Tác phẩm chọn lọc

24/3
5:20 PM 2019

“NGÔN NGỮ ĐỒNG ĐẤT” CỦA NGƯỜI GIEO HẠT

HOÀN NGUYỄN

Phấn khởi và lo lắng khi nhà thơ Lâm Xuân Vi gửi cho cả tuyển tập đời thơ 332 bài của ông đã dàn trang qua e.mail. Nói phấn khởi vì có thể ông tin tôi nên gửi cho đọc. Nói lo lắng bởi khi ông ra tuyển tập, nhiều nhà thơ đã có những nhận xét đánh giá. Hơn thế nữa, thơ ông đã có vị trí nhất định trong lòng bạn đọc. Thế hệ hậu sinh như chúng tôi, tự biết, sự trải nghiệm và tài năng khó mà theo kịp các bậc tiền nhân. Cả một tuyển tập đời thơ, biết đi theo hướng nào, cách tiếp cận nào? Biết viết sao bây giờ để nói cho hết đời thơ của ông?
Nghĩ cũng nghĩ nhiều, phân vân cũng phân vân nhiều. Và với lòng cung kính, tôi cứ viết theo cảm nghĩ của mình. Dẫu có thể chưa trúng, chưa đúng, chưa chuẩn, chắc cũng được tác giả và các bậc cao minh lượng thứ...

Hiện nay, các nhà thơ đang có nhiều tìm tòi thể thức để diễn đạt cảm xúc. Khác với mọi người,  Lâm Xuân Vi trung thành với hương đất đồng làng. Đọc thơ ông, chúng ta bắt gặp nhiều nhất, một lối “chắt” hương đồng đất cho thơ. Ông gạn từ trong cuộc sống, lọc từ sự trải nghiệm, nhặt từ những chuyến đi và từ đó vắt nên câu chữ cho thơ. Nếu có ai hỏi: Thơ ông như thế nào? Tôi chỉ xin nói ngắn gọn: Ông là người gieo thi ca giữa cánh đồng hoa. Bởi, ở thể loại nào, ông đều có những bài, những câu neo lại lòng người. Đó là những bài thơ, câu thơ để đời có hình ảnh đồng đất chua phèn, nơi một thời cuộc đời của ông đã trải, đã thấm và đã ngấm.

1.  “Ngôn ngữ đồng đất đã làm nên thơ Lâm Xuân Vi.
Trải suốt cả tuyển tập của ông, là hình ảnh người mẹ, người cha, bạn bè, thân hữu. Tất cả những gì chạm tới ông là ở đó có thơ và đọng lại hình ảnh của ngôn ngữ đồng quê.
Mẹ. Hình ảnh thân yêu và gần gũi nhất khi cả cuộc đời gắn với bắp chân ngấn bùn, móng chân bám phèn. Sắc áo nâu mẹ mang cũng là hình ảnh của đồng đất quê hương. Viết về mẹ, dường như Lâm Xuân Vi đã dồn tất cả tình yêu thương, nỗi nhớ mong, lòng biết ơn của người con với đấng sinh thành. 
Lưng còng lệch dáng mẹ đi 
Thơ đành thất luật mỗi khi trở trời

                                     (Lục bát đi tìm)
Chỉ một câu thôi cũng đã đầy đủ hình ảnh của mẹ tảo tần lam lũ. Câu thơ rất thật mà ám ảnh đến khôn cùng. Mỗi khi trở trời, lưng mẹ còng thêm, dáng mẹ lệch thêm thì tất cả ngôn ngữ đi tìm cho câu thơ còn có ý nghĩa gì. Và cho dù người con ấy có như thế nào, có công hầu, khanh tướng, có trải nghiệm, trải đời đến đâu thì, trước mảnh vườn xưa, trước hình bóng mẹ xa vẫn là kẻ mồ côi. Sự bơ vơ khi không còn mẹ trên đời. Ấy là mỗi khi trong dòng đời, gặp trái ngang, điều bất hạnh, ta lại về núp áo mẹ. Chợt nhớ câu ca xưa: “Mất cha ăn cơm với cá/ Mất mẹ liếm lá đầu đường”.
Thoáng trong côi cút mẹ ơi
Con thành đứa trẻ lạc hồi mẹ xa

                                    (Vườn xưa)
Nhưng có lẽ, tính điển hình hóa trong thơ khi viết về mẹ, về sự hi sinh của mẹ, Lâm Xuân Vi đã đánh dấu vào bạn đọc, tự câu thơ neo lại trong lòng. Mẹ chúng ta là thế, tất cả dành hết cho con, cho đến khi lực tàn sức kiệt. Câu thơ cứ đau đáu phận người:
Yêu đồng chiêm đến tàn hơi 
Trở về đất lại đắp bồi đồng chiêm 
Mang theo cay đắng nỗi niềm 
Thảo thơm gửi đất đồng chiêm cho người

                                                               (Mẹ)
Với cha. Vẫn là một mùi đất chua phèn với dáng cha lưng còng chắn gió. Người xưa có câu: “Cha dạy con khôn, mẹ dạy con khéo”. Với người cha là cả khát vọng, là cả một sự đợi chờ phía tương lai. Sự trưởng thành của người con, đó chính là mong ước của những người cha gửi trọn vào con. Chèo chống cho gia đình, gồng gánh nuôi con, đứng mũi chịu sào cũng là dành cho phía tương lai của đời. Phía ấy là con.
Một đời vượt biển trèo non 
Mong con dài rộng vuông tròn xa bay 

                                                            (Cha)
Viết về sự xa cách, về sự khắc khoải, thơ Lâm Xuân Vi cũng vẫn rất dung dị, chân thật mà vẫn đậm chất người:
Lòng người đi rạn vỡ
Lòng người ở bão dông
Câu thơ tình khắc khoải
Níu hai đầu chờ mong

                         (Khắc khoải)
Viết về nét duyên dáng, nét đẹp của người quê, dẫu là người đẹp mà vẫn rất chân quê.
Trượt chân vào ánh mắt
Lạc lối theo em về

                     (Chợ quê chiều cuối năm)
Cái chân chất, hồn nhiên, sự dung dị, nét gần gũi từ ý, câu, chữ đã làm nên nét riêng của thơ ông. Ấy cũng là cái tình, nghĩa, sự tri ân của Lâm Xuân Vi trong thơ.

2. Những từ lấp láy đắc dụng

Khi nói đến “chất quê” là sự gắn bó với cách nói, cách nghĩ, cách cảm của người “bùn đất”. Đi lên từ đất làng, cả cuộc đời gắn bó với “chiêm mùa”, nước tưới tiêu, sát bên người làm nông, trong thơ của Lâm Xuân Vi, có lẽ vì thế mà ta bắt gặp thường xuyên những từ lấp láy. Cách mà người quê hay nói với nhau.
Ví như, khi nói về tình cảm đôi lứa, ca dao có câu: “Rau má là lá lan dây/ Đã trót dan díu, ở đây đừng về/ Rau má là lá lan thề/ Đã trót dan díu đừng về ở đây”. Cách nói có vần có điệu, mộc mạc, gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ như cây lúa củ khoai đồng đất lớn lên. Cách nói lấp láy này, các nhà thơ: Nguyễn Khuyến, Tế Xương, Hàn Mặc Tử, Xuân Diệu, Huy Cận... cũng thường sử dụng. Cũng là người sử dụng từ lấp láy như các nhà thơ khác, nhưng sự khác biệt ở thơ Lâm Xuân Vi chính là tần xuất và tính chất của ngữ nghĩa. 
Tần xuất từ lấp láy trong thơ Lâm Xuân Vi xuất hiện với mức độ “dày” như cách nói của người quê. Ví dụ như chỉ trong một bài: “Tây hồ chiều se lạnh”, bài thơ có 18 câu, chia làm 3 khổ, ông đã sử dụng tới 6 lần từ lấp láy như: “dập dờn”, “thăm thẳm”, “thấp thoáng”, “thẫn thờ”, “bảng lảng”, “gần gũi”. Nếu ngồi “nhặt” ra trong từng bài, dường như không bài nào là Lâm Xuân Vi không sử dụng từ lấp láy. Tần xuất xuất hiện từ lấp láy trong thơ ông rất nhiều, tùy vào cung bậc cảm xúc, cung bậc hình ảnh, khi đậm, khi nhạt, lúc tỏ, lúc mờ. Ngay bài “Thơ trên núi thơ”, có 5 khổ nhưng Lâm Xuân Vi cũng đã dụng công tới 3 lần sử dụng từ lấp láy “ngất ngây”, “mộng mị”, “sinh sôi”.
Nếu để ý, trong các từ lấp láy Lâm Xuân Vi dụng công, thường nghiêng về tính từ, số từ lấp láy mang ngữ nghĩa động từ hoặc tính - động từ, danh - tính từ là tương đối ít. Đây chính là cách nhấn, tạo hình ảnh, tính chất đậm nhạt mà Lâm Xuân Vi muốn nhấn đến. Trong các từ lấp láy tôi điểm trích, chỉ có 2 từ lấp láy “sinh sôi”, “thấp thoáng” là động từ, còn “mộng mị” là có thể vừa mang nghĩa tính từ, vừa có nghĩa danh từ. Chính vì thế, có một lần tôi nói: Thơ Lâm Xuân Vi “không hề dễ đọc” bởi ẩn sâu trong mỗi con chữ Lâm Xuân Vi là rất nhiều tầng, vỉa của ngôn ngữ là như thế. Và chính vì thế mà đã làm nên một Lâm Xuân Vi rất riêng trong làng thi ca nước nhà. Một Lâm Xuân Vi với ngôn ngữ riêng miền đất Cố Đô xưa.

3. Những nối niềm thế sự, triết lý

Một đặc điểm nổi bật trong thơ Lâm Xuân Vi là tính triết lý. Cái hay ở thơ Lâm Xuân Vi dù có triết lý, mang tính thế sự đến đâu cũng vẫn một màu đồng đất. Không lên gân, không căng cứng, không làm mẽ bằng ngôn từ, cứ nhẹ nhàng như hương lúa thoảng bay, cứ mát dịu như phù sa đồng bãi.
Nói, con người có số. Ấy là cách nói an ủi mà nhân gian hay dùng. Với Lâm Xuân Vi, và với cả suy nghĩ của tôi. Số phận là do chính bản thân con người gieo hạt. Gieo hạt nào sẽ nhận giống ấy. Hương hoa cũng thế, muốn thơm phải biết ủ hương, muốn bung nở phải biết tích tụ. Có khao khát phải biết nuôi khao khát. Có ước mơ phải ươm mầm cho ước mơ. Biết hy sinh, biết chờ đợi đó cũng là hạnh phúc. Những cái gì thuộc về vội vã đều bất thành, dẫu có thể, ở một lúc nào đó cho kết quả. Đấy chính là cái ý “dục túc bất đạt”, nếu muốn thành công thì không nên nôn nóng, vội vã sẽ không có được kết quả tốt. Lâm Xuân Vi viết trong chuyến xuất hành xuân:
Nắng vùi tận đáy giêng hai
Ủ hương đợi những ban mai dậy thì

                                     (Xuất hành)

Hay là:
Phía này đường lên Tây Trúc
Phía kia lạc khúc ngục hình
Ta rẽ lối duyên tiền định
Cõi người thuần phác nguyên sinh

                                           (Cõi người)
Cứ chất quê mà sống, cứ chất quê mà thơ. Tôi đồ rằng, “Cõi người thuần phác nguyên sinh” là tuyên ngôn đời thơ mà Lâm Xuân Vi tự định. Dẫu có miền cực lạc hay dưới chín tầng địa ngục, thì với ông, cứ con đường tiền định, cứ thuần phác nguyên sinh đồng đất mà làm, mà viết, mà yêu. Và ở đây, đúng như một nhà văn nào đó đã nói: Tất cả những tác phẩm sâu sắc nhất chính là những tác phẩm viết về chính mảnh đất nơi mình đã sống. Ở đấy có tất cả những điều mà người cầm bút cần có: Sự trải nghiệm, nét văn hóa, vốn sống con người và tâm hồn nuôi nấng. Không ai có thể hiểu sâu sắc hơn những gì mà ta đã gắn bó cuộc đời. Cái hay, cái đẹp, cái lắng lại cũng chính từ đó mà ra. Khi không hiểu, không rõ, có sử dụng lối “xảo ngôn” giỏi giang đến đâu thì câu thơ cũng cứ vô hồn, cái tình cũng nhạt, chẳng đủ để say. Và chính Lâm Xuân Vi cũng đã nói rất rõ về điều ấy. Thời gian, chỉ có thời gian sẽ nói lên tất cả, trả lại cho ta tất cả. Trọn vẹn và đủ đầy: 
Thời gian - lớp lớp sóng trào
Đắng cay hay sẽ ngọt ngào tự ta

                                         (Thời gian)
Đứng ngoài mọi thứ hư vinh
Lầu thơ lợp mái trăng tình chở che

                                          (Chở che)
Yếu mềm phận cỏ trời sinh
Héo khô vẫn giữ trong mình lửa nhen

                                                    (Dại)
Có lửa đã khó nhưng biết giữ lửa còn khó hơn nhiều. Có phải Lâm Xuân Vi muốn gửi gắm với cuộc đời. Có khao khát, có ước vọng, nó như ngọn lửa, hãy biết giữ cho ngọn lửa cháy qua năm tháng. Từ ngọn lửa ban đầu ấy, có thể còn rất mảnh, rất yếu nhưng rồi nó sẽ bén, sẽ bùng cháy nếu ta biết nuôi dưỡng và chờ đợi. Cuộc sống là thế, tình yêu và sự nghiệp cũng thế. Nó như một quy luật của cuộc đời. Yêu thương sẽ đến với yêu thương. Thành công sẽ đến với những ai biết nuôi ước mơ, biết nỗ lực phấn đấu.
Cứ nhẹ như không, cứ thoảng như gió mà tự câu thơ đã lắng lại trong lòng. Và tôi thích cái dung dị, gần gũi như thế trong thơ Lâm Xuân Vi.

*

Để có thể nói hết về thơ Lâm Xuân Vi, tôi e rằng sẽ rất khó. Bài viết ngắn này, chính là tôi “vướng” phải câu thơ của ông: Tự hỏi một đời thơ/ mình có được mấy câu máu thịt? (Tự hỏi)
Câu thơ tự hỏi mà cũng day dứt bao người. Hãy cứ sống hết mình. Hãy cứ yêu hết mình. Hãy cứ viết hết mình. Như ngọn nến cháy tận cùng ruột bấc cho sự dâng hiến với thi ca. Khi ấy hoa sẽ nở, thành công sẽ đến. Vinh hoa là phù du, tình thơ còn ở lại. Muốn thế, hãy như Lâm Xuân Vi tự nhủ. Như chính ông, người gieo nụ hoa trên cánh đồng thi ca từ đồng đất chua phèn nơi đất mẹ. Và, thưa thi sĩ, không phải những nụ hoa ấy “được mấy máu thịt” mà nó đã là máu thịt mà Lâm Xuân Vi gửi gắm, nó sẽ và còn mãi trong lòng bạn đọc với đời thơ. Bởi ông đã cháy đến tận cùng cho thi ca, và ông - người đã gieo hạt thi ca trên cánh đồng hoa của đời./.

                                                                          Ninh Bình, tháng 3 - 2019

                                                                                 HOÀN NGUYỄN

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *