Ống kính phê bình

21/5
2:59 PM 2018

MACONDO CỦA MARQUEZ-HIỆN THỰC HUYỀN ẢO

CẤN HẢI VÂN-Trong bảy người của châu Mỹ La tinh đoạt giải Nobel văn chương cho tới giờ, người được tôn vinh năm 1982 được thế giới biết đến và ngưỡng vọng hơn cả. Đó là Gabriel Garcia Marquez (1927-2014), Colombia. Ông là nhà văn đại chúng nhất, đồng cảm cao độ với dân thường và xới lên thiết thực những vấn đề của họ.

Tên tuổi ông gắn liền với chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của văn học Mỹ La tinh. Một trong những biểu hiện của đặc sản ấy là Macondo, thị trấn do ông tưởng tượng trên cơ sở thành phố quê hương ông, Aracataca, được không chỉ nhân dân đất nước ông, mà độc giả nhiều nước trân trọng như một địa chỉ kỳ diệu. Thậm chí, truyền thông và các diến đàn trong và ngoài Colombia có xu hướng thay thế tên Aracataca bằng tên Macondo nữa!...

 

Marquez là anh của một đàn em mười đứa. Đó là thành quả phi thường của một mối tình phi thường. Cha Marquez là một người lai, nhân viên điện báo. Khi biết con gái yêu chàng điện báo viên, ông bà ngoại đã ngăn cấm thẳng thừng. Việc ngăn cấm này có một lý do sâu xa, đó là cha Marquez theo phái bảo thủ, trong khi ông ngoại theo phái tự do, hai phái tranh chấp quyền lực và định hướng đất nước Colombia dai dẳng trong nhiều thập kỷ. Ông ngoại còn cương quyết buộc con gái đi xa khỏi làng quê, để quên người yêu nghèo khổ. Song, trước đây, nếu cha “cưa đổ” mẹ, bởi những bản nhạc dương cầm tuyệt hay khi gần khi xa, bởi những áng thơ tình không thể xúc động hơn được nữa, bởi những bức thư sôi nổi và ám ảnh.., thì bây giờ, cha đánh cho mẹ liên tiếp những bức điện báo cháy bỏng và thổn thức, mẹ không thể cầm lòng. Thế là mẹ, như bị đánh bùa, bất chấp đường sá cách trở và nguy hiểm, bất chấp mưa nắng gió bụi, vẫn tìm về lén lút gặp cha. Chuyện đến tai ông bà, ông đi rình và bắt quả tang con gái phạm lỗi… Song đáng lẽ quát mắng hay đánh đập, ông về bàn cùng bà và  ông bà cho phép hai người nên duyên chồng vợ, dù ông bà không dự cưới. Chuyện tình của cha mẹ về sau được Marquez đưa vào cuốn Tình yêu thời thổ tả, 1985, một kiệt tác sừng sững.

 

Thuở nhỏ, cho đến tám, chín tuổi, ông sống với ông bà ngoại. Ông bà ảnh hưởng sâu sắc đến không chỉ phẩm cách của ông mà cả văn chương của ông nữa. Ông ngoại, một sỹ quan quân đội, theo chủ nghĩa tự do, từng sát cánh cùng nhiều người chung lý tưởng, chiến đấu cho dân chủ của Đất nước Cô-lôm-bia. Nhân cách mẫu mực, hoạt động quân ngũ tích cực và hoạt động xã hội hiệu quả của ông khiến ông nổi tiếng như một anh hùng và được nhân dân Colombia kính trọng. Một chuyện thôi đủ chứng minh cho điều vừa nói. Ấy là ông ngoại không chấp nhận im lặng trước việc các ông chủ Mỹ thẳng tay tàn sát những công nhân trồng chuối trong vùng thành phố nhỏ Aracataca, ngay năm sau năm nhà văn tương lai chào đời. Ông say sưa và cần mẫn thấm nhuần mọi mặt đời sống thời đại và đất nước. Cho nên, ông trờ thành người thầy đích thực của cháu, hàng ngày truyền thụ, không nhất thiết  bằng các bài giảng cụ thể, vô số kiến thức cốt tử, về văn hóa, lịch sử, văn học, nghệ thuật, về nhân tình thế thái, các luật đời, các ứng xử phải lẽ… Ông không quên kết hợp học với hành, sách vở với thực tế, qua những hoạt động ngoại khóa, chả hạn nếu có điều kiện, ông cho cháu đi thăm thú nơi nọ nơi kia, hay gặp gỡ bạn bè với mình. Ông thường xuyên cho cậu đi xem xiếc, nghệ thuật tượng trưng cho dũng cảm, bền bỉ, tỉnh táo và không vụ lợi. Quan trọng không kém, ông là người hướng dẫn cách cư xử “chuẩn không cần chỉnh” cho cháu trong muôn vàn tình huống giao lưu và sống chung, đa phần bất ngờ…

 

Trong những chỉ dạy phong phú và đa dạng của ông, ấn tượng nhất đối với Marquez là, làm người, cần cố tránh lỗi lầm, nhất là không được xúc phạm đồng loại; giết dù chỉ một người là gánh nặng tinh thần khủng khiếp nhất. Từng học hỏi rất nhiều, chịu khó lắng nghe, ông nói năng dễ dàng, câu nào câu nấy đều chí lý, thâm thúy và thú vị. Chuyện gì ông kể, từ chuyện “đánh nhau” (giữa hai phái dân chủ và độc tài) cho đến chuyện con chó hay bông hoa, cũng đều trôi chảy và hấp dẫn lạ thường. Hàng ngày, ông đích thân đưa đón cháu đi học, chuyện cực hiếm không chỉ thời ấy. Đơn giản, chỉ để tránh cho cháu bị bạn bè bắt nạt, hay ngộ nhỡ cháu ngã, hoặc quá ham nghịch ngợm… Hễ cháu rời lớp, ông hầu như bao giờ cũng ở bên cháu, chí ít đề người lớn không trêu cháu quá đà… Đời ông là một cuộc đời đúng nghĩa, nghĩa là hầu như không giây phút nào bị bỏ phí. Bất ngờ ngã khi trèo thang, sức khỏe sụt giảm, ông qua đời ở tuổi 73, dù đáng lẽ,  ông sẽ thọ như bà, 84 tuổi, như cha, 83 tuổi, hoặc như mẹ, tận 97 tuổi. Nếu ông là hình mẫu của Con Người hoàn thiện, thì bà là một phụ họa và bổ sung thiết yếu cho hình mẫu ấy: hóa giải mọi buồn phiền, kiểu “sống chung với lũ”, nhưng không buông xuôi hay đầu hàng. Bà có tài làm bánh. Những phụ nữ cùng làm luôn luôn vui vẻ, vừa hăng say nhào bột, nặn bánh…, vừa háo hức nghe bao nhiêu chuyện, như chuyện cổ tích ngộ nghĩnh của bà. Bánh của bà làm vì vậy ngon hơn hẳn, có lẽ vì thấm đẫm tình nghĩa và niềm vui sống. Đêm đêm, bà vẫn vào chỗ Marquez ngủ, để kể cho cháu nghe những chuyện thần tiên, vừa là chuyện dân gian đã có, vừa là những chuyện bà nghĩ ra, tất cả đều hay lạ lùng. Nhà ông bà, đối với cậu bé, chỗ nào và lúc nào cũng có chuyện cổ, với bao nhiêu hào kiệt, bao nhiêu ma quỷ, bao nhiêu chuyện tử tế, bao nhiêu điềm lành. Lớn lên, nhà văn vỡ lẽ bí quyết kể chuyện của bà: những gì kì dị hay quái đản đến mấy đều được bà thuật lại một cách tỉnh bơ, vì chúng tất nhiên phải thế, vì chúng chẳng có gì bí ẩn. Càng am tường cuộc sống, nhà văn của mai sau càng kinh ngạc về lối sống thiết thực, có lẽ không thể thiết thực hơn, của bà. Đó là sống có ích, quyết không để cho phi lý, bất công, đau khổ, nghèo đói hay mất mát và tổn thương áp đảo hoặc đánh gục. Ông càng sửng sốt vì bà vốn là “dòng dõi” thổ dân bản địa. Cánh nhìn đời và ứng phó với đời đúng đắn như thế là nền tảng của tâm hồn, bản lĩnh và nghị thực hiếm có của Marquez, một trong những tên tuổi đáng trân trọng nhất không chỉ của văn học Colombia, của châu Mỹ la tinh, hay của “Tân thế giới”.

 

Năm 1936, khi ông ngoại đau yếu quá rồi, cha mẹ đón Marquez về ở với mình. Dù cuộc mưu sinh cho một đàn con sáu, bảy đứa là vô cùng khắc nghiệt. Cậu bé biết thân biết phận, chăm chỉ học tập, luôn luôn là học sinh xuất sắc. Ý định trở thành nhà văn xuất hiện. Đơn thuần, cậu muốn chia sẻ với mọi người những kinh nghiệm sống, trước hết là của ông bà. Việc đạt tới văn chương là không đơn giản và đòi hỏi nhiều thời gian cùng nỗ lực bền bỉ. Ông vừa học vừa tập viết báo. Báo chí đồng hành với ông suốt đời. Do hoàn cảnh khách quan, trường đại học luật mà ông đang học bị đóng cửa, ông kiên định tự học. Dĩ nhiên, tự học văn chương là quan trọng hơn cả. Năm 20 tuổi, ông bắt đầu có bài đăng báo, lên án bất công và ca ngợi những con người lẫy lừng của Đất nước. Ông cộng tác với nhiều tòa báo trong và ngoài Cô-lôm-bia. Về sau, ông làm chủ bút một số tờ. Năm 1955, quyển tiểu thuyết đầu tay ra đời, Những chiếc lá trong gió lốc. Một thất bại! Sách mãi mới bán được vài trăm bản. Cùng năm đó, để tránh sự bức hại của chế độ độc tài quân sự vừa thắng thế, ông nhận lời làm phóng viên thường trú cho một tờ báo và sang Lục địa già. Ở đây, ông tranh thủ đi đây đi đó rất nhiều, dù đời sống vật chất bấp bênh, không ít lần phải nhịn đói. Năm 1961, ông quay về không phải Tổ quốc quê hương mà Mexico, như bến đỗ bình yên cho phần lớn quãng đời còn lại. Lao động cật lực cho việc phản ánh và lý giải những biến động bất tận của chính trị xã hội, chủ yếu của Mỹ La tinh, ông vẫn  miệt mài suy nghĩ cho những tác phẩm văn chương mong mỏi. Điều thần kỳ hiện ra đột ngột: việc gì phải bóp trán suy nghĩ quá nhiều, việc gì phải đi khắp nơi như lần trong mê lộ; hãy về với gia đình và xứ sở của mình, với những gì mình thân thuộc như máu thịt. Và ông run lên khi nhớ lại những ngày thơ ấu với ông bà, khi nhớ lại chuyện buồn của nơi chôn nhau cắt rốn. Vùng quê ông, thuộc duyên hải biển Caribe, đất thích hợp với cây chuối, giao thông bằng đường sông thuận lợi vô cùng. Người Mỹ đánh hơi thấy “vàng bạc” ở đó và từ đầu thế kỷ 20, họ đã đến mở các đồn điền chuối, mà người làm toàn là dân bản địa. Mấy ngàn công nhân! Có điều, các ông chủ Mỹ trịch thượng, cho dân Colombia chỉ là công cụ làm giàu cho họ. Bị bạc đãi, công nhân lên tiếng đòi quyền lợi chính đáng. Giới chủ tỏ ra lì lợm. Công nhân cảnh cáo nhiều lần rằng nếu các ông chủ Hoa Kỳ không thực thi các quyền lao động hợp pháp của họ, họ sẽ tổng đình công. Thông tin rò rỉ, rằng ngày 5 tháng 12 năm 1928, tỉnh trưởng tỉnh Magdalena sẽ tới nghe nguyện vọng của công nhân trồng chuối. Thế là từ sáng sớm, hàng nghìn người lao động đã tụ tập trước cửa ga, để chờ. Lo sợ một cuộc xô xát, các chủ đồn điền nhờ quân đội can thiệp. Một viên tướng điều hàng trăm lính tới và ra tối hậu thư: trong năm phút, nếu công nhân không giải tán, sẽ cho dùng biện pháp mạnh. Biện pháp này đã xảy ra, và hơn một nghìn người đã bị bắn chết…Các ông chủ Mỹ đã phải bỏ của chạy lấy người. Từ đó, khu kinh tế đầy triển vọng co mình lại và biệt lập hẳn với thế giới bên ngoài rộng lớn. Khu ấy nghèo dần đi và hoang tàn đến thảm hại.

 

Ấy là cội nguồn của Trăm năm cô đơn, 1967, bộ tiểu thuyết hay nhất của Garcia Marquez, một trong những tiểu thuyết hút hồn nhất toàn cầu. Chỉ riêng lượng phát hành, Trăm năm cô đơn đã ngang ngửa với vài bộ bán chạy nhất mọi thời đại, chừng 50 triệu bản, như Giết con chim nhại, 1960, của nữ nhà văn Hoa Kỳ Harper Lee, sinh năm 1926, hay Đồi Watership Down, 1972, của Richard Adams (1920-2016), cây bút kỳ lạ của Xứ sở sương mù. Trăm năm cô đơn là những thăng trầm điển hình của một gia đình từ khởi nghiệp tới tiêu vong, qua sáu thế hệ. Họ quá tự tin, tự mãn, sống khép kín, nên xa lạ với mọi biến động của thế giới bên ngoài, tự tha hóa dần dần mà không hay biết. Sự thật lịch sử cơ bản của toàn nhân loại đã được phát lộ đầy thuyết phục: cổ kim đông tây, bất cứ cá nhân hay cộng đồng nào cũng không thể sống riêng lẻ, tất cả phải hòa hợp, nếu không sẽ thành quái vật và tự tiêu diệt. Chân lý đó trước sau cũng lộ ra trong tâm trí người đọc, qua muôn mặt xã hội, cụ thể và trừu tượng, thường nhật và muôn đời, đạo đức và thực dụng, phi lý và phải lẽ, bi hùng và hài nhát, nụ cười và nước mắt, phũ phàng và thơ mộng, nhói đau và bay bổng,… chẳng khác đời thực.

 

Trăm năm cô đơn là hiện tượng kết hợp thành công mỹ mãn nhất của văn chương loài người, giữa các loại hình nghệ thuật, các thể loại văn học, các âm điệu thẩm mỹ. Chưa từng có nữa chuyện một thị trấn hư cấu, Macondo, nơi diễn ra chuyện Trăm năm cô đơn, lại được coi là thực hơn, quyến rũ hơn thành phố nhỏ “nguyên mẫu” có thực, Aracataca, nơi ông bà ngoại cư ngụ, nơi Marquez chào đời, nơi ngôi nhà xưa của ông bà trở thành Bảo tàng Garcia Marquez hiện nay, một địa chỉ du lịch Colombia mến thương hàng đầu. Nơi đây từng nghe vang lên 80 phát đại bác chào mừng nhà văn lên lão 80, năm 2007. Nơi đây, nhà nào, không phân biệt giàu nghèo, người nào, không phân biệt tuổi tác, cũng có những kỷ niệm riêng vô cùng yêu dấu với Gabo, với Gabito, với “Con trai ông điện báo viên”, những biệt danh thân thương mà công chúng tặng cho cây bút đã làm nên một bộ cổ tích kỳ ảo cho họ. Nơi đây, nhiều nghệ sỹ đủ kiểu tình nguyện làm hướng dẫn viên cho du khách tới thăm Bảo tàng Marquez và “Macondo”. Nơi đây nhiều thầy cô giáo văn học tình nguyện giảng giải thường kỳ cho các em nhỏ các tác phẩm và cuộc đời của công dân Colombia được coi là Victor Hugo (1802-1885) của họ. Cũng như tác giả của Những người khốn khổ, tác giả của Trăm năm cô đơn được hưởng quốc tang khi tạ thế năm 2014.

 

NGUỒN: VĂN NGHỆ, 17+18/2018

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *