Ống kính phê bình

21/11
3:33 PM 2018

CHUYỆN CỦA PHÒM – ĐƯỜNG ĐI CỦA MỘT THỂ LOẠI

Trong bức tranh văn học Việt Nam đương đại, chúng ta nhận thấy sự đa dạng và hòa quyện của nhiều thể loại văn học khác nhau, từ thơ đến tiểu thuyết, phóng sự, truyện ngắn, kí...Truyện hài là một lựa chọn độc đáo và nhạy bén của tác giả LaHAN (Đỗ Hàn) để kể câu chuyện về làng và nhân vật Phòm. Đó là vì thời công nghệ 4.0 kĩ thuật số, toàn cầu hóa, con người ta phải đối mặt với cuộc sống vội vã, gấp gáp, không có nhiều thời gian để thưởng thức những tác phẩm quá dài. Hơn nữa, con người cũng phải đối mặt với nhiều áp lực, căng thẳng, vì thế hơn bao giờ hết, họ cần tiếng cười. Tiếng cười để giúp cân bằng, để tái tạo năng lượng tích cực. Cho nên, truyện hài tự bản thân đã phù hợp với những đặc trưng của thời đại. Trong lịch sử văn chương, truyện hài đã từng xuất hiện trong văn học dân gian như truyện Thủ Thiệm, truyện Trạng Quỳnh... Đặc biệt là những câu truyện về Ba Giai Tú Xuất đầu thế kỉ XX nổi tiếng đất Hà Thành. Chuyện làng Phòm độc đáo vì làm hồi sinh tiếng cười trong thời đại mới. Xã hội ở những giai đoạn giao thời luôn là mảnh đất màu mỡ của nhiều hiện thực phi lý, khó tin, kì quặc, nghịch dị cho phép tiếng cười vang lên một cách mạnh mẽ.

“Chuyện của Phòm” tập 2 gồm 31 mẩu truyện nhỏ. Nhân vật chính của truyện là Phòm, trưởng thôn. Đây là kiểu nhân vật hài hước, phản tỉnh với cái nhìn phản biện, sâu sắc, tinh tường về mọi vấn đề của thời đại. Nhân vật Phòm đầy cá tính, với vẻ đẹp trí tuệ, hoạt ngôn. Nếu như Ba Giai, Tú Xuất tập trung vào việc trừng trị và đáp trả với những con người cụ thể cùng những thói xấu của họ thì Phòm của LaHAN luôn quan tâm đến vấn đề quốc sự, việc lớn, nhân tình.

Diễn ngôn của truyện mang tính thời sự, đầy chất hiện thực, đi từ đề tài giáo dục với câu chuyện chạy điểm thi, học quỳ gối đến chuyện y tế, hội nhập toàn cầu hóa, đất đai, đến các vấn đề nhạy cảm như cho thuê đất làm biệt khu… Chọn cách tấn công vào các vấn đề nóng, tiêu cực của xã hội bằng tiếng cười, nhà văn đã thuyết phục người đọc bằng các cung bậc tiếng cười khác nhau. Có tiếng cười nhẹ nhàng, có tiếng cười mỉa mai, có tiếng cười châm biếm sâu cay. Đằng sau tiếng cười ấy là tấm lòng của nhà văn luôn đau đáu với những giá trị chân, thiện, mĩ của con người. 

Cùng với nhân vật Phòm, hình tượng làng Cửa Ao của Phòm được kiến tạo như một không gian nghệ thuật đặc sắc. Đó là kiểu làng của thời toàn cầu hóa. Ngôi làng nhỏ bé của Phòm đổi thay mạnh mẽ trước sự biến đổi của cuộc cách mạng công nghệ. Người dân trong làng ai cũng thông tường mọi sự đang diễn ra từ việc xây tượng đài, đến chuyện đánh thuế nhà đất (Làng Phòm hội nhập), đến thể thao, dịch bệnh, giải phẩu thẩm mĩ săm môi săm mũi, đến công nghệ 4.0, với sự thống trị của robot thay thế mọi hoạt động của con người. Ở đó diễn ra cuộc đấu tranh giữa cái đẹp và cái xấu. Ở đó bên cạnh những người tiến bộ, thức thời như Phòm vẫn còn nhiều những mê tín, những thói xấu. Làng Cửa Ao của Đỗ Hàn gợi chúng ta nhớ đến Làng Mùi của Lỗ Tấn, làng Macondo của Marquez.

Cái hay của Chuyện của Phòm còn nằm ở giọng điệu. Giọng điệu của truyện là giọng giễu nhại, châm biếm, hài hước. Giọng của Phòm nửa đùa, nửa thật, tếu táo mà sâu cay, lắm khi tưng tửng mà triết lí, thấu tình (Quy hoạch người chết, Đảo kiếp, Làm thầy phải thế chứ, Khổ vì sướng…). Ngôn ngữ của nhạc chế, thơ chế tràn ngập trong các mẩu truyện: Ông đây già tóc già râu/Nhưng mà chỗ khác còn lâu mới già. Con kiến mà leo cành đa/Nếu mà tắc tị thì tra gu gồ. Hơn nữa, đó còn là kiểu ngôn ngữ phố phường. Ngôn ngữ mang tính chất sỗ sàng, tục tĩu, chợ búa cũng được tác giả sử dụng để tạo nên tiếng cười: đếch, éo, thế đếch nào được, bỏ mẹ...

Chuyện của Phòm còn có duyên với điện ảnh. Có thể chuyển thành kịch bản điện ảnh làm sơri phim hài nhiều tập về Phòm. Màu sắc điện ảnh thể hiện qua nhiều chi tiết, đối thoại, qua thông điệp mà các câu truyện đặt ra.

Tóm lại, thông qua nhân vật Phòm, một người luôn trăn trở, đau đáu với những vấn đề nóng của thời đại, của đất nước, chúng ta nhận ra nhiều thông điệp mang tính dự báo, giáo dục, nhân văn và sâu sắc mà tác giả muốn gửi đến. Hiện thực cuộc sống đa chiều như những lớp sóng dội vào làng, dội vào Phòm đòi hỏi nhân vật phải bày tỏ chính kiến, quan điểm. Càng đọc càng ngẫm, chúng ta càng yêu mến và trân quý khát vọng đổi mới, khát vọng hướng đến những điều tốt đẹp vượt lên trên cái xấu, cái kệch cỡm, cái giả dối, cái thấp hèn của Phòm và những người dân làng Phòm.

 

                                                                  Đầu tháng 11/2018

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *