Ống kính phê bình

5/1
8:50 AM 2017

QUÀ TẶNG TƯƠNG LAI- TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN TRƯỜNG

Lúc chúng tôi về đến cổng đã thấy trong nhà ngoài sân mọi người đang nhốn nháo. Đứa em trai đón tôi vào nhà, nói như trách móc: - Anh về trễ rồi. Tôi ào lại bên mẹ. Mẹ nằm trên giường chỉ còn thoi thóp thở, không biết gì nữa. Tôi cầm tay mẹ, bàn tay đã bắt đầu lạnh.

                                                        Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Tôi gục xuống, khóc nức lên:

- Mẹ ơi, con biết tin mẹ ốm nặng, con đã làm mọi cách bay ra thật sớm vậy mà cũng không kịp nghe mẹ dặn dò, để hai mẹ con mình được nhìn nhau lần cuối. Mẹ ơi, con có lỗi với mẹ.

 

Hình như nghe được tiếng kêu của tôi, mẹ từ từ mở mắt, đôi mắt đục lờ của mẹ đã ánh lên sức sống. Nhận ra tôi, tay mẹ siết chặt, bàn tay ấm dần. Tôi reo lên:

- Mẹ ơi, mẹ tỉnh rồi.

Mọi người chạy đến với mẹ, nhận ra từng người, đôi môi mẹ mấp máy, tiếng Người thều thào ngắt quãng:

- Các con ở lại, anh em đùm bọc nhau… Còn gói quà… con nhớ giữ gìn để trao lại cho chú bộ đội...

Chỉ dặn được đến đó rồi mẹ tắt thở. Tôi thấy luồng khí lạnh chạy dọc sống lưng, người nổi gai ốc. Mẹ ơi, gói quà của chú bộ đội, chuyện đã từ hơn 30 năm rồi mà sao mẹ còn nhớ, còn canh cánh bên lòng cho đến tận giờ phút lâm chung, vẫn trăng trối lại cho con cháu, hẳn là nó rất hệ trọng đối với gia đình mình.

*

Quê mình, một vùng quê yên tĩnh gần cuối con sông Mã êm đềm. Chiến tranh ở quê mình gắn liền với những ngày các đơn vị bộ đội đến đóng quân trong làng, mỗi nhà nhận hai, ba chú bộ đội. Các chú tranh thủ luyện tập một hai tháng rồi lại hành quân vào chiến trường.

Chắc là mẹ vẫn nhớ nhà mình đón hai chú bộ đội, chú Quang lùn và chú Đặng cao. Các chú ở nhà mình rất tích cực làm công tác dân vận nhưng cái chính là các chú thấy mẹ quá vất vả nên luôn giúp mẹ những công việc tay chân nặng nhọc. Chỉ riêng làm ra hạt gạo, mẹ phải xay giã giần sàng tốn không ít thời gian. Bởi thế, các chú thấy mẹ xay lúa thì giành lấy xay hộ. Sức trai trẻ nên các chú chỉ xay một hồi là hết cả thúng lúa. Đối với các chú, việc xay lúa giã gạo vừa vui vừa tò mò vì các chú quê ở thành phố Hải Phòng, ăn gạo tem phiếu nên chưa biết xay giã giần sàng. Với mẹ, các chú đã đỡ đần khá nhiều việc làm mẹ rất cảm động. Đời mẹ luôn luôn thiếu vắng bàn tay giúp đỡ của người đàn ông. Hai chú bộ đội kém mẹ chừng bốn năm tuổi, kêu mẹ bằng chị, dẫu thế họ vẫn là  đàn ông trong nhà.

ấn tượng nhất đối với chúng con là những đêm văn nghệ. Sân gạch nhà mình khá rộng nên buổi tối các chú bộ đội rủ nhau đến tập văn nghệ để chuẩn bị cho đêm liên hoan giao lưu giữa bộ đội và thanh niên trong làng. Các chú nhờ đội âm nhạc của làng mình mang nhạc cụ như đàn nguyệt, nhị, sáo, trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, mõ… đến giúp sức. Tiếng trống, tiếng nhạc nổi lên tạo nên không khí tưng bừng. Người lớn và trẻ con trong xóm kéo đến nhà mình chật sân để xem các chú bộ đội tập văn nghệ.

Theo kịch bản, chú Đặng đóng vai  Hòa, đại diện cho người tiêu cực. Hòa đã móc ngoặc với người xấu bán bớt nông sản của hợp tác xã, để có tiền mua chiếc áo cánh phin. Chú Quang đóng vai chính, vai người tốt, là vợ của chú Đặng. Tuy nhiên, chú Quang lùn, mặt  vuông chữ điền nên rất khó đóng vai nữ, chưa kể tay chân chú ngắn, múa khá thô. Thương các chú đánh vật với vở diễn, mẹ  bước ra nói:

- Diễn chèo phải có hát múa diễn kết hợp với nhau. Hát phải tròn vành rõ chữ. Chú Quang là đàn ông làm động tác múa không mềm mại, giọng nói ồ ồ thì làm sao đóng vai nữ được.

Nghe mẹ nói, chú Đặng tròn mắt ngạc nhiên:

- Chị biết diễn chèo hả?

Mẹ cười:

- Hồi còn con gái, chị cũng tham gia đội văn nghệ của xóm.

Chú Đặng reo lên:

- Vậy mời chị thử vào vai vợ anh Hòa nhé.

Máu nghề nghiệp nổi lên, mẹ bước vào sân khấu. Mẹ có dáng thon thả, khuôn mặt tươi sáng nên rất phù hợp với vai diễn có động tác múa. Chỉ trong chớp mắt, mẹ đã hóa thân vào nhân vật. Tiếng trống, tiếng nhạc nổi lên, mẹ vừa múa vừa hát, vừa diễn. Đặc biệt, đôi mắt mẹ lúng liếng linh hoạt... Tiếng nhạc vừa dừng, mẹ bước ra, mồ hôi lấm tấm trên trán. Chú Đặng nắm tay mẹ reo lên:

- Trời ơi, em không thể tưởng tượng được chị lại là nghệ nhân, đúng là “chùa rách phật vàng”. Thôi từ nay, chị đóng vai vợ anh Hòa dùm em, còn anh Quang đóng vai hề thì rất là khéo.

Quả nhiên, chú Quang bước ra làm vài động tác hề làm mọi người cười ngặt nghẽo. Từ đó, sân nhà mình cứ tối đến rộn ràng tiếng trống, tiếng nhạc. Đêm nào mọi người cũng kéo tới xem chật nhà. Bọn trẻ chúng con hồ hởi chạy loăng quăng trong sân, giành nhau chỗ ngồi để xem được rõ nhất.

Rồi ngày đó cũng đến, trong sân đình làng rộng mênh mông, người ta giăng phông màn rồi treo lên hai chiếc đèn măng sông sáng rực rỡ. Mới bảy giờ tối mà sân đình đã đông kín người, trẻ con lót lá chuối ngồi bệt phía trên gần sân diễn còn các cụ già ngồi phía sau, trên hàng ghế dài, bên phải là nam giới, bên trái là nữ giới. Người dẫn chương trình thông báo:

- Nếu may bay Mỹ đến, chúng tôi sẽ tắt đèn. Bà con ai ở vị trí nào ở yên vị trí đó. Quanh sân đình đã có hào giao thông và hầm trú ẩn, nếu máy bay Mỹ mà  ném bom, bà con trật tự tản xuống hầm hào.

Thời gian đó máy bay Mỹ đánh phá cả ban đêm, tuy nhiên chúng chỉ đánh phá những nơi trọng điểm còn làng quê mình vẫn rất yên bình.

Giờ biểu diễn đã đến, tiếng trống cái khua vang rộn rã, phông màn từ từ kéo lên, đội văn nghệ  làng và  bộ đội cùng xuất hiện. Mở đầu là bài đồng ca Vì nhân dân quyên mình hùng tráng. Sau hai bài đơn ca là đến vở chèo Chiếc áo cánh phin. Sau tiếng trống cái, trống con là tiếng nhạc réo rắt, chú Quang bước ra đầu tiên. Chú mặc bộ quần áo nâu đã sờn cũ, đầu vấn chiếc khăn nhàu nhĩ, bụng thắt sợi dây  chuối khô đã ngả màu nâu, ống quần xắn bên cao bên thấp. Chú khập khễnh bước ra cúi chào trông rất hài hước. Chỉ mới vài động tác chú đã làm mọi người cười bò. Tiếp đến, chú Đặng mặc chiếc áo cánh phin mới tinh, chiếc quần kaki màu xanh trông rất bảnh, bước ra vừa múa vừa hát vỉa: Tôi là Hòa đi khai hoang cùng hợp tác, này i… ba tháng trời đổ giọt mồ hôi, này i… nhưng hôm nay tôi thấy trong lòng bao cay đắng, này i…

Tiếng nhạc lại dội lên, tiếng trống cái, trống con rộn rã đệm bước chân để mẹ bước ra sân khấu. Tiếng trống chèo muôn thuở là niềm cảm hứng dẫn dắt người diễn, người xem say mê từ lúc mở màn cho đến tàn cuộc. Lúc này, mẹ mặc chiếc áo màu hồng, tóc xõa ngang vai. Khuôn mặt mẹ được trang điểm khá kỹ nên nhìn trẻ ra đến mười tuổi. Tay múa, chân bước, tiếng mẹ hát kết hợp với tiếng nhạc rộn ràng. Tiếng trống con giữ nhịp cho câu hát: Chiếc áo i.. cánh phin i ì ì i… sao mà đẹp thế,nhìn anh càng khỏe, da đỏ… hồng hào, tinh tính tang hồng hào, hồng hào trông thật là xinh i ì i… i  í i ì… Nhục nhã tình bằng cho người chồng tôi, nghe người ta xui rồi đâm ra hư hỏng i ì ì i, tính ra công mình như chiếc lá vàng rơi… Ơi ới anh ơi, anh làm như thế, thì thôi còn gì, ôi thôi còn gì anh ơi…

Đôi tay của mẹ như biết nói trong động tác múa, hai  cánh tay mềm mại,  cổ tay, kết hợp với nghệ thuật guộn ngón điêu luyện khiến mọi người trầm trồ khen ngợi. Chân mẹ bước nhịp nhàng với đôi tay múa, có lúc tưởng như mẹ đang bay lên cùng tiếng hát thanh cao, ngọt ngào, làm khán giả vừa sướng mắt vừa khoái tai, càng thêm thích thú.

Tiếng trống chèo vừa dứt, mọi người vỗ tay tưởng vỡ mái đình. Dư âm vở chèo còn theo mãi khán giả trở về trong tiếng trò chuyện râm ran.

Từ sau bữa đóng vai vợ chồng với nhau, tình cảm mẹ với chú Đặng có khác, hai chị em có vẻ ý tứ hơn. Cũng từ buổi văn nghệ đó các chú bộ đội thêm quý mến mẹ, càng tích cực giúp đỡ mẹ nhiều việc nặng nhọc.

Nhiều đêm, con thức giấc nghe trong buồng mẹ, tiếng trở mình trên chiếc giường ọp ẹp, cô đơn và cũng nghe tiếng thở dài của chú Đặng ở gian bên cạnh. Chú Quang hễ đặt mình xuống giường là ngáy như sấm. Một lần, con nhìn thấy chú Đặng nhè nhẹ nhổm dậy rón rén đến bên cửa buồng mẹ. Chú cứ đứng như thế, im phăng phắc cả giờ đồng hồ. Có tiếng gõ cửa khe khẽ, tiếng trở mình của mẹ trên giường. Có thể, mẹ nghe thấy tiếng gõ cửa nhưng không mở. Chú Đặng đứng thêm một lúc rồi lại nhè nhẹ trở về giường của mình. Từ hôm đó, con ngủ rất cảnh giác, hễ nghe giường bên cạnh khẽ kêu cọt kẹt là con hé mắt nhìn ra. Tuổi thơ của con bắt đầu từ việc có ý thức bảo vệ mẹ như thế. Tuy nhiên, mẹ vẫn quý mến hai chú bộ đội và biết giữ khoảng cách. Một khoảng cách mà người đàn bà trẻ vắng chồng phải nghị lực lắm mới giữ được.

Đóng quân được hơn một tháng, các chú bộ đội lại rục rịch lên đường. Người dân quê mình bịn rịn tiễn đưa những người lính đi vào lửa đạn mà không biết có ngày trở về bằng nhiều cung bậc cảm xúc. Ngày đó, quê mình  nhà nào cũng nghèo. Bữa cơm có thịt đối với chúng con là mơ ước, chỉ đến Tết mới có, còn quanh năm là dưa cà, mắm muối, thậm chí cơm cũng không đủ no, phải ăn độn ngô, khoai, sắn.

Chợ thì xa, cách nhà đến ba cây số, không hiểu làm sao bữa đó từ sáng sớm mẹ đã mua được thịt lợn và còn xay được nồi bột để chiều hôm ấy mẹ làm bánh răng bừa, đặc sản của quê mình, thứ bánh đươc gói bằng lá dong, bên trong là bột gạo cùng nhân thịt và một số hương vị khác như mộc nhĩ, nấm hương... Buổi tối, mẹ dọn lên bàn đĩa bánh làm hai chú bộ đội ngỡ ngàng. Bánh vừa vớt ra bốc hơi nghi ngút, nóng hôi hổi làm chú Quang và chú Đặng vừa thổi vừa ăn vừa khen ngon.

Buổi chia tay thật cảm động. Chú Đặng trao tận tay mẹ cái gói to bằng chiếc gối, bọc giấy bóng trắng đã dán kín, nói:

- Chị ơi, em vào chiến trường không biết bao giờ trở ra, chị cho em gửi gói này. Chị giữ giùm em, bao giờ hòa bình, em sẽ trở về gặp chị.

Mẹ rưng rưng nước mắt nhận gói quà, như nhận lời dặn:

- Các em thế nào cũng hoàn thành nhiêm vụ trở về gặp chị, nó thay cho lời hứa danh dự của người lính trước khi ra trận.

*

Các chú ra đi, biền biệt bao nhiêu năm trời, gia đình mình không hề nhận được lá thư nào. Cuộc chiến ngoài mặt trận thì vô cùng ác liệt, những hi sinh mất mát cứ dội về bằng những giấy báo tử của hết lớp người này đến lớp người khác. Ngày đêm mẹ vẫn ngóng  chờ tin bố, tin của các chú bộ đội. Còn gói đồ của chú Đặng, mẹ gọi đó là gói quà, mẹ cất cẩn thận vào trong chum lúa. Những hạt lúa có sức ấm nóng chống được ẩm mốc… bởi vậy qua bao năm trời, gói quà vẫn không bị hư hại.

Mẹ còn nhớ không, lần con đi dự thi vào trường chuyên văn của tỉnh, nhà mình nghèo đến nỗi không có một đôi dép, quanh năm con phải đi chân đất, con đã hỏi mẹ:

- Mẹ ơi, con về thị xã đi thi mà không có dép, hay là mẹ mở gói quà của chú bộ đội mượn đôi dép được không?

Mẹ đã ôm lấy con, rơm rớm nước mắt:

- Con ạ, gói quà của chú bộ đội đã dán kỹ, mẹ không thể mở ra. Lúc các chú  trở về, mẹ biết nói làm sao.

Chiến tranh kết thúc, bố con từ chiến trường B trở về trong niềm hạnh phúc vỡ òa của mẹ, của chúng con. Gia đình mình được đoàn tụ một thời gian ngắn rồi bố lại xa nhà đi dạy học trên vùng cao như ngày xưa bố đã từng đi dạy học. Mẹ lại vò võ chờ chồng.

*

Hòa bình đã gần chục năm mà hai chú bộ đội vẫn không quay trở lại. Nhiều lần con thấy mẹ cầm gói quà mang ra nắng phơi, rồi lại mang cất trong chum lúa. 10 năm, 20 năm, 30 năm... mẹ vẫn ngóng hai chú bộ đội trở về.

Lớn lên con cũng đi bộ đội rồi chuyển ngành và trở thành phóng viên của một tờ báo tại Sài Gòn. Thỉnh thoảng con về phép thăm mẹ, thấy mẹ vẫn quan tâm đến gói quà nằm lặng lẽ trong chum lúa. Bây giờ mẹ đã già như chuối chín cây khiến chúng con lo lắng. Nhân lúc mẹ nhắc đến gói quà, con bàn với mẹ:

- Mẹ ơi, đã 30 năm giải phóng rồi, nếu chú bộ đội còn sống thì đã trở về. Còn lỡ chú hi sinh thì làm sao mẹ trao gói quà lại cho chú ấy được. Hay là để con mở gói quà ra, biết đâu có địa chỉ của chú để chúng ta tìm về quê chú. Nếu gặp chú thì mẹ trao lại gói quà, còn nếu chú đã hi sinh thì mẹ trao lại cho người nhà chú.

Thấy con nói cũng có lý nên mẹ đã đồng ý.

Quả nhiên như mẹ con mình đoán, trong gói quà chỉ có mấy bộ quần áo cũ, một đôi dép Tiền Phong đã ngả màu ố vàng, hai lá thư, chắc là của người yêu chú Đặng. Lá thư đề tên người gửi là Nguyễn Thị Hằng, quê quán ở huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Không tìm thấy địa chỉ của chú Đặng nhưng may quá, gấp trong cuốn sổ là một tấm hình của cô gái có mái tóc dài, khuôn mặt bầu bĩnh. Tấm ảnh đen trắng qua thời gian đã phai nhiều nhưng vẫn có thể nhận ra khuôn mặt của người con gái. Với kinh nghiệm nhà báo, không mấy khó khăn con đã tìm ra nhà của người trong  ảnh. Gặp rồi con cũng ngỡ ngàng vì người trong ảnh giờ đã trở thành bà lão tóc bạc, da nhăn nheo. Bà sống cô đơn trong căn nhà, có thể nói là cái chòi cũng được. Con trao cho bà những bức thư mà ngày xưa bà đã viết cho chú Đặng. Bà run run cầm lá thư và tấm ảnh, nước mắt bà lặng lẽ tuôn rơi.

Bà kể...

...Giải phóng được hai năm thì chú Đặng trở về, dẫn theo người đàn bà ẵm đứa con nhỏ. Bà hoàn toàn thất vọng, gần chục năm trời bà vẫn chung thủy chờ người yêu trở về nhưng người ta đã trả công cho bà bằng sự thật phũ phàng. Lúc này, bà đã ngoài ba mươi tuổi, lăn lội đồng ruộng, mòn mỏi chờ người yêu làm bà già đi quá nhanh. Bà sống thui thủi như vậy trong căn nhà không có đàn ông, không có ai bên cạnh, tàn tạ dần để chờ ngày ra đi vĩnh viễn. Bà cũng cho con biết, nghe đâu chú Đặng giàu lắm, lấy vợ là con một vị quan lớn trong miền Nam nên được thăng tiến khá nhanh.

Con trở về mang theo nỗi đau và mang theo cả món quà đạm bạc của người lính năm xưa. Con không nỡ nói thật với mẹ. Món quà ngày xưa còn có giá gì đâu đối với người giờ đã quyền cao chức trọng, nhà lầu xe hơi. Trong việc này, con chỉ cho mẹ biết một nửa sự thật, rằng chú Quang đã hi sinh trong chiến trường B, còn chú Đặng bị mất tích. Có thể chú ấy đã hi sinh rồi như thế có thể mẹ dễ chấp nhận hơn.

Mẹ ôm mặt khóc, tiếng nói xen lẫn trong tiếng nấc:

- Tội nghiệp chú Quang, chú Đặng. Họ là những người cao cả, hi sinh cho đất nước, cho sự yên lành của chúng ta.

Lúc sau gạt nước mắt, mẹ nói với chúng con:

- Chú Đặng mất tích nghĩa là chú ấy có thể chưa chết. Chúng ta vẫn giữ lại gói quà, hy vọng ngày nào đó chú ấy trở về.

*

Mẹ có nhớ không, trong lần con đưa mẹ vào Sài Gòn thăm vợ chồng con và các cháu. Con nảy ra ý nghĩ là chở mẹ đến nhà của chú Đặng chơi để xem hai người có nhận ra nhau không., nên con chỉ nói con đưa mẹ tới thăm một cán bộ cấp cao của thành phố. Giờ chú làm  chủ tịch một quận ngoại thành đúng như lời người yêu chú nói. Chú ở trong tòa lâu đài cực kì xa hoa lộng lẫy trên diện tích cỡ gần ha. Chỉ riêng khu vườn đằng trước, người ta đã thiết kế những quả đồi giả nhấp nhô trồng toàn cỏ Mỹ, xanh mươn mướt rộng hàng ngàn mét vuông. Khu vườn tiền cảnh đan xen nhiều cây quý, có đến hàng trăm cây tùng mua từ xứ mặt trời mọc, loại này có giá gần triệu đô mỗi cây. Nếu lạc vào đây sẽ có cảm giác như đang bước vào cánh rừng xứ trời Âu.

Sau hàng rào sắt là rừng cây kiểng, người ta cố tạo ra cây cổ thụ thu nhỏ, trong chậu quý như: “Mâm xôi con gà”, “Ông bụt”, cây có tuổi thọ hàng trăm năm như “Tam đa’’ “Phu thê”… được chú tìm mua của các nghệ nhân nổi tiếng trên cả nước. Sau này con mới biết, phần lớn cây kiểng này là của những người muốn nhờ vả mang đến biếu tặng. Đó là món quà thăm dò xã giao bởi vì không ai từ chối món quà có vẻ rất là “văn hóa” này. Tuy nhiên, nó lại có giá trị, có cây kiểng giá đến hàng chục triệu đô la Mỹ, những cây kiểng vài ba trăm triệu đồng trong vườn của chú thì bạt ngàn như rừng, đếm không hết. Kiến trúc của tòa lâu đài mang phong cách nước Pháp vừa cổ điển vừa hiện đại, thiết kế cầu kì với hệ thống cột tròn, cột vuông cùng với mái vòm, mái dốc trên cao tạo thành những điểm nhấn sang trọng. Tường được sơn màu trắng và màu vàng làm nổi bật mái vòm màu xanh ngọc bích. Toàn bộ các chi tiết trang trí bên trong nhà đều được dát vàng. Đồ đạc trong nhà chú cũng đều là tài sản quý, đắt tiền có xuất xứ từ khắp nơi trên thế giới. Trong tòa lâu đài  luôn  thoang thoảng mùi hương rất đặc trưng, đó là hương thơm của ly cà phê mới pha nhẹ nhàng mà đắm say.

 Chú Đặng rất quan tâm đến khâu xây dựng giải phóng mặt bằng. Người ta đền bù cho dân với giá rẻ mạt, mỗi mét vuông có giá không bằng một tô phở để rồi một doanh nghiệp phân lô xây dựng hạ tầng, bán nền với giá lên đến hàng trăm lần. Lợi khủng ấy, doanh nghiệp được hưởng, tất nhiên người ta cũng chia cho chú vì có công điều động lực lượng đến giải tỏa và ép giá đền bù. Mỗi công trình như thế, chủ đầu tư lại cắt cho chú mảnh đất hàng ngàn mét vuông. Càng giải tỏa nhiều, chú càng giàu.

Mẹ có nhớ, hôm con chở mẹ đến nhà chú. Chú bận rộn tiếp quan khách. Mẹ không nhận ra chú vì giờ chú béo, bụng phệ, da thịt núng nính những mỡ. Chú cũng không nhận ra mẹ bởi thời gian đã biến người từng đóng vai vợ chú trên sân khấu chèo ngày nào trở thành bà lão da dẻ nhăn nheo, tóc trắng như mây.

Mẹ rón rén ngồi xuống salon trong phòng khách, đâu biết mình đang ngồi trên bộ ghế Tây Ban Nha được làm bằng gỗ óc chó của Pháp, gỗ sồi của Brazil. Con giới thiệu mẹ với chú Đặng:

- Đây là mẹ cháu.

Chú Đặng chỉ gật đầu chào lấy lệ, không nhìn vào mặt mẹ:

- Chào chị. Chị mới ngoài Bắc vô?

- Vâng, nhà ông to quá, lần đầu tiên tôi được nhìn thấy ngôi nhà lộng lẫy như vậy.

Giọng của mẹ có hơi hướng cách nói lối trên sân khấu. Nếu tinh ý dễ nhận ra, song trên gương mặt chú vẫn không thể hiện tí cảm xúc nào. Ngay lúc đó có mấy cô váy ngắn, chân dài nà nuột, bước vào, chú vội chạy ra đón khách. Mấy cô chỉ đáng tuổi con chú nhưng lại kêu chú bằng anh, ríu ra ríu rít làm chú quên luôn sự có mặt của mẹ con mình. Bởi vậy, mẹ và chú chỉ nói với nhau được đến đó. Cũng may là mẹ và chú đã không nhận ra nhau.

Lúc ra khỏi cổng nhà chú Đặng, mẹ chép miệng:

- Nghĩ lại thấy thương chú Quang và chú Đặng, họ đã chiến đấu hi sinh để cho cán bộ bây giờ vừa được hưởng hòa bình vừa có cơ hội làm giàu bất chính.

*

- Thôi, anh đừng khóc nhiều nữa, hại đến sức khỏe.

Đứa em trai lay vai tôi nhắc nhở làm tôi sực tỉnh. Tôi bàng hoàng đứng lên, trái tim đau nhói. Thế là chúng tôi không còn được nhìn thấy mẹ nữa ư? Mẹ ơi, sao mẹ đi nhanh thế? Chỉ cách đây có một tuần con ra cùng gia đình ta cải táng cho bố, mẹ vẫn còn khỏe. Chúng con đã xây cho bố một ngôi mả đá chạm khắc tinh xảo nên trông rất uy nghiêm. Mẹ dặn chúng con nên xây sẵn cho mẹ một cái mộ bên cạnh mộ của bố, khi nào mẹ chết thì hỏa thiêu nhưng giữ lại hài cốt bỏ vào cái tiểu sành. Cả đời mẹ luôn phải xa bố, thì nay, mẹ sẽ vĩnh viễn ở bên cạnh bố. Chúng con cũng tiện bề tới thăm hai người. Vâng, chúng con sẽ thực hiện theo ý nguyện của mẹ.

Còn gói quà của chú bộ đội, con xin lỗi mẹ, vì đã không nói hết sự thật. Con xin phép được làm trái lời di chúc của mẹ. Con sẽ đốt gói quà đó gửi mẹ mang theo. Không sớm thì muộn mẹ sẽ gặp lại chú Đặng. Mẹ sẽ có cách ứng xử  với người mà mình luôn coi như em trai, ngóng trông chú từng ngày trở về, nhưng chú đã quên tất cả, quên từ lâu rồi.

Nguồn Văn nghệ 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *