Tác phẩm chọn lọc

19/7
6:58 PM 2020

APOLLINAIRE“HY SINH CHO NƯỚC PHÁP”

Bạch Thùy Chinh- Hai, ba năm nay, Guillaume Apollinaire (1880-1918) được nhắc đến nhiều. Ngoài kỷ niệm 100 năm sinh và 140 năm mất của ông, công chúng toàn cầu còn nhớ tới ông như một nạn nhân của dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 và một công dân nhập cư cự phách của nước Pháp. Ông vốn là một đứa con ngoài giá thú, dù mẹ ông dòng dõi quý tộc.

                                                                Apollinaire và Nàng Thơ, tranh đương thời của Dounanier Rousseau (1844–1910)

Và cha ông cũng vậy. Từ nhỏ, ông đã có cuộc sống có vẻ khác thường. Nhưng thực tế là “bình thường” (của những người sống thật sự). Từ nơi chào đời là Italia, ông được mẹ đưa sang Pháp, Bỉ, rồi lại Pháp. Đây là bến đỗ cuối cùng của mẹ con ông (Ông có một em trai cũng là trẻ vô thừa nhận!). Thuở bé, ông từng bị đuổi học vì đem theo sách cấm vào trường. Ở trường sau, ông bỏ học vì “mải chơi”. Thực chất, tuần tự học thì lâu quá, ông chủ động tự học tất cả những gì ông cho là có lợi cho mình và cho xã hội. Cho nên, ông thành thạo rất sớm nhiều nghề. Hai mươi tuổi, ông đã viết truyện thuê cho một luật sư đăng báo kiếm danh. Năm 21 tuổi, ông sang Đức làm gia sư tiếng Pháp. Một hai năm sau, ông hồi hương, làm nhân viên ngân hàng, kết bạn với những nhà văn họa sỹ nổi tiếng đương thời, ví như Jarry, Matisse, Picasso… Ông rủ một đôi người trong họ ra các tạp chí văn học (không chết yểu). Dù làm gì để sống, ông vẫn đắm đuối viết văn làm thơ soạn kịch. Tất cả đều được đón nhận. Rồi ông làm báo, nghiên cứu phê bình văn học nghệ thuật. Ông tán thưởng mọi trào lưu văn học nghệ thuật bấy giờ. Và được coi là một nhà lý luận tầm cỡ của tất cả. Nhưng sáng tác của ông lại độc lập gần như hoàn toàn với chúng. Hóa ra, ông mê mẩn với đủ huyền thoại cổ đại và trung cổ, với các kho tàng văn học dân gian vô tận, đắm đuối với thi ca toàn thế giới, nhất là của các cây đại thụ cổ kim, đông, tây, biến sức sáng tạo của mình thành con tằm nhả tơ đích thực. Với thời gian, ông lọt vào nhóm những nhà cổ điển bất tử (liên tục được công chúng tôn sùng hơn cả). Hiện ông là một trong hai nhà thơ Pháp hiện đại được hâm mộ nhất. Người kia là Jacques Prévert (1900-1977). Thơ của ông đạt kỷ lục đẹp về phát hành. Tập Rượu đã tiêu thụ được 1,5 triệu bản, từ khi ra mắt (ở Nxb Gallimard) năm 1966. Tác phẩm thi ca Apollinaire trong bộ sách tinh hoa “Thư viện Tao Đàn”: 159.000 bản từ 1975. Các bộ tuyển tập khác ở nhà xuất bản Gallimard, 390.000 bản.

 

 

Apollinaire thiếu thốn tình cảm, vì mẹ quá nghiêm khắc, cha thì quên ông hẳn. Vì vậy, ông dễ xiêu lòng trước phụ nữ. Các bà các cô, bình dân, trí thức đủ cả, đa phần không yêu ông, dù ai cũng được ông tặng thơ, thường nhiều bài. Có người như Lou không hề đọc, nhưng lưu giữ thơ ông cẩn thận. Năm 1948, bà nhượng cho một nhà xuất bản, để đổi lấy cho tới cuối đời một món như lương tháng. Mở lòng tận độ ra với đồng loại, với đời, ông hai lần xin nhập ngũ trong Đại chiến I. Lần đầu bị từ chối, vì chưa phải công dân Pháp. Lần sau, như một thử thách, nhờ thành tích chiến đấu, ông được nhận quốc tịch Pháp, niềm tự tin rằng mình như giống tốt được gieo đúng đất phù hợp rồi. Bị thương nặng, không thể cầm súng, ông xin làm một lính biệt phái vô cùng năng nổ ở hậu phương. Trước đó, năm 1911, ông từng bị tù (một bạn ông lấy cắp bức tranh La Joconde ở bảo tàng Le Louvre, ông bị nghi là đồng lõa). Báo chí bài ngoại nhân đó công kích ông kịch liệt. Năm ngày sau, ông được tuyên vô tội. Sống hết “công xuất’ của những tư tưởng và tình cảm lớn lao của Thời đại, ông được ghi nhận như một công dân Pháp mẫu mực. Khi ông qua đời vì dịch bệnh, chính phủ Pháp tuyên bố “ông hy sinh cho Tổ quốc Pháp”!...

Chùm thơ dưới đây của ông. Bài Con sâu khiến độc giả châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Việt Nam thấy lạ. Nó nằm trong tập thơ đầu tiên của ông, hầu như bài nào cũng chỉ bốn câu, tức thơ tứ tuyệt, một đặc sản Thơ Đường. Mãi mãi - tặng nữ nhà báo, kiêm nữ phi công và tiểu thuyết gia Louise Fauve – Favier. Don Joan: đại Sở Khanh. Christophe Colomb: người tìm ra châu Mỹ. Marizibill (tức Marie – Sybille, đọc theo tiếng Đức) – bênh vực một gái bán hoa. Thu thủy tiên: thu thủy tiên là cây thấp thân mềm, mọc ở đồng cỏ, nở hoa vào mùa thu, có chất độc. Cầu Mirabeau được phổ nhạc và dịch liên tục… Xin đọc: cầu Mi-ra-bô; sông Sen.

Con sâu

 

Lao động dẫn tới sang giàu

Thi nhân hãy làm việc mau

Tí sâu nhích từng ly một

Mới thành nàng bướm bay cao.

(Tập Thơ động vật, 1911)

 

Mãi mãi

 

Mãi mãi

Ta đi ngày càng xa mà không cất bước bao giờ

 

Và từ hành tinh này sang hành tinh khác

Từ tinh vân này sang tinh vân khác

Don Joan của sao chổi vạn nàng

Vẫn biến ma thành nhân đàng hoàng

Vẫn tìm được sức mạnh mới nghênh ngang

Ngay cả khi không ra ngoài Trái đất

 

Và biết bao vũ trụ tự quên đi

Những vũ trụ lớn nhất tự quên là gì

Ai có thể khiến ta quên phần này hay phần kia quả đất

Nơi ngụ của Colomb

Ai ta sẽ phải hàm ơn khi một hành tinh bị ta quên mất                                                                          

 

Mất

Nhưng phải là mất thật

Để có chỗ sum vầy

Mất

Cuộc đời để giành thắng lợi.

(Tập Thơ tượng hình, 1918)

Marizibill

 

Ở phố Thượng đêm đêm

Nàng đi đi lại lại

Trao thân không quản ngại

Tới khoắt khuya mệt nhừ

Tớp hớp bia đứ đừ

 

Nàng thân tàn ma dại

Cho một gã ma cô

Gặp khi nàng thoát ra

Khỏi nhà chứa xa ngái

Tự phương trời hoang hoải

 

Tôi biết đủ kiểu người

Kiểu nào cũng vậy thôi

Đều dưới tầm thân phận

Đều nổi trôi bất tận

Mắt như lửa sắp tàn

Tim như cửa nhà hoang.

(Tập Rượu, 1913)

Thu thủy tiên

 

Đồng cỏ độc nhưng huy hoàng vào mùa thu

Bò cái ăn cả thu thủy tiên đơm hoa óng ả

Và cứ thế tự giết mình thong thả

Hoa thu thủy tiên phớt tím như mắt em

Hoa đầu độc đời anh vì anh mải miết nhìn

 

Trẻ thơ tan trường về qua ầm ỹ

Quần áo tuềnh toàng, kèn ác mô ni ca thầm thĩ

Chúng hái hoa thu thủy tiên hoa cháu của hoa con của hoa bà

Hoa tim tím như mắt em nhấp nháy mặn mà

Chẳng khác chúng vẫn rung rinh kỳ khôi trong gió

 

Người chăn bò ca sao thiết tha

Các ả bò vừa rống lên vừa chầm chậm xót xa

Rời bỏ mãi đồng cỏ thu bao la nở hoa lầm lạc.

(Tập Rượu, 1913)

Cầu Mirabeau

 

Dưới cầu Mirabeau sông Seine chảy

Và tình yêu chúng mình anh cần nhớ lại chăng

Sau khổ đau tất niềm vui sẽ tới

 

Đêm cứ đến ngày cứ đi

Giờ cứ qua anh ở đây mãi mãi

 

Tay trong tay ta đối mặt nhau

Trong khi dưới cầu của tay ta trôi qua

Làn sóng chán chường của những cái nhìn vĩnh cửu

 

Đêm cứ đến ngày cứ đi

Giờ cứ qua anh ở đây mãi mãi

 

Tình yêu qua đi như nước này tuôn chảy

Tình yêu qua; cuộc đời quá chậm

Mà ước mơ thì dữ dội quá chừng

 

Đêm cứ đến ngày cứ đi

Giờ cứ qua anh ở đây mãi mãi

 

Ngày ngày trôi qua và tuần tuần trôi qua

Thời đã qua và tình yêu đều không trở lại

Dưới cầu Mirabeau sông Seine chảy mãi

 

Đêm cứ đến ngày cứ đi

Giờ cứ qua anh ở đây mãi mãi.

(Tập Rượu, 1913) 

 

BẠCH THÙY CHINH

Giới thiệu và dịch thơ

Nguồn Văn nghệ số 29/2020

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *