Ống kính phê bình

14/1
8:54 PM 2018

NHÀ VĂN NỮ VÀ THỂ TÀI DU KÝ

TRẦN LÊ HOA TRANH-1. Trong xã hội phong kiến Trung Quốc, đi, trải nghiệm là “đặc quyền, đặc lợi” của đàn ông. Còn phụ nữ, do chịu quan niệm của Nho giáo, nên họ đành chịu phận “cá chậu, chim lồng”, quanh quẩn ra vào nơi “lầu son, gác tía”. Không phải ngẫu nhiên mà thơ Đường có hẳn một dòng “khuê oán”, “cung oán” với giới hạn không gian mặc nhiên cho người phụ nữ.

 Lịch sử văn học Trung Quốc mới chỉ ghi nhận trường hợp “du kí” của nàng Lí Thanh Chiếu (1084-1151). Do thời cuộc đẩy đưa khi nhà Bắc Tống tan rã, nàng lưu lạc, tha hương khắp nơi theo bước đường tấn công của quân Kim và sáng tác từ. Từ khúc của nàng (tiêu biểu là bài Vũ Lăng Xuân) mang hơi thở kỉ hành, âm điệu trầm uất bi thương do gia đình li tán. Tuy vậy, “chủ nghĩa xê dịch” của nàng là do thời thế, chứ không phải tự nguyện.

Xã hội Việt Nam thời phong kiến có mô hình tương tự Trung Quốc, do đó, thể tài văn học du kí cũng chỉ dành cho đàn ông, không dành cho phụ nữ. Bà huyện Thanh Quan và Hồ Xuân Hương là hai ngoại lệ hiếm hoi của thể tài du kí trong văn học trung đại. Bà đi, sáng tác từ thành Thăng Long, (Thăng Long thành hoài cổ), đến tận mảnh đất có thể xem là tận cùng phía Nam lúc bấy giờ: Đèo Ngang (Qua Đèo Ngang). Hồ Xuân Hương ngang tàng, phóng khoáng hơn Bà huyện Thanh Quan. Bà đi hầu hết các địa danh vùng miền đất nước, làm thơ về các nơi chốn đó. Thơ bà, ngoài những nội dung xưa nay thường nói đến như nữ quyền, chống đối lễ giáo phong kiến… còn là thơ kỉ hành, văn học du kí đúng nghĩa. Từ kinh thành Thăng Long, đến chùa Hương, chùa Quán Sứ, đền Trấn Quốc, hang Cắc Cớ, hang Thanh Hóa, đèo Ba Dội, đền thái thú Sầm Nghi Đống… nơi nào đến, Hồ Xuân Hương cũng có thơ vịnh mang phong vị lữ hành.

 2.  Bước sang thời hiện đại, với sự nở rộ và lan mạnh của phong trào nữ quyền trên toàn thế giới, nhiều nhà văn nữ đã chọn cho mình lối sống lang bạt, đi và viết, xem đi là một lẽ sống.

Tam Mao là nhà văn nổi tiếng người Đài Loan với các tác phẩm du kí.  Cả cuộc đời của bà là những chuyến đi qua châu Âu, Mĩ, châu Phi... Dấu ấn những chuyến đi đó được bà lưu lại trong hơn 20 tác phẩm. Những nhân vật nữ của bà tiêu biểu cho hình ảnh phụ nữ Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc từ thập niên 1970 đến 1980, thời kì mà hành trình phiêu lưu đến những vùng hoang mạc xa xôi như Sahara đối với phụ nữ là không phổ biến cho lắm. Tác phẩm của bà có thể kể đến: Tam Mao lưu lãng kí (Kí sự về cuộc lưu lãng của Tam Mao), Sahara đích cố sự (Câu chuyện Sahara), Mộng lí hoa lạc tri đa thiểu (Nằm mộng hoa rụng biết bao nhiêu?), Khốc khấp đích lạc đà (Lạc đà khóc), Vạn thủy thiên sơn tẩu biến (Muôn sông ngàn núi chạy khắp), Vũ quý bất tái lai (Cơn mưa cuối không trở lại), Ngã đích bảo bối (Báu vật của tôi), Tống nễ nhất thất mã (Tiễn anh lên ngựa), Ngã đích khoái lạc thiên đường (Thiên đường vui vẻ của tôi), Lan tự chi ca (Bài ca đảo Hoa Lan), Thanh tuyền cố sự (Câu chuyện suối trong), Lưu tinh vũ (Mưa sao trôi), Tùy tưởng (Suy nghĩ tản mạn)…

Những tác phẩm trên là kinh nghiệm trong việc học hành và cuộc sống của bà ở nước ngoài. Những cuốn sách này bán rất chạy ở cả Đài Loan và Trung Quốc, bà còn có nhiều độc giả hơn sau cái chết kì lạ của mình năm 1991.

An Ni Bảo Bối, với các nick name trên mạng là Anni Baobei, anny baby, anni babe đã trở nên quen thuộc với dòng văn học mạng ở Trung Hoa đại lục. Tất cả tác phẩm của cô như Đảo Tường Vy, Hoa bên bờ, Cuối tháng 8, Giã biệt Vi An, Phút giây trống rỗng, Thất Nguyệt và An Sinh, Chuyện hai ba, Hoa Sen… đều lọt vào danh sách những cuốn sách ăn khách nhất Trung Quốc, phát hành rộng rãi ở Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Đức... tác động sâu sắc tới đông đảo độc giả, luôn nằm trong top 20 tác giả có sách bán chạy nhất Trung Quốc trong 5 năm qua. Truyện của cô thường mô tả đời sống nội tâm thầm kín, những số phận éo le, những con người lang thang, phiêu bạt trong thành phố công nghiệp và hiện đại hóa, tìm kiếm cái tôi trong tình yêu và ảo giác… Tiểu thuyết của cô thường có cấu trúc lan man và cách viết như tạp văn, với những cảm nhận, suy tư, tâm sự của người trẻ cô đơn trong thành phố lớn và lang thang trên những cung đường vô định. Đề tài và con người trong tác phẩm của cô có vẻ phá cách, nổi loạn, nhưng triết lí và văn phong mang chất Á Đông, nhẹ nhàng, mông lung, tĩnh tại, nhân vật thấm đượm tinh thần sabi (cô tịch), lời văn mang nét yugen (u huyền), và man mác một niềm aware (bi cảm) giống như trong văn học cổ điển Nhật Bản. An Ni Bảo Bối thường tạo dựng những kiểu nhân vật rất riêng. Lẩn quất trên trang viết của cô là một kiểu phụ nữ vừa cô đơn, vừa cứng cỏi, phức tạp, đa cảm, lạc loài. Và nhạy cảm. Mỗi nhân vật là một số phận nhưng sự nghiệp, tình yêu hay gia đình đều không phải là nơi trú ngụ an toàn cho họ. Thích đi du lịch, nhưng thực chất là để cô độc trên từng hành trình. Đi để đi. Để không thể dừng. Đó là biểu tượng cho một cuộc hành trình không có đích đến. Đó là sự tìm cách giải thoát của những tâm hồn kiêu hãnh nhưng đầy tự ti. Đi để tìm ra chính mình (identity). Kiểu nhân vật ấy trở thành một điểm nhận biết cho tác phẩm của An Ni Bảo Bối, như phản ảnh một phần tâm trạng đa phức của cô.
 

 


Nhà văn nữ Việt Nam viết du kí bằng chữ quốc ngữ đầu tiên là Huỳnh Thị Bảo Hòa. Là người đất Quảng, bà có một tác phẩm văn học mang chất kỉ hành khá rõ là Bà Nà du kí, một tài liệu quý giá về “mảnh đất vàng” cho hôm nay nghiên cứu và khai thác... Trong tập du kí này, bà kể lại chuyến đi lên Bà Nà vào năm 1931, lúc đó còn hoang sơ, chưa được khai thác, kể tỉ mỉ từ đường đi, cảnh trí, nơi ăn chốn ở, tâm trạng du khách… đúng với phong cách văn chương kỉ hành.

Sau Huỳnh Thị Bảo Hòa, văn học Việt Nam chứng kiến sự nở rộ thể tài du kí của các nhà văn nữ trong thời gian gần đây. Nhiều nhà văn nữ được xem là những “nhà văn xê dịch”, viết văn trên đường đi. Thậm chí, có thể thấy số lượng nhà văn nữ đi nhiều áp đảo cả nhà văn nam, điều này cho thấy phần nào hình ảnh của những người phụ nữ Việt Nam thế hệ mới có tri thức, mạnh mẽ, độc lập, tự tin, khao khát sống và khao khát được thể hiện mình. Họ đang góp phần thay đổi những định kiến bấy lâu nay và khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Đó là Trang Hạ, Ngô Thị Giáng Uyên, Phan Việt (Nước Mĩ, nước Mĩ; Một mình ở châu Âu), Dương Thụy, Di Li (Đảo thiên đường)… Trẻ hơn nữa, có Huyền Chip, người đã làm dấy lên những cuộc tranh luận về tính xác thực liên quan đến cuốn du kí của mình: Xách ba lô lên và đi, Nguyễn Phương Mai (Tôi là một con lừa), Hoàng Yến Anh (Dưới nắng trời châu Âu), Nguyễn Thiên Ngân (Đường còn dài, còn dài)... Họ đều là những nhà văn trẻ, từng đoạt nhiều giải thưởng trong nước (Trang Hạ đoạt giảiVăn học tuổi xanh, Văn học tuổi 20, Giáng Uyên đoạt giải nhất thơ của tạp chí Áo trắng, Dương Thụy đã có ba giải thưởng văn học, Phan Việt được giải nhì cuộc vận động sáng tác văn học tuổi 20 lần 3, Nguyễn Thiên Ngân đoạt giải Văn học tuổi 20 khi mới 16 tuổi...), và có nghề nghiệp ổn định: Trang Hạ là phóng viên, Dương Thụy làm PR cho Công ti dược phẩm Sanofi, Ngô Thị Giáng Uyên làm việc cho tập đoàn dược phẩm Wyeth, Phan Việt là giảng viên đại học tại Mĩ, Nguyễn Thiên Ngân làm copywriter (viết quảng cáo) cho những công ti quảng cáo nổi tiếng như Yahoo, TBWA… Phương Mai là cô gái nổi tiếng, khi ở tuổi 24 đã làm thư kí tòa soạn một tờ báo dành cho tuổi thiếu niên hàng đầu Việt Nam, rồi từ bỏ công việc, địa vị để đi du học, trở thành giảng viên một trường đại học danh tiếng của Hà Lan. Huyền Chip ở tuổi 20 đã từ bỏ công việc mơ ước ở Singapore để đi vòng quanh thế giới chỉ với cái tặc lưỡi “đi bừa đi”...

Trang Hạ, nổi tiếng là một dịch giả văn học mạng, mà đình đám là Xin lỗi em chỉ là con đĩ của Tào Đình. Nhưng cô còn nổi tiếng hơn với bức ảnh nằm dài trên môtô như một tuyên ngôn “đời ta là những chuyến xe” được trưng bày ngạo nghễ trên blog cá nhân. Những đống lửa trên vịnh Tây Tử là tập truyện ngắn mang chất kí sự về những vùng đất cô đã đi qua trên đất Đài Loan. Nơi đó có những con người, cảnh ngộ, và trên hết, là tâm trạng của một người đàn bà mỏng manh, yếu đuối, cô đơn vì đã trót chọn cho mình con đường phiêu lưu không dừng lại, đam mê tự do và khao khát tận hưởng, nhưng cũng sợ bị tổn thương và tuyệt vọng.

Ngô Thị Giáng Uyên đã ghi lại xúc cảm của mình khi đi qua mười bốn nước châu Âu: Anh, Áo, Bỉ, Đức, Hà Lan, Hi Lạp, Liechtenstein, Pháp, Scotland, Tây Ban Nha, Thụy Điển, Thụy Sĩ, xứ Wales, Ý trong những tập bút kí Ngón tay mình còn thơm mùi oải hương, Bánh mì thơm, cà phê đắng... Chất du kí hiện rất rõ trong từng trang viết, đi để lang thang, để ăn những món ăn mình thích, để hít hà mùi cà phê mình ghiền, để chụp những tấm ảnh mình ao ước... Sự giản dị và tự nhiên ấy thu hút người đọc trẻ tuổi, truyền vào trong họ niềm đam mê du khảo, chinh phục và khám phá cuộc sống. Tác giả đem chất nữ tính, tươi trẻ của mình vào trang viết, không triết lí sâu sắc, không nghị luận khô khan, tả mà hóa ra kể, như là viết nhật kí. Với tác giả, ra đi là một cách để nhận ra giá trị đích thực của quê nhà. Nhà là một điểm cố định (biểu tượng của quê hương/ nguồn cội) và ở đầu kia là đất khách, là lữ thứ, du hành. Hiểu như vậy nên chúng ta không ngạc nhiên khi những nhà văn đang ở xa quê nhà thường hay đặt vấn đề, hay bị dằn vặt quay quắt về vấn đề này trong tác phẩm của họ. Quê nhà là một khái niệm có liên quan chặt chẽ đến nhân thân, “Identity is a word full of home” (Nhân thân là một từ đầy ắp nghĩa về quê nhà). Trường hợp các nhân vật trong tiểu thuyết của Dương Thụy và Phan Việt cũng chứng minh điều này.

Dương Thụy, tương tự như Ngô Thị Giáng Uyên, nhận học bổng đi Pháp du học, những khóa du học dài hạn và ngắn hạn tại Bỉ, Pháp, Anh... Sau khi tốt nghiệp, cô làm việc ở một số nước châu Âu. Điều này không chỉ giúp cô trở thành một trong số ít cây bút trẻ có vốn tri thức dày dặn mà còn đủ vốn sống về mảng đề tài mà các nhà văn trong nước rất khó đụng đến: cuộc sống của lưu học sinh. Bước chân cô đặt lên hầu hết các nước châu Âu và một số nước châu Á. Ngoài những tập truyện ngắn, tiểu thuyết lấy bối cảnh nước ngoài như Cáo già, gái già và tiểu thuyết diễm tình, Oxford thương yêu, Bồ câu chung mái vòm, Hành trình những người trẻ, Nhắm mắt thấy Paris, Cung đường vàng nắng... thì Venise và những cuộc tình gondola là tập bút kí du lịch đúng nghĩa khi cô đi qua các nước châu Âu như Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Áo... Viết trong tư thế của một người đi nhiều, học nhiều, ghi chép nhiều, hầu hết tác phẩm của Thụy đều có ít nhiều màu sắc báo chí (Dương Thụy từng làm ở báo Hoa học trò) với nhiều chủ động đưa vào các thông tin về vùng đất, con người, cuộc sống của bối cảnh diễn ra câu chuyện. Qua tác phẩm của mình, cô muốn chia sẻ những tâm tư của một người đi tìm kiến thức ở nơi xa, hạnh phúc nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Tâm trạng của một người trẻ chênh vênh giữa việc làm sao giữ được cá tính dân tộc của mình, nhân dạng của mình (identity) mà vẫn phải hòa nhập với văn hóa các nước khác. Những mối tình khác quốc tịch xuất hiện rất nhiều trong tác phẩm của Dương Thụy (Nhắm mắt thấy Paris, Oxford thương yêu...) và đi kèm với tình yêu luôn là những khác biệt văn hóa (culture shocks). Tình yêu đôi khi giúp vượt qua những khác biệt này, hoặc ngược lại, làm cho nó rõ nét hơn. Đến cuối tác phẩm, bao giờ chúng ta cũng thấy rằng, chỉ có nhờ vào chính bản thân mình, lớn lên, trưởng thành, đi và chiêm nghiệm thì chúng ta mới vượt qua được những khác biệt văn hóa này, chứ không thể trông chờ vào một ai khác.

Nhà văn Phan Việt tốt nghiệp Đại học Ngoại thương Hà Nội, lấy bằng tiến sĩ Đại học Chicago, hiện đang là phó giáo sư, giảng viên đại học tại Mĩ. Cô được nhiều độc giả biết đến với những tập truyện ngắn như Phù phiếm truyện, Nước Mĩ, nước Mĩ, tiểu thuyết Tiếng Người hay gần đây nhất là bộ sách Bất hạnh là một tài sản bao gồm ba cuốn, trong đó Một mình ở châu Âu là cuốn mở đầu. Ngoài công việc giảng dạy tại trường đại học, cô còn viết văn, làm báo, dịch và biên tập sách. Một chủ đề khá thú vị của Phan Việt là việc hòa nhập trên đất lạ. Cuốn Nước Mĩ, nước Mĩcủa cô xoáy vào đề tài này khi tìm hiểu những lưu học sinh sống trên đất Mĩ, hoặc sau khi học xong chọn lựa cuộc sống nơi đất khách quê người. Cuốn Một mình ở châu Âu nằm trong bộ sách Bất hạnh là một tài sản cho chúng ta hình dung ra chủ đề của cô khi kết nối những không gian khác nhau với ý thức tìm kiếm sự tự chủ bản thân của một phụ nữ khi đối mặt với những nỗi sợ hãi, bất hạnh của đời người.

Tóm lại, có thể thấy du kí đang là một trào lưu của các nhà văn nữ. Chỉ khi đi qua những vùng đất, liên tục xê dịch, họ mới thể hiện được những giá trị của bản thân. Như một nhu cầu chia sẻ, những trang viết du kí của họ là một thôi thúc trong tâm hồn muốn khám phá thế giới. Trong thời đại toàn cầu hóa, đặt chân lên nhiều vùng đất khác nhau là một minh chứng cho khái niệm “toàn cầu là một ngôi nhà”, vì cho dù đi nhiều như vậy, nhưng mỗi người vẫn giữ được cá tính của mình, đồng thời làm giàu có, phong phú thêm nhờ vào việc học hỏi người khác. Có đi xa mới nhận chân được tình yêu quê nhà. Có đi xa mới vượt qua được những cú sốc văn hóa mà nếu không đi sẽ không bao giờ hình dung được. Chân dung họ phản ánh một lớp người trẻ xông xáo, năng động, vươn lên, hòa nhập toàn cầu mà vẫn không mất đi bản sắc của mình. Thành công của họ ở đây không nằm ở số lượng bài viết đăng báo hay số lượng sách bán được, mà là khả năng khơi dậy những giấc mơ trong tiềm thức người đọc về những miền đất lạ lẫm và xa xôi, khơi dậy một khát khao chiếm lĩnh và đạt được sự trưởng thành, già dặn thông qua những chuyến đi thử thách. Độc giả sau khi đọc xong những cuốn sách của họ sẽ cảm thấy thôi thúc được chuẩn bị hành lí vào va li, vẫy tay tạm biệt mọi thứ để đến với “nơi nào cũng được, đi đâu cũng được” (Baudelaire) 
 

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *