ông đã chỉ ra: “Nhờ cách nói có vần mà nhiều câu tục ngữ lưu truyền cho đến bây giờ”. Ông viết: “Làm thơ độc vận chẳng khác gì làm xiếc ở trên dây. Thất ngôn bát cú có thể xem là hình thức sơ khai của thơ độc vận”. Người sử dụng độc vận nhiều nhất là nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Trong gần 4 chục bài thơ mà có đến 5 bài sử dụng vần eo. Trong bài Quán Khánh có 54 tiếng thì có đến 13 tiếng vần eo: “Đứng chéo trông theo cảnh hắt heo/ Đường đi thiên thẹo, quán cheo leo/ Lợp lều mái cỏ tranh xơ xác/ Xỏ kẽ kèo tre đốt khẳng kheo/ Ba chục cây xanh hình uốn éo/ Một dòng nước biếc cảnh leo teo/ Thú vui quên cả niềm lo cũ/ Kìa cái diều ai nó lộn lèo!”. Các nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Tố Hữu… cũng thường chơi thơ độc vận.

Hơn chục năm trở lại đây phong trào làm thơ tân hình thức nổi lên gây nhiều ý kiến trái chiều. “Hiện tượng cùng một bài thơ người khen khen hết mức, người chê chê hết lời vẫn thường xảy ra. Người chủ trương thơ không vần thì dị ứng người làm thơ có vần và ngược lại”. Mai Văn Hoan đặt vấn đề thế nào là thơ hay? Ông nêu lên rồi tự trả lời: “Với tôi một câu thơ hay, một bài thơ hay ít nhất phải gây được ấn tượng về một khía cạnh nào đó. Những ấn tượng đó thường in sâu vào trí nhớ, hóa thành máu thịt, hóa thành tâm hồn” (Lạm bàn về câu thơ hay, bài thơ hay). Ông đồng nhất với quan điểm của Kim Thánh Thán, người được mệnh danh là “Vua của thể loại văn bạch thoại Trung Quốc” thuộc trường phái ấn tượng: “Làm thơ rất cần có chân tâm, thực ý; nếu có sự chân tâm, thực ý thì khiến cho người khác đọc thơ mình không ai không bùi ngùi cảm thán”. (Thánh Thán quan niệm về thơ).

Đọc Mai Văn Hoan ngẫm về thơ tôi lại thấy từ thơ, Mai Văn Hoan ngẫm về đời. Nhân đọc bài thơ Con sông huyền thoại của Nguyễn Trọng Tạo có bốn câu: “Con sông đám cưới Huyền Trân/ Bỏ quên dải lụa phù vân trên nguồn/ Hèn chi thơm thảo nỗi buồn/ Niềm riêng nhuộm tím hoàng hôn đến giờ”, Mai Văn Hoan đã viết bài Niềm riêng của Huyền Trân công chúa. Ông cho rằng Ngô Sĩ Liên đã ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư: “Khắc Chung dùng thuyền nhẹ cướp lấy công chúa đem về, rồi tư thông với công chúa, đi đường biển loanh quanh, chậm chạp lâu ngày mới đến kinh đô” là bịa đặt. Ông viết “Sao chép như vậy thì vô tình hay hữu ý Ngô Sĩ Liên đã hạ thấp nhân cách Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông, nhà vua Trần Anh Tông, hạ nhục Thượng tướng Trần Khắc Chung lẫn Huyền Trân công chúa”. Vua Chế Mân băng hà vào tháng 5- 1306, lúc đó Huyền Trân có thai được 5 tháng. Nếu hỏa thiêu Huyền Trân thì hỏa thiêu luôn đứa con của vua Chế Mân còn nằm trong bụng mẹ. Thực tế, một năm sau (tháng 8 năm 1307) Huyền Trân trở về Thăng Long sau khi sinh thái tử Đa Da, “mẹ tròn con vuông”. Điều đó chứng tỏ Trần Khắc Chung, một người có biệt tài ngoại giao đã thuyết phục được người Chiêm để đưa công chúa về Đại Việt. Quan điểm này được nhiều người tán đồng.

Hay như sự kiện Bác Hồ giao thiệp, đối đáp văn chương với chủ nhiệm Hầu Chí Minh của Quốc dân đảng đã được nhiều tác giả viết đến. Nhưng theo Mai Văn Hoan thì nhờ tài làm thơ mà được Hầu Chí Minh thuyết phục Tưởng Giới Thạch trả tự do cho Bác. (Phải chăng nhờ tài làm thơ Bác Hồ được trả tự do).

Mai Văn Hoan đã bỏ ra nhiều công sức để nghiên cứu Truyện Kiều. Trong tập sách, ông đã viết ba bài về Truyện Kiều và Nguyễn Du. Ông mổ xẻ từng chi tiết mà ít ai biết đến. Ông đếm trong Truyện Kiều có tới 25 chữ tôi. Chữ tôi làm đại từ nhân xưng, danh từ và động từ. Ở mỗi văn cảnh Nguyễn Du lại sử dụng chữ tôi mỗi khác. Khi đối đáp với mụ Tú Bà, Kiều nói: “Phận tôi đành vậy vốn người để đâu?”. Chữ tôi vừa là đại từ vừa là danh từ. Chữ tôi làm đại từ thể hiện sự coi thường Tú Bà. “Thế mới biết cách chơi chữ “đồng âm dị nghĩa” của Nguyễn Du tài tình đến mức nào!” (Chữ tôi trong Truyện Kiều).

Ông có tài hùng biện, nói chuyện rất có duyên trước công chúng. Ông đã giải đáp được câu hỏi “Tại sao Kiều không báo ân Mã Kiều”, mặc dù Mã Kiều đã chịu “đoan” cho Kiều. Ông giảng hay đến nỗi có một sinh viên đã viết một bài thơ ngợi ca ông: Nghe thầy giảng Kiều.

Trong Mai Văn Hoan ngẫm về thơ, ông cũng dành nhiều bài viết về các nhà thơ đương đại, như các bài về Hàn Mặc Tử, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Hoàng Bình Trọng, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Hữu Quý, Trần Đăng Khoa và Hoàng Hiếu Nhân. Với nhà thơ Lưu Trọng Lư, người sinh ra lớn lên ở cạnh làng ông (Hạ Trạch, Bố Trạch) ông có bài Cái ngông của Lưu Trọng Lư: “Có lẽ vì xem buồn, đau, sầu là một cái thú nên khi “phiêu lưu trong trường tình cùng Lưu Trọng Lư”, chúng ta thấy thi sĩ buồn mà không bi lụy, đau mà không rên xiết, sầu mà không ảo não”. Đọc nhận xét này, Lưu Trọng Bình, con trai của nhà thơ đã thốt lên với tôi: “Mai Văn Hoan quả thật tinh đời”.

Với Trần Đăng Khoa, ông phát hiện được sự tương giao sáu giác quan của nhà thơ thần đồng thế kỷ trước. Ông phân tích hai câu thơ: “Ngoài thềm rơi chiếc lá đa/ Tiếng rơi rất mỏng như là rơi nghiêng”. Nhà thơ đã sử dụng sự tương giao giữa thị giác và thính giác. Nghe được cả tiếng rơi “rất mỏng”. Với 4 câu thơ: “Bạn nhỏ nào đi qua/ Vai bay khăn quàng đỏ/ Tiếng chim hót đâu đó/ Nghe ngọt vị ổi đào”. Ông tìm thấy sự giao thoa giữa thị giác, thính giác và vị giác. Không những thế “Trần Đăng Khoa còn viết những câu thơ, những tứ thơ, những hình ảnh thơ rất giống với các bậc tiền nhân xuất hiện trước Khoa hàng mấy trăm năm”. Đọc câu thơ: “Hoa lựu như lửa lập lòe” khiến ta nhớ tới “Đầu tường lửa lựu lập lòe” của Nguyễn Du.  (Sự tương giao giác quan trong thơ Trần Đăng Khoa).      

Cái xã Thanh Trạch quê ông cũng rất đặc biệt. Nơi đây đã sản sinh ra ba hội viên Hội Nhà văn Việt Nam: Hoàng Bình Trọng, Nguyễn Hữu Quý và Mai Văn Hoan. Hoàng Bình Trọng được xem như là “của hiếm”, một cuốn “bách khoa toàn thư” của Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Bình. Trong bài Hoàng Bình Trọng và cuộc hành trình thơ ông viết: “Đã quen nói những lời không thích nói, đã quen lấy cái sướng vui giả tạo để che nỗi buồn đau, giờ dám nói những lời mình thích, giờ dám bày tỏ nỗi đau của lòng mình đâu có phải ngày một ngày hai làm được”. Khi đã “nhận ra những thứ ấy không phù hợp với khí chất của mình. Thế là anh cương quyết rũ bỏ hoa sói, hoa hòe mà người đời đang hết sức ưa chuộng để đi tìm lối riêng của mình”. Tiếp xúc với Hoàng Bình Trọng nhiều năm tôi nghiệm thấy phát hiện của Mai Văn Hoan khá chính xác.

Nghĩ về nhà thơ thần đồng Hoàng Hiếu Nhân (cháu của Hoàng Bình Trọng), ông viết: “Có thể hai câu thơ của Xuân Diệu: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”, ám ảnh Nhân chăng? Mà Hoàng Hiếu Nhân đâu chỉ có “một phút huy hoàng”, Nhân có gần 10 năm cống hiến, để lại hơn 30 bài thơ và trở thành một trong hai “ông Hoàng” của thơ ca thiếu nhi đương đại”. Ông lí giải việc Hoàng Hiếu Nhân không làm thơ nữa là “cầu thủ chủ động từ giả sân cỏ khi đã ở đỉnh cao phong độ”.

Gấp lại tập sách, tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn không biết những điều ngẫm nghĩ của Mai Văn Hoan đã hoàn toàn đúng chưa. Mong bạn đọc hãy cùng tôi tiếp tục suy ngẫm./. 

Nguồn Văn nghệ số 26/2018    

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *