Nhà văn - Tác phẩm

1/12
2:21 PM 2017

CHUYÊN MỤC NHÀ VĂN-TÁC PHẨM: NHÀ VĂN HẢI TRIỀU

Đỗ Ngọc Yên “Hải Triều: Trọn đời vì lý luận văn nghệ cách mạng”. Nói đến cái tên Hải Triều là người ta nghĩ ngay đến một nhà lý luận mác xít về văn chương, nghệ thuật, chính trị, kinh tế, xã hội và các vấn đề quốc tế những năm đầu thế kỷ XX. Ông như thể trời sinh ra chỉ để làm một việc duy nhất là suốt đời đấu tranh không mệt mỏi cho sự toàn thắng của chủ nghĩa Marx ở Việt Nam.

                                                         Nhà văn Hải Triều

Điều ấy thể hiện trong hai cuộc bút chiến nảy lửa giữa ông với Phan Khôi và giữa ông với Hoài Thanh, Thiếu Sơn và Lưu Trọng Lư  và qua hàng trăm bài in trên các báo thời bấy giờ. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt I, năm 1996.

*

Hải Triều tên thật là Nguyễn Khoa Văn, sinh ngày 1/10/1908, tại làng An Cựu, ngoại thành phố Huế. Quê gốc của ông ở xã Lê Lợi, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Hải Triều là dòng dõi nhà quan Nội tán Nguyễn Khoa Đăng. Bố ông là nhà nho Nguyễn Khoa Tùng, từng làm nghị viên Viện Dân biểu Trung Kỳ. Mẹ là nữ sĩ Đạm Phương, từng hoạt động bênh vực quyền lợi phụ nữ và nhi đồng. Lớn lên, Hải Triều học ở trường Quốc học Huế, nhưng bị đuổi học vì tham gia các phong trào thanh niên yêu nước lúc bấy giờ.

Ông bắt đầu tham gia viết báo với bút danh Nam Xích Tử (chàng trai Nam đỏ) và bắt đầu gây ấn tượng qua những bài phê phán chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn. Năm 1930, ông ra Hà Tĩnh họp hội nghị toàn quốc Đông Dương cộng sản liên đoàn, sau đó ông bị Pháp bắt rồi được tha. Tháng 6 năm 1930, ông được kết nạp vào Đảng Cộng Sản Đông Dương và được cử vào công tác tại Tỉnh ủy Thừa Thiên. Tháng 8, ông vào công tác ở Sài Gòn và tham gia thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, viết bài cho báo Cờ đỏ. Năm 1931, ông bị bắt ở Sài Gòn và bị kết án 9 năm khổ sai, 8 năm quản thúc. Nhưng đến tháng 7 năm 1932, ông được trả tự do.

 Sau khi ra tù, Nguyễn Khoa Văn mở hiệu sách báo Hương Giang ở Huế và đồng thời bắt đầu viết cho báo Đông Phương dưới bút danh mới Hải Triều. Ông ngày càng gây tiếng vang qua những cuộc tranh luận với Phan Khôi trên các báo Đông Phương, Phụ nữ tân tiến... Tháng 8 năm 1940, ông bị chính quyền Pháp bắt đi an trí tại Phong Điền cho mãi đến tháng 3 năm 1945 mới được trả tự do. Ngay sau khi ra tù được 5 tháng, ông tham gia cướp chính quyền ở Huế.

Sau Cách mạng tháng 8, ông làm Giám đốc Sở Tuyên truyền Trung bộ, rồi làm Giám đốc Sở Tuyên truyền Liên khu IV trong kháng chiến chống Pháp. Thời gian này ông hoạt động chủ yếu là tuyên truyền, phổ biến chủ nghĩa Marx. Ông làm chi hội trưởng Chi hội nghiên cứu chủ nghĩa Marx, chủ nhiệm tạp chí Tìm hiểu.

Bình sinh Hải Triều viết không nhiều sách, mà chủ yếu là viết báo với các bài bút chiến. Trước Cách mạng tháng Tám, ông đã cho xuất bản một số cuốn: Duy tâm hay duy vật (1936), Văn sĩ và xã hội (1937), Chủ nghĩa Mac xít phổ thông (1938). Có thể nói, đây là những tác phẩm đầu tiên trong lịch sử xuất bản Việt Nam về việc tuyên truyền và phổ biến chủ nghĩa Mác trên quan điểm duy vật. Sau khi ông mất, những bài viết của ông được sưu tầm và biên soạn, xuất bản trong các cuốn sách Về văn học và nghệ thuật (1965), Hải Triều- tác phẩm (1987), Hải Triều toàn tập (2 tập -1996). Hải Triều hoạt động chủ yếu trên lĩnh vực lý luận chính trị trong nước cũng như quốc tế và văn chương- nghệ thuật. Ông mất ngày 6 tháng 8 năm 1954 tại Thanh Hóa, khi mới 46 tuổi.

*

Nhưng có lẽ tên tuổi ông thực sự nổi bật trên văn đàn lúc bấy giờ qua cuộc tranh luận vừa dài nhất (1935-1939), vừa lớn nhất trong lịch sử văn chương nước nhà những năm cuối thập niên 30, thế kỷ XX về Nghệ thuật vị nghệ thuật hay Nghệ thuật vị nhân sinh với hai nhà phê bình Hoài Thanh và Thiếu Sơn, cùng nhà thơ Lưu Trọng Lư. Đây là một cuộc bút chiến lý luận văn học đích thực lúc bấy giờ. Chính Hải Triều là người châm ngòi cho cuộc bút chiến đó, khi ông phản bác lại bài Hai cái quan niệm về văn học của Thiếu Sơn.

Tiếp đến ông phản bác kịch liệt ý kiến của Hoài Thanh và Thiếu Sơn về truyện Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan. Ông đánh giá cao giá trị nội dung của cuốn truyện, đã mở một kỷ nguyên mới cho cái tư triều văn nghệ tả thiệt và xã hội ở nước ta. Từ cuộc tranh luận về Kép Tư Bền, sau đó mở rộng ra thành tranh luận giữa hai phái Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh. Đương nhiên, Hải Triều là người đứng đầu phái Nghệ thuật vị nhân sinh. Ông đề cao giá trị nhân sinh của những tác phẩm như Kép Tư Bền, hay tác phẩm Lầm than của Lan Khai, đồng thời kịch liệt phê phán quan niệm Nghệ thuật vị nghệ thuật, khi Thiếu Sơn khẳng định: “hầu hết văn chương nước nào cũng đều lấy nghệ thuật làm gốc. Không nói đâu xa, nói ngay ở nước Pháp, ta cũng thấy rằng danh tiếng của một nhà trứ thuật là nhờ ở văn hơn là ở học, nhờ ở trí sáng tạo hơn là ở việc khảo cứu… Song rồi đây, theo luật tiến hóa, ở văn học sử Việt Nam cũng sẽ như văn học các nước, những công trình sáng tạo thì còn mà những công trình khảo cứu sẽ chết... (!?) (1)

Theo Hải Triều, nghệ thuật là vì nhân sinh và không thể đặt ra ngoài nhân sinh và xã hội, đặt nghệ thuật ra ngoài nhân sinh là nguỵ biên, phi lý và gian trá. Ông cũng đả kích những sáng tác lãng mạn xa rời thực tế, gọi là thứ văn chương “thần bí, dâm ô, phản động của giai cấp phú hào”.

Cuộc bút chiến giữa hai phái tưởng chừng như bị rơi vào im lặng thì trên báo Tràng An, số 35, ngày 28-6-1935, có đăng bài của Hoài Thanh Nhân xem quyển Kép Tư Bền: Nguyễn Công Hoan, nhà văn có nhiều hy vọng, phê bình tập truyện ngắn đầu tay của nhà văn này. Trong bài viết, Hoài Thanh khen tài quan sát và tài kể chuyện của Nguyễn Công Hoan: Nguyễn Công hoan thực đã dày công quan sát người, những việc ở xung quanh mình…Tôi tưởng tượng Nguyễn Công Hoan là một người có đôi mắt tinh anh lắm, tò mò lắm…Cốt truyện không quan hệ cho lắm, quan hệ là ở cách kể chuyện. Nguyễn Công Hoan đã khéo lấy những điều quan sát có ý vị lấp vào những cốt truyện không có gì. Đó là cái đặc sắc của ông….

Ngay sau đấy, trên báo Sống, số 21, ngày 3-7-1935, Thiếu Sơn có bài Phê bình Kép Tư Bền. Bài này được đăng lại trên Tiểu thuyết thứ bảy, số 61, ngày 27- 7- 1935. Theo quan điểm của Thiếu Sơn tác giả Kép Tư Bền ưa nói đến bề trái của xã hội, ưa vẽ đến những cảnh thương tâm, ưa tả đến những người khốn nạn, ưa phanh phui bày tỏ những cái hèn kém, xấu xa, gian tà, độc ác của người đời. Mặc dù Thiếu Sơn vẫn khen Nguyễn Công Hoan: Cái đặc sắc của Nguyễn Công Hoan là ở chỗ ông biết quan sát những cái ở xung quanh mình, biết kiếm ra những chuyện tức cười, biết vẽ người bằng những cách ngộ nghĩnh thần tình, biết vấn đáp bằng những giọng hoạt kê lý thú và biết kết cấu thành nên những tấn bi hài kịch.

Ngay lập tức quan điểm này của Thiếu Sơn bị Hải Triều phản bác lại kịch liệt.  Ở xứ này muốn chủ trương một vấn đề gì mà đến khi tìm vài cái chứng chỉ thiết thực về xã hội, thật nhiều khi không biết vớ vào đâu. Tôi nhận thấy ở nước ta, trong văn học giới đã bắt đầu có cái trào lưu “nghệ thuật vị dân sinh” tôi đã thừa nhiều cơ hội để khởi đến nó và đã có khen bút chiến với ông Thiếu Sơn về vấn đề ấy. Nhưng đến khi ai hỏi tôi cái tư triều văn nghệ vị nhân sinh ở nước ta đâu nào? Thật tôi cũng thấy lúng túng mà không biết kiếm đâu cho ra một cái chứng cớ đích xác. Nhưng đến ngày nay, tôi có thể tự đắc mà nói rằng: Có rồi, có rồi ông cứ xem quyển Kép Tư Bền đi. Cái chủ trương “nghệ thuật vị nhân sinh của tôi ngày nay, đã biểu hiện bằng những bức tranh rất linh hoạt dưới ngọn bút tài tình của nhà văn sĩ Nguyễn Công Hoan mà người ta đã tặng cho cái tên hay hay là Nhà văn của hạng người khốn nạn (2).

Bài viết Văn chương là văn chương của Hoài Thanh đã đăng trên báo Tràng An ngày 11-8-1935: Khi thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật lẽ cố nhiên phải để nghệ thuật lên trên, lẽ cố nhiên phải chú ý đến cái đẹp trước khi chú ý đến những tính cách phụ, những hình thức tạm thời của nó, trong đó Hoài Thanh còn trích dẫn một vài đoạn của Andre Gide, mà ông ta đã đọc tại Hội nghị Quốc tế các nhà văn ở Paris ngày 22-6-1935. Ngay lập tức trên báo Tin Văn, số 6, ngày 1-9-1935, Hai Triều cho đăng bài Nghệ thuật và sự sinh hoạt xã hội: Nói đến cái đẹp trong nghệ thuật, mà ông chỉ chú ý có một phương diện về hình thức… thì đã có gì là nghệ thuật đâu? Không, ông ạ, khi nói đến nghệ thuật, ông phải chú ý đến cả hai phần: hình thức (forme) và nội dung (fond). Hai cái phân tích ấy nó đắp đổi, nó bồi bổ cho nhau, không có cái nào là thực thụ, cái nào là tạm thời, cái nào là chính thức, cái nào là phụ thuộc. Cuối cùng Hải Triều chê Hoài Thanh trích dẫn Gide mà không hiểu hết ý của Gide.

Tuy nhiên quan điểm văn chương là văn chương của Hoài Thanh đã thể hiện rõ ở Thi nhân Việt Nam vào năm 1941, tức sau khi cuộc bút chiến dường như đã nguôi đi, mặc dù trước đấy trên báo Tràng An ngày 29- 10- 1935, Hoài Thanh đã tuyên bố: Không viết bài đăng báo để tranh luận nữa, vì …lặp đi lặp lại những điều trờ trờ ra trước mắt thì viết làm gì mất công. Như gần đây trong bao nhiêu bài phê bình quyển Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan tôi chỉ thấy có bài của ông Hải Triều là còn có một hai chỗ đặc sắc, tuy ông Hải Triều không đứng về phương diện văn chương. 

Tuy đây là câu chuyện cách chúng ta hai phần ba thế kỷ, nhưng nội dung của nó dường như lúc nào cũng mới, ngay cả đến tận bây giờ khi có không ít nhà văn, nhà thơ vẫn mãi khư khư ôm trong mình quan niệm văn dĩ tải đạo, mà không dám nói lên những điều mình quan sát thấy và những suy nghĩ cá nhân, vì sợ sai.

*

Khi giữ bút danh Nam Xích Tử, ông đã viết các bài báo Cuộc chiến tranh thế giới sau này, Phê bình chủ nghĩa Tam dân... và dịch Tư bản của Karl Marx trên báo Kỳ Lân và Thanh niên Hồng ký. Ông được coi là người người đầu tiên ở Việt Nam phê bình chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn.

Dù bước lên văn đàn khá sớm, nhưng cái tên Hải Triều được mọi người biết đến nhiều qua cuộc tranh luận với Phan Khôi về Chủ nghĩa duy tâm hay Chủ nghĩa duy vật. Trong cuộc tranh luận này, bằng những lập luận của mình, Hải Triều cho rằng ông Phan Khôi không hiểu André Gide, rằng ông Phan Khôi là một người duy tâm, không phải là người duy vật,...

Qua các bài viết, Hải Triều kêu gọi những nhà văn có chung quan điểm với mình là: Con đường của chúng ta đã vạch ra, chúng ta cứ quả quyết mà tiến tới. Sau lưng chúng ta đã sẵn có một nhân loại mới mẻ mạnh bạo với những ý tưởng, những tình cảm lớn lao hơn sẽ làm hậu thuẫn cho chúng ta. Ông có những câu nói khá nổi tiếng lúc bấy giờ mà sau này những người theo quan điểm của ông đã nhập tâm và rất tự hào: Đời tôi chiến đấu cho nghệ thuật và văn chương cách mạng. Hay: Văn chương của giai cấp vô sản tất là văn chương tả thực tả thực xã hội vậy.

Tác giả Hồ Xanh trong cuốn Hải Triều - Nhà lý luận tiên phong viết về Hải Triều như sau: Giữa lúc xã hội ta đang nhập nhoạng trong bức màn hoàng hôn: những học giả phú hào đang thuốc phiện bạn trẻ, những văn sĩ mơ mộng đang thôi miên kẻ yếu bóng vía và bọn mê tín đang ê a, cúng cóc dắt quần chúng xuống địa ngục Aty, thì ông Hải Triều, một nhà văn xã hội cho ra cuốn Duy tâm hay là duy vật tức là một chiếc máy thu thanh, ông đã thu tiếng sóng dồn dập nhân loại phương Tây từ đầu Thế kỷ 19 (3).

Trong bài  bút chiến với Thiếu Sơn, Hải Triều khẳng định: Ngày nay cái phái chủ trương văn học là siêu nhiên bạt tục, thường cả hơi lớn tiếng hô hào thuyết “lấy nghệ thuật làm nghệ thuật” (l’art pour l’art). Cái thuyết ấy cực kỳ phi lý, vì cái dụng ý của nó là để văn học ra ngoài sự tiến hóa của nhân sinh. Những tác phẩm của họ thường không dính dấp gì đến trào lưu của lịch sử, hiện trạng của xã hội; cái “không dính dấp” ấy không có nghĩa, vì những tác phẩm “bông lông” ấy là cái sản vật của một nền kinh tế đã đình trệ, sắp mục nát, nền văn học mới hóa ra là một món đồ chơi tạm thời, riêng cho một số người (4).

Trong tác phẩm Chủ nghĩa Mác và Văn hoá Việt Nam, đồng chí Trường Chinh đã nhận xét: Đồng chí Hải Triều đã làm cho chủ nghĩa duy vật thắng chủ nghĩa duy tâm, quan điểm nghệ thuật vị nhân sinh đánh bại quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật (5).

Vào thời điểm lúc bấy giờ, nhà lý luận Hải Triều đã có công lớn trong việc truyền bá Chủ nghĩa Mác đến với nhiều tầng lớp nhân dân Việt Nam, định hướng và thôi thúc họ đứng lên lật đổ chế độ thực dân phong kiến, nguyên nhân sâu xa khiến nhân dân ta khổ cực, bần cùng.

Tuy nhiên về khía cạnh văn chương và học thuật, ở vào thời điểm lịch sử mà nhận thức chung của chúng ta về chủ nghĩa Mác, cũng như về văn chương, nghệ thuật còn nhiều hạn chế, thậm chí có khi là lệch lạc và méo mó. Nhưng trước yêu cầu đấu tranh giải phóng dân tộc có sức hút mạnh mẽ, áp đảo các nhu cầu khác, nên văn chương, nghệ thuật trở thành công cụ tuyên truyền cho chính trị. Vì thế không ít các quan điểm về văn chương, nghệ thuật lúc bấy giờ đôi khi trở nên giáo điều và xơ cứng là điều khó tránh khỏi. Những quan điểm của Hải Triều dẫu sao cũng có tính lịch sử, nên nó không thể nào tránh khỏi những hạn chế do lịch sử khách quan đem lại. Đấy là điều mà hôm nay chúng ta cần phải có một thái độ nghiêm túc, khách quan và khoa học khi tiếp thu những di sản mà ông để lại./.  

………………………..

Tham khảo:

(1), (2), (4) . Xem: vi.wikipedia.org/wiki/ Hải Triều‎, Thiếu Sơn, Hoài Thanh 

(3). Xem: Hải triều- Nhà lý luận tiên phong. Viện Văn học, Nxb Chính trị quốc gia, 2005

(5). Xem:daitudien.net/van...“Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”- Báo cáo của Trường Chinh, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, tại Đại hội văn hóa toàn quốc lần II, tháng 7.1948.

 

 

 

 

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *