Ống kính phê bình

5/8
12:16 PM 2020

TÍNH CÔNG DÂN TRONG THƠ NGUYỄN HIẾU.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Lâu nay Nguyễn Hiếu được nhiều người mến mộ với tư cách là tiểu thuyết gia và kịch tác gia nổi tiếng. Nhưng một lĩnh vực khác còn ít người biết đến, đúng hơn là chưa được hiểu đúng, đó là thơ. Nguyễn Hiếu làm thơ khá sớm, nhưng tần suất công bố tác phẩm đều nhất là từ những năm 70 của thế kỷ trước.( Năm 1973 anh đoạt giải thơ do Bộ Nội thương tổ chức do nhà thơ Xuân Diệu trong Ban giám khảo trao cho bài thơ “người đứng giữa ước mơ và người thực hiện ước mơ”). Cũng như nhiều nhà thơ lớp chống Mỹ, thơ anh trực chiến mảng đề tài chiến tranh. Chiến tranh là cái trục chính, là cảm hứng chủ đạo để anh khai triển trên nhiều góc độ với những hợp ứng và đan xen nhiều sự kiện, nhiều mảng đời. Từ đó đến nay, trên dưới nửa thế kỷ, Nguyễn Hiếu tung phá, đột khởi đã để lại nhiều ấn tượng trên văn xuôi và sân khấu, điều đó không hề ngăn cản anh đeo đuổi thơ, một lĩnh vực cuốn hút anh nhiều say đắm. Nhìn lại nửa thế kỷ thơ Nguyễn Hiếu khi đọc tuyển thơ Hư ảo trong bộ Tuyển tập Nguyễn Hiếu của anh tuyển hơn 300 bài thơ và trường ca, giữa bộn bề đề tài anh chạm tới tôi nhận ra phẩm chất nổi bật làm nên một Nguyễn Hiếu thơ là tính công dân.

Nhà văn Nguyễn Hiếu

Năm 1990, khi chính thức nhận công việc ở Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam, một buổi nhà thơ Bế Kiến Quốc đưa tôi một tập bản thảo để duyệt in vào số báo tới, và lưu ý thêm bài thơ Nhân Dân của Nguyễn Hiếu. Bài thơ có bốn đoạn, cộng 83 câu. Theo lệ thường, có hơi dài, nhưng hai chữ Nhân Dân đã gây ấn tượng cho tôi. Thơ ca kim cổ viết bao nhiêu về Nhân Dân đấy thôi. Có điều họ lấy cảm hứng từ những mảng sống, thân phận, những trạng thái tâm hồn cụ thể khác nhau từ đó mà khái quát lên cuộc sống và tầm vóc Nhân Dân, nay có một thi sĩ trẻ lại bắt đầu bằng sự khái quát trước rồi mới đi vào cụ thể thì quả là táo bạo. Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần bài thơ không ngắn này để tóm được cái thần thái và dòng chảy chính tạo nên chất men say của cảm xúc. Và thú thực tôi đã bị cuốn vào cái men say ấy. Một tiếng nói trực diện, một giọng chính luận nồng nhiệt, một cái nhìn thẳng, dõng dạc trong ngợi ca và không né tránh trong phê phán.

Nhân dân là ai?

Là tôi là chúng ta

Là hai triệu người chết đói năm bốn lăm

Và cũng bốn lăm hớn hở đi biểu tình

Là kẻ xếp hàng chen lấn khi đong gạo

Cũng là người hoan hô đón các vị nguyên thủ

Là bác đạp xích lô áo rách

Là anh lính đứng nghiêm trước Lăng Bác

Tên bài thì khái quát, Mở bài thì cụ thể. Đương nhiên đi vào biển lớn này, nhà thơ khó tránh khỏi kể lể. Nhưng giọng kể lại có hồn, có nội lực tạo ra sự kết hợp giữa cái vĩ đại và cái bình thường, cái kỳ vĩ và cái nguyên sơ. Vẫn là kể, nhưng là một cách kể có nghệ thuật, đủ sức gây xúc động.

Nhân dân là ai?

Là kẻ nằm la liệt trên sân ga

Cũng là người đào hầm dấu cán bộ

Là người vác cả cỗ hậu sự

Để lát đường cho xe qua

Cũng là kẻ đào đá trên đường tầu về xây nhà

Là người bỏ chiếc nhẫn cuối cùng trong tuần lễ vàng

Càng khai triển, nhà thơ càng làm sáng lên quan hệ hai mặt sáng tối, đầy nhiệt huyết tôn vinh cái tốt đẹp, coi đó là bản chất, là quyết định luận, nhưng cũng không né tránh những thói hư, tật xấu cần bài trừ và phê phán.

Hôm nay nhân dân vẫn bị tấn công

trên tàu trên xe

trong cửa hàng bách hóa

Bằng giá cả mỗi ngày một tăng

Bằng Viđêô nhảm nhí, nhố nhăng

Bằng sách trinh thám và vụ án

Bằng ước vọng xa xôi, đỏ đen

Trong tiếng nhạc xập xình xổ số

Bằng sự đập vỡ đình chùa và những tấm bia

Bằng sự quên lãng dần những làn quan họ

Quên dần những ngày hội, buổi vào mùa

Cây đa giếng nước mất dần

Bằng sự dối lừa và ngon ngọt

Che đậy lòng tham của những quan tham

Và bài thơ đi vào đoạn kết:

Hãy bảo vệ Nhân Dân

Bằng luật pháp và bằng văn hóa

Hãy bảo vệ Nhân Dân

Như xưa kia nhân dân bảo vệ Đảng

Niềm tin đi xa sẽ trở về

Khi Đảng hiện ra đúng như nhân dân mong đợi

(Nhân Dân)

Ca ngợi nhân dân vĩ đại, nhiều bài thơ đã nói và chắc sẽ còn nói nữa, nhưng chuyển tình cảm thành trách nhiệm, thành hành động cụ thể thì bài thơ này của Nguyễn Hiếu có sự phát triển về ý nghĩa, và chiều sâu.

Bài thơ viết năm 1988, sau Đại hội VI hai năm, và công bố vào hai năm sau đó. Hai năm sau đổi mới, hai năm nữa mới gửi đăng báo, đủ thấy tác giả đã phải suy nghĩ đầy trách nhiệm về những gì mà mình ký thác. Sau khi công bố trên số báo ngày 3 tháng 3 năm 1990, Tòa soạn báo Văn nghệ nhận được nhiều thư hoan nghênh của độc giả, cho rằng bài thơ đã nói đúng, nói trúng những vấn đề cấp bách nhất của xã hội. 30 năm đã trôi qua, đọc lại bài thơ này, tôi vẫn thấy quyết định đúng đắn khi cho ra mắt công chúng. Những gì mà chúng ta chứng kiến từ sau Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, càng chứng minh tính dự báo sớm của bài thơ.

Cảm hứng công dân còn được Nguyễn Hiếu phát triển trong nhiều bài thơ khác như: Phút giây nghĩ về Tổ quốc, Dân tộc và tôi, Người thợ chúng tôi, Người thợ và mùa xuân, Nhà thơ đi đong gạo, Ngôi nhà tôi ở giữa công trường, Nhớ một chút về rừng, Phút giây nghĩ về Tổ quốc, Khúc ca về giọt mồ hôi... Cảm hứng trữ tình khi thì đứng ở ngôi thứ nhất, khi thì ở vị thế đại danh xưng, tác giả đều cố gắng đem đến một cách nhìn trung thực trước một thực tế ngổn ngang, bề bộn, đa chiều. Khi đã chọn được một chỗ đứng của người trong cuộc với trách nhiệm công dân, anh không ngại lách bút qua hai chiều sáng tối, và đôi khi giọng thơ có vẻ sót xa, giận dữ, lo buồn trước nhiều nghịch cảnh thì bạn đọc vẫn hoàn toàn nhận ra và chia sẻ với ý thức công dân của tác giả.

Người thợ chúng tôi chịu được tất cả

Nhưng không thể mãi mãi với chiếc cạp lồng

Cố đạp song song với chiếc Toyota

Của những kẻ ma lanh, cơ hội

Đi xây dựng chủ nghĩa xã hội

(Người thợ chúng tôi)

Trong bài thơ Nhà tôi ở giữa công trường, tác giả đưa ra hai mảng sống đối nghịch. Cận cảnh thì:

Dưới cửa sổ từng tốp công nhân ăn cơm

Đùa nhau và nói tục

Người bảo vệ lông mày lưỡi mác

Giải một tên vừa ăn cắp xi măng

Dừng trước tấm Panen nứt

và xa hơn một chút:

Đường sá ngổn ngang

Đường lầy, hố vôi, sắt thép

Hai đứa mắt lấm lét

Nhanh tay giấu mấy chiếc đinh

Giữa cái cảnh ngổn ngang vừa phản cảm vừa đáng thương ấy, sự sống, sức sống vẫn vượt lên tất cả, hiện thân của hiện thực sống động không gì cưỡng lại được:

Tòa nhà năm tầng

Không ai để ý

Cứ thể lặng lẽ

Ngày một nhô cao

Trên đống bộn bề như thế

(Nhà tôi ở giữa công trường)

Nhà thơ với cái nhìn biện chứng trước đời sống đã tạo ra một cấu trúc vững chắc, tổng thể của bài thơ. Đó là cách nhìn nhập cuộc và trong cuộc, nhất quán trong một quan niệm: Thơ không phải nước cất

Trong mảng thơ mà tôi gọi là thơ công dân này, Nguyễn Hiếu có ý thức đưa vào một hệ thống thẩm mỹ mới. Đó là tôn trọng cái nguyên khối, cái xù xì, thô mộc của đời sống, đang còn ở dạng nguyên tươi nhất của nó. Với Nguyễn Hiếu, không có cái nên thơ hay không nên thơ, mà chỉ có cái quan trọng nhất là tâm hồn. Chính vì đề cao yếu tố tâm hồn nên tất cả mọi chi tiết sinh động, cụ thể của đời sống đều có quyền bình đẳng ngang nhau đi vào thơ như một thế giới hình tượng. Xuất phát từ một quan điểm nghệ thuật như vậy, bài thơ "Nhà thơ đi đong gạo" có thể xem là một tuyên ngôn nghệ thuật của anh.

Sáng nay nhà thơ đi đong gạo

Lúc đó anh là người bình thường

Không cưỡi ngựa thần cảm hứng

Mà ngồi trên xe đạp vành gỉ hoen

Đến cửa hàng anh nghiêm chỉnh xếp hàng

Chuẩn bị tiền lẻ và bao túi

Chợt anh thấy một kẻ chen ngang

Anh phẫn nộ với những lời không có cánh

Khi nhận gạo anh cũng cân lại đàng hoàng

Lại nổi giận khi gạo bị thiếu

Bằng sự rạch ròi

Anh nói cho mọi người hiểu

Ai cũng đồng tình với anh

Buổi chiều nhà thơ đi mua dầu

Anh nhận ra mùi hôi của dầu

Anh mắng cô bán dầu

Vừa đong hụt vừa đỏng đảnh khinh người

Đêm xuống anh làm thơ

Về tình yêu những câu những chữ

Êm đềm và lung linh

Trong những câu thơ thơm tho đó

Không có điều phẫn nộ

Khi mắng kẻ chen ngang

Khi phê bình cô bán hàng cân thiếu

Không có mùi hôi của dầu

Vì vậy thơ anh ít người hiểu

Còn anh, thơ cũng cạn dần

Vì thiếu mùi hôi của dầu

Thiếu sự nổi giận

Thơ cũng như cây muôn thuở

Cần tất cả trên đời

Thơ không phải nước cất

(11/11/1984)

Xin lỗi, tôi đã làm mất thì giờ của bạn đọc một chút bằng cách chép nguyên văn bài thơ. Vì tôi cho đây là một trong những bài tiêu biểu của Nguyễn Hiếu. Chúng ta thử vận dụng quy luật sống chậm xem sao. Tôi chép nguyên văn bài thơ với tinh thần phục vụ bạn đọc cho được nhìn thấy toàn cảnh. Bài thơ làm vào thời kỳ bao cấp đã xa, nhưng tinh thần của nó thì rất gần, ở đây, bây giờ, thì hiện tại. Quan niệm thơ cũng vậy, không phải hoàn toàn mới, cũng không phải quá độc đáo, tân kỳ. Nhưng, nó vẫn có đạo lý bền chắc của nó. Nhất là, ngày nay thời mở cửa, có bao nhiêu thứ thơ đóng hộp, ướp lạnh nhập khẩu vào ta, lại được một số người yếu bóng vía về thơ xưng tụng, dẫm vào vết xe đổ. Tôi không xem bài thơ trên là toàn bích, tôi trân trọng một cách nhìn tích cực. Về cách nhìn biện chứng với đời sống, thơ Nguyễn Hiếu in đậm dấu ấn của thơ thời kỳ đổi mới.

Cũng vẫn là ý thức công dân, trách nhiệm công dân, Nguyễn Hiếu viết rất nhiều về trẻ em. Trẻ em bị giết hại trong chiến tranh. Trẻ em bị quăng ra đường lẫn trong đám bao tải. Trẻ em ăn xin, Trẻ em yểu mệnh, trẻ em cất tiếng chào đời... Đây không phải thơ viết cho trẻ em mà là thơ viết về trẻ em, dành cho người lớn. Mảng thơ vô cùng nghiêm túc và xót đau.

Nguyễn Hiếu có đến mấy bài thơ viết về trẻ em bị giết trong chiến tranh, có sức tố cáo mạnh mẽ. Rồi đến những cảnh đầy thương cảm trong hòa bình. Dù bị đẩy vào nghịch cảnh, trẻ em trong cảm nhận của anh vẫn là những thiên thần.

Chúng còn bé quá

Nhưng mảnh vụn của đời

Bốn đứa trẻ lang thang

Áo quần tơi tả

Như vừa đi qua cơn bão

Bẩn thỉu như đất

Hiền lành trong sạch như đất

Khi đến đây chúng nghèo như tên sông

Và cũng giàu như lòng sông

Vẽ lên một thảm cảnh không khó. Đánh thức tình thương, và trách nhiệm, vực dậy lòng trắc ẩn mới là đích đến của bài thơ

Trên nệm bông khi tôi viết thơ

Bốn đứa trẻ ấy ngủ đâu

Khi tôi buông tấm màn tuyn trắng muốt

Là xua thêm muỗi đến bên chúng nó

ÔI! Những con muỗi độc ác

Vì ta càng độc ác hơn

Khi cắm vòi vào bốn làn da non

(Bốn đứa trẻ ăn xin bên bờ sông Hàn. Bài thơ đoạt giải của Viện Khoa học giáo dục với tài trợ của Thụy Điển năm 1988)

Viết về cái thương tâm mà không đứng cao hơn sự thương tâm ấy thì chưa chạm sâu đến cái chỗ mỏng manh nhất của tình người. Bảo có một em bị bom, là chuyện của thông tấn. Nói em ấy bị giết như thế nào, đấy là việc của văn chương. Bài thơ sau đây có thể là một bài báo, một truyện ngắn, nhưng nó thực sự đi vào lòng người khi nó trở thành một bài thơ:

Dưới bóng tối xanh xao

Bên cạnh mỗi gốc cây

Có một đống giẻ

Giữa đống giẻ là đứa trẻ

Dưới đứa trẻ là mặt đất sẫm thô

Những giọt trăng dịu nó

Những sợi gió ve vuốt nó

Giấc mơ trắng màu cơm

Giấc mơ vỡ đôi vì vòi muỗi

Mẹ nó đang oằn mình

Cay đắng, đau đớn cho một cuộc tình

Với gã đàn ông xa lạ

Ngày mai, hay chốc nữa thôi

Nó thức dậy và khóc la

Đòi mẹ đi ăn cháo

Đồng tiền tanh nồng từ từ rút ra

(Đứa trẻ nằm trên hè đường Lý Tự Trọng)

Bảo viết về trẻ em thì đúng quá rồi, nhưng nó còn có một cái gì nữa, về xã hội, về thế giới của người lớn. Xin tất cả mọi người không có ai quay mặt làm ngơ trước thực trạng đau lòng.

Qua những cố gắng mở rộng cảm quan của người viết, cái chất quê hồn quê là phần sâu lắng trong khá nhiều bài thơ của Nguyễn Hiếu. Anh viết khá nhiều về cái làng Chèm quê anh. Ở đó những tố chất Việt được cô đặc qua mọi thăng trầm của lịch sử, đến mức trở thành một cách sống, một trường cảm, một đồng điệu, một lẽ đời.

Trước làng có tiếng sóng

Ngực làng có dòng sông

Sau làng gió tha thẩn

Hát nghêu trên cánh đồng

(Bài thơ nhỏ về làng Chèm)

Hai câu đầu là đưa tin, hai câu sau là hồn vía. Nhà thơ đã hóa thân vào gió, một thứ gió mà chỉ có ai còn giữ được cái măng tươi thời trẻ, những ai nặng lòng với rơm rạ mới có thể nhận ra. Sẵn một tâm hồn như thế, anh phản ứng gay gắt, quyết liệt với những hành vi phản văn hóa. Anh gọi những kẻ bẫy cò là những kẻ xách ngược ca dao, đưa đến một thảm họa là cơn đói hồn quê không gì cứu vãn được.

Con cò không còn là con có quoăm

Mỏ cò chúc xuống lắc lư

Cổ dài cong thành dấu hỏi

Cánh cò buông lơi buông lơi

Trắng như giải khăn tang thõng

Thế rồi con anh lớn lên

Hồn chúng mất cánh cò sẽ đói

Cơn đói nhói trong tim triền miên

Không gì lấp nối

(Những người xách ngược ca dao)

Cái thú đọc thơ là cho ta tiếp xúc trực diện với tâm hồn tác giả. Ta tìm thấy ở đấy những chấn động, những khoảng lặng, những khắc khoải, nghĩa là tất cả những gì làm nên thế giới nội tâm của nhà thơ. Một sự chia sẻ thành thực và cảm động. Đọc thơ Nguyễn Hiếu, tôi hiểu thêm anh rất nhiều, một sự bổ khuyết thú vị cho những trang tiểu thuyết, những vở kịch. Với thơ, Nguyễn Hiếu hoàn thiện một chân dung nghệ sĩ của mình bằng lao động thẩm mỹ vô cùng nhọc nhằn, thăng hoa và nghiêm túc.

Nhà thơ Hữu Thỉnh

Nguồn Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *