Tác phẩm chọn lọc

20/12
4:41 PM 2017

LÒNG KÍNH TRỌNG KHỔNG TỬ CỦA BÁC HỒ QUA BÀI THƠ PHỎNG KHÚC PHỤ

TRIỆU HỒNG-Khổng Tử (551 - 479) là người sáng lập ra Khổng giáo. Tư tưởng của Khổng giáo là nền tảng tư tưởng chính thống của chế độ phong kiến Trung Quốc có hàng nghìn năm lịch sử. Nó ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Bác Hồ là con nhà nho, học chữ nho, nên tư tưởng Khổng giáo ảnh hưởng đến Người ngay từ hồi còn nhỏ cho đến lúc trưởng thành là rất lớn.

Qua sự chọn lọc của nhiều đời, sự tác động trực tiếp của các nhà nho tiến bộ nên ảnh hưởng của Khổng giáo tới Người càng tích cực, càng sâu sắc. Bác đã tiếp thu những tinh hoa của đạo Khổng và rất kính trọng Khổng Tử, vị tổ sư của đạo này. Lòng kính trọng ấy được thể hiện qua bài thơ Phỏng Khúc Phụ (Thăm Khúc Phụ) và qua các bài viết, lời bàn của Bác về Khổng Tử.

Theo lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, thư kí riêng của Bác, trong chuyến thăm và nghỉ dưỡng bệnh tại Trung Quốc, Bác có đến thăm Khúc Phụ thuộc Dương Châu, quê hương của Khổng Tử. Sáng ngày 15 tháng 5 năm 1965, Bác đi máy bay từ Hà Nội sang Quảng Châu dự lễ kỉ niệm 40 năm ngày thành lập tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên (1925 - 1965). Sáng hôm sau, Bác đến Trường Sa thuộc Hồ Nam. Mao Chủ tịch đang nghỉ ở đó mời Bác tới thăm và dự bữa cơm thân mật. Sáng ngày 17 tháng 5, Bác đi Bắc Kinh, được bố trí ở tại khu nghỉ đặc biệt Ngọc Tuyền. Lúc 8 giờ 20 phút ngày 19 tháng 5, máy bay chở Bác từ Bắc Kinh đi Tế Nam, thủ phủ Sơn Đông. Nghỉ trưa ở Tế Nam, Bác vào xem công viên Đại Minh Hồ. Sau đó, Bác lên xe lửa đi Dương Châu, đến Khúc Phụ quê hương của Khổng Tử.

14 giờ chiều ngày 19 tháng 5 năm 1965, Bác bước vào Khổng Phủ, không khí thật trang nghiêm, vắng lặng. Đồng chí Vũ Kỳ kể, hôm đó, Bác mặc bộ quần áo lụa Hà Đông, bước từng bước thong thả, nét mặt nghiêm trang, lần lượt đi xem các nơi trong Khổng Phủ. Đứng dưới gốc cổ thụ tương truyền là do chính tay Khổng Tử trồng cách đây 2.400 năm, Bác kể cho mọi người nghe về gia thế, cuộc đời, sự nghiệp của Khổng Tử. Bác nói kĩ về việc Khổng Tử chủ trương bình đẳng của cải và sự công bằng trong đời sống: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng. Không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên. Đã công bằng thì không nghèo, đã hòa mục thì không thiếu, lòng dân đã yên thì không sợ nghiêng đổ”. Rời Khổng Phủ sang Khổng Lâm, đi dưới hàng cổ thụ, Bác tiếp tục nói về quan điểm “lấy dân làm gốc” của Khổng Tử mà sau này Mạnh Tử phát triển thành “dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Câu này Bác đã dịch sang tiếng Pháp từ năm 1921 trên tạp chí Cộng sản, cách đó vừa 44 năm: “Lợi ích của dân là trước hết, thứ đến là lợi ích của quốc gia, còn lợi ích của vua là không đáng kể”. Lúc đó Bác vui còn nói lại lời văn bằng tiếng Pháp và hỏi đồng chí Vũ Kỳ, người rất giỏi tiếng Pháp: “Chú xem Bác dịch như vậy có được không?”.

Bóng chiều đã ngả, Bác rời Khổng Lâm. 17 giờ, Bác lên xe lửa về Tề Nam. Ngồi trên tàu hoả nhìn nắng chiều đang mờ dần trên các triền núi phía xa, Bác khe khẽ ngâm bài thơ viết bằng chữ Hán vừa làm xong, ghi lại cảm xúc chuyến đi thăm di tích tưởng niệm Khổng Tử:
Ngũ nguyệt thập cửu, phỏng
Khúc Phụ,
Cổ tùng, cổ miếu lưỡng y hi.
Khổng gia thế lực kim hà tại?
Chỉ thặng tà dương chiếu cổ bi.


Bài thơ có tiêu đề Phỏng Khúc Phụ (Thăm Khúc Phụ), được giáo sư Đặng Thai Mai dịch ra tiếng Việt:
Mười chín tháng năm, thăm
Khúc Phụ,
Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa.
Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?
Lấp loáng bia xưa chút ánh tà.


Như vậy, ngay từ câu thơ đầu Ngũ nguyệt thập cửu, phỏng Khúc Phụ (Mười chín tháng năm, thăm Khúc Phụ), Bác cho chúng ta biết ngày tháng thăm Khúc Phụ. Đó là ngày 19 tháng 5 năm 1965, đúng vào sinh nhật lần thứ 75 của Người. Câu thơ thật giản dị, dễ hiểu. Chúng ta càng hiểu thêm khi đọc lại lời kể của đồng chí Vũ Kỳ, người vinh dự đi cùng Bác thăm Khổng Phủ, Khổng Miếu, Khổng Lâm - di tích tưởng niệm Khổng Tử - nhà văn hoá vĩ đại của nhân dân Trung Quốc và của nhân loại.

Câu thơ thứ hai Cổ tùng, cổ miếu lưỡng y hi được giáo sư Đặng Thai Mai dịch là Miếu xưa vẫn dưới bóng tùng xưa. Ý thơ dịch này chưa nói lên được ý nghĩa sâu xa của ba chữ lưỡng y hi, có nghĩa là cả hai thứ ấy đều hi hữu, hiếm có. Đành rằng khi dịch thơ, người dịch phải lựa chọn ngôn từ cho phù hợp nên khó mà lột tả hết hàm nghĩa vốn có nơi nguyên tác, nhưng chúng ta cứ lấy làm tiếc vì ý thơ của Bác thể hiện rõ hiện thực, có sự đánh giá tôn vinh và do đó thể hiện được tình cảm trân trọng, yêu mến của chủ thể nhà thơ đối với di tích thờ Khổng Tử.

Câu thơ thứ ba là câu chuyển, Bác lại viết thành câu hỏi tu từ: Khổng gia thế lực kim hà tại? (Uy quyền họ Khổng giờ đâu nhỉ?). Để hiểu hết được câu thơ này thật không phải dễ, buộc chúng ta phải tìm hiểu về dư luận, thái độ cư xử của con người đối với Khổng Tử. Do hạn chế mang tính chất lịch sử của thời đại, nhiều chính thể quốc gia, nhiều người lúc đó chưa có cái nhìn đúng đắn về Khổng Tử. Bác Hồ, trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, luôn trân trọng những tư tưởng cao đẹp của đạo Khổng mà Người đã tiếp thu được. Từ những năm hai mươi của thế kỉ XX và về sau này, Người đã viết và nói rất nhiều về Khổng Tử, trong các bài báo, các bài trả lời phỏng vấn, các lời tuyên truyền cách mạng...

Trong bài Phong trào cộng sản quốc tế - Đông Dương (5/1921), Bác tuyên truyền tư tưởng của Khổng Tử, ca ngợi ông là người đã khởi xướng thuyết thế giới đại đồng, và truyền bá sự bình đẳng về tài sản. Ông từng nói: “Thiên hạ sẽ thái bình khi thế giới đại đồng. Người ta không sợ thiếu, chỉ sợ có không đều. Bình đẳng sẽ xóa bỏ nghèo nàn...”. Khi trả lời phỏng vấn của nhà báo O.Mandenxtam (12/1923), Bác đã nói về Khổng giáo: “Khổng giáo không phải là tôn giáo mà là một thứ khoa học về kinh nghiệm đạo đức và phép ứng xử, trên cơ sở đó người ta đưa ra khái niệm về thế giới đại đồng”. Năm 1927, khi chính phủ Trung Hoa dân quốc đưa ra sắc lệnh xóa bỏ lễ nghi tưởng niệm, những khoản dự chi, những đền thờ Khổng Tử được sử dụng làm trường học công..., Bác đã viết bài Khổng Tử có ý phê phán việc làm của chính phủ Trung Hoa dân quốc. Trong bài báo đó, Bác đã nói rõ đức Khổng Tử đã được nhân dân Trung Quốc, nhân dân Việt Nam kính trọng, tôn thờ. Bác ca ngợi: “Đạo đức của ông, học vấn của ông và những kiến thức của ông làm cho những người cùng thời và hậu thế phải cảm phục”; “Đạo đức của ông là hoàn hảo, nhưng nó không thể dung hợp được với các trào lưu tư tưởng hiện đại, giống như một cái nắp tròn làm sao có thể đóng kín được cái hộp vuông”. Bác cũng đưa ra phán đoán về ông, nếu sống cùng thời với chúng ta, “có khả năng siêu nhân này chịu thích ứng với hoàn cảnh và nhanh chóng trở thành người kế tục trung thành của Lenin”. Bác khuyên những người An Nam chúng ta “hãy tự hoàn thiện mình về mặt tinh thần bằng cách đọc tác phẩm của Khổng Tử và về mặt cách mạng thì cần đọc tác phẩm của Lenin”. Trong các bài khác, Bác khẳng định Khổng Tử là vĩ đại và tự nhận mình phấn đấu “là học trò nhỏ” của đức Khổng Tử. Trong lời huấn thị cán bộ, đảng viên, Bác yêu cầu mọi người phấn đấu theo chuẩn giá “chính tâm tu thân” và “nhân, trí, dũng, tín” hay là “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”… Trong giáo dục đào tạo, Bác thường nhắc nhở mọi người nhớ lời dạy của Khổng Tử “học không biết chán, dạy không biết mỏi” mà cố gắng...

Nói thêm như vậy, để chúng ta hiểu hơn về chủ thể nhà thơ, cũng là để hiểu hơn về câu thơ thứ ba này. Bác đặt câu hỏi để chúng ta tự trả lời, tự liên tưởng với hoàn cảnh cụ thể của đất nước Trung Hoa đang bắt đầu tiến hành cuộc cách mạng văn hoá. Lúc bấy giờ, trong Đảng Cộng sản Trung Quốc có nhiều diễn biến phức tạp, nhiều tư tưởng tả khuynh đang tấn công bài xích tư tưởng của Khổng Tử, coi nó như là hệ quan điểm phong kiến lạc hậu, cần phải xóa bỏ. Rõ ràng tư tưởng của Bác trước và sau rất nhất quán, trong thơ và văn đều kính trọng và đề cao học thuyết của Khổng Tử, tất nhiên trong tiếp thu có sự phê phán đúng mức theo tinh thần cách mạng của chủ nghĩa Marx - Lenin. Có lẽ vì có sự hiểu biết thấu đáo về văn hóa phương Đông, về Khổng Tử mà Người đã phát biểu một luận điểm quan trọng ngang tầm với luận điểm của Lenin: “Chủ nghĩa cộng sản thích ứng với châu Á dễ dàng hơn ở châu Âu”. 

Câu thơ kết Bác viết: Chỉ thặng tà dương chiếu cổ bi (Lấp loáng bia xưa chút ánh tà). Câu thơ này phản ánh thời gian, không gian đúng với hiện thực, ngoài ra còn chứa đựng những tình cảm sâu xa. Câu thơ dịch chưa thể hiện hết ý thơ, còn làm giảm ý nghĩa của câu thơ nguyên tác. Thặng là dôi ra, là vượt trội, không phải là “chút”. Ánh nắng mặt trời chiều chói chang chiếu vào tấm cổ bia và từ cổ bia tỏa ra ánh sáng rực rỡ. Có thể nghĩa hàm ẩn của câu thơ là tư tưởng của Không Tử như ánh sáng mặt trời còn tỏa sáng mãi. Cũng đúng như những lời Người đã nói với chúng ta về đức Khổng Tử vĩ đại mà Người suốt đời tiếp thu, truyền bá những tinh hoa đạo đức, tư tưởng và hết lòng tôn kính, ngợi ca.

Ngày nay, đọc lại bài thơ Phỏng Khúc Phụ (Thăm Khúc Phụ) và những bài báo, lời bàn của Bác về Khổng Tử, chúng ta thấy trước sau Bác đều thể hiện lòng kính trọng đối với nhà văn hóa, nhà hiền triết vĩ đại của phương Đông. Nhiều tư tưởng tiến bộ của Khổng Tử được Người thể hiện bằng những tư tưởng mang nội dung cách mạng của thời đại mới. Bác là nhà cách mạng, anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất luôn tìm tòi và thâu thái những tinh hoa của dân tộc và của nhân loại để truyền bá và giác ngộ chúng ta. Bác đã dẫn lời của Lenin: “Chỉ có những người cách mạng chân chính mới thu hái được những điều hiểu biết quý báu của các đời trước để lại”. Học tập, nghiên cứu những văn bản văn thơ của Bác, phải tiếp cận văn bản gốc một cách tỉ mỉ, nghiêm cẩn thì chúng ta mới có thể hiểu hết “nhân, trí, dũng” của Bác.

T.H
 

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *