Nhà văn - Tác phẩm

28/11
6:58 PM 2017

CHUYÊN MỤC NHÀ VĂN-TÁC PHẨM: NHÀ VĂN ANH ĐỨC

Đỗ Ngọc Yên “Anh Đức: Người luôn có thần may mắn đi cùng”.Nhà văn Anh Đức, tên thật là Bùi Đức Ái, sinh ngày 5 tháng 5 năm 1935 tại xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Ông rời gia đình, vào chiến khu tham gia lực lượng kháng chiến ở miền Nam từ khi còn ở tuổi vị thành niên. Năm lên 18 tuổi (1953), ông được điều về làm ở báo Cứu quốc Nam Bộ.

                                     Nhà văn Anh Đức

Người đầu tiên được coi là đã phát hiện ra năng khiếu văn chương của Bùi Đức Ái là nhà văn Đoàn Giỏi. Từ năm 20 tuổi, Bùi Đức Ái bắt đầu tập viết văn. Ông từng đề nghị Đoàn Giỏi, một nhà văn đàn anh, xem và nhận xét những tác phẩm của mình.

*

Sau đó, năm 1954, Anh Đức tập kết ra Bắc. Trong 8 năm ở miền Bắc, ông vẫn lấy bút danh Bùi Đức Ái cho các tác phẩm của mình. Thời gian này ông được gặp và tiếp xúc với nhiều nhà văn lớn đàn anh tại Hà Nội. Theo phân công của Hội NVVN lúc bấy giờ, mỗi nhà văn có kinh nghiệm giúp đỡ, truyền đạt kiến thức, đọc và góp ý bản thảo cho một cây bút trẻ miền Nam tập kết. Người được giao kèm cặp Bùi Đức Ái chính là nhà văn gạo cội Nguyễn Huy Tưởng.

Ngoài ra, Bùi Đức Ái được cử đi thực tế nhiều nơi, viết một số truyện ngắn nhưng không thật nổi bật cho đến khi ông gặp bà Nguyễn Thị Huỳnh, một phụ nữ từng hoạt động trong lực lượng kháng chiến ở miền Nam cũng tập kết ra Bắc. Nhờ cuộc gặp gỡ này, ông viết Một truyện chép ở bệnh viện. Tập truyện được đón nhận rộng rãi và trở thành một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của ông sau này.

Cánh cửa vào văn chương dường như bắt đầu hé mở, đã có hứa hẹn, nhưng chặng đường phía trước còn dài và cam go. Sau này, những truyện ngắn ấy được tập hợp thành tập truyện ngắn lấy tên Biển động và được nhận Giải thưởng văn học Cửu Long.

 Từ khi trở lại miền Nam, ông bắt đầu lấy bút danh mới là Anh Đức. Trải qua thời gian rèn luyện nghề văn tại miền Bắc, khi tiếp cận với thực tế cuộc chiến ở chiến trường miền Nam, Anh Đức viết một loạt hồi ký, được chú ý nhất là loạt ký sự trong Bức thư Cà Mau. Dưới hình thức trao đổi văn học qua thư với nhà văn Nguyễn Tuân, Anh Đức phản ánh thực tế sống và chiến đấu của lực lượng kháng chiến tại Cà Mâu và nhiều vùng khác của miền Nam Việt Nam. Cũng trong thời gian này, ông đến Kiên Giang và viết tác phẩm có lẽ là nổi tiếng nhất của ông, tiểu thuyết Hòn Đất. Tác phẩm đã mang về cho Anh Đức Giải thưởng văn học Nguyễn Đình Chiểu.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), Anh Đức về sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông tiếp tục viết một số truyện ngắn như Người khách đến thăm vườn nhà tôi, Cái bàn bỏ trống, Miền sóng vỗ. Tuy nhiên những truyện ông viết sau này dường như chưa đủ đô nên ít gây được ấn tượng đối với công chúng văn chương cả nước thời kỳ sau giải phóng.

Anh Đức từng làm Tổng Biên tập tạp chí Văn nghệ giải phóng, Ủy viên Ban thư ký Hội nhà văn Việt Nam, Ủy viên Ban thư ký Hội nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh; Tổng Biên tập tạp chí Văn, Ủy viên Đảng đoàn Hội NVVN các khóa II và III, đại biểu quốc hội khóa VII....

Cuộc đời cầm bút của Bùi Đức Ái- Anh Đức đã để lại một khối lượng tác phẩm khá lớn như: Biển động (1952); Lão anh hùng dưới hầm bí mật (1956); Một chuyện chép ở Bệnh viện (1958), được lấy làm kịch bản cho phim truyện Chị tư Hậu (1962); Biển xa (1960); Bức thư Cà Mau (1965); Hòn Đất (1966), được lấy làm kịch bản cho phim truyện Chị Sứ. (1983); ‘Giấc mơ ông lão vườn chim” (1970); Đứa con của đất (1976); Miền sóng vỗ (1985),…Ông đã nhận được các giải thưởng: Giải nhất truyện ngắn của tạp chí Văn nghệ (1958); Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu (truyện, 1965); Giải thưởng Hồ  Chí Minh về Văn học- Nghệ thuật, đợt II, năm 2001.

Các tác phẩm văn chương của ông đã được trích giảng dạy trong nhà trường ở các bậc học phổ thông và đại học nhiều năm liền như: Một chuyện chép ở Bệnh viện; Bức thư Cà Mau, Hòn Đất; Giấc mơ ông lão vườn chim,…

*

Có thể nói người có công đầu phát hiện năng khiếu văn chương của Bùi Đức Ái là tác giải của Đất rừng phương Nam, nhà văn Đoàn Giỏi. Thời kháng chiến chống Pháp, một người vừa làm báo, vừa viết văn ở chiến khu như Bùi Đức Ái còn hiếm hoi đến mức chưa đủ đếm trên đầu ngón tay. Khi ấy, Bùi Đức Ái vừa làm báo Cứu Quốc của Nam bộ, vừa tập viết văn. Cứ viết được một truyện là anh tân binh văn chương Bùi Đức Ái, rụt rè đưa cho nhà văn Đoàn Giỏi. Ông lánh ra một cái chòi giữa rừng cắm cúi đọc, càng đọc càng ngạc nhiên, sung sướng. Giữa đêm khuya Đoàn Giỏi đến lay Anh Đức: Cậu viết rất được, bỏ đi vài cái yếu là in được thành tập chững chạc.

Thế rồi ngày tháng qua mau, hòa bình lập lại ở miền Bắc, Bùi Đức Ái ra tập kết. Trong các nhà văn miền Nam tập kết ra Bắc thì Bùi Đức Ái là một trường hợp đặc biệt. Bởi lẽ ông là một trong số ít người chưa hề bước chân vào bất kỳ một trường, trại sáng tác văn chương nào. Trường Viết văn Nguyễn Du, Học viện Văn học Gorky, các lớp bồi dưỡng sáng tác ngắn hạn dành cho nhà văn trẻ,… ông chưa hề đặt chân đến.

Cũng cần phải nói thêm rằng, đối với sáng tác văn chương, trường lớp đào tạo là rất cần thiết, nhưng không phải tất cả những người qua các trường ấy đều có thể sáng tác tốt, đều có thể trở thành những nhà văn tên tuổi, mà đôi khi còn ngược lại. Còn việc một người chưa qua các trường lớp đào tạo như Bùi Đức Ái mà có những thành công trên con đường sáng tác của mình, vấn đề lại nằm ở chỗ khác và luôn là câu chuyện dài chưa biết bao giờ mới có hồi kết. Với trường hợp cụ thể này, như trên đã nói, Bùi Đức Ái luôn có thần may mắn đi cùng hộ mệnh ông.

Mới 17 tuổi, chẳng cần qua trường lớp đào tạo nào sất, Bùi Đức Ái đã có trong tay tập truyện ngắn gồm 8 truyện, mang tên Biển động và được nhận giải thưởng văn học Cửu Long. Nhà văn Nguyễn Công Hoan thật có lý khi ông nói đại ý rằng: Muốn tập bơi thì hãy nhảy xuống nước, chứ không thể ngồi trên bờ học lý thuyết về bơi thì chẳng bao giờ biết bơi cả. Dù không được ngồi trên ghế nhà trường đào tạo viết văn, nhưng Bùi Đức Ái đã nhận được sự chỉ bảo chân tình của các bậc đàn anh trong làng văn. Trong Hồi ký Con đường chúng tôi đi qua, nhà văn Anh Đức đã chia sẻ: Thành thật mà nói, thời gian ở miền Bắc tôi được học hỏi rất nhiều, nhưng không phải học ở trường vì tôi chưa hề kịp dự một trường trại viết văn nào. Tôi học ở sách, ở các người như: Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Chế Lan Viên, Tô Hoài, Nguyễn Đình Thi, Bùi Hiển, Kim Lân, Xuân Diệu, Tú Mỡ…

*

Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng được Hội NVVN phân công kèm cặp Anh Đức trong 8 năm tập kết ở miền Bắc. Cái mà ông học được ở nhà văn này, trước khi tiếp nhận kinh nghiệm sáng tác, là nhân cách của nhà văn lớn Nguyễn Huy Tưởng. Bởi lẽ ông Nguyễn Huy Tưởng là một nhà văn chân chính, cẩn trọng, trung thực trong thái độ làm việc và cách cư xử hàng ngày. Sau chuyến đi thực tế năm 1958, nhà văn Anh Đức đọc cho Nguyễn Huy Tưởng nghe truyện ngắn Người gác đèn biển với tâm trạng lo lắng, hồi hộp. Nghe đọc xong, Nguyễn Huy Tưởng thốt lên rất khẽ: Truyện được đấy, rất có hơi thở của thơ. Cậu nên đi vào hướng đó!

Một trong những người mà Anh Đức hết sức kính trọng là nhà văn Nguyễn Tuân. Đặc biệt khi nhà văn Nguyễn Tuân vừa nói như vừa căn dặn rằng: Trong sáng tác không có già trẻ gì hết, mỗi anh đều có cái sự sinh của mình, biết đâu cái thằng trẻ nó bật ra những cái bất ngờ mà mình không có được. Điều ấy ngay lập tức như là một tín hiệu xóa bỏ những mặc cảm tự ti cho cây bút trẻ như Anh Đức. Âu cũng là cách mà bác Nguyễn muốn Anh Đức mạnh dạn và tiến bộ hơn. Cho đến khi Anh Đức viết được vài truyện ngắn khá hay, bác Nguyễn đã buông những từ  được cho là hiếm hoi: văn viết có cựa, có giọng riêng, giọng miệt vườn.

Ấn tượng về hình ảnh bác Nguyễn trong tâm trí Anh Đức như một người anh cả về khía cạnh tình cảm và cả trong văn nghiệp. Mối tơ duyên ấy càng trở nên sâu đậm hơn khi Anh Đức vào lại chiến trường miền Nam, vì nó đã làm nảy sinh tới 12 bài ký dưới dạng những bức thư gửi cho nhau, chân thật, sinh động, hấp dẫn đăng trên báo Văn nghệ. Những bài ký ấy là tiêu biểu cho tiếng nói của nhà văn hai miền Nam- Bắc ca ngợi vẻ đẹp tinh thần quật khởi của quân dân miền Nam và nói lên khát vọng độc lập, thống nhất của nhân dân ta.

Trong tám năm sống trên đất Bắc, nhà văn Anh Đức đã có nhiều chuyến đi thực tế. Ông cùng nhà văn Bùi Hiển đi Cao Bằng, Lạng Sơn, cùng nhà thơ Hoàng Minh Châu đi Quảng Bình và cùng nhà văn Nguyên Hồng đi Hải Phòng. Tác giả của Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu rất chu đáo, cẩn trọng trao đổi kinh nghiệm với nhà văn trẻ. Khi Anh Đức hỏi: Tôi thấy ông Gorky bảo mở đầu một truyện ngắn không nên là một câu đối thoại, anh Hồng thấy thế nào. Ngẫm ngợi một lát, Nguyên Hồng trả lời: Mình cũng có đọc thấy ông Gorky nói thế, nhưng theo mình không nhất thiết phải như thế miễn sau đó ta miêu tả ngay cái tình huống phát ra lời thoại đó

Các nhà thơ như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Tố Hữu đều rất quý Anh Đức. Nghe lời khuyên của Xuân Diệu sau khi đọc truyện ngắn Con cá song, Anh Đức, gửi truyện ngắn tham dự cuộc thi truyện ngắn trên Tạp chí Văn nghệ đang diễn ra. Và Con cá song  đã được tặng giải nhất cuộc thi. Nhà thơ Chế Lan Viên còn làm ông mối cho nhà văn Anh Đức với cô Loan, khi ấy là thủ thư của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Còn nhà thơ Tố Hữu khi nhận được tiểu thuyết Hòn Đất của Anh Đức từ miền Nam gửi ra, ông đã góp ý Không thể để bà Cà Xợi trực tiếp giết con mình là Xăm, dù đó là một tên ác ôn…. Nhà văn Anh Đức đã sửa lại chi tiết này. Khi tiểu thuyết Hòn Đất ra đời, nhà phê bình văn học Hoài Thanh cũng hồ hởi ca ngợi bằng một bài viết trên Tạp chí Văn học với tựa đề Hòn Đất, hòn ngọc.

Về vấn đề truyền thống và cách tân, hiện đại, khi có một số người lên tiếng phủ nhận tính kế thừa của văn học, trong Hồi ký Con đường chúng tôi đã đi qua của mình, nhà văn Anh Đức gay gắt: Tôi không bao giờ quan niệm văn học lại có thể cắt rời truyền thống, không có trước có sau. Gần đây tôi thực sự ngạc nhiên về một số ý kiến cổ súy cho sự cắt rời, lại còn kêu gọi đừng chịu ảnh hưởng áp lực của thế hệ viết trước. Tôi không hiểu đó là áp lực gì. Đã là một người cầm bút, người ấy phải đủ trí tuệ để phân định dở, hay rồi toàn quyền tiếp nhận hoặc gác bỏ, chứ không chịu áp lực của ai cả…

Nói như vậy, tuy không hẳn là sai, nhất là đối với trường hợp của nhà văn Anh Đức. Trong làng văn Việt hiện đại ít người được hưởng ấn sủng, mưa móc từ các bậc đàn anh như ông. Nhưng cũng còn một thực tế khác là một số  nhà văn đi trước thường sử dụng uy tín về tuổi tác, văn nghiệp, quyền lực cá nhân (nếu có) để phán xét tác phẩm của những cây viết trẻ, khiến họ nản chí, ấm ức vì tính công bằng nhiều khi bị lấn át bởi tình cảm thân sơ hay lợi ích nhóm. Điều này thường xuyên xảy ra trong các cuộc bình xét giải thưởng thường niên hay giải thưởng của các cuộc thi. Đấy chính là áp lực mà một số nhà văn gạo cội, nhất là những người sống bảo thủ, gia trưởng không chịu đổi mới mình, chỉ coi giới trẻ như là con cháu trong nhà, hay là người dưới quyền nên thường dùng quyền huynh thế phụ để vừa phán xét, vừa quát nạt các cây viết trẻ hôm nay. Thế mới có chuyện các cây viết trẻ lên tiếng đòi đoạn tuyệt áp lực đối với thế hệ trước là điều khó tránh khỏi và âu cũng là chuyện thường tình./.

 

 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *